Điều gì khiến bố mẹ (tôi) phản đối con cái chuyện Nam tiến

Hôm trước, sau một thời gian cũng tạm gọi là ổn định tại Saigon, tôi quyết định gọi điện về nhà.

Thực sự mà nói, tôi rất sợ làm điều này, bởi tôi ngại đối diện với phản ứng của bố mẹ. Lần lữa hoài, nghĩ rằng trước sau gì cũng sẽ đến lúc thôi, nên tôi đã video call ngay khi đi làm về.

Không ngoài dự đoán, bố mẹ thể hiện sự không hài lòng, cấm đoán và chê trách về sự vô trách nhiệm của tôi với gia đình.  

Sau cú tắt phụt điện thoại của mẹ, tôi cảm giác như tâm trí và tinh thần cũng vụt tắt theo luôn. Thứ còn lại là cảm xúc buồn bã, hơi tức giận, cảm thấy bất lực và có chút chạnh lòng.

Rồi chẳng hiểu sao tôi có hứng viết, viết về chuyện sống xa gia đình của tôi.

Nếu là tôi của hồi bé, sẽ nghĩ, bố mẹ thực sự không hiểu mình, bố mẹ thật ích kỉ. Tôi của bây giờ thì khác rồi. Tôi thấy thông cảm với bố mẹ hơn, tôi biết rằng, hành động và lời nói của bố mẹ, đều có nguyên do.

Vậy là tôi bắt đầu ngồi phân tích xem vì sao bố mẹ tôi lại có những phản ứng gay gắt đến vậy khi tôi quyết định vào Saigon làm việc. Không biết trong số những bạn đọc bài viết này, có ai giống tôi không. Nhưng nếu những lí do dưới đây trùng khớp với câu chuyện của bạn. Thì tôi đã có thể cho bạn biết rằng bạn không một mình.

Lý do đầu tiên xuất phát từ việc NGẠI CHIA SẺ.

Từ bé tôi đã là một đứa trẻ ít kể chuyện. Tôi vẫn nhớ mỗi lần ngồi ăn cơm tối, chị tôi sẽ là người thao thao bất tuyệt kể về chuyện trường lớp, về bạn bè của chị. Đến nỗi tôi chưa gặp họ bao giờ, tôi cũng có thể biết tính cách họ ra sao, mức độ thân thiết với chị tôi như thế nào. Ngược lại thì tôi sẽ chỉ ngồi nghe, nếu không có ai hỏi thì tôi cũng chẳng kể gì nhiều. Nên bố mẹ cũng khó để biết tôi đến trường học ra sao, các cô giáo thế nào, ghét bạn nào hay quý bạn nào.

Một phần vì bản tính vốn có. Một phần vì những kí ức hồi bé. Khi tôi còn mạnh dạn đưa ra bình luận trong câu chuyện của người lớn. Nhưng hay bị mắng rằng bé thì biết gì mà nói. Điều này ám ảnh tôi, đến nỗi dần dần tôi cũng không nói gì nữa thật. Tôi sẽ chỉ ngồi lắng nghe câu chuyện của mọi người và không hề có phản hồi hay trao đổi gì lại. Bởi tôi sợ nói sai, nói linh tinh, sợ bị mọi người cười chê, mắng mỏ.

Thói quen và suy nghĩ này thực sự không tốt, nó khiến tôi trở thành đứa trẻ rụt rè, nhút nhát và không dám nêu ra quan điểm cá nhân của mình.

Hình như trong ngần ấy năm sống cùng bố mẹ, số lần tôi giao tiếp thật sự ít ỏi. Nên bố mẹ không thể biết cuộc sống của tôi ra sao, tôi đang làm gì, tôi đang cảm thấy thế nào, tôi đang gặp những vấn đề bất ổn nào. Tôi thường tự đối diện, tự giải quyết mà chẳng bao giờ tâm sự hay xin lời khuyên từ người lớn.

Bởi vậy bố mẹ sẽ không hiểu được quyết định ngày hôm nay của tôi, nguyên do từ đâu. Mà đơn giản chỉ là một đứa con gái thích bay nhảy, sống cuộc đời phiêu bạt, lông bông, không có trách nhiệm.

ĐIỀU NÀY TRÁI VỚI KỲ VỌNG CỦA BỐ MẸ VỀ TÔI

Từ bé tôi đã là một đứa trẻ khá được nuông chiều. Bởi vậy việc quát mắng và đòn roi là thứ gì đó khiến tôi thực sự sợ hãi. Và để né tránh nó, tôi luôn xây dựng hình ảnh một đứa trẻ vâng lời trước mặt bố mẹ. Hầu hết mọi điều bố mẹ nói tôi đều làm theo, những điều bị cấm cản, tôi cũng ít khi làm. Tôi nhớ trong vài lần đi chợ cùng mẹ, tôi có đòi mua búp bê hay gấu bông, mẹ thường không cho mua. Thế là những lần sau tôi cũng chẳng bao giờ đòi nữa.

Hồi đó, với suy nghĩ non nớt của một đứa con nít thì muốn làm một đứa trẻ tốt, được bố mẹ cưng chiều thì còn phải học giỏi nữa. Thế là tôi luôn ý thức được rằng cần phải chăm học, phải được điểm cao trên lớp, để bố mẹ không la mắng. Và đúng như vậy, tôi đã nỗ lực suốt 12 năm học để luôn đạt học sinh Giỏi, thi thố này kia, rồi cũng gắng vào một ngôi trường Đại học gọi là top ở Hà Nội bấy giờ, rồi ra trường với tấm bằng Giỏi trên tay.

Tôi đã đi theo đúng lộ trình hoàn hảo mà bố mẹ tôi mong muốn trong suốt những năm tháng cắp sách đến trường. Có lẽ bố mẹ đã nghĩ tôi sẽ ra trường, tìm một công việc ổn định tại một công ty có tiếng nào đó, rồi có thể tìm một anh chồng với profile đủ ổn để giúp cho tôi có một cuộc sống chẳng phải lo toan gì. Giống như những câu chuyện mà bố mẹ tôi vẫn thường kể về con nhà bác nào đó.

Thế nên việc đột nhiên nghỉ việc, chuyển việc, chuyển chỗ ở chóng mặt trong một thời gian ngắn của tôi chắc chắn sẽ khiến bố mẹ tôi không thể tưởng tượng ra được ở đứa con gái của họ.

Hơn thế nữa, bố mẹ tôi đã dành thời gian 1/3 cuộc đời để nuôi nấng con cái, với kỳ vọng con cái lớn lên sẽ ở cạnh bên mình, chăm sóc cho mình. Thế nên chắc chắn bố mẹ sẽ cảm thấy không hài lòng khi con cái hành động trái với kỳ vọng của mình.

ĐỊNH KIẾN XÃ HỘI

Người ta thường nói sống ở thành phố chán lắm, nhà nào biết nhà đấy, mất đi tính gắn kết cộng đồng, không như ở quê. Nhưng ở quê, mọi người lại thường quan tâm đến câu chuyện của nhau ở mức không cần thiết và đưa ra những lời bình một cách đầy vô tư và nghĩ đó là cách mà họ quan tâm đến mọi người.

Tôi nghĩ ở đâu thì cũng có mặt tốt và mặt xấu cả. Nhưng sống gần một đời người với văn hoá này, khiến bố mẹ tôi bị ảnh hưởng rất nhiều trong cách sống, quan điểm và lối suy nghĩ.

Bố mẹ đã sống nhiều năm với suy nghĩ về việc đối nhân xử thế, sống sao để người ta không đánh giá. Có lẽ nên đôi khi, ý kiến của mọi người cũng ảnh hưởng phần nào đến hành động và quyết định của bố mẹ. Bởi vậy những câu nói kiểu “Tại sao lại để con đi xa như vậy?”, “Làm ở đâu chả như nhau, làm gần nhà để gần bố mẹ chứ?”… vô hình chung, đã củng cố niềm tin của bố mẹ rằng, những gì tôi làm thực sự sai trái.

NHỮNG LO LẮNG CHO TƯƠNG LAI

Điều này là không thể tránh khỏi khi chúng ta lớn lên. Và bố mẹ chúng ta đã làm người lớn thừa lâu để va vấp đủ điều trong cuộc sống. Tôi thường nghĩ những con người từng trải, nếm đủ ngọt đắng của cuộc đời thì dần sẽ bớt xông pha và liều lĩnh hơn, bởi đến một độ, nó dần trở nên thừa thãi và không cần thiết nữa. Thay vào đó là nhiều sự cân nhắc và tính toán hơn trước khi đưa ra quyết định làm bất cứ điều gì.

Việc đi làm ở xa có giúp ích gì không? Rồi sau này công việc có ra cái gì không hay vẫn lông bông? Rồi sau này bố mẹ ốm đau thì ai chăm sóc? Rồi công việc bận rộn, một năm thì về thăm bố mẹ được mấy lần?

Quá nhiều những viễn cảnh tương lai tiêu cực khiến bố mẹ tôi càng thấy việc đi xa là điều chẳng tốt đẹp gì.

Đó là những điều mà tôi có thể suy luận ra được, mang tính đầy chủ quan, về lý do mà bố mẹ tôi có lẽ không thích khi thấy đứa con của họ Nam tiến. Tôi không trách móc hay phản bác gì những suy nghĩ đó. Tôi chỉ đơn giản, hiểu và cảm thông cho bố mẹ mình.

Vậy dưới góc nhìn của một đứa con, tôi sẽ suy nghĩ như thế nào? Có lẽ điều này nên được chia sẻ ở một bài viết khác.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *