Chắc hẳn ba mẹ không mấy xa lạ với cụm từ “con nhà người ta” và bắt gặp không ít những lời so sánh dù là vô tình hay hữu ý như:
– Sao con mình không nặng cân bằng con nhà bà A?
– Cháu bà B đã biết nói “bà bà” rồi mà sao cháu mình vẫn im thin thít?…
Và hàng trăm các vấn đề khác của con đang được đem ra so sánh mỗi ngày
Theo các chuyên gia, so sánh trẻ này với trẻ khác là điều tuyệt đối không nên làm. Mỗi bạn nhỏ thực sự là một điều đặc biệt, có những cột mốc và tốc độ phát triển khác nhau.
Ngoài việc tự tạo cho bản thân một áp lực lớn về nuôi dạy con cái, so sánh con mình với “con nhà người ta” có thể gây những tổn thương về tâm lý và ảnh hưởng đến sự phát triển của con.
Áp lực tâm lý
Trẻ sẽ cảm thấy gánh nặng tâm lý nếu liên tục khi bị so sánh. Ba mẹ không nên gây áp lực để bé phải thể hiện thật tốt, trẻ sẽ rất dễ lo lắng và mất ngủ.
Ảnh hưởng đến lòng tự trọng của con
Ai nói con trẻ thì không có lòng tự trọng. Chẳng ai lại không tự ái khi liên tục bị so sánh với người khác. Lòng tự ti xuất phát từ thời thơ ấu, vì vậy, tránh làm trẻ cảm thấy mình thua kém người khác. Bạn không muốn trẻ tự cao và kiêu ngạo, nhưng cũng đừng làm trẻ cảm thấy vô dụng và vô giá trị.
Xấu hổ khi giao tiếp
Một đứa trẻ luôn bị so sánh sẽ có thiên hướng tránh giao tiếp với người khác, thậm chí là cả ba mẹ, người thân trong gia đình.
Tạo thái độ bất cần
Nếu tài năng hoặc thành tích của trẻ không được công nhận, bé thậm chí sẽ không muốn làm vui lòng ba mẹ nữa. Đơn giản vì bạn rõ ràng ủng hộ người khác có kết quả ấn tượng hơn.
Làm trẻ trở nên kiêu căng
Ngược lại, việc so sánh một cách quá tích cực về con mình với người khác cũng làm trẻ trở nên kiêu căng, tự phụ. Bạn có muốn con mình lớn lên và luôn nghĩ rằng chúng là siêu sao, là trung tâm của vũ trụ? Khen ngợi là tốt, nhưng đừng làm quá đến mức khiến trẻ nghĩ rằng, chúng giỏi hơn người khác rất nhiều.
Giữ khoảng cách với ba mẹ
Việc con luôn giữ thái độ tiêu cực chống đối lại bạn khi bị đưa ra so sánh chứng tỏ bé cảm thấy không hài lòng với ba mẹ. Từ đó, bé sẽ tạo khoảng cách với gia đình. Con cũng cảm thấy cô đơn, lạc lõng. Nếu kéo dài tình trạng này, cảm xúc tiêu cực có thể ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển tính cách con về sau.
Mỗi đứa trẻ đều có một nhịp phát triển riêng
Thời thơ ấu không phải là một cuộc chạy đua đến đỉnh cao. Ba mẹ luôn nhớ rằng nên để con phát triển theo nhịp độ riêng của mình. Không có thời gian biểu cho sự phát triển của một đứa trẻ, vì vậy đừng lo lắng khi con bạn không bằng con người khác.
Chẳng có một cán cân nào có thể cân đo đong đếm được 1 đứa trẻ sẽ cần bao nhiêu yêu thương, quan tâm, lắng nghe và tôn trọng từ khi sinh ra cho đến lúc trưởng thành.
Nuôi dạy một em bé hạnh phúc bằng sự bao dung, tin tưởng, khuyến khích và động viên; và đặc biệt cho phép con được học hỏi từ sai lầm để trẻ tự học cách khôn lớn và trưởng thành ba mẹ nhé!
Trẻ con sẽ lớn rất nhanh!