Khác xa với các đội cảm tử, những người vi phạm kỷ luật hoàn toàn có thể trở về từ các đơn vị trừng giới của Hồng quân với tư cách là những anh hùng.
Câu chuyện về các đơn vị trừng giới Hồng quân dành cho những người lính bị kết án là một trong những câu chuyện bị hiểu lầm và hoang đường nhất về Thế chiến thứ hai. Nhiều người tin rằng những người lính này chỉ là bia đỡ đạn cho bộ chỉ huy Liên Xô. Người ta cho rằng họ được trang bị yếu kém và bị xua lên phía trước bởi lính NKVD mang súng chặn đường thối lui, bị ném vào một cái chết chắc chắn để hy sinh bản thân trong trận chiến nóng bỏng hoặc dọn bãi mìn của đối phương cho xe tăng Liên Xô đi qua.
Trên thực tế, các đại đội và tiểu đoàn trừng giới hoàn toàn không phải là đội cảm tử. Phần lớn thời gian họ chiến đấu bên cạnh lực lượng chính quy. Điều đó nói lên rằng, những nhiệm vụ nguy hiểm nhất thực sự thường được giao cho họ.
Hình phạt tạm thời
Việc thành lập các đơn vị trừng giới vào mùa hè năm 1942 là nhằm tăng cường kỷ luật quân đội vào thời điểm Hồng quân buộc phải rút lui về Stalingrad và Caucasus với tổn thất nhân mạng to lớn.
Trong toàn bộ thời kỳ chiến tranh (cho đến khi tiểu đoàn cuối cùng bị giải tán vào tháng 6 năm 1945), khoảng 428.000 người đã kinh qua các đơn vị trừng giới – ít hơn 1,5% tổng số nhân lực phục vụ trong Hồng quân.
Danh sách các tội danh có thể khiến một quân nhân bị đưa vào một đơn vị trừng giới rất dài: hèn nhát trong chiến đấu, đào ngũ, bỏ bê thiết bị quân sự, phá hoại, say rượu, và nhiều tội danh khác. Người vi phạm kỷ luật sẽ bị tước danh hiệu, huân huy chương mà họ có, mặc dù có thể giữ chức vụ chỉ huy cấp dưới trong các đơn vị mới của họ, nhưng người chỉ huy của đơn vị trừng giới là sĩ quan được cử đến từ các đơn vị chính quy, và thường là những người giỏi nhất.
Thời hạn phục vụ tối đa trong một đơn vị trừng giới đối với một quân nhân bị kết án là ba tháng. Sau đó, quân hàm và huân huy chương của anh ta được phục hồi, và anh được trở lại một đơn vị chính quy.
Nếu tỏ ra dũng cảm trong chiến đấu và bị thương, người lính trong đơn vị trừng giới có thể được giải ngũ sớm và được tưởng thưởng. Có một số người như thế đã trở thành Anh hùng Liên Xô, một điều không phải là không được biết đến.
Chiến công của Trung úy Yermak
Trung úy Vladimir Yermak đã kết thúc cuộc đời trong một đơn vị trừng giới vì “phạm tội do sơ suất” – anh ta đã vô tình bóp cò khi đang lau chùi một vũ khí đã nạp đạn, giết chết một người lính đi ngang qua.
Mười ngày sau khi được điều về tiểu đoàn, chàng trai 19 tuổi Vladimir đã thực hiện chiến công anh hùng đầu tiên và cũng là cuối cùng của mình. Vào ngày 19 tháng 7 năm 1943, trong một chiến dịch trinh sát tại Leningrad, anh lao tới boongke của quân Đức và lấy thân mình bịt khẩu súng máy của địch.
Chỉ huy Tiểu đoàn Xung kích Độc lập số 14, Thiếu tá Lesik, đã trao tặng Yermak Huân chương Cờ Đỏ ngay sau đó, và không lãng phí thời gian khi chính thức đề cử danh hiệu Anh hùng Liên Xô cho Yermak, và được chấp thuận. Yermak được phong tặng một cách xứng đáng vào ngày 21 tháng 2 năm 1944 .
Anh hùng của Đại đội trừng giới 65
Ngày 14 tháng 12 năm 1943, Đại đội trừng giới 65 cùng với tiểu đoàn huấn luyện của Sư đoàn Súng trường Cận vệ số 72 đã đột nhập vào ngôi làng Sotninsky Khutor bị chiếm đóng ở miền trung Ukraine. Gặp phải hỏa lực dữ dội của địch, họ phải rút lui. Nhưng trong quá trình này, một nhóm 15 binh sĩ trừng giới đã bị cô lập khỏi đơn vị.
Trong suốt ba ngày, những người lính Hồng quân bị bao vây đã chặn được quân Đức. Cuối cùng, vào ngày 18 tháng 12, quân Liên Xô mở một cuộc tấn công khác vào ngôi làng. Dù không hoàn thành được nhiệm vụ, họ đã giải vây cho những người lính trừng giới nói trên.
Kết quả của trận đánh, khoảng 30 thành viên của Đại đội trừng giới 65 được chuyển sang các đơn vị chính quy. Năm trong số những người thiệt mạng được truy tặng Huân chương Chiến tranh Vệ quốc (hạng nhất và hạng nhì).
Đại đội của Bunyadov
Vào ngày 14 tháng 1 năm 1945, trong trận giao tranh ác liệt ở Ba Lan, Đại đội trừng giới 123 dưới sự chỉ huy của Đại úy Ziya Bunyadov được lệnh đánh chiếm một cây cầu bắc qua sông Pilica ở hậu phương của quân Đức và ngăn không cho quân địch đặt mìn phá cầu.
Sau khi buộc phải vượt qua nhiều tuyến phòng thủ, đơn vị trừng giới đã chiếm được cây cầu và giữ nó trong vài ngày cho đến khi quân tiếp viện đến. Với tổn thất lên tới 90% nhân lực của đơn vị, họ đã giúp các lực lượng chính quy của Liên Xô tiến vào khu vực chiến lược quan trọng giữa sông Vistula và sông Oder.
“Chỉ 47 trong số 670 chiến sĩ sống sót sau trận chiến. Để nghĩ xem, tôi đã chôn bao nhiêu người, tôi viết bao nhiêu lá thư cho gia đình họ! Tất cả những người sống sót đều được trao tặng huân chương. Và vào ngày 27 tháng 2 năm 1945, tôi đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô,” Bunyadov nhớ lại.
Các Đơn vị ở Bắc Cực
Nằm ở cực bắc của Liên Xô, sườn núi Musta-Tunturi là khu vực duy nhất của mặt trận Liên Xô-Đức Quốc xã, nơi kẻ thù bị chặn lại ngay trong ngày đầu tiên của cuộc chiến. Trong hơn ba năm, chiến tuyến ở đây vẫn bình yên vô sự.
Sau đó, vào ngày 10 tháng 10 năm 1944, quân đội Liên Xô mở một cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào các công sự phòng thủ của quân Đức trên sườn núi. Đại đội trừng giới 614 với 750 tay súng (có quy mô tương đương một tiểu đoàn) của Hạm đội Phương Bắc từ Biển Barents đã mở cuộc tấn công nghi binh vào các vị trí của quân Đức, đánh lạc hướng đối phương khỏi cuộc tấn công chính của Liên Xô.
Dưới hỏa lực súng máy dày đặc, những người lính bộ binh leo lên bức tường kiên cố và xuyên qua hàng rào thép gai. Kết quả là khoảng 70% binh sĩ của đại đội đã bỏ mạng.
Trong trận chiến giành Musta-Tunturi, giống như Trung úy Yermak trước họ, ba người lính đã hy sinh mạng sống của mình bằng cách đem thân thể che họng súng máy của đối phương. Một trong số họ là Trung sĩ Alexander Danilchenko, chỉ huy trung đội súng máy của Đại đội trừng giới 614.