8 CÁCH BRAINSTORMING ĐỂ ĐƯA RA NHỮNG Ý TƯỞNG XUẤT SẮC

Thật không dễ dàng gì khi phải liên tục đưa ra những ý tưởng tươi mới, hấp dẫn. Và nhất là khi tính chất công việc đòi hỏi bạn phải sáng tạo hầu như mỗi ngày thì ai cũng dễ có lúc rơi vào tình trạng bí ý tưởng.

Đó là lý do tại sao những buổi brainstorming lại rất hữu ích. Nhưng kinh nghiệm cho thấy, không phải buổi brainstorming nào cũng đầy ý tưởng và năng suất như bạn mong đợi.

Ắt hẳn bạn đã từng trải qua cảm giác nhóm làm việc của mình cứ ì ạch và không tìm được giải pháp nào, bạn cảm giác rằng càng muốn có ý tưởng hay nhưng lại càng bế tắc, chỉ tốn kém thời gian và không đưa ra được câu trả lời. Những lúc này hãy nhớ bắt tay thực hiện ngay những buổi brainstorming, vì nó là cách tuyệt vời để tái tạo dòng chảy sáng tạo trong bạn.

Và những buổi họp như thế thì không nhất thiết phải cùng đội nhóm của mình tập trung tại bàn họp rồi yêu cầu mỗi người phải nhanh chóng đưa ra ý tưởng sáng tạo của họ, thay vào đó hãy nghĩ ra cách phá vỡ lối suy nghĩ truyền thống và giúp mọi người cùng tư duy theo hướng hoàn toàn mới.

1) KHỞI ĐẦU VỚI NHỮNG Ý TƯỞNG “DỞ TỆ” TRƯỚC.

Trước khi bắt đầu những buổi brainstorming thì nên đảm bảo tất cả mọi người đều cảm thấy thoải mái đưa ra bất kỳ ý tưởng nào đang xuất hiện trong đầu họ, bất kể là tuyệt vời hay dở tệ. Đừng để các thành viên có cảm giác lo lắng việc bị cười chê vì có những ý tưởng ngờ nghệch, nóng vội và thiếu thông tin. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, khi bạn lo lắng, dè dặt và bất an thì chẳng thể đưa ra ý tưởng tốt được.

Vậy có cách nào giúp mọi người được thả lỏng và tràn đầy ý tưởng hay không? Câu trả lời là hãy dành ra khoảng 10 phút để mọi người thoải mái phát biểu những ý tưởng có vẻ điên rồ. Bạn nên là người bắt đầu trước để mọi người nắm bắt được ý muốn của mình. Lúc mới bắt đầu buổi họp, đừng quá cứng nhắc như thường ngày, hãy thả lỏng, điều chỉnh tông giọng nói để phá vỡ bầu không khí ngột ngạt. Gerry Graf thuộc công ty Barton F. Graf 9000 cho biết ông cùng đội nhóm của mình thường đưa ra tới khoảng 4000 ý tưởng tồi trước khi nảy ra được cái ưng ý.

Khi đã tạo ra được một khởi đầu mà mọi người cùng thoải mái và không kiêng dè khi đưa ra những ý tưởng có thể khiến các thành viên khác bật cười, thì lúc này các bạn đã sẵn sàng tập trung cho buổi brainstorming. Và ai biết được, có khi những ý tưởng có vẻ dở tệ được đưa ra vào những phút “khởi động” này lại là một thứ hay ho mà mọi người sẽ cùng nhau tiếp tục bám vào và khai thác nó trong phần còn lại của buổi brainstorming.

2) CHIA NHỎ VÀ NHÓM CÁC Ý TƯỞNG LẠI VỚI NHAU.

Một cách để có ý tưởng mới là hãy chia nhỏ nó thành nhiều nhánh và sau đó lại kết hợp và nhóm chúng lại. Nếu bạn chỉ đang có một ý tưởng còn chung chung thì hãy thử xem có thể tách chúng thành những nhóm ý tưởng nhỏ và chi tiết hơn được không. Hoặc ngược lại, khi đang có trong tay nhiều ý nhỏ chi tiết, bạn hãy thử nhóm chúng lại vào một chủ đề bao quát hơn.

Cách làm là yêu cầu mỗi thành viên hãy viết 2-3 ý tưởng ra giấy, sau đó mọi người sẽ chuyền những mẫu giấy này cho nhau, để kết hợp chúng lại. Bạn có thể luân phiên chuyền như thế vài lượt, và lựa ra được một vài cái nổi bật để bám vào và tiếp tục khai triển sâu hơn.

3) BẮT ĐẦU TRÒ CHƠI VỚI CHỮ

Trò chơi với chữ sẽ giúp bạn thoát khỏi hướng tư duy truyền thống với những ý tưởng cũ kỹ và không có gì đặc biệt. Nếu bạn đang muốn thoát khỏi lối mòn đó thì hãy thử lồng ghép một vài trò chơi vào các buổi brainstorming để mọi người cùng làm mới và phá vỡ các giới hạn tư duy thông thường.

Trò chơi sẽ bắt đầu bằng cách tạo ra một “cơn bão chữ” với một luồng các từ ngữ mà bạn có thể nghĩ ra. Bắt đầu bằng một từ rồi sẽ nảy ra liên tiếp một chuỗi từ sau đó. Bạn có thể bám vào chức năng, mặt thẩm mỹ, cách sử dụng và các phép ẩn dụ liên quan đến từ đó. Hãy để luồng suy nghĩ tuôn chảy một cách tự nhiên, đây chính là bài tập cơ bản rèn luyện tính sáng tạo.

Khi đã có một danh sách dài rồi thì hãy nhóm chúng lại với nhau. Mục tiêu là đưa ra được những câu chữ mà có thể bắt lấy được ý muốn của khách hàng trong các dự án mà bạn đang nhận thực hiện.

Trò chơi với chữ này có thể được thực hiện trên giấy hoặc bảng trắng, hoặc bạn có thể tận dụng các ứng dụng hỗ trợ vẽ sơ đồ tư duy, nơi bạn có thể lưu trữ, trích xuất và gửi cho mọi người cùng xem sau buổi họp.

Bản đồ tư duy là công cụ tuyệt vời để gắn kết các thuật ngữ và các ý tưởng liên quan. Hãy bắt đầu sơ đồ này bằng cách vẽ một ý tưởng trung tâm, sau đó chia thành các nhánh nhỏ và nhỏ hơn nữa. Bạn có thể vẽ sơ đồ trên giấy hoặc bảng trắng, hoặc sử dụng ứng dụng “MindNode”.

Cuối cùng, bạn có thể thử qua trò chơi mà trang Creative Bloq gọi tên là “essence words – những từ cốt lõi và tinh hoa”. Những từ dạng này sẽ nắm bắt và truyền tải được tinh thần, tính cách và thông điệp mà bạn muốn, mặc dù đôi lúc chúng nghe có vẻ điên rồ. Nhưng nó là cách có thể giúp bạn nảy ra được những ý tưởng “chất lừ”.

4) SỬ DỤNG KỸ THUẬT MOOD BOARD – BẢNG MIÊU TẢ TÂM TRẠNG

Kết hợp hình ảnh, màu sắc và sắp xếp chúng theo bố cục thị giác – không gian có thể giúp khơi dậy niềm cảm hứng và làm bật lên các ý tưởng mới mẻ. Nó cũng chứng minh rằng kỹ thuật giúp hồi tưởng thông tin quan trọng hơn so với các phương pháp truyền thống.

Có rất nhiều cách để áp dụng phương pháp hình ảnh trực quan vào việc brainstorming, và “mood board” là một cách phổ biến, nó đặc biệt hữu ích khi bạn cần đưa ra những ý tưởng và hình dung ra các concept trong thiết kế.

“Mood board” có nghĩa đen là “bảng miêu tả tâm trạng”, nó đơn giản là việc tập hợp ngẫu nhiên nhiều hình ảnh, từ ngữ, bố cục của một chủ đề hoặc ý tưởng lại với nhau. Cũng giống như sơ đồ tư duy, những yếu tố hỗ trợ thị giác trong “mood board” cũng có thể chia làm nhiều nhánh nhỏ từ một ý tưởng mang tính trọng tâm.

 “Mood board” có thể được trình bày trên các poster hoặc bảng ghim (cord board), hoặc các trang hình ảnh ảo như Pinterest board. Bạn cũng có thể tận dụng các công cụ trong ứng dụng Moodboard để hỗ trợ việc tập hợp, tổ chức và chia sẻ những yếu tố liên quan đến hình ảnh mà bạn cần cho bảng sơ đồ này.

5) TRÒ CHƠI ỨNG TÁC TỰ DO

Một chút ngẫu hứng và ứng biến tự do là một trong những phương pháp khơi nguồn dòng chảy sáng tạo hiệu quả nhất. Điều này nghe có vẻ vô lý nhưng thực tế là: bạn càng tạo được môi trường thoải mái (không có yếu tố cản trở cảm xúc), thì mọi thành viên sẽ càng cảm thấy được tự do trong việc trình bày và chia sẻ ý tưởng với nhau.

Corey Blake – Giám đốc điều hành của công ty RoundTable đã chia sẻ với báo The Huffington Post về những trải nghiệm mà ông và nhóm điều hành đã có được khi áp dụng trò chơi ứng biến tự do trong các buổi brainstorming. Ông cho rằng chính trò chơi dạng này đã giúp khai mở tâm trí và giúp các thành viên sẵn sàng trước khi bắt đầu cho buổi brainstorming. Ông nhận thấy rằng một bầu không khí vui tươi thoải mái sẽ giúp mọi người giải phóng mọi giới hạn tư duy và làm tăng hiệu suất sáng tạo.

Nếu bạn và đội nhóm có thể thoải mái cười đùa vui vẻ, thì dòng năng lượng sáng tạo sẽ càng mạnh mẽ hơn.

6) DOODLE – NGHỆ THUẬT VẼ NGUỆCH NGOẠC

Bạn có biết rằng doodle giúp thúc đẩy quá trình sáng tạo, làm tăng khả năng tập trung và giúp bạn giải phóng bộ nhớ ngắn hạn cũng như dài hạn?

Sunni Brown, tác giả cuốn sách “The Doodle Revolution” cho rằng khi tâm trí bạn gắn kết với ngôn ngữ hình ảnh, bạn sẽ dễ dàng kích hoạt tế bào thần kinh sáng tạo hoạt động hiệu quả hơn so với việc chỉ tư duy bằng ngôn ngữ đơn thuần.

Những buổi brainstorming chỉ với tài liệu đọc và trò chuyện thôi thì chưa đủ, doodle sẽ giúp mọi người phá vỡ kiểu tư duy truyền thống và những điều quen thuộc cũ kỹ để đầu óc được phiêu lưu cùng những ý tưởng độc đáo ngoài mong đợi.

Vậy làm cách nào để sử dụng kỹ thuật doodle này, Brown đã gợi ý trong sách của ông như sau:

Hãy chọn một chủ thể bất kỳ và đi sâu phân tích các yếu tố liên quan. Ví dụ trong đầu bạn xuất hiện hình ảnh một chú chó, bạn có thể vẽ thêm phần móng chân, đuôi và cổ. Tiếp đó, hãy nghĩ ra tất cả các yếu tố liên quan đến nó và môi trường mà bạn có quan điểm và góc nhìn mới mẻ hơn về con vật này.

Chọn 2 chủ thể bất kỳ không liên quan với nhau, chẳng hạn con voi và que kem. Vẽ chúng ra giấy, thêm thắt các bộ phận chi tiết. Sau đó, sáng tạo các yếu tố ngẫu nhiên khác như phần cổ khác biệt của con voi hay que kem đang tan chảy. Việc áp dụng kỹ thuật này của Brown đã giúp các nhà báo tiếp cận được các góc nhìn độc đáo hơn.

7) THAY ĐỔI MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC XUNG QUANH.

Thay đổi nơi làm việc không đơn thuần là thay đổi không gian xung quanh, mà nó thật sự có tác động đến cách bộ não chúng ta hoạt động. Các chuyên gia thần kinh học tin rằng một môi trường lý tưởng có thể đẩy nhanh quá trình sản sinh nơ-ron thần kinh mới. Điều này có nghĩa là địa điểm bạn tiến hành buổi brainstorming có thể ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng ý tưởng mà bạn và đồng đội đưa ra.

Hãy cố gắng sắp xếp các buổi brainstorming ở các gian phòng khác với các buổi họp thông thường. Nếu bạn không thể đổi phòng thì hãy thay đổi các yếu tố trong gian phòng đó để kích hoạt bộ não, chẳng hạn sắp xếp lại ghế ngồi, đặt thêm tranh ảnh trên tường. Hoặc yêu cầu các thành viên hãy đứng lên, đi vòng quanh phòng để kích hoạt dòng năng lượng sáng tạo thay vì chỉ ngồi một vị trí trong suốt buổi brainstorming.

 HẠN CHẾ NHIỀU NGƯỜI CÙNG CÓ MẶT TRONG BUỔI BRAINSTORMING

Đối với các buổi họp trong công ty, Jeff Bezos – Giám đốc điều hành của Amazon có một quy tắc rằng số người tham gia họp chỉ nằm trong con số mà 2 cái bánh pizza có thể đủ dùng. Quy tắc này cũng được ông áp dụng trong các buổi brainstorming.

Về mặt bằng chung, 2 cái bánh pizza có thể đủ dùng cho từ 6 đến 10 người, nếu hơn số đó, có thể mọi người có thể “không đủ no” và nhất là chưa nói đến “năng suất” làm việc sẽ bị giảm.

Từ phép ẩn dụ qua chiếc bánh pizza này, tốt nhất là bạn hãy giới hạn số thành viên trong buổi brainstorming để mọi người đều có cơ hội trình bày ý tưởng. Thêm vào đó, càng nhiều người thì càng nhiều bất đồng ý kiến, dễ dẫn đến việc phân tán và gián đoạn các ý tưởng. Một nhóm tầm 10 người sẽ là lý tưởng để bổ trợ ý tưởng cho nhau mà không làm không khí bị loãng và nội dung buổi họp bị chệch hướng.

Nguồn: dpicenter

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *