Xin lỗi đúng cách như thế nào?
Khi xin lỗi người khác, mọi người thường có xu hướng mắc phải 3 lỗi sau: Họ đổ lỗi, họ bào chữa và họ tìm cách phủ nhận lỗi lầm của mình. Lời xin lỗi có ý nghĩa khác nhau đối với từng cá nhân và hoàn cảnh, vì vậy, ngôn ngữ khi nói lời xin lỗi cùng khác nhau.
Theo một nghiên cứu năm 2016 có tên Sự đàm phán và cách kiểm soát xung đột, một lời xin lỗi hiệu quả cần phải bao gồm 6 yếu tố sau:
– Thể hiện cảm giác hối hận
– Lý giải cho lối cư xử của mình
– Thừa nhận trách nhiệm
– Khẳng định sự hối lỗi
– Đề nghị được thay đổi
– Xin được tha
XIN LỖI BỐ MẸ
Điều mà người khác tìm kiếm trong lời xin lỗi chính là sự thừa nhận lỗi lầm chứ không phải là lý do chúng ta làm họ thất vọng. Bố mẹ bạn biết rằng bạn không hoàn hảo và họ cũng biết rất rõ những điểm chưa tốt của bạn. Vì vậy, đừng tìm cách biện hộ cho lỗi lầm của bản thân. Một lời xin lỗi gửi tới bố mẹ cần phải thể hiện được sự hối hận và mong muốn nhận được sự tha thứ.
XIN LỖI NGƯỜI YÊU
Thay vì nói “Xin lỗi vì đã khiến anh/em cảm thấy như vậy” thì hãy nói rằng “Xin lỗi anh/em vì đã lên giọng như thế” vì cách nói này thể hiện rằng bạn nhận trách nhiệm cho những hành động của mình.
Bạn cần phải thể hiện rõ cho người ấy thấy sự chân thành trong lời xin lỗi của bạn. Đồng thời, bạn cũng nên nói rằng bạn sẽ thay đổi vì cả hai. Việc này sẽ cho họ thấy được bạn đang mong muốn về một tương lai tốt đẹp bên nhau.
XIN LỖI ĐỒNG NGHIỆP
Khi mắc sai lầm trong môi trường làm việc, lời xin lỗi sẽ liên quan đến việc bạn có còn tiếp tục được người khác tín nhiệm và giao việc tiếp hay không. Điều quan trọng trong lời xin lỗi đồng nghiệp chính là giành lại được sự tin tưởng.
Khi xin lỗi đồng nghiệp, hãy cố gắng giữ mọi chuyện chỉ giữa hai người. Đừng đổ lỗi cho sếp, cho công ty hay cho hoàn cảnh vì bạn cần phải cho họ thấy rõ rằng bạn là người chịu trách nhiệm cho hành động của chính mình.
XIN LỖI BẠN BÈ
Điều mà bạn bè muốn thấy chính là thái độ trân trọng và mong muốn được duy trì tình bạn lâu dài của chúng ta. Bạn có thể đề nghị được bù đắp cho những gì bạn đã làm sai. Cho dù thực tế rằng chúng ta không thể xóa đi những gì mình đã làm nhưng lời đề nghị này sẽ cho thấy bạn tôn trọng mối quan hệ này và cố gắng thay đổi vì nó.
XIN LỖI TRẺ EM/CON CÁI
Những lời xin lỗi cũng có rất nhiều ý nghĩa đối với trẻ nhỏ bởi cách chúng ta nói lời xin lỗi cũng chính là cách trẻ em học xin lỗi. Vì vậy, bản thân bạn cần phải tạo ra một ví dụ tốt để trẻ em noi theo.
Việc thể hiện sự hối hận chính là điều quan trọng nhất cho một lời xin lỗi với trẻ nhỏ. Trong lời xin lỗi, bạn cũng nên thể hiện rõ rằng bạn nhận trách nhiệm với hành động của mình và mong muốn sửa đổi cho lần sau.
XIN LỖI ANH/CHỊ EM
Đối với anh em trong nhà, họ là những người cùng lớn lên dưới một mái nhà và những cuộc cãi vã là không hề ít. Vì vậy, lời xin lỗi dành cho anh chị em của bạn cần thể hiện được sự tôn trọng bạn dành cho họ.
Bạn nên tránh việc lôi những chuyện cũ ra nói hay nhắc cho họ nhớ về những lần họ cũng đã khiến bạn tổn thương. Bạn cần tập trung vào những gì đang xảy ra ở hiện tại và thành thật xin lỗi về sai lầm của mình.