Cách tính thời gian theo Phật giáo

Trong quyển Cẩm Nang Về Trật Tự Vũ Trụ (Manual of Cosmic Order), Đại trưởng lão Mahathera Ledi Sayadaw có viết rằng:
Không có một khởi thủy rõ ràng hay một kết thúc rõ ràng được biết đến, thế giới hay vũ trụ vật lý liên tục như vậy dù những chủ nhân thế giới hay những đấng siêu nhiên (issara) có xuất hiện hay không. Không bất kỳ dạng siêu nhiên nào, thậm chí một trăm, thậm chí một ngàn, thậm chí một trăm ngàn đấng như vậy cũng không thể nào làm ra, sáng tạo ra hay giải tán (thế giới, vũ trụ đó). Bằng quy luật của Lửa (utu niyama), bằng quy luật nhân duyên tự nhiên (dhamma niyama), trật tự của vũ trụ vật lý này được duy trì như vậy.
Một Đại Kiếp (Mahā kappa) nói chung có nghĩa là một chu kỳ tạo lập của thế giới.
Có 4 giai đoạn được gọi là 4 thời kỳ hay “kỷ nguyên không thể nào tính được” được gọi là A-tăng-tỳ Kiếp (Asaṅkheyya kappa), ngắn hơn một Đại Kiếp (Mahā kappa).
Bốn A-tăng-tỳ Kiếp này là:
Kỷ Nguyên Hoại Diệt/Hoại Kiếp (Saṃvarta kappa) – là thời kỳ hủy hoại hay tiêu hủy thế giới.
Kỷ Nguyên Hoàn Toàn Hủy Diệt/Tận Hoại Kiếp (Saṃvarta sthāyi kappa) – là thời kỳ tất cả hệ thống trên thế giới đã bị tiêu hủy hoàn toàn hay trong tình trạng là Không Trơ.
Kỷ nguyên phát triển (Vivarta kappa) – là giai đoạn tiến hóa.
Kỷ Nguyên Đã Phát Triển (Vivarta sthāyi kappa) – là giai đoạn liên tục tiếp theo.
Trong A-tăng-tỳ Kiếp thứ tư hay ‘Kỷ nguyên Đã Phát Triển’, vòng đời hay tuổi thọ của con người có tăng hay giảm tùy thuộc đức hạnh hay mức độ luân lý của loài người. Khoảng thời gian của một chu kỳ trong đó tuổi thọ của loài người từ siêu thọ giảm xuống cực thấp rồi tăng lại thành siêu thọ thì được gọi là một chu kỳ Trung Kiếp (Antara kappa). Có tài liệu cho rằng, siêu thọ của loài người là 80 000 năm (có lẽ là các titan trong thần thoại), còn cực thấp là 10 năm.
Sau khi trải qua 64 Trung kiếp, thì Kỷ Nguyên Đã Phát Triển đến tận cùng. Vì hoàn toàn không có sự sống hay chúng sinh nào sống trong 3 kỷ nguyên (A-tăng-tỳ Kiếp) kia, nên 3 kỷ nguyên đó không thể được suy ra là tồn tại Trung Kiếp theo cách diễn giải trên đây. Nhưng tất cả 4 A-tăng-tỳ Kiếp đó có độ dài như nhau và trong tất cả Luận Giảng, mỗi A-tăng-tỳ Kiếp được chia đều thành 64 kỷ nguyên Trung Kiếp.
Trong một số Kinh Điển Pali, một A-tăng-tỳ Kiếp được ghi lại là bao gồm 64 hoặc 20 Trung Kiếp. Điều này là bởi vì có một kỷ nguyên khác được cho là một Trung Kiếp, đó là vòng đời hay ‘tuổi thọ’ ở cảnh giới địa ngục A-Tỳ (Avīci), được cho là bằng đến 1/80 của một Đại Kiếp hay bằng 1/20 một A-tăng-tỳ Kiếp. Bằng cách tính này, người xưa đã cho rằng một A-tăng-tỳ Kiếp thì bằng tương đương với 64 Trung Kiếp của cảnh giới con người hay bằng tương đương với 20 Trung Kiếp của cảnh giới Địa Ngục A-Tỳ.
Trong tiếng Pali, chữ “Āyu kappa” theo nghĩa gốc có nghĩa là vòng đời hay tuổi thọ (của một con người).
CÁC VỊ PHẬT ĐÃ TỪNG TỒN TẠI
Một đại kiếp không có xuất hiện vị Phật nào thì được gọi là Kiếp Không (Suñña kappa). Còn những Đại Kiếp có vị Phật xuất hiện thì được gọi là Phật Kiếp (Asuñña kappa/Buddha kappa).
Có 5 loại Phật Kiếp đó là:
Sāra-Kappa (Hương Kiếp) – Kiếp có một vị Phật xuất hiện.
Maṇḍa-Kappa (Tinh Tuý Kiếp) – Kiếp có hai vị Phật xuất hiện.
Vara-Kappa (Ân Huệ Kiếp) – Kiếp có ba vị Phật xuất hiện.
Sāramaṇḍa-Kappa (Tinh Tuý Hương Kiếp) – Kiếp có bốn vị Phật xuất hiện.
Bhadda-Kappa (Hiền Kiếp) – Kiếp có năm vị Phật xuất hiện.
Chữ “Asankheyya” (A-tăng-tỳ) có nghĩa gốc là một con số, nhưng “không thể đếm được”, “không thể tính được” và có nghĩa đó trong trường hợp nói về Phật Kiếp này. Học giả Childers trong quyển Tự Điển Pali đã định nghĩa “A-tăng-tỳ” (asankheyya) là một con số lớn nhất, bằng 10¹⁴⁰ tức bằng 1 theo sau 140 con số 0. Chúng ta không nên nhầm lẫn với một ‘A-tăng-tỳ Kiếp’ được định nghĩa ở trên. Để thuận tiện từ đây sẽ gọi là A-tăng-tỳ Đại Kiếp.
Trong Kinh Phật chủng tính (Buddhavamsa) của Thượng tọa bộ có chép danh vị của 28 vị Phật toàn giác trong quá khứ của Phật giáo Nam truyền, lần lượt như sau:
• Cách đây 4 A-tăng-tỳ Đại Kiếp + 100 000 Đại Kiếp:
Taṇhaṅkara
Medhaṅkara
Saraṇaṅkara
Dīpaṅkara (Nhiên Đăng Cổ Phật) là vị Phật đầu tiên đã thọ ký cho tu sĩ Sumedha (chính là tiền thân của Phật Thích Ca Mâu Ni) sẽ thành Phật trong tương lai.
• Cách đây 3 A-tăng-tỳ Đại Kiếp + 100 000 Đại Kiếp:
Koṇḍañña
• Cách đây 2 A-tăng-tỳ Đại Kiếp + 100 000 Đại Kiếp:
Maṅgala
Sumana
Revata
Sobhita
• Cách đây 1 A-tăng-tỳ Đại Kiếp + 100 000 Đại Kiếp:
Anomadassī
Paduma
Nārada
• Cách đây 100 000 Đại Kiếp:
Padumuttara
• Cách đây 30 000 Đại Kiếp:
Sumedha
Sujāta
• Cách đây 18 000 Đại Kiếp:
Piyadassī
Atthadassī
Dhammadassī
• Cách đây 94 Đại Kiếp:
Siddhattha
• Cách đây 92 Đại Kiếp:
Tissa
Phussa
• Cách đây 91 Đại Kiếp:
Vipassī
• Cách đây 31 Đại Kiếp:
Sikhī
Vessabhū
• Trong Đại Kiếp hiện tại:
Kakusandha
Konāgamana
Kassapa
Gotama (Phật Thích Ca Mâu Ni), người đã truyền dạy Phật pháp cho các tín đồ ngày nay và dự đoán những lời dạy này sẽ bị hiểu sai rồi lãng quên sau khoảng 5000 năm.
Metteyya (Phật Di Lặc), cũng trong Đại kiếp này, vị Phật thứ 5 nhiều triệu năm sau sẽ ra đời.
Ngoài các vị Phật toàn giác còn có các vị Phật độc giác – những người chỉ đạt tới giác ngộ cho bản thân chứ không thể giúp người khác đạt tới giác ngộ như các vị Phật toàn giác. Theo kinh Phật, số lượng các vị Phật độc giác nhiều hơn hẳn số lượng Phật toàn giác (có thời kỳ hàng trăm vị Phật độc giác cùng xuất hiện), nhưng vì không thuyết pháp nên ảnh hưởng của họ tới nhân loại là không đáng kể, và người thời đó cũng chẳng mấy ai biết tới họ. Do vậy, Kinh Phật thường không ghi lại tên tuổi, lai lịch của các vị Phật độc giác này.
Khoảng cách ra đời giữa các vị Phật toàn giác trong cùng 1 đại kiếp cũng phải kéo dài tới hàng triệu, hàng tỷ năm. Như vậy, cơ duyên để chúng sinh được nghe hoặc đọc chánh pháp do một vị Phật thuyết giảng là vô cùng nhỏ nhoi và vô cùng quý báu.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *