Đây là một phần nhỏ nhỏ trong cái câu chuyện bốc mộ của tôi đăng đêm qua, giờ tách ra kể thì nó cũng hơi ngắn ngắn và cụt nhưng thôi cứ liều liều mà tách ra. Câu chuyện này xảy ra khoảng 2009-2010, tôi cũng không chắc chắn lắm vào khoảng thời gian này vì ngày ấy bỏ nghề rồi và đang đắm chìm trong món khác. Những bạn ở bán kính tầm 10-15km quanh TpHY kiểu gì cũng biết về câu chuyện này hoặc có thể hỏi người thân trong nhà vì chuyện này ngày xẩy ra nó ầm ĩ suốt một thời gian dài.
Khu thành phố Hưng Yên (ngày ấy có thể vẫn còn là thị xã Hưng Yên) có ông bác sĩ T, ông là bác sĩ chuẩn đoán hình ảnh giỏi với tay nghề chuyên môn cao so với mặt bằng chung ngày đó. Biết được lợi thế của mình và nhu cầu soi giới tính thai nhi (nhu cầu mà chưa bao giờ hết nóng trong xã hội vẫn còn bị ảnh hưởng mạnh bởi cái tư tưởng trọng nam khinh nữ này ) của người dân đến viện thăm khám. Ông bác sĩ đã tự mua lấy 1 bộ máy siêu âm về mở phòng khám tại nhà riêng, với tiếng tăm và tay nghề đã được khẳng định qua nhiều năm công tác trong viện, phòng khám tại gia của ông bác sĩ nhanh chóng kiếm được số lượng lớn bệnh nhân từ khắp các huyện xung quanh đổ vđớn
Thêm nhiều năm làm việc ông bác sĩ trở lên giàu có, hạnh phúc với gia đình nhỏ 3 người của ông. Thiên hạ thấy người giàu, người thì ao ước, kẻ rèm pha, một trong những lời rèm pha đó là vì ông soi giới tính thai nhi trái phép nên các bé gái bị phá bỏ sẽ có ngày quay về báo oán đòi lại món nợ mà ông nợ chúng. Món nợ sinh mạng mà ông gián tiếp tước đi. Ấy thế mà lời rèm pha đó có một ngày trở thành sự thật. Con trai ông T năm ấy (2009-2010 gì đó) 18 tuổi, thằng bé kém tôi gần chục tuổi nhưng tôi vẫn biết do nó học tại trường thpt cạnh với trường cđ tôi đang công tác lúc đó. Thằng này ngoan ngoãn, học hành tốt và chẳng chơi bời gì hoặc có chơi mà k ai biết. nhưng nó cũng giống ông bác sĩ T là tấm gương cho các vị phụ huynh so sánh với con cháu trong nhà, là con nhà người ta trong lời kể của các vị ấy đấy.
Ai cũng bảo nó lớn lên sẽ theo nghề của bố. Nhưng một buổi sáng mùa xuân, khi đang chuẩn bị lên lớp tôi nghe các cô trong tổ xì xào về chuyện thằng con trai ông T sáng sớm dậy tắm rồi bị điện giật chết do máy xấy bị hở. Thằng con ông T chết thật, chết trong ngỡ ngàng và đau đớn của ông T cùng vợ ông. Đám tang được tổ chức vài ngày sau đó và câu chuyện của con ông T vẫn tiếp diễn. Người ta nói vợ ông T hàng đêm vẫn mơ thấy con ông về kêu cứu, suốt một tuần giời như thế bà vợ ông T sinh nghi mới quyết định quật mộ thằng con lên. Quê nghèo thì kiêng khem kinh lắm, quê tôi ai chôn xuống rồi chưa đến ngày bốc mả mà đào lên thì rõ là chuyện động trời, chẳng ai muốn làm thế cả vì sợ động mộ, sợ chuyện dữ đến với gia đình. Vợ ông T cũng sợ nhưng những cơn mơ về đứa con hàng đêm quay về cầu cứu vẫn ám ảnh bà còn đáng sợ hơn.
Mộ con ông T được đào lên vào giữa trưa nắng một ngày k lâu sau khi bị chôn xuống và có lẽ giấc mơ của bà đã đúng nhưng quá muộn. Vẫn lại là người ta kể lại khi mở nắp quan tài thằng bé không còn nằm im một chỗ như lúc mới chôn mà không hiểu bằng cách nào người nó rúm lại phía cuối áo quan, trên nắp, xunh quah áo quan là vết máu, vết cào cấu. Có lẽ nó chỉ chết lâm sàng, khi tỉnh dậy thì thấy mình đã bị đem chôn nên tìm cách thoát ra. Nhưng thoát đi đâu được khi nằm trong cái quan tài chắc chắn sâu trong đất vài mét như vậy. Cào cấu đến rách cả tay, kêu gào cũng chỉ làm cái chết của nó thêm đau đớn và đáng sợ.
Vẻ mặt nó trước khi phân hủy vẫn nhận ra được sự cau có, giận dữ. Chuyện xảy ra như cú đấm thứ hai vào vợ chồng ông T, bà T như phát điên vì con. Ông T thì tìm đến rượu, bia để quên đi nỗi đau sự ân hận. Phòng khám của ông đóng cửa dài dài. Suốt một thập kỉ qua, ông T bây giờ đang bị đái tháo đường độ ba, các chi của ông từng ngày rời ra, ông chỉ còn nằm một chỗ đợi sự chăm sóc của người khác. Còn vợ ông tôi xin phép không kể vì người đàn bà đó bất hạnh quá.
Đấy là chuyện nhà ông T, chuyện những đám bốc mộ mà người bên trong cào cấu quan tài thì tôi chỉ gặp 1 lần. Dấu hiệu thì y như cậu con ông T vậy. Chết bởi ngạt khí và kiệt sức là cái chết đáng sợ.
Hi vọng những chuyện tôi kể mua vui được một vài trống canh. Mà vẫn nhắc lại là nó không dài và không thêm thắt được gì đâu, nhớ ra gì thì kể thế thôi.
Xong phần mộ nhá. Đổi sang cái khúc sông…
Nhà tôi ở một vùng quê nghèo ven sông Hồng, cả làng toàn nông dân quanh năm chân lấm tay bùn. Đầu những năm 90 thế kỉ trước tôi vẫn là thằng trẻ con chưa hiểu chuyện nhưng vẫn nhớ được kha khá những thứ xảy ra quanh mình.
Hồi bé bé, tầm 9-10 tuổi tức là học lớp 4 hay 5 ý, nhà nghèo rớt nên tôi nghiễm nhiên phải trở thành 1 chân lao động trong nhà. Lao động ở đây chính là cái việc tối tối xách giỏ theo bố tôi đi đánh cá ngoài kênh, mương ngoài đồng và thậm chí cả những nghĩa trang. Những ngày đầu tôi chán ghét việc này kinh khủng vì đêm hôm đầu trần, chân đất lon ton khắp các bờ mương, nghĩa địa quanh nhà nó đáng sợ lắm, nhưng khi phải chọn giữa nỗi sợ và những bữa cơm ngon hay quần áo mới tôi đành gác lại những nỗi sợ mơ hồ đó. Thường thì hai bố con tôi xuất phát lúc 9h tối và quay về nhà khi gần hết điện từ bình acc quy 12v bố tôi khoác sau lưng, mỗi tối như thế hai bố con kiếm được đủ tiền rau cháo cho chúng tôi và sẽ thật may mắn hơn là tấm áo, đôi dép mới nếu bắt được rắn to hay ếch và vô số những chuyện khiến tôi dần chai lì với những thứ mọi người hay gọi là ma quỷ. Con người ta mà, luôn sợ hãi trước những gì mình không biết.
Ở đây có ai sống gần nghĩa trang không? Nếu có mọi người có thể xác nhận 1 điều rằng cá trê khu vực gần nghĩa trang rất to, béo vàng. Dân quê tôi vẫn quan niệm những con cá trê đó do ăn chất từ thịt người phân hủy mới béo vậy. Bố tôi tất nhiên không bỏ qua món hời này rồi, nơi đầu tiên đi qua sẽ là nghĩa trang hung táng bên phải làng, tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác gai gai bàn chân thì phải bước chân trần trên những nền đất lành lạnh đó. Có những lần gan bàn chân nổi mụn ngứa mãi không khỏi, không gãi được,bố tôi vẫn bảo đấy là nọc giun. Giun mà có nọc đấy các bạn ạ. Cái thứ nước vàng vàng nhờn nhờn từ những tấm ván thôi ra nó mà bám vào chân thì có lấy bàn chải, chải đến đỏ da mới sạch. Dính nhiều thì nước ăn kẽ chân đến loét cả ra. Muốn nhanh khỏi chỉ có lấy bã thuốc lào của bố dịt vào, xót ới là xót nhưng đỡ ngứa nhiều lắm.
Đi đêm lắm ngày gặp ma, hai bố con đi đêm lắm và gặp những thứ kì lạ là có thật. Có một đêm, hai bố con mải mê đuổi theo con những con cá dưới lòng máng thì cả hai bố con đều nghe thấy tiếng lợn kêu khe khẽ phía trong nghĩa địa. Càng đi tiếng đàn lợn ủn ỉn càng lớn. Có vẻ tôi và bố đến gần chúng lắm rồi, tò mò tôi cố nheo mắt nhìn về phía sâu trong dẫy mộ, quả thật có những bóng xám nhấp nhô qua lại rồi tưởng chừng chúng biết tôi đang nhìn, những chiếc bóng dừng hẳn lại. Ngước những đôi mắt sáng mầu lân tinh về phía tôi, cái cảm giác lành lạnh tê rần chạy dọc sống lưng kéo tôi ngồi tụt xuống, kêu ầm lên rồi chỉ cho bố tôi. Con người ta thường sợ hãi những điều mình chưa biết rõ, tôi lúc ấy lại còn là trẻ con, đen đủi thay bố tôi thì không. Ông giải quyết nỗi sợ của thằng con trai duy nhất lúc ấy bằng cách dắt tôi theo thẳng tới chỗ những ánh mắt đó. Viu viu những tia sáng bay toán loạn khi chúng tôi tới gần, không có con lợn nào cả, không bóng đen nào hết.Chỉ có ngồi mộ chú H mới chôn ở đấy. Bố tôi thầm thì : Có nhớ anh nhớ em thì về, cháu nó biết gì mà trêu nó. Gió lạnh thổi qua hàng phi lao vi vu như tiếng thầm thì. Đó là lần cuối cùng tôi thấy những con lợn ở đó.
Mùa nước cạn,đồng ruộng, mương máng cạn khô hai bố con lại phải đi xa hơn ra bờ sông. Sông Hồng mùa nước cạn, nước đục ngầu lững lờ trôi mang theo phù sa, tôm cá và cả những mảng kinh dị trong tôi. Đấy là xác người chết trôi sông. Cuối thu, trăng sáng mờ mờ đủ để soi bóng hai bố con tôi liêu xiêu bên bờ sông. Tiếng gió thổi qua hàng lau rì rào nho nhỏ k át đi được tiếng những con cá quẫy đuôi trên mặt nước khá lớn phía giáp chân bờ kè. Ì oạp, ì oạp, bố tôi quay lại ra hiệu cho tôi đi thật khẽ tiến về phía đó, chiếc đèn pin bóng sợi tóc 12v trên mũ bố tôi được tắt đi để không bị lũ cá say mồi phát hiện. Càng về gần mùi hôi càng lớn, tôi nghĩ có lẽ giống mọi khi, bọn cá trê, cá sộp sông tranh nhau thịt con lợn chết nào đó mà dân làng ném ra sông. Đèn bật sáng chiếc cần điện được dí xuống chỗ lũ cá thì tôi ngã ngửa ra. Đó là một cái xác chết nổi lên rồi, xác nằm ngửa mặt lên trời, một chân mắc vào kè đá, phần thân thể còn lại đong đưa dưới dòng nước và dưới những cú đớp của lũ cá. Hai hốc mắt trống không do lũ cá rỉa sạch từ lâu, mắt người là món khoái khẩu của bọn thú vật vì nó mềm, dễ tấn công nhất. Bên hông một đoạn ruột trắng bởn lỗ rỗ lòi ra. Sau này có điều kiện được ăn uống những món ngon, thi thoảng nhìn tới món lạp xưởng treo tôi lại nhớ tới những khúc ruột này. Da thịt cái xác căng ra, xám xịt. Toàn bộ cảnh tượng khiến tôi nôn thốc nôn tháo, ngồi tệt xuống đấy không thể đi được. Tôi muốn về nhà, muốn bố đưa tôi về nhà ngay lập tức và tối hôm sau sẽ k quay lại đây. Thế mà ước muốn ấy không thành. Bố tôi lôi cái xác vào lên bờ. Ông ấy vẫn quan niệm chỉ cần sống thật tốt ắt sẽ có báo đáp, loay hoay mãi mới lôi lên được, ông dặn tôi ở lại canh cái xác để đề phòng chó, mèo hoang ven sông ra kiếm chác còn ông thì chạy về làng báo với thôn, xã rằng có người chết. Người chết đã khổ lắm rồi, chết không toàn vẹn đời nào mới siêu thoát được. Chẳng hiểu tại sao ông lại có thể tin tưởng vào thằng con trai vừa nôn ọe, khóc mếu đòi về có đủ dũng cảm để đứng lại đấy cho đến khi ông quay lại. Đây cũng là mở đầu cho cái câu chuyện tôi theo chân người ta làm cái nghề “câu xác” sau này.
