Phản kháng tâm lý: tại sao bạn cảm thấy khó chịu khi bị người khác kêu làm việc mình định làm?

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng ít nhất một lần rơi vào tình huống: khi đang tự nguyện đứng lên làm việc nhà, thì lời nhắc nhở của nhị vị phụ huynh vang lên ngay lập tức khiến bạn cảm thấy khó chịu, thậm chí là… dỗi và không muốn đụng vào việc đó nữa!
Đó chính là phản kháng (reactance) – một hiệu ứng tâm lý được đặt tên bởi nhà tâm lý học Jack Brehm vào năm 1966.
Nói một cách đơn giản, phản kháng (reactance) là một động cơ tâm lý khiến chúng ta cảm thấy khó chịu/ức chế khi phải đối mặt với những yếu tố có khả năng đe dọa đến sự tự do được hành động theo ý muốn của cá nhân.
Những yếu tố trên có thể là các quy định, đề nghị, cá nhân, quy tắc, yêu cầu…
Điều đó có nghĩa là gì? Đầu tiên, con người luôn có một niềm tin “mãnh liệt” rằng họ có sự tự do trong việc quyết định hành động của bản thân.
Tuy nhiên, sẽ có nhiều lúc niềm tin này bị lung lay bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, bất khả kháng không thể làm khác được.
Khi ấy, phản kháng tâm lý sẽ xuất hiện, trở thành một động lực vô cùng khó chịu do chính cá nhân tạo ra nhằm giành lại sự tự do mà họ nghĩ là đang bị đe dọa.
Quay trở lại với tình huống ở đầu bài viết, thì việc tự nguyện đi dọn dẹp nhà cửa đã được chúng ta coi là một hành động do chính bản thân tự do quyết định, tự do làm chủ và chiếm thế chủ động.
Tuy nhiên, lời nhắc nhở của phụ huynh khiến ta cảm thấy như bị “hẫng tay trên”, đe dọa mất đi sự tự chủ trong quyết định của mình!
Sau đó, phản kháng sẽ xuất hiện và làm bạn mất hứng thú, khó chịu tức giận và trở nên chán ghét với những việc mà mình đang định làm.
VẬY, LÀM CÁCH NÀO ĐỂ “LỢI DỤNG” ĐỘNG CƠ PHẢN KHÁNG NÀY?
Đó chính là nghịch đảo tâm lý (reverse psychology). Đây là thủ thuật thường được các nhà tâm lý học sử dụng để điều khiến người khác làm theo điều mà họ muốn bằng cách gợi ý/thuyết phục họ một điều ngược lại hoàn toàn với điều đó.
Đây là một thủ thuật hiệu quả để điều khiển và thao túng hành động của người khác!
Bằng cách làm ngược lại với điều mà bạn muốn người khác làm, họ sẽ tin rằng bản thân họ đang làm chủ hành động của mình; rằng họ làm vậy bởi vì họ muốn vậy, chứ không phải là do bị người khác sai bảo làm vậy.
Nhưng trên thực tế, những người này đang bị thao túng bằng cách lợi dụng phản kháng tâm lý. Người bị thao túng thường không biết điều gì đang thực sự xảy ra.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *