Hiểu chính xác về Khổng Giáo

Khổng Giáo hay còn gọi là Nho Giáo là một hệ thống triết học xã hội, giáo dục, chính trị và đạo đức do Khổng Tử chỉnh lý, đề xướng và được các học trò của ông phát triển trong thời Xuân Thu cách đây hơn 2600 năm, với mục đích xây dựng một xã hội hài hòa, một đất nước thái bình và thịnh vượng.
Ngày nay, quan điểm hiện đại cho rằng Khổng Giáo là cổ hủ, lạc hậu, thậm chí là ngu dân và kìm hãm sự phát triển, với các tư tưởng về thiên mệnh, sự định trước của nhân tính, cổ súy sự an phận….. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ về Khổng Giáo, chúng ta sẽ thấy một bức tranh hoàn toàn khác.
– Quan điểm về Thiên mệnh không phải được giới thiệu bởi Khổng Tử mà lần đầu tiên được sử dụng bởi triều đại Nhà Chu, nhằm hợp pháp hóa sự thống trị của họ. Nhưng ngay cả trong trường hợp này, Thiên mệnh cũng không phải là vĩnh cửu và hiển nhiên. Một triều đại có thể được trao thiên mệnh và có thể đánh mất thiên mệnh.
– Tư tưởng về số mệnh con người và sự an phận không xuất hiện cho đến thời nhà Tống, cách Khổng Tử đến 1700 năm, được đưa ra bởi Chu Hi và đây mới là tư tưởng có ảnh hưởng lớn đến Chính trị TQ, Triều Tiên và Việt Nam trong thời gian sau này.
Khổng Giáo nguyên thủy ko hề nhắc đến thiên mệnh hay sự an phận. Vậy Khổng Giáo nguyên thủy là gì và tư tưởng của nó là như thế nào?
Đầu tiên cần khẳng định Khổng Giáo nguyên thủy không phải là một tôn giáo, nó là một tư tưởng triết học, Nho giáo không có những vị thần linh cao siêu toàn năng, không có thiên đường, không có địa ngục và nó cũng không trả lời các câu hỏi mà một tôn giáo cần phải trả lời. Bản thân Khổng Tử cũng khẳng định, ông không sáng tạo thêm điều gì mà đơn giản là chỉnh lý và hệ thống lại những tư tưởng, giá trị đã có sẵn nhưng bị lãng quên do chiến loạn kéo dài. Bản thân Khổng Tử cũng không bị thần thánh hóa giống như những nhà tư tưởng cổ đại khác. Những ghi chép về ông vẫn miên tả ông như một con người, không có gì thần bí, cũng có lúc bốc đồng, nóng nảy, và phạm sai lầm. Một điều thú vị nữa là, trong số 4 Đại danh tác của Khổng Giáo, không có cuốn nào do Khổng Tử viết mà đều do học trò của ông soạn ra sau khi ông chết. Giống như tất cả các nhà tư tưởng cổ đại khác, Khổng Tử không thực sự viết ra bất cứ điều gì. :v
Mục tiêu của việc thực hành Nho giáo, theo Khổng giáo nguyên thủy là rèn luyện bản thân, cống hiến và tạo ra một xã hội ổn định, thịnh vượng.
Nội dung cơ bản của Khổng Giáo:
1. Tổ chức Xã hội
Theo Khổng Giáo, 3 yếu tố, Quốc gia – Gia đình – Cá nhân, có mối quan hệ mật thiết với nhau. Và Cá nhân là yếu tố căn bản nhất để cấu thành nên Gia đình và Xã hội. Cá nhân theo quan điểm của Khổng Giáo cần phải rèn luyện và tu dưỡng tốt, tạo thành gốc rễ để phát triển gia đình và xã hội, với mục đích cuối cùng là tạo ra một xã hội ổn định.
Để thực hiện điều đó, Khổng Tử đề cao 3 nguyên tắc
– Chính danh: nghĩa là mỗi người cần phải nhận thức và hành động theo đúng cương vị, địa vị của mình
– Văn trị – Lễ trị – Nhân trị – Đức trị: nghĩa là cai trị bằng đạo đức, tri thức, quy tắc xã hội và sự nhân ái.
– Công bằng xã hội
2. Lễ nghi
Nho giáo coi lễ nghi là biểu hiện của một xã hội có trật tự. “Lễ” ở đây có nghĩa là những qui tắc mang tính hình thức, thể hiện sự tôn trọng đối với con người, cộng đồng và những định chế xã hội. Một cá nhân cần phải tôn trọng xã hội nếu muốn được xã hội tôn trọng. Lễ nghi theo quan niệm của Khổng giáo sẽ tạo ra một xã hội hài hòa, trong đó mối quan hệ giữa người và người được tiết chế, trật tự được giữ vững. Lễ nghi không có nghĩa là tổ chức cưới hỏi ma chay một cách tốn kém, linh đình. Việc thực hành “lễ” theo Khổng tử nằm ở dùng hòa giữa nghi thức và nội dung chứ không phải phô trương. Nghi thức cầu kỳ, xa hoa mà tâm bên trong trống rỗng thì cũng ko gọi là “Lễ”.
3. Quan hệ xã hội
Theo Khổng giáo, trong xã hội có 5 mối quan hệ cơ bản: vua – tôi, cha – con, vợ – chồng, anh – em, bạn bè. Để thực hiện tốt 5 mối quan hệ này cần 5 đức tính: nhân, trí, lễ, nghĩa, dũng.
Trong mọi hoàn cảnh, con người cần kiềm chế cảm xúc, làm chủ bản thân. Khác với quan niệm cho rằng Khổng Giáo không chấp nhận quan điểm khác biệt, Khổng Tử nói rằng “Người quân tử hòa hợp nhưng không cùng quan điểm. Kẻ tiểu nhân cùng quan điểm nhưng không hòa hợp”. Không sợ người khác không hiểu mình, chỉ sợ mình không hiểu người khác. Mặt khác nên dùng sự ngay thẳng để báo đáp oán thù, dùng ân đức để báo đáp ân đức. Mình không muốn bị người khác đối xử thế nào thì cũng không nên đối xử với người khác như vậy – “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”.
Nho giáo khuyên con người sống phù hợp với hoàn cảnh và địa vị xã hội của mình, như vậy không phải là khuyên người ta nên an phận, không cần cố gắng. Ý nghĩa chính xác phải là: Con người không nên làm những việc không phải chức năng của mình, vì mỗi người trong xã hội đều có vị trí riêng với trách nhiệm riêng. Sự phát triển của một người cần dựa vào tài năng và đạo đức để có được, chứ tuyệt đối không được vì danh lợi mà tranh chấp. “Không sợ buồn vì không có chức vụ địa vị, chỉ buồn vì không có tài đức để làm tròn chức vụ địa vị ấy. Không sợ người khác không biết mình, mà phải cầu mong làm sao có năng lực làm cho người khác hiểu mình”
Cũng theo Khổng giáo nguyên thủy, sự trung thành đối với quân chủ được đề cao, nhưng sự trung thành đó không phải vô điều kiện. Những câu như “trung thần bất sự nhị quân” hay “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” chưa bao giờ được Khổng Tử hay học trò của ông nói đến. Ngược lại, Quân chủ phải hành xử cho xứng danh quân chủ, lúc đó bầy tôi mới có nghĩa vụ trung thành, đó là cái gốc “chí trung”. Tuân Tử sau này còn nói “Tru bạo quốc chi quân, nhược tru độc phu – Giết một ông vua tàn bạo cũng giống như giết một kẻ độc ác”.
Khổng giáo phê phán nạn bè phái, chia rẽ trong xã hội, xem tinh thần đoàn kết là một phẩm chất đạo đức của con người.
4. Thuật lãnh đạo
Nho giáo chủ trương: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh (Dân là quý nhất, rồi đến đất nước, cuối cùng mới là vua)”. Muốn cai trị thiên hạ, theo Khổng Tử người lãnh đạo phải chính danh, chính danh ở đây có nghĩa là phải biết mình ở vị trí nào, làm việc gì, và hành động đúng với chức trách và địa vị của mình.
Thuật lãnh đạo của Nho giáo đề cao những lãnh đạo biết quý trọng tài năng, biết dùng người. Người lãnh đạo phải có học vấn mới thực hiện tốt công việc của mình, và đặc biệt phải biết tiết chế bản thân. Người tự ý làm càn, chuyên quyền độc đoán hay bảo thủ thì nhất định gặp tai họa. Điều này cho thấy Nho giáo nguyên thủy muốn xây dựng xã hội hài hòa, thiết lập quan hệ tốt đẹp giữa người cai trị và dân chúng, đào tạo ra người lãnh đạo tài đức chứ không phải là công cụ của giai cấp thống trị bảo vệ chế độ chính trị của họ, thậm chí Nho giáo rất gần với tư tưởng về nhà nước dân chủ.
5. Chữ hiếu và xã hội
Nho giáo cho rằng hiếu đễ là gốc của đạo nhân. Hữu Tử nói: “Người biết hiếu thuận với cha mẹ, có nết đễ với người lớn tuổi hơn mình mà lại thích cãi cọ, va chạm, xung đột, mạo phạm cấp trên là hiếm thấy. Người không mạo phạm cấp trên mà lại thích làm loạn là không có. Người quân tử là người chuyên tâm nắm vững cái gốc của tu thân. Nắm vững được cái gốc của tu thân thì đạo lập thân xử thế tự nhiên phát sinh ra trong lòng mình. Hiếu đễ là cái gốc của đạo nhân”.
Việc kính trọng cha mẹ trong quan niệm về đạo hiếu của Nho gia qua cách nhìn của Khổng Tử không chỉ nằm ở hành động nuôi dưỡng cha mẹ khi về già mà còn phải nằm cả ở lòng thành kính. Hành động bề ngoài nếu không có lòng thành kính bên trong thì cũng không được coi là hiếu.
6. Vài trò của gia đình
Ngay từ 2.500 năm trước, Khổng Tử đã thấy rõ vai trò của gia đình như một tế bào của xã hội. Nếu mỗi gia đình được yên ấm thì mỗi thành viên của nó mới có điều kiện tu dưỡng bản thân, đạo đức mới được đề cao, xã hội mới được ổn định.
Có thể nói Nho giáo đề cao gia đình hơn bất cứ một học thuyết nào khác. Quan hệ gia đình theo Nho giáo là quan hệ đặc biệt chặt chẽ, phải được tái sinh, tái lập, và mở rộng theo trách nhiệm nghĩa vụ, và đồng thời giữ gìn trật tự kỷ cương. Chúng ta thường nghe nói “Nước có quốc pháp, nhà có gia phong”, là câu nói răn dạy con người sống có phép tắc, đồng thời còn là biểu tượng tự hào về truyền thống văn hóa dân tộc là nguyên khí tinh thần độc lập, tự cường của một dân tộc, là bản sắc riêng về truyền thống văn hóa.
7. Vai trò của cá nhân
Xã hội được tạo ra từ nhiều cá nhân. Cá nhân là căn bản của xã hội. Vì vậy từ Khổng Tử, Nho giáo đã coi trọng cõi người, quan hệ giữa người và người, việc tu dưỡng thành người. Nhân tính và đạo đức là linh thiêng, không có đạo đức thì con người chẳng khác gì cầm thú và các vật vô tri. Đã là người thì phải học, phải tu dưỡng, đặc biệt người cầm quyền phải biết lo giáo hóa, phải làm cho thuần phong mỹ tục trở nên tốt đẹp. Học thuyết chính trị – đạo đức mà trung tâm là tư tưởng nhân nghĩa của Nho giáo, được xây dựng trên cơ sở khuynh hướng nhân bản đó.
Trái với tư tưởng phương tây đề cao tự do cá nhân. Khổng giáo tin rằng cá nhân cần phải tự rèn luyện, nghiêm khắc và tiết chế bản thân, và khi cần thiết, hy sinh quyền lợi cá nhân vì lợi ích tập thể. Cá nhân ở đây bao gồm cả những cá nhân cầm quyền đến những cá nhân trong xã hội. Trong Nho giáo, “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín” được đặt ra trong quan hệ của con người với chính bản thân mình để tu thân, còn chính danh là yêu cầu đạo đức được đặt ra trong quan hệ với người khác (với xã hội) để làm cho xã hội ổn định, phát triển. Có thể thấy quan điểm Khổng giáo nguyên thủy coi trọng lợi ích xã hội và lợi ích tập thể và đặt nó lên trên tự do cá nhân.
8. Triết lý giáo dục
Khổng tử coi giáo dục là cần thiết cho tất cả mọi người, “hữu giáo vô loại” (việc dạy dỗ không phân biệt loại người) nên ai cũng có cơ hội được học tập và giáo dục, đây là biện pháp để hướng con người tới những phẩm chất cao quý như “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”. Nho giáo cho rằng, giáo hóa con người là một trong những nhiệm vụ cơ bản của nhà cầm quyền và cũng là phương tiện hữu hiệu để ổn định xã hội.
Nho giáo nêu quan điểm đề cao Giáo dục về đạo đức. Đức dục phải được đặt lên trên Trí dục. Khổng Tử nói: “Tuổi trẻ muốn nên người, ở nhà cần phải hiếu thuận với cha mẹ, ra ngoài phải tôn kính người hơn tuổi mình, hành vi phải cẩn thận, lời nói phải giữ điều tín, yêu thương rộng rãi mọi người, biết gần gũi người có đức nhân. Làm được vậy rồi, nếu còn dư năng lực, thời gian thì học tập tri thức”.
Đó chính là các tư tưởng cốt yếu của Khổng giáo trong việc vận hành xã hội. Dĩ nhiên nó còn một số hạn chế như thiếu vắng tư tưởng về luật pháp, tư tưởng có nó dễ bị lạm dụng trở thành tư duy mang tính bảo thủ, tiêu cực. Chính mặt hạn chế này của Nho giáo đã để lại tàn dư cho đến tận ngày nay, nó trở thành phong tục, lối sống, nó thấm sâu vào suy nghĩ và hành động của không ít người ở các nước phương Đông, nơi tiếp nhận và chịu ảnh hưởng của Nho giáo. Tư tưởng chính danh trong Nho giáo khi bị lạm dụng sẽ gây ra kìm hãm tự do nhân cách, hạn chế sáng kiến mới của con người, làm cho con người luôn ở trạng thái nhu thuận, chỉ biết phục tùng theo chủ trương “thuật nhi bất tác” (chỉ thuật lại mà không sáng tác gì thêm), giới Nho sĩ thường lúng túng dẫn đến tư duy hạn hẹp, tầm nhìn ngắn, hạn chế trên nhiều phương diện. Nhất là khi tiếp xúc với nền văn minh phương Tây có quá nhiều điểm khác biệt mà người phương Đông chưa từng biết đến, những người xuất thân Nho học thường tự thu mình lại, tự cô lập và cách biệt, tự đóng khung mình trong những khuôn khổ cũ có sẵn do thế hệ trước tạo dựng, ngại hòa nhập và khó hòa hợp khiến những cái mới khó xâm nhập. Cũng vì quá cảnh giác với các thế lực ngoại bang nên hệ thống chính quyền dựa trên tư tưởng Nho giáo thường “dị ứng” với những biến đổi nội tại và ảnh hưởng của ngoại lai, từ đó sẽ cản trở việc tiếp thu cái mới và hậu quả là cản trở sự phát triển của chính hệ thống.
Tuy nhiên nếu biết sử dụng những giá trị của nó một cách hợp lý, Nho giáo có tác động tích cực lên sự phát triển của các Quốc Gia. Robert D. Kaplan, chuyên gia cao cấp tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS), nhận xét: Sự trỗi dậy của châu Á trong thời hiện đại có liên quan mật thiết với việc sự ổn định xã hội mà Nho giáo khích lệ đã tương tác với chủ nghĩa tư bản hiện đại như thế nào… Những nhà lập quốc của nhiều nước châu Á – Phác Chính Hy của Hàn Quốc, Tưởng Giới Thạch của Đài Loan, Lý Quang Diệu của Singapore – tất cả đều chủ ý theo Nho giáo trong khi chèo lái qua những khó khăn trên con đường tạo lập xã hội hiện đại. Đối với Trung Quốc, một trong những yêu cầu để thoát khỏi tình trạng tham nhũng và sự thiếu hiệu quả chính là khôi phục lại các giá trị nền tảng của Đạo Khổng…..
Một ví dụ rõ ràng nhất để so sánh giữa văn hóa Đông Tây trong trường hợp này chính là sự bùng phát của dịch Covid-19, các nước châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề trong khi các nước Đông Á khống chế dịch bệnh khá tốt. Ông Jean-Noël Poirier, cựu đại sứ Pháp tại Việt Nam viết trong cuốn “Kỷ luật Nho giáo và phi trật tự châu Âu”: Rõ ràng là các quốc gia châu Á, cụ thể là các nước theo văn hóa Nho giáo cho đến nay đã thành công trong việc ngăn chặn làn sóng dịch bệnh đang hung hãn tấn công chúng ta (châu Âu)
Ở Việt Nam, việc bảo vệ tập thể được đặt cao hơn mọi thứ khác. Tự do cá nhân được xếp sau… Tại Việt Nam cũng như Nhật Bản, Hàn Quốc hay các nước đa số người Hoa (Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore), bảo vệ lợi ích của tập thể được đặt lên trên các quyền cá nhân. Mỗi người đều chấp nhận đi cách ly hai tuần trong một doanh trại quân đội cách nhà mình 30 km, vì sự hy sinh này được tất cả mọi người coi là cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho toàn cộng đồng. Phương pháp của Việt Nam sử dụng sẽ không thể nào được người Pháp chấp nhận, cho rằng hoàn toàn không phù hợp với các giá trị tự do cá nhân của chúng ta. Nhưng chính những giá trị này đã tạo điều kiện cho virus lan tràn khắp châu Âu.
Hiện nay, chắc chắn rằng các quốc gia Nho giáo nhắc nhở chúng ta một bài học xưa cũ: Trước địch thủ, một nhóm người gắn bó, kỷ luật – và nếu có thể, được lãnh đạo tốt – luôn chiến thắng một đám đông các cá nhân mạnh ai nấy làm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *