Từ đầu nhà Nguyễn tất cả danh từ (chung và riêng) có chữ “Hoa” đều phải đổi. Vì thế mà chợ Đông Hoa thành chợ Đông Ba, tỉnh Thanh Hoa thành tỉnh Thanh Hoá, Cầu Hoa bắc qua rạch Thị Nghè ở Gia Định đổi lại thành Cầu Bông; nhân vật Hát bộ Phàn Lê Hoa đổi thành Phàn Lê Huê hoặc Phàn Lê Ba, điệu hát Hoa Tình thành Huê Tình, hoa lợi thành huê lợi, hoa viên thành huê viên…
Vì sao có chuyện kiêng cử và chuyển đổi ấy?
Chuyện kể rằng:
Năm 1806, hoàng tử Đảm đến tuổi lập phủ thiếp (hoàng tử lấy vợ) vua Gia Long và Hoàng Hậu Thuận Thiên đã chọn con gái của công thần Hồ Văn Bôi đưa vào Tiềm để cho Đảm, người con gái ấy cùng tuổi với Đảm (đều sinh năm 1791), tên là Hồ Thị Hoa.
Hồ Thị Hoa có đủ các đức tính: Thục, thận, hiền, trinh, sống hết đạo hiếu kính. Bà được Hoàng đế và Hoàng hậu dành cho nhiều tình cảm yêu thương.
Một hôm vua Gia Long bảo Bà:
– Phi nguyên tên Hoa, hoa thì chỉ nghe thơm mà thôi, chi bằng chữ thật. Thật là gồm có quả phúc.
Đến tháng 5 năm 1807, bà sinh con trai đầu lòng, đặt tên là Miên Tôn. Tưởng là quả phúc nhãn tiền, nào ngờ mới sinh được 13 ngày thì Bà mất. Lúc ấy bà mới 17 tuổi.
Hoàng tử Miên Tôn mất mẹ, khóc mãi không thôi. Vua Gia Long đến thăm, thấy thế bèn bảo:
– Trẻ con mới sinh ra mà biết khóc thương, là tính trời sinh ngày sau thế nào cũng sống trọn đạo hiếu!
Mất mẹ, Miên Tôn được gửi cho Bà nội là Hoàng Thái Hậu Thuận Thiên nuôi cho đến lớn.
Mộ bà Hoa được táng ở làng Cư Chánh, huyện Hương Thuỷ.
Thương xót cô dâu bất hạnh, vua Gia Long xuống dụ cấm triều đình và bá tánh (trăm họ) từ nay không được nhắc đến từ “Hoa” nữa. Những từ có chữ Hoa thì phải chuyển đổi thành Ba, Huê, Bông, hoặc Hoá để khỏi phạm huý.
Ngày 13-7-1816, hoàng tử Đảm được phong làm Thái tử, rồi 4 năm sau (1820) được lên ngôi cửu ngũ nối nghiệp Hoàng đế Gia Long với niên hiệu Minh Mạng.
Chăn gối với Bà Hoa vừa tròn một năm thì bà mất cho nên tình cảm của vua Minh Mạng dành cho Bà không mấy sâu đậm. Trong lúc đó Bà Ngô Thị Chính – con gái Ngô Văn Sở nổi danh thời Tây Sơn, thì được vua sủng ái vô cùng. Chẳng bao lâu hình ảnh Bà Hoa mờ dần trong tâm trí ông vua đã đặt nên nền móng cho nhà Nguyễn này. Suốt 21 năm trị vì, vua Minh Mạng chỉ phong cho người vợ quá cố của mình lên bậc Thần Phi mà thôi. Ý của Minh Mạng muốn lập bà Ngô Thị Chính lên bậc Đệ nhất giai phi nhưng ông ngại bà Thuận Thiên sẽ phản đối nên ông vẫn để trống chức chính phi trong Cung. Đó là một việc không bình thường.
Năm 1841, người con mất mẹ lúc 13 ngày tuổi Miên Tôn lên ngôi, lấy niên hiệu là Thiệu Trị. Vua Thiệu Trị đã thực hiện nhiều việc để làm tròn đạo hiếu đối với người mẹ mệnh bạc. Ngay sau khi lên ngôi ông cho nâng qui mô mộ mẹ ông lên thành lăng Hiếu Đông. Mặt trước và mặt sau đều có bình phong lớn. Phía trước xây Bái Đình 3 cấp, đông tây đều có song hiên, trước nữa có thuỷ trì, ngoài thuỷ trì dựng hai trụ biểu lớn (ngày nay khách du lịch còn nhìn thấy từ trước lăng Thiệu Trị). Năm 1842, nhà vua lại cho xây chùa Diệu Đế để ghi nhớ mảnh đất nơi ông đã ra đời và người mẹ thân yêu của ông cũng từ đó mà từ biệt ông. Mảnh đất đó thuộc ấp Xuân Lộc, ngoài Kinh thành ngay trên bờ bắc sông đào Đông Ba. Ông phong cho mẹ ông lên chức Tá Thiên Nhơn Hoàng Hậu, phong cho họ bên ngoại những chức tước tương xứng với Hoàng hậu, dựng nhà thờ họ Hồ ở Thủ Đức (về sau vua Tự Đức đặt tên là Dụ Trạch Từ). Đặc biệt nhất là triều đại của ông và con cháu của ông sau nầy đã triệt để kiêng kỵ tên Hoa – tên huý của mẹ ông. Việc kiêng kỵ ấy ảnh hưởng cho đến ngày nay.
• Nguồn tư liệu: Theo các sách Đại Nam Liệt Truyện, Đại Nam Thực Lục, Đại Nam Nhất Thống Chí.
• Bài viết được trích từ: Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Hậu Vương Phi Công Chúa Triều Nguyễn Chuyện Nội Cung Các Vua.
• Nguồn ảnh: Chợ Đông Ba ở cố đô Huế, baophapluat.vn
