Việt Nam có đáng để đến không?

Trả lời: Du lịch cùng Charlie Hubbard, cựu sĩ quan cứu hỏa New York, cựu nhân viên 911, nhà văn, kẻ du hành.

————-

“Ai cũng biết Ed. Mà ổng hơi bị điên”.

Khi nói rằng ai cũng biết, ý của Huyền là những chủ cửa hàng ở phố Bùi Viện. Ed là một nhân vật khá nổi tiếng trên những con phố hiếm khi vắng vẻ ở thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.

Phố Bùi Viện là một điểm thu hút khách du lịch ở Hồ Chí Minh. Nằm trong một khu vực tập trung nhiều khách nước ngoài, Bùi Viện chứa đầy những quán bar, quán tẩm quất, đại lý du lịch, nhà hàng và khách sạn rẻ tiền. Huyền là chủ một cửa hàng làm móng nằm ở phía trên một quán bar ở giữa Bùi Viện.

Vào giữa thập niên 80, chính phủ Việt Nam bắt đầu cho phép người dân tự kinh doanh nhỏ lẻ. Không lâu sau khi chiến tranh kết thúc, những nhà lãnh đạo thực dụng trong chính phủ đã nhận ra rằng nền kinh tế cộng sản sẽ thất bại. Nhà cách mạng Hồ Chí Minh đã qua đời mà không kịp chứng kiến thắng lợi của cộng sản. Mục tiêu xây dựng một xã hội cộng sản bình đẳng của ông đã không thể trở thành hiện thực. Chính quyền mới bắt đầu dựng lên những bức tượng Hồ Chí Minh, đổi tên Sài Gòn sang tên ông và bắt đầu thực hiện Chính Sách Đổi Mới. Gia đình của Huyền nằm trong những hộ dân đầu tiên tận dụng lợi thế của một nền kinh tế mở.

Từ khi còn trẻ Huyền đã kiếm được tiền nhờ vào những việc kinh doanh nhỏ, xây dựng từ đầu rồi bán lại cho người khác. Hiện giờ ở tuổi 35, Huyền giống như một nữ hoàng của phố Bùi Viện. Cô là người sáng lập ra sáu cửa hàng đang được vận hành bởi những doanh nhân trẻ khác. Huyền là người hiểu rất rõ Bùi Viện.

Tôi gặp Huyền khi đang làm việc ở Singapore. Khi đó cô đang giúp một người họ hàng với công việc kinh doanh của họ. Chúng tôi trở thành bạn và tôi có đến thăm cô ở Hồ Chí Minh không lâu sau đó. Tôi từng phàn nàn với Huyền khi còn ở Singapore rằng quá khó để tìm một quán ăn Mexico ngon ở Châu Á. Cô ấy đưa tôi đến La Casa, một nhà hàng Mexico ở Bùi Viện. Không tồi chút nào!

Khi chúng tôi ngồi ở ngoài hiên của La Casa thì thấy Ed đi qua. Ngay cả trong những làn sóng của người và xe máy di chuyển trên đường, thì vẫn rất dễ để nhận ra Ed. Cao lớn – ở một đất nước mà phần lớn dân số đều thấp bé – Ed cao khoảng 1m8. Dù tóc đã lốm đốm bạc nhưng Ed vẫn rất cân đối, với một hình xăm của lính đánh bộ Mỹ ở bắp tay phải. Huyền vẫy tay chào Ed và ông ta tiến đến bàn chúng tôi. Huyền giới thiệu chúng tôi.

“Chào Ed, ông có muốn ngồi uống cùng không?”

“Tôi không uống rượu” Ed nói một cách dứt khoát.

Mặc dù chúng tôi đang uống Coca không đường.

“Thế gọi nước hoa quả đi”.

“Cảm ơn, nghe hay đấy” Ed trả lời rồi ngồi xuống.

“Chỉ cần bọn nó đừng cho đường vào, lũ đần đó”.

Tôi nói với Ed rằng sẽ không có vấn đề gì. Huyền bắt đầu cười.

“Lúc nào tôi cũng phải dặn là không cho đường. Nếu mà chúng nó còn không làm được là tôi sẽ ném trả lại”.

Ed khiến tôi phải hy vọng rằng họ sẽ làm theo đúng ý của ông ta.

“Cái đất nước này đúng là chả ra làm sao” Ed tiếp tục.

Ed đi lính năm 17 tuổi và bị thương khi tham chiến ở Việt Nam. Hiện giờ khi đã ngoài 60, Ed nhìn vẫn rất phong độ. Ông rất quan tâm đến sức khỏe và nhìn phải trẻ hơn tuổi thật đến 10 năm. Ed ăn uống lành mạnh, không đường và rượu bia, một sự thật mà ông đã nói phải vài lần.

Rồi tôi hỏi ông một câu “nếu như ông không thích Việt Nam, thì sao còn ở đây?”

Ed nói rằng với số tiền trợ cấp khuyết tật thì sống ở Việt Nam khá rẻ. Nhưng tôi biết rằng khoản trợ cấp  này không phải dễ mà có được. Nhìn một người đàn ông khỏe mạnh, cường tráng, tôi tự hỏi khuyết tật của ông là gì. Dường như đọc được suy nghĩ đó, Ed trả lời “đó là khuyết tật về tâm thần, rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD)”.

Tuy không phải là chuyên gia về trợ cấp tâm thần cho quân nhân. Nhưng tôi biết rằng rất khó để xin được nó. Nếu như một người được nhận trợ cấp cho những khuyết tật về tâm thần thì họ hẳn phải được kiểm tra rất kỹ lưỡng.

Dù có phong cách khá thô lỗ, nhưng Ed là một người dễ gần. Ông đang tiết kiệm tiền để mua một căn nhà nhỏ ở Montana, nơi Ed có thể sống tách biệt với bên ngoài. Ed đã ở Sài Gòn – ông từ chối gọi nó là thành phố Hồ Chí Minh – được 3 năm. Là một người thường xuyên đến phố Bùi Viện. Huyền và những người khác khá thích một ông cựu chiến binh Mỹ dễ nhìn, hơi điên, nhưng không gây hại đến ai. Tôi phải cố thuyết phục bản thân rằng Ed chỉ đùa khi dọa rằng sẽ đổ cốc nước hoa quả có đường vào người cô phục vụ bàn.

Trên đường về khách sạn, tôi nhìn thấy biểu tượng nổi tiếng của Starbucks ở một con phố sầm uất trong thành phố. Và suy nghĩ về người phụ nữ Việt Nam xinh đẹp đã tận dụng và làm giàu nhờ vào thị trường tự do kiểu phương Tây. Và cũng ở trong thành phố đó, một người Mỹ bị tổn thương vẫn đang cố gắng tiêu diệt con quỷ của bản thân mình.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *