TÀI ĐỨC CỦA “LƯỠNG QUỐC PHU NHÂN” NHỮ THỊ THUẬN

Bà Nhữ Thị Nhuận, hiệu là Diệu Huệ, người làng Hoạch Trạch (làng Vạc), xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Bà sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc, là con gái của thiềm sự Nhữ Tiến Duyệt, cháu nội tiến sĩ Nhữ Tiến Dụng. Chồng bà là cử nhân Vũ Phương Đẩu, người làng Mộ Trạch – ngôi làng nổi tiếng với 36 người đỗ tiến sĩ. 

Là con gái của một lương y có tài nên bà Nhữ Thị Nhuận rất giỏi về việc điều chế và sử dụng dược liệu, đặc biệt là dùng cây quế để chữa bệnh. Theo Bia công đức và gia phả họ Nhữ, bà được vua Lê Hiển Tông giao cho vàng bạc để vào trấn Thanh Hoa (tức Thanh Hóa ngày nay) tìm chọn mua quế chữa bệnh cho Hoàng Thái hậu. Thế nhưng khi tới nơi, mủi lòng trước cảnh người dân đói kém cực khổ, bà Nhữ Thị Thuận đã đem bán hết vàng bạc của vua ban để mua thóc gạo phát chẩn cho dân nghèo. Sau đó, bà phải về nhà bán hết tư trang đồ đạc để lấy tiền đi tìm quế quý chế thuốc dâng Hoàng Thái hậu. Nhờ vào đơn thuốc của bà, căn bệnh đau bụng kinh niên của Hoàng Thái hậu đã được chữa khỏi. Đặc biệt bá tính vùng Thanh Hoa cảm ân đức của bà, vô cùng yêu mến và ưu ái gọi bà là “mẹ”. Từ đó vùng Thanh Hoa đã yên được loạn giặc cỏ.

Lại nói vào cuối thế kỷ XVIII, xứ Thanh Hoa bị hạn hán mất mùa, người dân đói kém dẫn đến nổi loạn. Triều đình cử quan quân hai lần đi dẹp nhưng không lần nào thành công. Hay tin, bà Nhữ Thị Nhuận xin triều đình cho bà đi Thanh Hoa. Khi bà vào đến Thanh Hoa, người dân nhìn thấy cờ trướng mang tên Nhữ Thị Nhuận thì đều mừng rỡ truyền gọi nhau rằng: “Mẹ đã vào rồi”. Bà đem gạo, vải cùng các nhu yếu phẩm đã chuẩn bị sẵn đem phát cho người dân. Bà khuyên những kẻ chuyên cướp bóc quay lại làm người lương thiện; cấp vốn làm ăn cho người dân để họ có điều kiện canh tác sản xuất; xin tha bổng cho những người lỡ mang tội nổi loạn. Sau đó, vùng Thanh Hoa không còn nổi loạn, cướp bóc, đói kém, cuộc sống dần ổn định trở lại, đời sống người dân cũng khá hơn. Với công lao đó, bà Nhữ Thị Nhuận được triều đình phong là “Quế hộ Thượng quận Phu nhân”, sánh ngang với các hoàng thân quốc thích.

Cùng thời gian này, Sùng Khánh Hoàng thái hậu là mẹ Hoàng đế Càn Long mắc bệnh. Hoàng đế Càn Long đã cho mời nhiều danh y mà vẫn không chữa được bệnh tình của bà. Biết được tin này, bà Nhữ Thị Nhuận dùng quế quý chế ra thuốc, đưa sứ đem cống sang Trung Hoa. Nhờ thuốc của bà mà bệnh của thái hậu đã được chữa khỏi. Nhớ công Nhữ Thị Nhuận, Hoàng đế Càn Long ban thưởng rất hậu, lại phong bà là “Lưỡng quốc Quế hộ Thượng thượng quận Phu nhân”. Bà Nhữ Thị Nhuận đã trở thành một vị “lưỡng quốc phu nhân” trong sử Việt. Đây là công trạng vô cùng to lớn mà ít người làm được, chưa kể đó lại là phụ nữ.

Khoảng năm Canh Thân – Tân Dậu (1740-1741), sau khởi nghĩa của Vũ Trác Oánh, đình làng Mộ Trạch bị đốt phá. Đến năm Đinh Sửu (1757) bà Nhữ Thị Nhuận đã tự nguyện bỏ 3000 quan tiền, một mình lo việc làm lại đình mới. Đây là một trong những ngôi đình đặc sắc về kiến trúc, cũng như văn hóa của tỉnh Hải Dương. Sau khi sữa chữa xong, bà Nhữ Thị Thuận đã quyên tặng 200 quan tiền cùng 20 mẫu ruộng được ngự ban cho bà để lấy hoa lợi chi vào việc cúng tế hàng năm. Do bà Nhữ Thị Nhuận không có con trai, gia đình bà bên Hoạch Trạch lại thuộc hàng danh gia vọng tộc, nên người dân tôn vinh bà là hậu thần, lập bia ghi công đức cùng bàn thờ bà ở bên phải toà thiên hương phía trước hậu đình.

Đem tiền chữa bệnh cho Hoàng Thái hậu để giúp dân, dùng đức để làm điều mà quan quân triều đình hai lần không làm được; lại dùng quế quý chữa bệnh cho Thái hậu của cả Đại Việt và Trung Hoa, tài đức của bà Nhữ Thị Nhuận quả thật là một điều hiếm có trong sử Việt. Sử cũ vẫn dạy rằng nếu dùng bạo lực để thống trị thì chỉ khiến người quy thuận vì sợ hãi, chi bằng biết dùng đức mà công đánh nhân tâm ấy mới là diệu kế. Thánh nhân được người người tôn sùng có chăng cũng là những con người rành rọt đạo lý đó mà thôi. Thế nhưng phàm nhân vốn có hỉ nộ ái ố, tham hận sân si tồn tại, đâu phải chuyện bình thường nói là làm được ngay? Muốn dùng đức cảm hóa nhân tâm thì thật sự cần phải có được sự vị tha và tâm đại nghĩa. “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”, nếu có thể để cái ‘thiện’ được phát triển, thì mới là gốc của đại nghĩa vậy. Đó cũng là điều mà chúng ta thấy trong câu chuyện của “lưỡng quốc phu nhân” Nhữ Thị Nhuận.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *