Cảm giác sống ở Việt Nam như thế nào vậy?

Trả lời bởi Mary Lee Grant (học chuyên ngành lịch sử tại Đại học Yale, sống tại Hà Nội, giảng viên của Đại học Mỏ Địa chất Hà Nội) ngày 15/12/2020

Là một người nước ngoài, tôi cảm thấy sống tại Hà Nội có chút gì đó giống với cuộc sống ở Paris những năm đầu thế kỷ 20 vậy. Dù đây là một quốc gia theo chủ nghĩa cộng sản, nhưng tôi thấy cuộc sống của mình ở đây cũng giống như một Henry Miller khác vậy: rất tự do. Chi phí trang trải cuộc sống vừa túi tiền; giới trí thức, văn nghệ sĩ và sinh viên tụ tập tại các quán cà phê cạnh những biệt thự cũ thời Pháp thuộc vào mỗi tối. Nhiều người thích chụp ảnh – cả giới chuyên nghiệp và những người nghiệp dư – đem máy ảnh xuống đường để chụp ảnh đường phố. Sự yêu thích nghệ thuật hiện hữu ở khắp nơi: rất nhiều phòng trưng bày nở rộ trong những con phố mang dấu tích của kiến trúc thời Pháp thuộc và rất nhiều nghệ sĩ Việt Nam giờ đã có thể tự do thể hiện quan điểm của họ, không còn như thời trước nữa. Đây là thời kỳ rất đáng nhớ với đất nước này vì họ đang trên đà phát triển, mọi người làm việc rất chăm chỉ nhưng vẫn không quên dành thời gian để tận hưởng cuộc sống.

Các công trình kiến trúc của thành phố có bề dày ngàn năm lịch sử này đẹp mê hồn và xứng đáng bỏ ra cả cuộc đời để tìm hiểu. Những hàng cây cổ thụ uy nghiêm phủ bóng trên những con đường mang phong cách Pháp. Tuy nhiên, nếu đi sâu vào những con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo, bạn sẽ thấy mình rất dễ bị lạc trong đó – một điều có lẽ đã có từ lâu và sẽ mất rất lâu nữa để thay đổi.

Cũng giống như các nước Đông Dương cũ khác, cuộc sống ở Việt Nam vẫn có chút gì đó mang hơi hướm Pháp, dù nó thiên về phong cách Pháp trong khoảng thời gian 1890-1920 hơi là Pháp ngày nay. Bạn có thể thấy nét thẩm mỹ của Pháp trong mọi thứ: từ những biệt thự màu vàng với cửa màu xanh lục và cầu thang uốn lượn đến những tiệm bánh ở mọi góc phố, pho mát Pháp trong các cửa hàng lân cận, những bà bán bánh mì và hạt dẻ nóng hổi, béo ngậy được nướng trên lửa than trên vỉa hè vào những ngày đông buốt giá. Thức ăn ở đây ngon tuyệt cú mèo. Sau khi tới Việt Nam, tôi mới nhận ra rằng ẩm thực Mỹ nghèo nàn tới mức nào. Người Việt Nam thường tặng nhau trái cây tươi để làm quà. Trong bữa ăn của họ – dù là đơn giản nhất – cũng thường có nhiều rau, mà tôi thậm chí còn không biết gì về nhiều loại trong số đó khi mới tới đây (một số có thể được trồng bên vệ đường hoặc trong những bãi đất trống). Họ đi chợ hằng ngày để tìm mua thực phẩm tươi sống, và chỉ với 1,50 USD là bạn đã có thể thưởng thức một bữa ăn ngon lành tại những tiệm ăn, nhà hàng bên lề đường. Người Việt Nam cũng đã hình thành một nền văn hóa cà phê cho riêng mình: một số quán cafe chỉ phục vụ một số loại cà phê nhất định, trong đó không thể không kể tới món cà phê trứng nổi tiếng.

Việt Nam rất an toàn, gần như không có tội phạm bạo lực và tội phạm vặt thấp đáng ngạc nhiên. Sở hữu súng là phạm pháp, và mối nguy lớn nhất là tai nạn xe máy. Đây là một trong những quốc gia an toàn nhất thế giới về đại dịch COVID-19: chỉ có 33 trường hợp tử vong kể từ đầu đại dịch. Trẻ em có thể vui chơi ngoài trời khi đã tối và đi bộ đến trường một mình. Những đặc trưng của Nho Giáo vẫn còn thể hiện khá đậm nét trong văn hóa nơi này và cả niềm tin mạnh mẽ vào nhân quả của Phật Giáo vào nhân quả cũng vậy. Vậy nên, đa phần mọi người đều khá tử tế và sẵn sàng giúp đỡ người khác.

Tôi nhận ra rằng mình có những cơ hội mà bản thân sẽ không tìm được ở nơi nào khác ngoài Việt Nam. Trong vòng sáu tháng sống ở đây, tôi đã cộng tác với một công ty để xuất bản hai cuốn sách về cách học tiếng Anh – ngôn ngữ hiện được giảng dạy ở hầu khắp các trường đại học Việt Nam. Tôi từng được đề nghị dẫn chương trình về tin tức trên một kênh truyền hình quốc gia của Việt Nam. Ngoài công việc là giảng viên đại học, tôi còn tư vấn cho một bộ trưởng về chương trình dạy và học từ xa để trẻ em không cần phải đến trường trong mùa dịch. 

Tôi còn hỗ trợ một vị bộ trưởng khác về cách tổ chức các giải đánh golf cao cấp tại những khu nghỉ dưỡng nhằm thúc đẩy du lịch. Tôi đã có dịp gặp gỡ những tác giả, nghệ sĩ và nhạc sĩ nổi tiếng. Việt Nam đang trỗi dậy mạnh mẽ, cơ hội để thử trải nghiệm những điều mới mẻ và kiếm tiền xuất hiện khắp nơi: bạn có thể tự kinh doanh, mở một lớp dạy vẽ hoặc dạy võ cổ truyền chẳng hạn.

Tất nhiên là còn nhiều khuyết điểm. Trong tháng đầu tiên ở đây, tôi hoàn toàn choáng ngợp, căng thẳng và lo sợ. Ô nhiễm, tiếng ồn và sự hỗn loạn do hàng triệu chiếc xe máy gây ra là quá nhiều đối với tôi; nhiều người nước ngoài đã rời đi vì căng thẳng và khác biệt văn hóa. Nhưng tôi nhanh chóng nhận ra rằng dù là một thành phố 8 triệu dân, nhưng cuộc sống tại Hà Nội vẫn có những nét bình lặng và hiền hòa, mọi người vẫn rất hoan nghênh và quan tâm tới những người khác.

Để thích ứng với sự ồn ã của Hà Nội, tôi đã làm một điều mà bản thân không thường làm khi tới một đất nước mới: tách mình khỏi những môi trường mang đậm chất phương Tây. Tôi đã sống tại một nơi khá bản địa trong vài tháng đầu tiên và gặp phải rất nhiều khó khăn, nhưng nó đã mang lại những trải nghiệm đáng giá. Dù tòa nhà mà tôi sống không có người phương Tây nào, nhưng lại có nhiều người Việt giàu có, đã đi du lịch nhiều nơi và cả những người Nhật Bản, Hàn Quốc nữa – họ không thích bàn tán về đặc điểm ngoại hình của tôi (như mái tóc, cân nặng, chiều cao và màu da). Nơi này cho tôi thêm một chút riêng tư, cũng như một bể bơi ngoài trời khổng lồ, một hồ bơi tuyệt đẹp khác ở trong tòa nhà và cả spa nữa. Trong tòa nhà nơi tôi sống có một tiệm bánh Nhật Bản, một nhà hàng Hàn Quốc, một cửa hàng Vinmart và một nhà hàng Việt Nam nữa. 

Những khu đất được chăm sóc cẩn thận, không có xe máy giúp tôi có thể tận hưởng cảm giác bình an và thư thái mỗi khi tản bộ mà không phải bận tâm tới cảnh tắc đường. Chi phí để thuê một người giúp việc ở đây chỉ tốn khoảng 300 USD/tháng, và việc có tài xế riêng giúp tôi tránh được cảm giác hồi hộp và sự nguy hiểm khi phải lái xe trên đường (tôi khá hiếm khi phải làm thế). Thường thì tôi sẽ muốn sống tại những nơi đậm chất bản địa nhất và tìm hiểu về cuộc sống của những người bình thường; nhưng khi ở Hà Nội, tôi nhận ra rằng một nơi ở yên tĩnh với một số tiện nghi sẽ giúp một người nước ngoài như mình thích ứng tốt hơn với một nơi xa lạ – tôi đoán điều này phụ thuộc vào quan điểm và tính cách của mỗi người.

Dân số Hà Nội cũng khá tương đương với New York (8 triệu người) và việc ra vào thành phố dễ dàng thực sự rất hữu ích. Hà Nội chỉ cách tỉnh Ninh Bình (với những ngọn núi tuyệt đẹp và những dòng sông uốn lượn) khoảng một giờ đi ô tô về hướng tây; ngoài ra, bạn còn có thể đi về hướng đông để tới thăm những hang động và ngọn núi đá vôi tráng lệ ở Vịnh Hạ Long. Hà Nội có đủ bốn mùa, dù mùa đông khá hanh và lạnh. Còn nếu bạn thích thời tiết nóng bức quanh năm thì Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là một lựa chọn tốt hơn. Và nếu thích một thành phố hoặc khu vực nông thôn nhỏ hơn, thì có rất nhiều tỉnh miền núi – nơi cư trú của một số dân tộc ít người – cho bạn lựa chọn. Các bãi biển và hòn đảo ở Việt Nam không hề thua kém bất cứ nơi nào ở Đông Nam Á.

Tôi nghĩ Việt Nam là một nơi sinh sống tốt cho người nước ngoài, bất kể sở thích của bạn ra sao (dù tôi không chắc lắm về cảm giác của người Việt Nam). Nếu muốn bắt đầu kinh doanh và đầu tư, làm giáo viên tiếng Anh, khám phá các nền văn hóa cổ đại, chiêm ngưỡng động vật hoang dã và nghệ thuật đương đại, hoặc đơn giản chỉ là nằm dài trên bãi biển thì đây là nơi dành cho bạn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *