Sự kiện trục xuất người Tatar ở Crimea năm 1944.

Tháng 4 năm 2014, chỉ 1 tháng sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, Tổng thống Nga Putin đã ban hành “Nghị định số 268 của nhà nước Liên Bang Nga ngày 21/8/2014 về Việc phục hồi các dân tộc bị đàn áp thời Xô Viết” (nguyên văn sẽ trích sau). Việc này trùng hợp làm sao, lại rơi đúng vào dịp kỷ niệm của người Tatar nhân dịp 70 năm họ bị chính quyền Liên Xô trục xuất đến Trung Á. Thành ra việc làm của Tổng thống Putin đã đạt được một thành quả rất lớn, đó là chiêu an cộng đồng người Tatar – vốn là một sắc tộc quan trọng bậc nhất trong lịch sử bán đảo chiến lược này.
Quay lại với chủ đề chính: sự kiện trục xuất người Tatar Crimea ở Liên Xô năm 1944 diễn ra thế nào?
Người Tatar Crimea vốn là một dân tộc Turk và được coi là sắc dân bản địa trên bán đảo Crimea. Từ thế kỷ 13 tới 18, họ từng bước lập ra cho mình quốc gia độc lập gọi là “Hãn quốc Crimea”, tồn tại cho đến khi bị đế quốc Nga sáp nhập vào năm 1783. Kể từ khi bị Nga sáp nhập, dân số người Tatar ở đây tăng nhanh, nhưng tỷ lệ trong dân số còn giảm nhanh hơn do người Nga, Ukraine ồ ạt di cư tới. Chưa kể đã có gần 300.000 người Tatar trốn đến Đế quốc Ottoman tị nạn trong hơn 100 sau khi chiến tranh Crimea nổ ra.
Ví dụ, năm 1785, người Tatar có dân số gần 98.000 người, chiếm 98% dân số bán đảo. Hơn 100 năm sau, năm 1897, dân số của họ tăng lên hơn 180.000 người, nhưng chỉ còn chiếm 33% dân số. Cho đến Chiến tranh Vệ quốc, dân số của họ đã là khoảng 250.000 tới gần 300.000 người (bao gồm cả người Tatar bị tái định cư ở các vùng khác của Ukraine trong quá trình Tập thể hóa), nhưng chỉ còn chiếm dưới 20% dân số. Và sau khi thế chiến 2 kết thúc, tỷ lệ đó là: gần 0%.
Vậy chuyện gì đã xảy ra? Lý do xuất phát từ một cáo buộc do trùm mật thám KGB Lavrenty Beria báo cáo lên Stalin vào tháng 5/1944, trong đó viết: “một bộ phận đáng kể người Tatar ở Crimea đã tích cực hợp tác với những kẻ chiếm đóng phát xít Đức và chiến đấu chống lại Liên Xô. Hơn 20 nghìn người Tatars đào ngũ khỏi các đơn vị của Hồng quân vào năm 1941, những người đã phản bội Tổ quốc của họ, đầu quân cho quân Đức và chiến đấu trong tay chống lại Hồng quân”.
Sau này phân tích, người ta thấy rõ điều không ổn trong báo cáo của Beria. Số người Tatar bị cáo buộc cộng tác với Đức chỉ là 20.000 trong tổng số dân gần 300.000 của họ. Trong khi đó, số người Tatar Crimea chiến đấu cho Hồng quân là 100.638 người – và 1/3 số họ chết trên chiến trường chống quân Đức. Người Tatar cũng cống hiến cho Hồng quân 6 anh hùng Liên Xô – nổi tiếng nhất trong số đó là Amet Khan Sultan – phi công huyền thoại 2 lần được phong Anh hùng (vậy mà sau đó vẫn phải đi đày).
Thứ 2, Beria nói rằng người Tatar “đào ngũ” cho Đức năm 1941. Hãy nhớ lại, năm 1941 là năm mà vòng vây khủng khiếp của quân Đức xiết chặt bán đảo Crimea. Cuối cùng thì Hồng quân thua trận, để lại hơn 65.000 tù binh. Lẽ nào Beria lại tính số tù binh bị bỏ lại của Liên Xô vào danh sách “đào ngũ”? Do đó, sau này các nhà nghiên cứu Xô Viết đã ngồi tính toán lại, và thấy rằng chỉ có 3.500 người Tatar tham gia cộng tác với quân Đức trong một đơn vị là “Trung đoàn Bộ binh Sơn chiến SS Tatar” (Tataren-Gebirgsjäger-Regiment der SS).
Thứ 3, sau đó người ta nhận thấy sự phân biệt đối xử rõ ràng giữa các cộng đồng người Tatar. Khi nhìn vào người Tatar ở vùng Volga, họ đã cộng tác với Đức Quốc Xã hơn 10 lần, với 40.000 người Tatar đã tham gia đủ để lập một Quân đoàn cho Đức tên “Wolgatatarische Legion”. Vậy mà sau chiến tranh họ chỉ bị xử tội ở địa phương, không hứng chịu việc trục xuất nào. Điều này làm dấy lên nghi ngờ về mục đích thực sự của Beria và chính quyền Xô Viết là muốn đẩy người bản địa Tatar khỏi bán đảo Crimea để lấy chỗ cho người Nga vững chắc lâu dài sau này. Và điều đó được coi là có cơ sở vững chắc sau khi nổ ra sự kiện “Khủng hoảng eo biển Thổ Nhĩ Kỳ” năm 1946 (về chuyện này có lẽ nên để bài khác).
Do vậy, lãnh tụ Stalin – không rõ đã nắm chắc toàn bộ tình hình hay chưa – đã ký sắc lệnh của Ủy ban Quốc phòng Liên Xô số GOKO-5859 ngày 11 tháng 5 năm 1944 về việc trục xuất các sắc dân trên bán đảo Crimea. Lưu ý ở đây là người Tatar không phải sắc dân duy nhất chịu trục xuất – mà nhiều sắc dân thiểu số khác quanh đó cũng chịu số phận tương tự là: Đức, Hy Lạp, Bulgaria, Armenia, Gruzia,… Đó là lý do tại sao Nghị định năm 2014 của Tổng thống Putin tên là “phục hồi các dân tộc bị đàn áp” thay vì “phục hồi người Tatar”.
Công việc trục xuất diễn ra một cách chớp nhoáng không ngờ. Chỉ trong 3 ngày từ 18/5/1944 tới 20/5/1944, các lực lượng của NKVD đã tống 183.155 người Tatar lên các chuyến tàu chật kín người chở tới Trung Á xa xôi. Những người Tatar bị trục xuất không phân biệt người cộng tác với Đức, người trung lập hay gia đình của các anh hùng Liên Xô, thậm chí chính các anh hùng Liên Xô vừa trở về quê nhà sau giải phóng cũng bị đưa lên tàu. Như trường hợp của anh hùng Amet Khan Sultan – vừa trở về quê nhà sau khi giải phóng năm 1944 thì biết cả gia đình đã bị trục xuất và suýt nữa bị lính NKVD bắt đi – nếu không nhờ đồng đội ông là anh hùng Pavel Golovachev nói dối lính NKVD “Amet Khan là người Dagestan”.
Đa phần người Tatar bị đưa tới Uzbekistan (với 151.136 người). Ngoài ra còn có một bộ phận nhỏ hơn bị đưa đến Kazakhstan, Tajikistan, Cộng hòa Mari El hay như gia đình của Amet Khan Sultan thì bị đưa đến Dagestan (vì ông nói dối với NKVD là người Dagestan). Trong quá trình vận chuyển, người ta thống kê đã có 8.000 người Tatar chết trên các chuyến tàu với điều kiện ăn uống, y tế, vệ sinh kém và điều kiện sống cực khổ ban đầu ở những khu định cư Trung Á. Tình hình còn tồi tệ hơn vào năm 1946-1947, do dân số người Tatar và các dân tộc khác bị trục xuất đến quá đông đã dẫn đến nạn đói và dịch bệnh lớn ở Uzbekistan, làm 16.000 người Tatar ở đây bị chết đói, trong khi trên toàn quốc Liên Xô chết 1,5 triệu người giai đoạn đó.
Cuộc sống của người Tatar dần ổn định trong những năm sau, bất chấp việc bị phân biệt đối xử từ dân bản địa Trung Á vẫn phổ biến. Năm 1967, với sự thay đổi trong hàng ngũ lãnh đạo Liên Xô, nhiều dân tộc bị đàn áp, trục xuất trước đó đã được phục hồi danh dự và trở về quê hương, nhưng trong đó không bao gồm người Tatar Crimea. Điều này một lần nữa, được lý giải là do tham vọng địa chính trị của người Nga ở bán đảo Crimea – đã khiến họ không muốn cho người Tatar Crimea trở về quê hương mình. Vì vậy, người Tatar đã phải trải qua thêm hơn 20 năm ở vùng đất Trung Á, trước khi cơ hội thứ 2 đến với họ vào thời “cải tổ”.
Ngày 11/7/1990, Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô ký một sắc lệnh quan trọng, cho phép người Tatar Crimea được trở về quê nhà lần đầu tiên sau 45 năm bị ngăn cấm. Đến ngày 26 tháng 4 năm 1991, đạo luật số 1107-1 “Về việc phục hồi các dân tộc bị đàn áp” đã được thông qua, trong đó thừa nhận việc đàn áp các dân tộc của chính quyền Liên Xô và NKVD năm 1944 là một hành động “diệt chủng”, và tuyên bố không ai được phép kích động cản trở sự phục hồi của các dân tộc bị đàn áp, những người có hành động như vậy phải chịu trách nhiệm. Với ân huệ lịch sử này, hơn 150.000 người Tatar bị đày viễn xứ ở Uzbekistan đã ồ ạt trở về quê nhà Crimea sau gần nửa thế kỷ bị trục xuất. Nhưng vẫn còn lại 60.000 người Tatar ở Uzbekistan, chủ yếu là những thế hệ sinh sau và đã lập gia đình với người địa phương, đã không trở về cho đến những năm 1995. Phải đến khi tình hình ở Uzbekistan xấu đi thời gian đó – các cuộc bạo lực sắc tộc của người Uzbek chống lại người Nga và các dân tộc ngoại lai bùng nổ – thì số người Tatar này mới trở về hoàn toàn, tạo ra dân số chừng 300.000 người như hiện nay ở Ukraine (đấy là trước năm 2014).
Mặc dù có được hạnh phúc khi trở về, tuy nhiên người Tatar Crimea vẫn gặp phải một số vấn đề, đặc biệt là về pháp lý, bất động sản,… ở quê nhà, do nhiều đất đai, tài sản của họ đã bị cắt cho người Nga, Ukraine,… sau 50 năm bị trục xuất. Điều này dẫn đến hiện tượng những cuộc chiến pháp lý kéo dài ở Ukraine giữa người Tatar và người Nga, Ukraine,… ở bán đảo Crimea. Nhưng khi sáp nhập Crimea năm 2014, tổng thống Putin đã giải quyết vấn đề này.
Vào ngày 21 tháng 4 năm 2014, sau khi sáp nhập Crimea vào Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh về việc phục hồi người Tatar ở Crimea và các dân tộc khác đã chịu sự đàn áp của Stalin ở Crimea. Theo sắc lệnh này, chính quyền Nga khôi phục toàn bộ những quyền lợi, tài sản của những người Tatar Crimea trước năm 1944. Với những quyền lợi không thể khôi phục, chính quyền Nga bồi thường cho người Tatar 169 triệu Rúp từ ngân sách. Ngoài ra, việc giảng dạy bằng tiếng Tatar trong các trường học đã được khôi phục.
Với những việc làm đó, dù có thể bị nói là “chiêu bài ru ngủ” người Tatar, thì cũng không thể phủ nhận tổng thống Putin đã xoa dịu được nỗi đau hơn nửa thế kỷ của người Tatar trên bán đảo Crimea – nỗi đau bị trục xuất khỏi quê hương năm 1944.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *