Thạc sĩ, cử nhân chạy xe ôm công nghệ: Lãng phí chất xám?

Một lượng lớn sinh viên ra trường không xin được việc làm liền đổ xô chạy xe ôm công nghệ với thu nhập trên dưới 10 triệu đồng/tháng.
Do tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” nên nhiều cử nhân phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp. Hiện có bộ phận không nhỏ sinh viên sau khi ra trường cất bằng đại học, lựa chọn các công việc bán thời gian trong đó có nghề xe ôm công nghệ. Điều này đặt ra bài toán về việc lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao.
Làm xe ôm công nghệ
Tốt nghiệp ĐH Điện lực, Nguyễn Văn Dũng quyết định ở lại Hà Nội làm xe ôm công nghệ để kiếm tiền trả nợ học phí. Nguyện vọng của bố mẹ Dũng là con trở về địa phương và xin một công việc hành chính với mức lương khoảng 3 triệu đồng/tháng.
Sau 10 ngày làm xe ôm công nghệ, Dũng kiếm đủ 3 triệu đồng và bỏ luôn ý định về quê.
“Chỉ cần xe máy, điện thoại thông minh là bất cứ ai cũng có thể trở thành xe ôm công nghệ. So với việc làm văn phòng lương chỉ vài triệu đồng/ tháng thì mức lương của của xe ôm công nghệ gấp 3-4 lần”, Dũng nói.
Mỗi ngày, Dũng ra khỏi nhà vào sáng sớm và trở về khi tối muộn, liên tục di chuyển trên đường 10-12 tiếng. Trong một nhóm xe ôm công nghệ thường bắt khách tại khu vực bến xe Mỹ Đình, không chỉ Dũng có trình độ cử nhân mà còn có nhiều bạn trẻ khác cũng tốt nghiệp đại học này, cao đẳng kia. Tuy nhiên, mọi người đều giấu nhẹm câu chuyện này mà hầu như chỉ giới thiệu trình độ học vấn hết cấp 3 hoặc đang là sinh viên.
“Nhiều người rất giỏi, tốt nghiệp trường đại học lớn nhưng không xin được việc nên chuyển sang làm xe ôm công nghệ. Tôi có biết một anh tốt nghiệp ĐH Sư phạm, nói tiếng Anh trôi chảy, sau 3 năm dạy hợp đồng, không xin được việc nên đã chuyển hướng làm xe ôm công nghệ”, Dũng kể.
Tuy làm xe ôm công nghệ mang lại thu nhập tốt hơn so với công việc khác, cái giá phải đánh đổi cũng không phải là nhỏ. Gương mặt Dũng bắt đầu đen sạm, khắc khổ vì mỗi ngày phải ngược xuôi hàng trăm km trong thành phố đầy bụi bặm và kẹt xe.
Những ngày nắng nóng đỉnh điểm, nhiệt độ ngoài đường có khi lên đến 50-60 độ C nhưng Dũng vẫn cần mẫn “chạy đều” cho đủ chỉ tiêu. Ngày đông giá rét, mưa phùn, đôi bàn tay cậu sưng phù vì lạnh. Cùng với đó là bao nguy hiểm rình rập nhất là khi chở khách ban đêm.
“Mỗi ngày không đi làm thì không được. Mà đi làm nhiều lúc, tôi cũng thấy cơ cực, tủi thân. Sau gần 1 năm chạy grab, tôi đã quên hẳn nghề, ngành mà mình mất 4 năm theo đuổi trên giảng đường đại học. Tất nhiên không thể chạy xe ôm mãi được nhưng đến thời điểm này, đối với tôi, đây là công việc tốt”, Dũng nói.
Đứng đợi khách bến xe Mỹ Đình, Lê Đình Nam (25 tuổi, quê Hà Nam) tranh thủ chia sẻ câu chuyện của mình. Sau nhiều ngày tháng “vác” hồ sơ đi xin việc khắp nơi không thành, Nam đăng ký làm xe ôm công nghệ.
“Hồi mới ra trường, tôi cũng đã có ý định về quê xin việc vì nghĩ rằng ở quê chỉ cần có bằng cấp, chuyên môn tốt sẽ được nhận. Nhưng thực tế không phải vậy. Gia đình tôi đã hỏi han khắp nơi thậm chí mất tiền xin việc nhưng cũng chỉ đổi lại được lời hứa hẹn. Chờ đợi mấy tháng, tôi quay lại Hà Nội để tìm kiếm công việc thì được bạn giới thiệu làm xe ôm công nghệ”, Nam nói.
Nam mới chạy xe được khoảng một tháng. Mỗi ngày, chàng trai chạy được khoảng 20 chuyến. Trừ hết chi phí, một tháng, Nam cũng kiếm được trên 10 triệu đồng. Số tiền ấy không phải là ít so với người làm công việc tự do, thoải mái về thời gian, thậm chí gấp 3 lần lương thử việc văn phòng.
Lãng phí chất xám
Câu chuyện thạc sĩ, cử nhân làm xe ôm khiến nhiều người chua xót. Theo PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, đây là sự lãng phí về thời gian và tuổi trẻ.
Thực tế ngày nay, hàng chục nghìn cử nhân không kiếm được việc làm, trong khi hàng chục nghìn người tốt nghiệp trường nghề, công việc ổn định, mức lương khá. Nhưng ở nhiều địa phương, người dân vẫn còn tâm lý thích học đại học, không cần biết xin được việc hay không.
Tâm lý đó dẫn đến tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” diễn ra cả chục năm nay. Chưa kể đến, không ít người tốt nghiệp đại học nhưng trình độ chưa đạt mức “thầy”, không đáp ứng được công việc lao động tri thức.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cử nhân, thạc sĩ sau khi ra trường làm xe ôm công nghệ là sự lãng phí rất lớn tiền của và thời gian, đồng thời làm thui chột tài năng của biết bao nhân tài.
Tuổi trẻ là tuổi của học tập, sáng tạo và cống hiến, nhưng biết bao người đang phải tiêu hao mòn mỏi tuổi thanh xuân của mình để làm những việc của người học cấp 1, cấp 2 cũng làm được. Chỉ cần một năm không sử dụng kiến thức là sẽ có lỗ hổng lớn, sau này muốn đi làm cũng sẽ khó hòa nhập và nhà tuyển dụng cũng không chấp nhận.
“Đến khi họ không làm việc phổ thông thì sức lực giảm sút, nhiệt huyết tiêu tan, liệu còn đủ tâm huyết và nghị lực để lại bắt đầu một sự khởi đầu mới hay không?”, ông Tuấn Anh đặt câu hỏi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *