Những hiểu lầm hay gặp về sự kiện Diệt chủng Rwanda.

Nạn diệt chủng Rwanda năm 1994 được nhắc tới khá nhiều trên cả truyền thông, phim ảnh hay cả sách giáo khoa. Tuy nhiên, nhắc nhiều không đồng nghĩa với ít hiểu nhầm, thiếu sót. Dưới đây là một số những ngộ nhận hay gặp theo quan điểm của người viết:

1/ Người Hutu và Tutsi có lịch sử xung đột lâu dài?

Không hẳn (chứ không phải là sai). Bởi vì không nhiều tài liệu ghi nhận xung đột giữa các tộc người Hutu và Tutsi ở Rwanda trước khi người châu Âu khám phá ra Rwanda. Các nhà truyền giáo đầu tiên là người Đức, sau đó là người Bỉ thám hiểm Rwanda thậm chí còn ngạc nhiên khi thấy 3 tộc người khác nhau rõ ràng là Hutu, Tutsi và Twa lại nói cùng một thứ tiếng (sau này gọi là Kinyarwanda). Các điều tra nhân chủng học sau đó cũng chỉ ra nguồn gốc khác nhau của các dân tộc này: người Twa là dân bản địa, người Hutu gốc Congo và Tutsi gốc Ethiopia, nhưng việc họ nói chung 1 ngôn ngữ thì không giải thích được.

Vậy từ khi nào các dân tộc này trở nên đối đầu? Người ta cho rằng các chính sách từ thời thực dân Bỉ (tức là sau Thế chiến thứ 1 khi Bỉ chiếm Rwanda từ tay Đức). Người Bỉ cai trị đã trao nhiều đặc quyền cho người Tutsi, do cho rằng họ thông minh hơn, và ''giống người châu Âu hơn'' – mũi cao, trán rộng, cao lớn, mắt to,… Nhưng việc phân biệt đâu là người Hutu và Tutsi không đơn giản, nhất là trong các gia đình hòa huyết giữa 2 dân tộc. Vậy nên người Bỉ chọn cách ''thủ công'': đo mũi và mắt. Những người có mũi cao và mắt giống người châu Âu đều được tính là người Tutsi, bất chấp trong gia đình họ có người Hutu đi nữa. Thậm chí có những khu vực các quan chức tham nhũng đặt ra quy chuẩn sắc tộc dựa trên… số gia súc. Những người có nhiều gia súc mặc nhiên được coi là người Tutsi, hưởng các đặc quyền xã hội. Vì điều này mà nhiều tệ nạn đã xảy ra trong xã hội Rwanda để cướp được số gia súc lớn. Nhưng người ta nhận thấy điều này lại gây ra sự chênh lệch ngày càng lớn, vì người Tutsi ngày càng sở hữu nhiều gia súc hơn.

Từ năm 1935, chứng minh thư của người Rwanda ghi rõ dân tộc của họ.

2/ Nạn diệt chủng 1994 ở Rwanda là duy nhất?

Sai. Các sự kiện ở Rwanda không bao giờ đứng một mình mà liên hệ mật thiết với các sự kiện ở 4 quốc gia vùng Hồ Lớn châu Phi là: Rwanda, Burundi, Uganda và Zaire (nay là CHDC Congo). Và tại 2 quốc gia, Rwanda và Burundi, đã có tới 4 sự kiện được gọi là ''diệt chủng''. Chi tiết sẽ không nêu hết ra trong bài này vì đã có bài viết đầy đủ trước đây. Nhưng cơ bản về các sự kiện đó là:

-Diệt chủng Rwanda 1959: diễn ra trước khi Rwanda độc lập khỏi Bỉ. Các cuộc bạo loạn giết chết hơn 20.000 người Tutsi và khiến 336.000 người Tutsi chạy khỏi đất nước đến các nước láng giềng Uganda, Zaire và Tanzania. Khi rời đi, người Tutsi đã mang theo phần lớn số gia súc của đất nước Rwanda, chật kín các cửa khẩu biên giới với Uganda. Đây cũng chính là sự kiện tạo ra các cộng đồng người Rwanda tị nạn ở các nước láng giềng, mà sau này dân số lên tới hàng triệu người.

-Diệt chủng Burundi 1972: diễn ra khi nhà độc tài quân sự Michel Micombero, người Tutsi, tàn sát người Hutu và chôn sống 20.000 học sinh, giáo viên Hutu trong các trường học.

-Diệt chủng Burundi 1993: diễn ra ngay trước diệt chủng Rwanda nhưng bị lãng quên. Hơn 300.000 người Tutsi bị sát hại sau vụ ám sát Tổng thống dân cử người Hutu, nghi do quân đội người Tutsi đứng sau.

-Diệt chủng Rwanda 1994: không cần phải nói nhiều nữa. Hơn 800.000 người Tutsi bị sát hại sau khi máy bay chở Tổng thống người Hutu bị bắn rơi.

3/Người Tutsi là nạn nhân duy nhất? Những bức ảnh dòng người tị nạn là người Tutsi?

Sai. Có khoảng 800.000 người Tutsi bị giết trong sự kiện diệt chủng Rwanda năm 1994. Nhưng con số người chết toàn bộ lại lên tới gần 1 triệu người. Vậy chênh lệch này ở đâu ra?

Đó là con số ước tính số người Hutu ôn hòa bị những kẻ cực đoan sát hại do chống lại việc giết chóc người Tutsi. Ngoài ra còn hơn 10.000 người Twa bản địa cũng bị sát hại (trong tổng số 30.000 người Twa). Số người chết do đói khát, bệnh tật và trong cuộc chiến đang diễn ra lúc đó (Nội chiến Rwanda) cũng được tính.

Còn về các bức ảnh dòng người tị nạn đông đúc ở Rwanda năm 1994. Khẳng định: người Tutsi không còn đông như vậy để tị nạn. Người ta tính toán chỉ còn chừng 15.000 người Tutsi sống sót trong nước Rwanda sau nạn diệt chủng. Tuy nhiên, con số này chưa tính người Tutsi ở các nước láng giềng, chính là lực lượng đã tấn công lật đổ chính quyền Hutu để chấm dứt nạn diệt chủng.

Vậy hàng dài người tị nạn mà chúng ta thấy trong các bức ảnh là từ đâu? Đó chính là 2 triệu người Hutu đã bỏ chạy khỏi đất nước do lo sợ bị trả thù sau khi người Tutsi chiếm được chính quyền. Họ lo sợ nếu ở lại Rwanda, số người chết có thể sẽ là 3 triệu chứ không phải 1 triệu.

4/ Quốc tế không làm gì trong diệt chủng Rwanda?

Tổng thống Mỹ Clinton sau này có xin lỗi người dân Rwanda vì đã không can thiệp trong sự kiện ở Rwanda 1994. Nhưng dựa vào lời xin lỗi của Tổng thống Mỹ để kết luận như: ''cộng đồng quốc tế đứng nhìn diệt chủng'' hay ''Liên hợp quốc là con rối của phương Tây'' là biểu hiện của người ấu trĩ bị dắt mũi.

Thực tế lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc là những người đổ máu đầu tiên trong cuộc diệt chủng. Vào đêm trước khi các cuộc giết chóc người Tutsi bắt đầu, các phiến quân Hutu đã ''dằn mặt'' lính Liên Hợp Quốc bằng cách bắt cóc và sát hại dã man 10 lính gìn giữ hòa bình người Bỉ. Sự mất tích bí ẩn và cái chết bi thảm của 10 người lính này làm lực lượng Liên hợp quốc bối rối và không kịp triển khai lực lượng phản ứng kịp thời khi các cuộc thảm sát diễn ra ngày hôm sau.

Khi cuộc diệt chủng diễn ra, bất chấp những nỗ lực ngăn cản, có thêm 5 binh sĩ LHQ gồm 3 người Ghana, 1 người Uruguay và 1 người Senegal thiệt mạng nhưng vẫn không ngăn nổi hàng trăm nghìn kẻ sát nhân người Hutu xuống tay sát hại người Tutsi.

Cuối cùng, người ta đã cố tình lờ đi vai trò của quân đội Pháp trong sự kiện này. Nói rõ ràng, nếu không có quân đội Pháp, thì số người chết trong sự kiện diệt chủng Rwanda sẽ là 3 triệu chứ không phải 1 triệu!

Nghe quen quen? Chính là đoạn 2 triệu người Hutu bỏ chạy do sợ bị trả thù. 2 triệu người này có thể đã không còn đường chạy thoát nếu quân đội Pháp không thiết lập ''Vùng ngọc Lam'' ở phía Tây Nam Rwanda. ''Vùng ngọc Lam'' là một vùng do Quân đội Pháp lập ra, chiesm 1/5 diện tích Rwanda để những người Hutu chạy trốn tìm đến an toàn. Dù dự tính đủ chỗ cho 150.000 người, nhưng con số sau đó lên tới 2 triệu người tị nạn khiến quân đội Pháp phải kêu gọi đồng minh Zaire của họ mở cửa biên giới cho người tị nạn tràn vào.

Thực chất vai trò của quân đội Pháp trong sự kiện diệt chủng Rwanda là một điều gây tranh cãi. Đó là do trong khi người ta dành sự thương cảm cho người Tutsi, coi họ là nạn nhân, thì Pháp lại là đồng minh chống lưng cho chính phủ người Hutu của Rwanda trước sự kiện diệt chủng. Điều này khiến nhiều người quy nước Pháp ''đồng lõa'' với thủ phạm, dù người Pháp không giết một người Tutsi nào. Nhưng sau tất cả, hành động cứu 2 triệu người Hutu của quân đội Pháp vẫn là một hành động tích cực về mặt nhân đạo, làm cho số người chết không tăng lên 3 triệu người.

5/ Sự thù địch có chấm dứt sau năm 1994?

Không. Ít nhất nó phải kéo dài đến năm 2003.

Các sự kiện được coi là nối dài của diệt chủng Rwanda, lại không diễn ra trên lãnh thổ Rwanda. Nó diễn ra trên lãnh thổ Congo, chính là 2 cuộc chiến tranh Congo. Dù không phải là nguyên nhân chính, những các ảnh hưởng của diệt chủng Rwanda lại đóng vai trò xúc tác quan trọng và trực tiếp dẫn đến chiến tranh ở Congo.

Nguyên nhân của việc này bắt đầu từ những việc diễn ra cách nhau hơn 30 năm. Đầu tiên là năm 1959, khi người Tutsi ồ ạt bỏ chạy khỏi Rwanda, mang theo tài sản và gia súc. Những người này nhờ số tài sản lớn đã định cư trên lãnh thổ Congo, với dân số sau này lên tới hàng triệu người. Họ tự gọi mình là ''Bunyamalengi'' để phân biệt với người Tutsi trong nước Rwanda.

Cũng trong những năm 1960, những người Cộng sản Congo nổi dậy trong chiến tranh Lạnh. Cuộc nổi dậy của họ bị đánh bại năm 1965, nhưng nhiều người Cộng sản Congo đã chạy sang các nước láng giềng chờ thời cơ. Một trong số đó là Laurent Kabila, một người từng chiến đấu bên cạnh Che Guevara ở Congo.

Vậy nên năm 1994, khi 2 triệu người Hutu tràn vào Zaire (tên cũ của Congo lúc đó), tình hình Congo trở nên hỗn loạn. Hơn nữa, những người Hutu còn tổ chức vũ trang tấn công trở lại Rwanda và cả những người Tutsi trong lãnh thổ Congo. Để chấm dứt các cuộc tấn công này, tổng thống người Tutsi – Paul Kagame- của Rwanda đã tấn công qua biên giới Congo dẹp bỏ các trại tị nạn người Hutu. Nhưng trong cuộc tấn công, Kagame đã kéo theo những người Cộng sản Congo cũ của Laurent Kabila.

Trong khi quân Rwanda dừng lại ở phía Đông Congo, quân đội của Kabila đã tiến xa hơn về phía Tây để lật đổ nhà độc tài thân Pháp của Congo – Mobutu Sese Seko – người đã nắm quyền từ năm 1965. Đến năm 1997, Kabila đã lật đổ thành công Mobutu, chấm dứt chế độ độc tài, thành lập nước Cộng hòa dân chủ Congo như ngày nay. Công cuộc lật đổ Mobutu của Kabila gọi là ''Chiến tranh Congo lần 1''.

Tuy nhiên, sau khi Kabila giành được quyền lực, ông đã không dẹp được những trại tị nạn của người Hutu ở miền Đông Congo. Điều này khiến quân Rwanda của Paul Kagame phải ở lại miền Đông Congo tiếp tục truy quét phiến quân Hutu. Kabila cho rằng điều này là xâm lược, và cho quân đội Congo chống lại quân Rwanda. Nhưng quân đội Congo quá yếu, phải nhờ đến các nước Cộng sản khác ở châu Phi là Angola, Namibia, Zimbabwe và các đồng minh của Libya như Chad, Sudan đến giúp. Trong khi đó, Rwanda được Burundi và Uganda hỗ trợ. 9 quốc gia cùng 20 nhóm vũ trang đánh nhau dữ dội trên lãnh thổ Congo trong 5 năm, làm hơn 5,5 triệu người chết, con số lớn nhất ghi nhận sau Thế chiến 2.

Phải đến năm 2003, khi phần lớn phiến quân Hutu hạ vũ khí đầu hàng, quân Rwanda mới chấp nhận rút khỏi Congo, kết thúc Chiến tranh Congo lần 2. Từ đó đến nay, tổng thống Paul Kagame của Rwanda đã ban hành sắc lệnh hủy bỏ tất cả các phân chia sắc tộc từ thời thực dân. Trên đất nước Rwanda chỉ còn tồn tại một dân tộc duy nhất: dân tộc Rwanda, ngoài ra không còn Hutu, Tutsi, Twa hay bất cứ một dân tộc nào khác!

Ảnh: đo mũi dưới thời thực dân Bỉ ở Rwanda.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *