Trả lời: Daye Y, thích tìm hiểu về nước ngoài, học giả văn hoá, hứng thú với địa chính trị.
Có thể… khi mà chúng tôi có được một mô hình dân chủ ủng hộ tầm nhìn dài hạn thay vì lợi ích ngắn hạn. Vấn đề là mô hình dân chủ hiện đại, gían tiếp của phương Tây (đại diện cho nền cộng hoà) lại không làm tốt điều này. Thay vào đó, nó thường xuyên bị lợi dụng bởi những nhà dân tuý có tầm nhìn ngắn hạn và các cuộc vận động chính trị.
Văn hoá Trung Quốc coi trọng nhân tài hơn là dân chủ.
Theo lời của Lý Quang Diệu (1923 – 2015) – người khai sinh nước Singapore, biến nó từ một nước thuộc thế giới thứ 3 sang thứ 1 chỉ trong vòng 1 thế hệ, và là người mà mỗi một nhà lãnh đạo ở Trung Quốc kể từ thời Đặng Tiểu Bình coi là 1 người thầy:
“Dù có một vài ngoại lệ, thì dân chủ vẫn chưa thể mang lại một chính phủ tốt đến cho các nước mới đang phát triển… Những giá trị của Châu Á không nhất thiết phải tương đồng với các giá trị của Châu Mỹ và Châu Âu. Người phương Tây coi trọng tự do của mỗi cá nhân. Còn đối với một người Châu Á gốc Hoa, tôi quan tâm nhiều hơn đến việc có một chính phủ trung thực, hiệu quả và năng suất.”
Nhà triết học Hy Lạp Socrates đã từng hỏi: nếu đang trên một con thuyền đi biển, bạn sẽ muốn ai cầm đầu thuỷ thủ đoàn? Bất cứ ai? Hay là một người có kiến thức và thực sự có quyết tâm?
Socrates yêu cầu chúng ta hãy tưởng tượng một cuộc tranh cử giữa 2 ứng viên:
- Một bác sĩ, người có cách điều trị có thể gây đau đớn, kê thuốc có vị đắng và yêu cầu bạn không được ăn hay uống những thứ mình thích… HAY LÀ…
- Một chủ cửa hàng kẹo, người bán cho bạn những thực phẩm nhiều đường gây thoả mãn.
Bạn sẽ chọn ai?
Tất nhiên, một người bình thường sẽ bầu cho một ứng viên nói những điều họ muốn nghe, thay vì những điều họ cần phải nghe.
https://youtu.be/fLJBzhcSWTk (Video nói về quan điểm của Socrates về dân chủ).
Trung Quốc đã nhận ra được vấn đề này từ rất lâu. Trích lời học giả người Trung Quốc Hàn Phi (280 – 233 BC):
“Giai cấp thống trị và bị trị có hàng trăm cuộc chiến mỗi ngày… do vây khi một nhà trị vì sáng suốt đưa ra luật lệ, sẽ luôn thấy mình mâu thuẫn với phần còn lại.”
Chế độ coi trọng nhân tài đã có một truyền thống lâu dài ở Trung Quốc. Trong thời Chiến Quốc, thừa tướng nước Tần là Vệ Ưởng đã thực hành cải cách đánh giá nông dân dựa trên năng suất của họ. Những người nông dân không đạt chỉ tiêu sẽ bị đẩy sang làm nô lệ, rồi được chuyển sang cho những nông dân đã vượt mức chỉ tiêu làm phần thưởng. Binh lính trong chiến tranh được hưởng lợi ích dựa trên chiến tích của họ: giết 5 kẻ địch sẽ cứu được 1 thành viên trong gia đình khỏi cảnh nô lệ, giết 100 kẻ địch sẽ được làm trưởng làng, cứ tiếp tục như vậy. Một nô lệ hoàn toàn có thể trở thành quan chức hoặc tướng quân dựa theo thành tích của mình.
Tàn nhẫn? Đúng. Nhưng có hiệu quả. Nhà Tần từ một nước nghèo nhất thời Chiến Quốc đã vươn lên đánh bại những nước khác và thống nhất Trung Quốc chỉ trong vòng ~150 năm.
Nhưng rồi nhà Tần cũng bị lật đổ do quá tàn ác, và tầng lớp cai trị Trung Quốc nhanh chóng nhận ra rằng những chính sách của nhà Tần đã vượt quá giới hạn đến mức trở nên vô nhân tính. Tuy nhiên những giá trị cơ bản của việc trọng dụng nhân tài vẫn được giữ lại. Nhà Hán đã lập ra hệ thống thi cử thời phong kiến đầu tiên – các học giả từ khắp Trung Quốc sẽ đến kinh thành để tham gia một kỳ thi được tổ chức hàng năm. Những người có điểm cao nhất sẽ được tiến cử trở thành những quan chức địa phương. Hệ thống thi cử phong kiến được tiếp nối đến ngày nay thông qua kỳ thi đại học Gaokao.
Trong bài phát biểu “A Tale of Two Political Systems” tại TED, Eric X. Li đã chia chính phủ Trung Quốc ngày nay thành những cấp bậc bao gồm cả những bước thăng tiến dành cho những viên chức chính phủ. Các quan chức thuộc Đảng Cộng Sản Trung Quốc (Chinese Communist Party – CCP) đi theo con đường này khi làm việc trong các đơn vị hành chính, công ty nhà nước, và những tổ chức xã hội. Mỗi năm họ sẽ được đánh giá dựa trên các tiêu chuẩn có sẵn. Những người xuất sắc sẽ được thăng chức lên những cơ quan cao hơn, những người yếu kém sẽ có một sự nghiệp không có nhiều khởi sắc (đây là một phần của lý do mà nhiều chính quyền địa phương ở Trung Quốc bị tha hoá/ kém cỏi – nơi mà toàn những quan chức không thể thăng tiến).
https://youtu.be/s0YjL9rZyR0 (Video bài phát biểu tại TED của Eric X. Li).
Ngay cả Tập Cận Bình, “Thái tử đỏ” (cha của ông là một quan chức cấp cao thời kỳ cách mạng), cũng phải nỗ lực trong nhiều thập kỷ để thăng tiến đến vị trí hiện nay. Ông Tập đã có 25 năm công tác ở những vị trí lãnh đạo cấp cao tại bốn tỉnh: Hà Bắc (1982 – 1985), Phúc Kiến (1985 – 2002), Chiết Giang (2002 – 2007), và Thượng Hải (2007), với tổng dân số trên một trăm triệu người. Mỗi một tỉnh này đều có những vấn đề và thách thức rất khác nhau – giờ thì bạn hãy kể giúp tôi một nhà lãnh đạo được bầu cử dân chủ có một bản lý lịch ấn tượng như vậy trước khi họ được bầu vào vị trí lãnh đạo đất nước?
Đây là lý do mà Trung Quốc không theo dân chủ. Không phải do người Trung Quốc thích sự độc tài, nhưng chúng tôi coi trọng những nhà lãnh đạo có thực tài đã thể hiện được khả năng của mình qua một sự nghiệp đầy nỗ lực, chứ không chỉ gào lên những câu khẩu hiệu vô nghĩa trong những chiến dịch tranh cử.
Khi nào mà chúng ta có một hình thức dân chủ cho phép những cá nhân giàu kinh nghiệm, tài năng và xứng đáng nhất lên làm lãnh đạo thay vì những người nổi tiếng nhất thì khi đó Trung Quốc và nhân dân Trung Hoa sẽ thực sự đòi hỏi sự dân chủ.