Khi phụ huynh vô tình chọn sai cách động viên con cái

Bố mẹ và người nhà mình thường hay có thói quen “trù dập” con cháu để “khích lệ”.
Ví dụ như khi tụi nhỏ cố gắng làm bài và nhận được điểm 9 háo hức về khoe với ba mẹ, nhận lại được câu nói “Sai câu nào à? sao được có 9 điểm?” Khoe với anh chị em thì nhận được câu “Úi trời, cấp 1 cấp 2 bài dễ chả thế, lên cấp 3 xem lấy 8 điểm coi coi” Và những câu nói tưởng chừng vô tình như vậy khiến cho những đứa trẻ trong lòng dần dần hình thành sự tự ti.
Không phải bố mẹ không khen con cái, họ rất hay tự hào kể những câu chuyện về đứa con của họ với hàng xóm bạn bè, nhưng họ lại không khen một cách trực tiếp để đứa trẻ được biết rằng, à, thì ra trong mắt bố mẹ, mình cũng là đứa đáng được tự hào.
Giống như trong các thước phim về gia đình của các nước Châu Á, ba mẹ luôn luôn âm thầm yêu thương và tự hào về con cái, nhưng họ không bao giờ nói với đứa trẻ, khi người xem là người đứng ngoài, họ nhìn thấy được tất cả thì sẽ chê trách những đứa con ấy rằng không hiểu chuyện, nhưng khi chính bản thân là những đứa trẻ ấy thì mới hiểu, trong tiếp xúc hàng ngày, chúng không cảm nhận được bố mẹ tự hào hay yêu thương nó như người khác thấy, thứ chúng nhận được nhiều nhất là “con phải cố gắng để bằng bạn bằng bè” “Mới thế thôi mà đã vui vậy rồi, coi ai đó kìa bla bla” và sự phủ định.
Bố mẹ mình cũng y hệt vậy, khi kể với họ hàng về mình, họ tự hào kể nhiều thứ mình đã làm (đây là chị họ mình nói cho mình biết), nhưng điều mà mình trực tiếp cảm nhận được là, mỗi lần hay mỗi việc mình làm được, kể với họ, họ không có khen mình, chỉ nói rằng “cũng được!”. Mỗi lần nói chuyện về công việc hay cuộc sống, họ chỉ chỉ ra vấn đề mình làm chưa tốt, cần sửa đổi. Khiến mình dần chán ghét việc phải liên lạc với họ, vì theo bản năng, mình không muốn lúc nào cũng bị chỉ ra khuyết điểm (cho dù là đúng).
Cách đây 1 năm mình đã bùng nổ, mình nói nếu mẹ mỗi lần liên lạc chỉ để nói rằng con còn chỗ nào làm chưa tốt thì con sẽ không nhận điện thoại nữa đâu, con thừa biết chỗ nào mình làm chưa đủ tốt, nhưng thứ con cần từ người nhà là sự khích lệ và công nhận!
Hôm ấy mẹ và mình đã nói chuyện rất lâu và sâu. Mình cho mẹ biết cảm xúc của bản thân khi chỉ nhận được những nhận xét làm chưa đủ tốt, người khác xem thứ mình làm và bình luận tốt xấu ra sao là điều tất nhiên, nhưng mẹ là người nhà, tại sao mẹ không bao giờ khen dù chỉ nói rằng “Nội dung ổn lắm con!”, mẹ nói: Mẹ nghĩ rằng những thứ tốt rồi thì không cần nói nữa, mẹ chỉ muốn đưa ra ý kiến để con cải thiện khiến tác phẩm của mình trở nên tốt hơn.
Không mẹ ạ, không ai, hoặc ít nhất là bản thân con, cho dù độc giả có khen 10 câu 100 câu cũng sẽ bị nhận xét chỗ nào làm không tốt của người nhà xóa tan. Không phải là con không chịu được việc bị chỉ ra chỗ không tốt, cái khiến con buồn là bố mẹ, người thân nhất của con lại không khen con đến một câu, điều này chỉ khiến con thấy nhụt chí chứ không thể khiến con có nhiều động lực để làm mẹ ạ!
Và kể từ sau cuộc nói chuyện ấy, bố mẹ mình đã khác, thường hay khen mình hơn, mình cũng bắt đầu năng liên lạc với họ để chia sẻ về cuộc sống của bản thân hơn, quan hệ của mình và người nhà cũng ngày càng gần hơn. Mình biết ơn lắm vì bố mẹ đã chịu lắng nghe và hiểu cảm xúc của mình!
Thế đấy, tất cả nguy cơ của mọi mối quan hệ đều xuất phát từ việc trao đổi thông tin, nếu các bạn có bất kỳ vấn đề gì với bố mẹ, nhất định phải nói ra. Nhiều khi không phải giống như những gì chúng mình nhìn thấy đâu, chỉ là thiếu sự giao tiếp mà thôi! Nói ra rồi để giải quyết triệt để, một là bạn đã bày tỏ cảm xúc của bản thân, thật tốt nếu bố mẹ bạn hiểu và thay đổi, nếu khoogn thì ít nhất bạn cũng biết thái độ của họ để nghĩ đến hướng giải quyết khác.
Mình hy vọng sau này bản thân cũng làm được việc lắng nghe suy nghĩ của con cái và cổ vũ chúng một cách có hiệu quả hơn!☺️

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *