Answer: Robert Self, giám đốc công ty huấn luyện nhân viên (2015-nay)
Tôi là giám đốc của một công ty huấn luyện đội nhóm cho nhân viên (coaching) ở châu Á. Tôi còn phụ trách giám sát việc huấn luyện và đào tạo trong toàn khu vực. Khách hàng của tôi là những công ty lớn và quốc tế hóa hơn mức bình quân ở Nhật Bản. Nhưng có một vài bài học mà tôi học được từ tuần đầu ở Nhật. 38 năm về trước, tôi vẫn đang đi tìm việc làm ở nhiều công ty. Hiện tại có hai tiêu chí loại trừ: Nhật Bản có vài công ty rất tốt và tôi muốn làm việc cùng họ, và mọi thứ hiện tại đều dần đổi thay do COVID 19, đặc biệt là phong cách làm việc. Không có văn hóa doanh nghiệp duy nhất nào ở Nhật, nhưng hãy bàn về “văn hóa công sở truyền thống” tại đây.
Năm 1983, tôi ở nhà bạn gái tôi (vào thời điểm ấy), và gia đình bạn gái tôi, theo ý tôi thì khá là “truyền thống”. Tôi mới 20 tuổi, và tôi khá bất ngờ khi họ để một tên có kiểu tóc dài Peter Frampton sống cùng với gia đình.
Người cha sẽ đi làm về vào khoảng 9 giờ đêm hàng ngày (tuy nhiên sẽ về nửa ngày vào thứ 7), dường như bị hút sạch sức sống. Ông ấy nhìn khá già cỗi với tôi, nhưng ông chỉ mới chạm ngưỡng cuối của những tuổi 40 mà thôi. Ông ấy dành thời gian rảnh ngồi đó hút thuốc, xem ti vi rồi phát ra vài tiếng xì hơi kì lạ.
Người mẹ chạy quanh nhà để dọn nhà, nhưng bà cũng có một công việc bán thời gian. Bà ấy sẽ không ngồi cho đến khi chồng về nhà. Cha mẹ bạn gái tôi hay đùa rằng cô ấy “lười nhác” thế nào, vì cô chỉ dạy tiếng Anh có 15 tiếng một tuần. Họ tự hào hơn về em gái bạn gái tôi, được làm giao dịch viên của một ngân hàng địa phương với thời gian làm việc dài dẳng. Tôi hiếm khi thấy cô ấy, đến tận chục năm sau tôi cũng không thể nhớ nổi cô cười khi nào. Cô em gái chỉ ngủ 4 hay 5 giờ đồng hồ rồi lại đến nơi làm việc. Tuy nhiên, lương của bạn gái tôi cao hơn rất rất nhiều so với em gái của cô. Nhưng ngược lại, bạn gái tôi lại hay bị chỉ trích. Bài học rút ra, đó là những chuyện thế này vẫn còn được phổ biến rộng rãi ở Nhật Bản.
Cái gọi mà “làm việc thành công” ở Nhật được định nghĩa một cách truyền thống theo “số giờ làm việc”, mà không nhất thiết chú ý đến hiệu suất đầu ra công việc. Về nhà đúng giờ, từ lâu đa bị xem là dấu hiệu của một tên lười chảy thây chẳng thấy tương lai phát triển nào tại công ty. Thẻ chấm công vẫn còn phổ biến ở nhiều công ty. Ai đi trễ 2 hay 3 phút đều lãnh hậu quả. Nếu tàu điện mà bạn đi khiến cho bạn muộn giờ làm, bạn cần phải lấy giấy xác nhận từ nhà ga “chứng minh” rằng đó không phải lỗi của bạn, dù cho bạn phải chờ thêm 10 phút để lấy tờ giấy đó. Không có nó, bạn sẽ bị gọi vào phòng nhân sự và phải xin lỗi mọi người thuộc bộ phận của bạn.
Mục tiêu của việc đi làm không nhất thiết phải là lương cao. Cái chính lại là ổn định và làm việc nhóm. Và ở đây tôi nghĩ chúng ta nên cẩn trọng khi hiểu rằng nhiều người Nhật thực sự tận hưởng việc là một phần của một nhóm. Không hòa đồng với đồng đội sẽ bị cho là có một lối sống nghèo nàn. Nhân viên ở hầu hết các công ty Nhật Bản thường sẽ đi chơi chung sau giờ làm việc, dù cho việc này bây giờ đã thay đổi.
Các công ty Nhật Bản vô cùng dựa dẫm vào thâm niên. Đây không phải ý nói rằng người lớn tuổi không lắng nghe hay tôn trọng những “bộ não trẻ tài năng” trong công ty. Họ có thể đấy. Nhưng điều đó cũng đồng thời ám chỉ rằng mọi người phải ngầm hiểu ai là “đàn anh đàn chị” và ai là “đàn em”. Ví dụ một phép thử nho nhỏ, tôi đến một công ty ở Anh (chẳng hạn), rồi hỏi mười người nhân viên tự phân loại họ xem ai là người có thâm niên lâu nhất, thì mọi chuyện sẽ giống như nói nhảm với họ vậy. Thâm niên trong cái gì cơ chứ? Tuổi à? Kinh nghiệm chăng? Hay trình độ học vấn? Hay chức danh công việc? Ở Nhật, chuyện này chỉ mất 30 giây là xong. Khá tương tự như mấy trường trung học ở Mỹ. Ai cũng biết người nào là tân học sinh, ai là cuối cấp. Trong công ty Nhật Bản, chuyện này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến sự nghiệp của bạn, nhưng đối với nhân viên ngoại quốc tại Nhật, những thứ này lại vô cùng phiền nhiễu.
Từ khía cạnh phụ nữ, môi trường văn phòng đã vô cùng bất công đến mức nực cười. Nhân viên nữ tại Nhật thường hay bị gọi là các “bé văn phòng” (Office ladies). 20 năm về trước họ chỉ được trông đợi là pha trà cà phê cho các cuộc họp, rồi “nghỉ hưu” luôn khi họ kết hôn. Rất hiếm khi phụ nữ Nhật gắn bó với công việc lâu dài. Trả lương công bằng sao? Mơ đi! (Và tôi phải luôn đào tạo nhân viên Nhật Bản rằng ngưng ngay việc gọi phụ nữ là “gái”). Quấy rối tình dục hả? Hơi bị thường xuyên đấy.
Ở mức độ nào đó, sự độc hại như vậy ở các công ty bây giờ thường phụ thuộc vào mức độ tổ chức của tập đoàn. Công ty càng lớn càng có phòng nhân sự mạnh mẽ sẽ bảo vệ quyền lợi cho nhân viên nhiều hơn. Công ty vừa và nhỏ thì thường chịu sự thao túng của các ông chủ truyền thống bảo thủ, nếu không muốn nói mọi chuyện chỉ toàn là độc tài, bạo tàn.
Một vấn đề liên quan đó là nhân viên Nhật Bản (và cả Hàn Quốc) có số giờ ngủ trung bình ít hơn hẳn các quốc gia khác. 5 tiếng đồng hồ là phổ biến. Điều này ảnh hưởng đến hạnh phúc cá nhân họ, và, lý thuyết mà nói, ảnh hưởng cả sự sáng tạo trong công việc.
Vậy văn hóa làm việc ở Nhật có “độc hại” không? Tôi muốn nói là ngày xưa văn hóa làm việc truyền thống của Nhật thực sự đúng là độc hại. Nhân viên Nhật Bản phải chịu đựng sự thống trị, phân biệt giới tính, làm việc quá giờ, họp hành liên miên, lương thấp, thiếu ngủ, đi công tác dài ngày, áp lực nhóm và việc điều hành kém linh động.
Nhưng hiện tại thì sao? Đa số cũng đã thay đổi, và nhiều người còn đang làm việc tại nhà nữa! 10 năm tới, với chút may mắn, mọi sự độc hại kia sẽ trở thành quá khứ. Nhật Bản đang cố gắng cạnh tranh trên trường quốc tế, và bước tiến triển là có thật. Không nghi ngờ gì khi đa phần những người Nhật và các công ty Nhật Bản đang tập trung để thành công ở nước ngoài, vì thị trường tiêu thụ ở Nhật đã chìm dần do dân số giảm mạnh.
Cá nhân tôi thì lại kì vọng nhiều lắm đấy!