Ngoại đã giết bao nhiêu người – P8

( Chuyện có thật về việc dùng bùa ngải để g.iế.t người)

Mẹ tất tả chạy lên đồng tìm tôi:

– Về Tuệ ơi, về còn đến với nội!

***

Đám tang của nội trời mưa to lắm, chiếc bạt buộc ở 4 góc sân bị gió quật lên quật xuống khiến quan khách cũng như đội kèn trống ướt như chuột. Tôi bám chặt lấy linh cữu, rũ rượu như một đứa bị dại. Tôi không nghĩ rằng, sự sống nó lại mong manh đến như thế, mới chỉ 3 ngày trước thôi nội còn đi hẳn ra đầu ngõ, dúi vào tay tôi vài tờ tiền:

– Cầm đi đường còn mua quà bánh nữa con.

Hai bà cháu đứng đó đùn đẩy qua lại một hồi rồi cuối cùng tôi lại là người thua cuộc. Những đồng tiền nội cho vẫn còn ở đây mà nội đã vội đi rồi!

Đêm đó tôi giành coi linh cữu nội, tôi ngồi ôm gối nhìn chăm chăm vào góc tường, nơi mới trước nội mộng du lấy muỗng cạo ken két, dấu vết vẫn còn nguyên đây mà giờ nội không còn nữa. Nước mắt tôi lại rơi rồi mệt quá tôi ngủ thiếp đi. Trong cơn mộng mị tôi thấy nội như đang sợ hãi điều gì, nội chạy thẳng lại chỗ tôi lay tôi dậy:

– Tuệ, Tuệ ơi! Con đừng tìm hiểu gì nữa. Đi thật xa nơi đây để tìm hạnh phúc cho cuộc đời con đi. Nghe lời nội, đừng tìm hiểu gì nữa con ơi, sợ lắm con ơi!

***

Sau đám tang, mẹ tôi về quê trước, còn tôi ở lại với ông nội hơn một tuần rồi mới đi. Ngày tôi đi,  ông tiễn tôi ra tận đầu làng, có lẽ ông sợ rằng lần này sẽ là lần cuối được nhìn thấy đứa cháu gái thân yêu.

– Ông về đi, đến đây con tự đi được rồi!

Đúng là con người ta hay dối lòng, mới nói ông về đi mà ông vừa quay lưng khuất bóng sau rặng tre già là tôi lại nằm vật ra giữa đường gào khóc. Cái bóng dáng cô độc, lẻ loi của ông khiến tôi có thể chết đi vì đau đớn. Tôi nằm xuống đường, tay bấu chặt vào những cây cỏ ven đường rồi ngửa cổ lên trời mà hét thật to:

– Aaaaaaaaaaaaaa

Tiếng hét ấy, cái cảm giác bất lực như điên dại ấy là cái cảm giác khó chịu nhất trong cuộc đời vô thường này!

Tôi lững thững đứng ở ngã 3 huyện để bắt xe, nhưng đứng cả nửa ngày trời mà không một xe nào dừng lại. Trời mưa lâm râm quần áo thì xộc xệch lem luốc do mới vật lộn với nội tâm ở đầu làng. Chắc có lẽ vì thế mà người ta không dám cho lên xe.

– Cháu ơi, cháu bắt xe hả? Nếu bắt xe thì tháo tang ra, cháu đeo trên đầu vậy không ai dám cho cháu lên đâu.

Đúng thật, sau khi gỡ chiếc khăn tang trên đầu xuống tôi mới về được quê!

***

Về đến quê, tôi thấy mẹ đang ngồi ở bậc thềm cầm chiếc quạt nan phe phẩy. Thấy tôi mẹ chẳng vui cũng chẳng buồn, chỉ hỏi cho có chuyện để nói thì phải:

– Con đi xe chuyến mấy giờ?

Tôi hậm hực đi lại phía mẹ, quăng cái túi xách trên vai xuống thềm rồi nhìn thẳng vào mắt mẹ hỏi:

– Mẹ! Mẹ nghĩ gì về cái chết của bố con và của cả nội nữa?

Mẹ ngạc nhiên với câu hỏi của tôi:

– Là sao? Mẹ không hiểu con hỏi gì!

– Mẹ biết được bao nhiêu về mẹ đẻ của mẹ rồi? Mẹ nói con nghe, mẹ biết được bao nhiêu thứ về cái gian buồng bán thần bán thánh bên kia rồi?

Vừa nói tôi vừa đưa tay chỉ thẳng sang bên gian buồng của ngoại. Mẹ thấy thế thì vội đứng lên, bịt miệng tôi lại rồi kéo tôi vào nhà. Chính cái hành động này của mẹ khiến tôi chắc chắn rằng mẹ đã biết gì đó. Tôi đưa ánh mắt đầy lửa ong õng nước như đang chực khóc nhìn chằm chằm vào mẹ:

– Mẹ nói đi, mẹ biết được những gì? Chính bà ấy, bà ấy đã giết bố con và giết cả nội đúng không?… 

Mẹ tôi ngồi thụp xuống đất, gục mặt xuống 2 gối lắc đầu lia lịa:

– Trời ơi, vậy là con cũng biết rồi sao?

Mẹ kể trong nước mắt:

***

– Mẹ biết cái chết của bố con có điểm bất thường. Sau khi pháp y đến đưa xác bố con đi, chính mẹ là người được gọi lên đó đầu tiên để nhận xác bố về. Khi vào trong phòng xác lạnh lẽo để xác nhận, người ta đưa cho mẹ một cái khay nhỏ, trong khay là những vật dụng bất thường đã được gắp ra từ trong dạ dầy của bố con, hay nói đúng hơn thì chính những thứ trong khay đã gây ra cái chết của bố con. Như con cũng đã nghe người ta đồn thổi rồi đấy. Đúng là trong bụng bố con có con cá trê to như cẳng tay còn sống. Miệng con cá trê bị mắc phải chùm lưỡi câu sáng loáng sắc nhọn và một lá bùa nhỏ viết bằng máu tươi được gấp lại chỉ to bằng đầu ngon tay út. Người ta mổ pháp y từ cuống họng xuống, họ không tài nào hiểu được tại sao con cá trê bị mắc câu lại nằm ở trong bụng của bố con, bởi nếu nuốt phải những thứ này thì chắc chắn cổ họng phải để lại vết tích, ấy vậy mà những thứ này lại thọt thỏm ở trong bụng bố con chẳng để lại tí dấu vết nào. Lúc đó mẹ nghe thấy sự việc khó tin như thế thì có cự cãi qua lại với họ một hồi. Họ khuyên mẹ nên đi tìm hiểu về phía tâm linh. Thế là sau khi chôn cất bố con xong, mẹ đi lên núi tìm ông thầy giỏi nhất rồi đưa những vật này cho ông ấy xem. Mới chỉ liếc mắt một cái thì ông thầy đã run lẩy bẩy phán:

– Bùa này đã dính thì chỉ có chết, không có đường sống!

Mẹ luôn thắc mắc rằng ai đã hại bố con? Ai lại dùng bùa dùng ngải để giết bố con? Nhưng sau cái chết bất thường của cha con ông Lương mẹ mới bắt đầu nghi ngờ mọi việc có sự nhúng tay của ngoại. Càng tìm hiểu mẹ càng khẳng định được sự nghi ngờ của mẹ là đúng nhưng đó là ngoại con, là mẹ ruột của mẹ nên mẹ đã im lặng và không đi sâu thêm nữa.

Tôi giận dữ hét lên:

– Chính vì mẹ im lặng, nên nội đã phải chết. Nếu còn im lặng, thì sẽ đến lượt ai?

Mẹ tôi ôm lấy vai tôi quả quyết:

– Không con, mẹ nghĩ cái chết của nội không liên quan gì đến ngoại đâu.

– Mẹ nói không liên quan? Nội đang rất khoẻ mạnh, mà chỉ trong chưa đầy 3 ngày lại có thể chết vì sốt rét ư? Một chuyện vô lý như thế cũng tin được sao? Vậy còn người đàn ông ở gốc đa thì sao? Người đàn ông đang bị xích như xích chó ở gốc đa thì sao? 

Mẹ tôi nghe thấy thế thì bất ngờ hỏi?

– Gốc đa nào? Người đàn ông nào?

– Người đàn ông nhập vào mẹ đúng đợt bão năm 1999. Người đó không xưng tên, nhưng theo lời thì người đó mới chính là bố ruột của con.

Mẹ nghe đến đây thì dường như bao nhiêu bình tĩnh nãy giờ mẹ gắng gượng để nói chuyện với tôi xụp đổ hoàn toàn. Mẹ ngồi thụp xuống đất thất thần không nói lên lời. Tôi thấy thế thì hỏi tiếp:

– Đầu đuôi thế nào? Mẹ nói đi. Con có quyền biết!

Mẹ tôi đứng dậy, đi được 2 bước về phía phích nước thì ngã khụy xuống. Lúc này mẹ mới bưng mặt khóc:

– Nếu lời con nói là đúng, thì người đàn ông ở gốc đa là bố đẻ của con. Ổng tên là Minh. Vậy là…

Mẹ bỏ lửng câu nói rồi lại khóc thút thít:

– Vậy là ổng chết rồi hả con?

Tôi thấy trong lời nói của mẹ có chút khó hiểu, chẳng lẽ chính bản thân mẹ cũng không biết rằng ông Minh đã chết sao? Mẹ gào lên:

– Tại sao ông ấy chết? Ông ấy chết khi nào? Bao nhiêu năm nay mẹ vẫn nghĩ ông ấy bội bạc mà bỏ mẹ con mình đi. Bao nhiêu năm nay trong lòng mẹ oán hận, trách móc ổng. Vậy ra ông ấy chết rồi sao Tuệ?

Mẹ đưa hai tay lên vai tôi mà lắc mạnh:

– Con kể lại cho mẹ nghe, ông ấy nói với con những gì?

– Ông ấy nói với con, ông ấy chết từ khi con chưa chào đời. Ông ấy bị bỏ bùa bỏ ngải mà chết. Mà người bỏ ngải ông ấy lại chính là ngoại!

Mẹ nghe đến đây thì chua xót, mẹ bất giác bật cười:

– Lại là bà ấy sao? Lại là ngoại của con sao Tuệ?

Mẹ hất tung chiếc phích rơi xuống đất vỡ tan tành rồi lảo đảo bước qua phía nhà ngoại. Tôi không nhớ rõ cái khung cảnh xung quanh lúc ấy như thế nào vì trong lòng tôi lúc này rối như tơ vò. Mẹ đi lại phía gian buồng của ngoại, dơ chân đạp tung 2 cánh cửa. Cảnh tượng bên trong khi ấy khiến tôi như chết lặng. Ngoại trần chuồng đứng trước đền thờ, dơ cây roi mây gai quất thằng vào người mình, những cú quất ấy nghe vun vút trên không trung rồi cắm thẳng vào da lật tung thừng thớ thịt. Máu me phun ra, đỏ đẫm từ đỉnh đầu xuống đến gót chân. Ngoại vừa quất, miệng vừa lẩm bẩm:

– Xin ngài tha cho cháu tôi! Xin ngài tha cho cháu tôi!

***

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *