Quan điểm cho rằng Tây Sơn là ngụy triều là quan điểm chính thức của triều đại phong kiến cuối cùng nước ta, triều Nguyễn, được lưu hành trong khoảng 100 năm.
Đến cuối thế kỷ 19, khi Pháp chiếm Nam kỳ làm thuộc địa, Bắc Kỳ trở thành xứ bảo hộ và Ngai vàng ở Huế trở thành bù nhìn của mẫu quốc thì người ta mới bắt đầu “xét lại” và gỡ bỏ cái quan niệm ngụy triều cho Tây Sơn.
Người đầu tiên làm việc này có lẽ là danh Nho miền Bắc, tiến sĩ Đặng Xuân Bảng, phê phán quan điểm chính thống đó và xét lại vị thế 15 năm của nhà Tây Sơn.
Khi lên ngôi vua, Nguyễn Ánh đã ra lệnh tiêu hủy và phá hoại toàn bộ dấu tích của nhà Tây Sơn từ công trình, ấn tín, tiền đã phát hành đến cả thư tịch sách vở … và có vẻ như là khá thành công. Ngay cả ở Phú Xuân nơi Quang Trung từng đóng đô, các đền đài dinh thự cũng đã bị đập đi xây lại toàn bộ, ở Bắc Hà những công trình của Khang Công Nguyễn Quang Thùy xây lại cũng như những tòa dinh thự thời Tây Sơn đều bị đập bỏ.
“Nhà vua (Nguyễn Ánh) đã thả tất cả nhà cửa của các quan, tướng địch cho cướp bóc. Tôi rất tức giận chuyện này; vì bọn lính đã đập phá tất cả những gì dưới tầm tay của chúng, có những dinh cơ, tuy làm theo lối Trung Quốc, nhưng đối với Paris có thể là một lâu đài tráng lệ, với vườn cảnh, trồng đầy cây lạ, những bình sứ Nhật Bản. Sự trả thù của nhà vua dẫn đến kết quả như thế”. (Thư Barisy viết cho Marquini và Létondal, trên tầu Thoại Phụng, ngày 16/7/1801, BAVH, 1926, IV, t. 400-406).
Năm Minh Mạng thứ 3, Minh mạng ra lệnh hủy nốt chiếc ấn cuối cùng còn sót lại của thời Tây Sơn (Làm bằng vàng nặng 1.048 lạng, 2 đồng 2 phân) còn sót lại trong kho:
“Hoàng khảo (tức Nguyễn Ánh) ta xưa dẹp giặc Tây Sơn, thu được hết ấn ngụy, nay ở kho hãy còn một quả. Trẫm nghĩ Hoàng Khảo ta, công đức rực rỡ trong sử sách không cần cái ấy cũng đã tỏ rõ võ công. Vả lại như đôn của nhà Thương, Đỉnh của nhà Chu, truyền làm của báu cho đời thì được, chứ đây là vật tiếm ngụy thì để lại làm gì. Hủy đi”
Điều này lần nữa xác nhận việc hủy hoại ấn tín tài liệu được thi hành rất quy mô và triệt để.
Tuy rằng 6 năm sau đó, tức 1828, Minh Mạng có xuống chiếu để thu thập tài liệu về thời Tây Sơn:
… Sai bộ Lễ tự hỏi những việc cũ của Ngụy Tây (tức Tây Sơn). Vua (Minh Mạng) bảo Phan Huy Thực rằng: “Khi mới đại định, thu nhặt được văn thư sách vở của Tây Sơn rất nhiều, ý trẫm cho là vô dụng nên sai đốt hết cả. Nay lại nghĩ, chúng tuy bội nghịch, thành tựu cũng chẳng có gì đáng kể, song cũng là dấu tích một đời, kho sách chứa cất không nên có thiếu sót. Nên tư giấy cho Bắc Thành, hỏi khắp các cố gia và sĩ thứ ai có ghi chép được việc cũ của Tây Sơn từ năm Bình Ngọ trở đi, năm Nhâm Tuất trở lại, phàm một chính một lệnh hoặc chiếu sắc tấu sớ, cùng mọi điều nhỏ mọn chúng đã làm không nệ kỵ húy hay lời văn quê mùa, hết thảy đem nộp sẽ lượng khen thưởng”
Tuy nhiên, qua 2 đời Gia Long Minh Mạng với những nghiêm lệnh phá hủy thư tịch cất chứa thời Tây Sơn, tư liệu đã chẳng còn mấy.
Hơn nữa, dân chúng cũng chẳng dám xác định đây là lấy để lưu trữ hay lấy để hủy nốt cho bằng sạch và phạt tội những người lưu giữ nên hiệu quả việc này cũng chẳng tới đâu. Hiện tại tài liệu hiện vật của nhà Nguyễn được chính quyền phục dựng, lưu trữ khá nhiều nhưng tư liệu về thời Tây Sơn được nhà Nguyễn lưu trữ tuyệt nhiên không có.
Việc biên chép về thời Tây Sơn cũng được làm rất sơ sài và sau thời gian diễn ra sự việc rất lâu. Trong bản tựa của cuốn Việt sử cương mục Tiết Yếu có đề: “Đến như sự tích thời Tây Sơn thì hồi đầu bản triều Gia Long đã có chiếu tiêu hủy hết. Vào năm Tự Đức, quan ngự sử Bùi Đình Trí dâng sớ xin sai quan biên soạn, sau vì có việc lại thôi.”
Điều này chứng tỏ rằng, việc ghi chép và biên soạn về triều Tây Sơn của nhà Nguyễn chỉ được thực hiện từ thời Tự Đức trở về sau khi các sự kiện đã trải qua gần nửa thế kỷ, với phần lớn tài liệu đã bị hủy hoại, không chỉ một lần mà nhiều lần do lệnh trực tiếp từ triều đình.
Việc biên soạn này có vẻ cũng là một công tác bất đắc dĩ và thứ yếu qua loa cho xong chuyện để lấp vào khoảng trống lịch sử 15 năm cốt để làm nổi bật lên cái tính “thiên mệnh” của nhà Nguyễn là chính, toàn bộ phần nói về Tây Sơn chỉ gói gọn vài chục trang trong công trình độ sộ hàng chục ngàn trang sử của nhà Nguyễn.
“ … Tới năm Tự Đức thứ 5 (1852) bộ Tiền biên liệt truyện làm xong, phụng chỉ kế tiếp làm bộ Đệ nhất kỷ chính biên liệt truyện, các viên ở sử quán lúc ấy, tham bổ khảo xét đính chính, chia ra từng mực, biên thành từng loại. Đầu là truyện của Hậu phi, thứ là Hoàng tử, công chúa, thứ nữa là bề tôi, thứ nữa là người có hạnh có nghĩa, và các liệt nữ, cuối rốt chép phụ thêm các truyện về bọn tiếm thiết và việc nước ngoài …”
Tức là việc biên chép về “Ngụy Tây” chỉ là một công tác phụ của phụ của phụ của các sử quan nhà Nguyễn mà thôi.
======================================
Điều này dẫn đến việc là triều đại Tây Sơn tuy chỉ cách đây 200 năm nhưng qua một quá trình xóa bỏ công phu của triều đình, tư liệu và hiện vật về triều đại này đã trở nên rất đỗi mơ hồ.
Việc xét lại, hay xét tới xét lui triều đại này, dù là khen hay là chê thì ngoại trừ một số sự kiện rất rõ ràng thì còn lại đều bao hàm rất nhiều phỏng đoán và thiếu sót.