TÁC GIẢ: ERIC J SCHOLL | 4K CLAPS
_________________
Chúng tôi không thấy có gì khó hiểu ở đây:
Đơn giản là vì tiền nhiều như lá mít ngoài kia.
Chính phủ đang bơm hàng ngàn tỉ đô vào nền kinh tế, và vẫn còn muốn thêm nhiều ngàn tỉ nữa. Và không như hồi Đại Khủng Hoảng 2008, khi mà những người Cộng Hòa nhảy đong đỏng trước những gói kích thích siêu khổng lồ kiểu này, lần này có vẻ họ không phản đối gì.
Phe Dân Chủ cũng như mọi khi luôn muốn in thêm và xài thêm tiền. Trump thì lại càng muốn như vậy. Và những người Cộng Hòa, vốn xưa giờ cực kì nhạy cảm về việc tăng nợ công mỗi khi tổng thống là của Đảng Dân Chủ (hay thậm chí cả thời George W. Bush đương nhiệm), có vẻ cũng bung xõa luôn trong cuộc chơi này. Chẳng vậy mà lại có thêm 250 tỉ nữa chuẩn bị bơm cho các doanh nghiệm nhỏ. Nếu nhờ vậy mà giúp mấy công ty đó sống sót và người lao động không mất việc thì cũng đỡ. Chốt lại thì cũng ghi vào sổ nợ thôi.
Mà có thể phía Cộng Hòa cũng được lợi từ việc này (nó lý giải cho việc họ không thật sự gây hấn gì trong thời gian này, ngoài trừ việc họ sống chết để được tái đắc cử, và họ muốn người tái đắc cử là Trump, dù cho nó vì lý do gì). Cái lợi đó là: Khối nợ công siêu khổng lồ ở mức hàng ngàn tỉ này sẽ chắc chắn đồng nghĩa với việc cắt giảm Medicare và Phúc Lợi Xã Hội về sau này, khi mà người dân đóng thuế bắt đầu nai lưng ra trả nợ, ngay cả khi kinh tế đã phục hồi. Và lúc đó bạn đừng mơ là các tập đoàn sẽ vươn tay ra chia sẻ.
Một lý do khác nữa: các tay to trong giới đầu tư đang được vay tiền với lãi suất bằng zero. Vậy tội gì không vay? Một trong những lý do Cục Dữ Trữ Liên Bang hạ lại suất xuống zero cách đây một tháng là để khuyến khích các định chế tài chính vay mà. Và đó là lý do chúng ta thấy một lượng lớn tiền đang đổ lên sàn.
Bởi vì ngay cả khi lãi suất bằng 0% , các ngân hàng sẽ không nhận tiền gửi vào nếu như họ không thấy chỗ đầu tư nào đem lại lãi suất hơn 0%. Nói vậy nhưng thật ra cũng có vài chỗ hấp dẫn để họ cất tiền vào thời điểm này. Ngân hàng thông thường sẽ lấy tiền dư mua Trái Phiếu Kho Bạc Ngắn Hạn và Dài Hạn, mặc dù ở thời điểm này nó chẳng đem lại đồng lãi nào nhưng nó có một ưu điểm là an toàn. Vì vậy ngân hàng có thể sẽ làm như vậy để bảo toàn tài sản sẵn có, nhưng họ sẽ không nhận thêm một đồng tiền gửi nào – thậm chí khi không phải trả lãi – vì nó sẽ không sinh lợi được gì, dù nó có an toàn cỡ nào đi nữa.
Vào thời điểm này thì Fed muốn các định chế tài chính tung tiền vay không lãi suất ra cho các cá nhân và doanh nghiệp nhỏ đang cần. Nhưng đối với khả năng chịu đựng của ngân hàng ở thời điểm này thì nó quá rủi ro, điều đó lý giải một phần cho sự đóng băng của hoạt động cho vay hiện nay, ngay cả đối với những trường hợp mà chính phủ đứng ra để làm mọi cách giảm rủi ro xuống tối thiểu cho ngân hàng.
Bạn cứ thử hỏi một người bạn đang trả nợ vay nhà xem có ngân hàng nào gọi mời anh ta tái cấp vốn vì lãi suất đang thấp hay không. Chưa tính đến việc anh ta đang thất nghiệp chưa biết đến khi nào mới có lại.
Hay thậm chí bạn có thể hỏi câu tương tự với ông trùm nhà hàng sòng bạc Tilman Fertitta, người đang cố gắng vất vả để chốt một thỏa thuận trong đó có khoản xin vay 250 triệu $ với lãi suất 15% nhằm cứu lấy những cơ sở kinh doanh của ông ta. Bài toán này tính theo kiểu đơn giản là các định chế tài chính có thể lấy tiền gửi lãi suất 0% rồi cho ông ta vay lại và mỗi năm đút túi ngon lành 37.5 triệu $, với giả định là ông ta sẽ trả nợ. Dĩ nhiên thì ngân hàng lúc nào cũng tính toán khoản vay để lợi nhận cao hơn với chi phí, nhưng ở mức độ này – theo Bloomberg – thì sẽ là một kỉ lục.
Vậy tại sao ông ta lại xin vay lãi suất lớn vậy trong khi Fed lại đang bơm tiền không lãi suất? Đơn giản hai chữ thôi: rủi ro. Nếu khoản vay này đưa được ông ta qua đoạn trường Covid này và người người nhà nhà đổ xô đi ăn nhà hàng và đánh bạc thì chủ nợ của ông ta sẽ ăn lớn. Còn ngược lại thì ăn hành.
Đó là lý do lãi suất vay đang rất cao, và hiện nay thì điều này chưa đem lại lợi lộc gì cho các ngân hàng nhỏ, nhưng các ngân hàng nhìn chung đang bắt đầu thấy cơ hội sinh lời. Và có thể điều này đã đẫn đến một bầu không khí lạc quan.
Và những công ty lớn – nhiều trong số đó có độ rủi ro thấp hơn nhiều so với Fertitta – đang tìm cách vay vốn từ đủ mọi dòng tín dụng, điều này đồng nghĩa với lợi nhuận siêu lớn cho ngân hàng và các định chế tài chính khác. Và đó có thể là một phần lý do cho sự hứng khởi của thị trường những ngày qua.
Và câu hỏi lớn đặt ra là: Liệu họ có đang quá hứng không?
Hỏi vậy là vì nhiều việc nhiều phiên liên tiếp tăng vừa qua có vẻ hơi quá hồ hởi, ít ra là trong nhận định của chúng tôi. Đặc biệt là khi bạn nhìn lại lịch sử. Chúng tôi nhìn ở góc độ thế này: TTCK hiện nay còn xa mới chạm tới những cái đáy như đợt khủng hoảng kinh tế lần gần nhất. Nói có số, S&P 500 hôm nay cuối phiên còn cao hơn 23% so với đáy thấp nhất của tháng trước, và cao hơn 21% so với lúc thị trường mới phục hồi thuở Trump với nhậm chức. Và những con số này – mặc cho Trump có nói gì – là khá sáng sủa. Và hãy nhớ: ngay cả sau những cú rơi liên tiếp vì Covid thì S&P 500 vẫn cao hơn 300% so với thời khủng hoảng 2008.
Nó cho thấy có rất nhiều nhà đầu tư trên sàn tin rằng tác động kinh tế của đại dịch này sẽ rất mạnh nhưng sẽ nhanh chóng qua đi. Chúng tôi thì không dám tin. Nhưng có khi nào họ lại đúng không?
Vậy giờ ta hãy tiếp tục suy nghĩ theo hướng đó, để xem nó đi tới đâu. TTCK là một dạng chỉ báo nhanh, nghĩa là nó không phản ánh nền kinh tế hiện nay mà nó thể hiện những gì nhà đầu tư dự đoán về tương lai gần. Và dù cho ai cũng dự đoán về một cuộc khủng hoảng, họ cũng cho rằng nó đã xuống gần đáy. Và nếu Mỹ và những nước công nghiệp khác có vẻ đã gần đạt đỉnh về số ca mắc bệnh và tử vong, nhà đầu tư có thể sẽ cảm thấy “ánh sáng ở cuối đường hầm covid”. Vấn đề lớn nhất ở đây với các doanh nghiệp (mà cũng là lý do khiến họ sa thải rất nhiều lao động) thời gian qua là cảm giác bất lực khi họ hoàn toàn không có một chút manh mối nào cho thấy điểm kết của đại dịch này. Và bây giờ là lúc họ cảm thấy có chút ánh sáng le lói.
Chúng tôi không muốn nói lời tiêu cực, nhưng nếu những tâm lý nêu trên là động lực đẩy thị trường lên chứ không chỉ là những núi tiền vì không dám cho vay mà đổ vô TTCK với mong muốn kiếm ít lời, thì chúng tôi cho rằng là thiển cận.
Vì những lý do đơn giản sau đây:
- Chưa có thuốc, vaccine hay liệu pháp nào được chứng minh là đủ để chữa trị hay phòng ngừa Covid-19
- Ngay khi đại dịch này hạ nhiệt vào tháng 5 hay tháng 6 thì nó sẽ có thể quay lại. Kiểu bệnh dịch này thường như vậy.
- Không ai biết các nơi làm việc sẽ trở lại như thế nào sau đại dịch. Không ai biết giá trị của nhà hàng, bán lẻ và bất động sản sẽ thế nào. Đơn giản bởi vì hiện nay mọi thứ đang ở trạng thái đóng băng
- Và cuối cùng, việc hy vọng vào giá chứng khoán hiện nay chính là sự giả định – ngay cả khi mọi thứ diễn biến theo cách tích cực nhất – rằng Trump sẽ không phá nát mọi thứ lên. Có thể là vì một vài lời chỉ trích nhỏ mà ông ta sẽ biến thành một trận trả đũa náo động chính trường, hay có thể là việc từ chối phối hợp với các đối tác quốc tế để đưa kinh tế toàn cầu trở lại quỹ đạo. Fed có thể cứu chữa vài ca kiểu vậy, nhưng đôi khi khó quá cũng phải chịu thua.
Nói đi cũng phải nói lại, Trump sẽ còn muốn tiêu thêm tiền và thêm nhiều tiền – nợ sẽ chồng chất nợ – và sẽ còn lâu phố Wall mới thấy ngán bữa tiệc thịnh soạn này..