HÃY ĐỌC BÀI VIẾT NÀY TRƯỚC KHI ĐI TÌM VIỆC

Nhiều bạn đang nghĩ, tìm việc khi còn năm 2 rất khó vì bản thân chưa có nhiều kiến thức chuyên ngành và kinh nghiệm thì làm gì có ai thuê? 

Tuy nhiên, vấn đề này hoàn toàn có thể giải quyết được nếu các bạn nắm bắt được những tips tuyển dụng và đi xin việc dưới đây. Cùng bắt đầu nào!

1. CHỈ CÓ 20% CÔNG VIỆC XUẤT HIỆN TRÊN MẠNG

Thật đấy! Đa số các vị trí tốt thì nhà tuyển dụng có cách khác để tìm ra ứng viên chứ không phải đăng tin lên Vietnamwork hay qua một group nào đó trên Facebook. Nhà tuyển dụng sẽ hỏi bạn bè của họ, đồng nghiệp cùng công ty, các mối quan hệ làm việc của họ khi cần tuyển một vị trí mới. Ví dụ khi mình cần tuyển một bạn làm Copywriter cho trung tâm UNESCO, trước khi quyết định đăng tin mình sẽ hỏi bạn bè trong danh sách trước “Ê mày, có biết đứa nào viết giỏi giỏi không? Giới thiệu với.”

Thế nên tip đầu tiên của mình cho các bạn là hãy cố gắng mở rộng các mối quan hệ càng nhiều càng tốt. Chịu khó tham gia các buổi talkshow, giao lưu các thứ, nhưng đừng ngồi không. Cũng không nhất thiết cứ phải lân la làm quen người nổi tiếng, diễn giả, hãy làm quen với người bạn đang ngồi bên cạnh mình trước đã nhé. Biết đâu bạn đấy lại có bố mẹ, anh chị em gì đó đang cần tìm một người có chuyên môn mà bạn có thì sao.

2. NÊN LÀM VIỆC GÌ ĐÓ NGAY KHI CÒN ĐANG ĐI HỌC

Như mình đã nói ở đoạn giới thiệu, một công việc vào năm hai giúp ích được cho mình rất nhiều để tiếp tục tìm được các công việc tốt hơn sau khi ra trường. Có hai lý do chính, đó là:

Một công việc vào lúc còn đang đi học (việc thật chứ không phải tình nguyện) sẽ giúp mình có được cái mà nhà tuyển dụng rất hay đòi đấy là ‘kinh nghiệm’.

Việc thử và làm một công việc vào thời điểm đi học sẽ giúp mình biết được mình có thật sự thích, thật sự hợp với ngành nghề hay lĩnh vực đó không. Ví dụ vào thời điểm năm hai mình rất thích Marketing nên quyết định làm công việc Marketing Executive. Sau khi làm xong công việc này thì vì tính chất công việc thời gian không phù hợp nên thấy mình hổng còn hợp với ngành này nữa.

3. ĐỪNG BỎ QUA CÁC START-UP

Vì sao các bạn sinh viên tìm mãi mà không được công việc ‘tốt’? Có một lý do mình phát hiện ra là: các bạn sinh viên định nghĩa công việc tốt cứ phải là công việc ở một công ty nào đấy rất to, rất nổi tiếng trong ngành cơ. 

Ví dụ học tài chính thì cứ phải làm Big 4 mới là tốt, học Marketing thì cứ phải vào FMCG mới là kêu. Thật ra các vị trí ở những công ty kể trên đúng là tốt thiệt, tuy nhiên vì tốt nên họ cũng cạnh tranh cao lắm. Một sinh viên năm 2 năm 3 như chúng ta, học hành tàng tàng, kinh nghiệm chưa có, hoạt động không nhiều, sao cứ cô đâm đầu vào đó làm gì.

Trong khi mình thấy ngoài kia có rất nhiều start-up hay ho đang mọc lên. Đặc thù của các start-up là họ cực kì cần người – người ở đủ mọi ngành nghề. Và có nhiều công ty lương trả cũng không tồi đâu, không hề thua kém so với các công ty lớn. Đương nhiên là làm cho một start-up hay một FMCG cũng sẽ có sự khác nhau. Làm cho một công ty lớn thì bạn học được sự chuyên nghiệp, nâng cao khả năng chuyên môn tốt hơn. Làm cho start-up thì bạn được làm nhiều thứ, mỗi thứ một tí vì vậy có thể linh hoạt hơn. Mình không khuyên bạn nên chọn làm cho loại hình công ty nào khi còn là sinh viên cả, chỉ muốn nói ở đây cho bạn biết lựa chọn nào phù hợp với bạn hơn thôi hen.

4. XEM XÉT LẠI FACEBOOK TRƯỚC KHI BẮT ĐẦU ỨNG TUYỂN

Cái này mình thấy có nhiều bạn bỏ qua này. Khi nhận CV của các bạn gửi đến, nếu có link Facebook trong đó (thường các bạn rất hay cho) thì mình rất hay tò mò ấn vào để xem mặt mũi các bạn trông như nào, các bạn làm gì trên Facebook. Nếu trên Facebook toàn ảnh xinh đẹp của bạn, bạn toàn share các tin hay ho thì xin chúc mừng. Còn nếu không có gì hay ho trên Facebook cả thì bạn nên cân nhắc nhé.

Tốt nhất là trước khi bắt đầu kiếm việc các bạn nên dành thời gian ‘quét’ một lượt Facebook của bản thân trước. Ví dụ như tên đã chuyên nghiệp chưa, có ảnh nào không hay ho không, vân vân. Đôi lúc bạn không có để link Facebook trong CV nhưng với người tò mò (ví dụ là như mình) thì mình vẫn có cách tìm ra được Facebook của bạn để stalk đó.

5. NỘP ĐƠN CÀNG ÍT CÀNG TỐT

Nghe thì hơi kì cục, vì sao lại nên nộp ít thôi? Mình khuyên các bạn nếu muốn nhanh và tìm được một công việc chất lượng thì nên có một bản kế hoạch tìm việc cụ thể cũng như dành thời gian để chuẩn bị hồ sơ thật kĩ. Thay vì viết một bản CV download sẵn từ trên mạng, Cover Letter đi copy paste thì bạn hiền nên dành thời gian để đầu tư sửa lại CV và Cover Letter cho từng vị trí, từng công việc để gây ấn tượng hơn trong mắt nhà tuyển dụng nhé.

6. ĐỪNG QUÊN KEYWORDS NHÉ

Thông thường thì khi nhà tuyển dụng nhìn vào CV, họ sẽ nhìn vào kinh nghiệm làm việc đầu tiên. Tuy nhiên vấn đề là sinh viên năm hai năm ba chúng ta thì thiếu kinh nghiệm thì nhà tuyển dụng biết nhìn vào đâu đây?

Câu trả lời là chúng ta nên đầu tư và phần Skills và nên biết lồng ghép các keywords liên quan đến công việc vào trong CV nhé. Ví dụ nếu bạn ứng tuyển ngành Marketing thì trong CV nên xuất hiện các Keywords như là ‘account’, ‘brand’, ‘creative’ chẳng hạn.

Để biết được keywords nào phù hợp với ngành thì dễ lắm, bạn chỉ cần lên google search từ khoá “keywords CV [tên ngành]” là được. Ví dụ mình search “keywords CV marketing” thì cho ra một đống như thế này. 

7. SẼ RẤT TUYỆT VỜI NẾU BẠN CÓ MỘT WEBSITE CÁ NHÂN

Vì chúng ta là sinh viên năm hai, nên chúng ta thiếu kinh nghiệm. Vì thiếu kinh nghiệm nên chúng ta cần bù lại bằng những thứ khác sáng tạo hơn. Một bản CV sáng tạo hoặc đơn giản là có một website cá nhân là một lựa chọn không tồi.

Một trang web cá nhân sẽ thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy bạn là một người rất sáng tạo và giỏi về công nghê. Có rất nhiều nền tảng tạo website miễn phí ví dụ như là WordPress, Wix, Weebly. 

8. GỬI THƯ TỚI ĐÚNG NGƯỜI CẦN GỬI

Đây là một tip và cũng là một lỗi nhỏ mà mình thấy các bạn ghi viết Cover Letter hoặc khi gửi mail rất hay gặp phải. Nhà tuyển dụng sẽ không ấn tượng cho lắm nếu thấy Cover Letter hoặc email gửi chung chung kiểu như là “to whom this may concern.” hay là kiểu như “Dear Mr./Ms.” chẳng hạn. Tốt nhất là khi viết Cover Letter hoặc email nên có tên người nhận cụ thể. 

9. ĐỪNG TÌM Ở CÁC WEBSITE THÔNG DỤNG

Tips cuối cùng mình muốn chia sẻ với các bạn sinh viên đang đi tìm việc đó là các bạn nên cố gắng mở rộng phạm vi tìm kiếm ra nhé. Đừng lúc nào cũng chăm chăm tìm việc trên các trang thông dụng như Vietnamwork. Có rất nhiều trang hay ho có nhiều việc làm phù hợp hơn dành cho sinh viên như là Ybox, 8morning Job – đây là các trang đã chọn lọc công việc phù hợp và không đòi hỏi nhiều kinh nghiệm lắm đâu.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *