Chúng ta đều biết rằng miền Bắc Việt Nam được Trung Quốc hậu thuẫn, còn miền Nam được Mĩ chống lưng. Và đấy là những gì tôi biết về sự khác biệt giữa 2 miền Nam Bắc Việt Nam.
Ở miền Bắc, họ theo Phật Giáo Đại Thừa, có phần “thoải mái” hơn về phẩm cách, trong khi miền Nam theo Phật Giáo Tiểu Thừa, có phần hà khắc bảo thủ hơn.
Khoảng vài thế kỉ trước khi Việt Nam còn là thuộc địa của Pháp, miền Bắc dưới sự điều hành của Đại Việt, trong khi miền Nam thì theo Chăm Pa.
Trong nhiều thế kỉ, các nhà Lý, Trần, Hậu Lê, đã tập trung ở miền Bắc và có phần ủng hộ Trung Hoa trong khi Vương triều Tây Sơn và nhà Nguyễn phần nhiều dựa vào miền Nam và các trợ giúp quốc tế từ các nước như Pháp.
Tôi không quá giỏi Sử học Việt Nam, nên hãy giúp tôi chỉnh mấy chỗ sai nếu có ở trên nhé. Thực dân Pháp có lẽ đã làm nhoà đi hoặc xoá bỏ một phần sự khác biệt giữa 2 miền, nên có thể những điều tôi liệt kê bên trên không liên quan lắm đến thời Chiến tranh Việt Nam.
Có phải tôi đã sai khi cho rằng giống như chính trị, đã có sự khác biệt văn hoá ở đây không?
_______________________________
u/KippyPowers
Không sai khi nói rằng có sự khác biệt giữa 2 miền Nam Bắc Việt Nam về văn hoá. Có một điều cần lưu ý đó là những gì hình thành nên “Việt Nam” vẫn chưa bao gồm đầy đủ Đồng bằng Sông Cửu Long cho đến năm 1802. Như bạn đã biết, thì Chăm Pa và Angkor thống trị một nửa miền Nam ngày nay cho đến khá lâu trong thời kì Đế quốc. Cả hai triều đại ấy vẫn không được coi là nước “Việt Nam”. Chăm Pa và Angkor có khá nhiều lịch sử văn hoá khác biệt với Việt Nam, và cũng để lại nơi này những dấu ấn văn hoá đến tận thời hiện đại bây giờ.
Mặt khác, tôi nghĩ một vài quan điểm bạn đưa ra trong những câu hỏi trên đã hơi sai sai. Tôi không cho rằng gọi nhà Lý, Trần, Lê như những triều đại “thân Trung” là đúng đâu. Nếu ý bạn là những triều đại ấy đã áp dụng những quy tắc xã hội nhất định từ Trung Hoa, như các khoa thi, cấu trung chung của hệ đo lường, thì cũng ổn thôi (mặc dù vậy tôi cũng chẳng gọi đấy là thân Trung đâu, tôi sẽ nói đó là những ý tưởng văn hoá mà người Việt mong muốn được kế thừa). Người Việt Nam cho rằng bản thân họ là đại diện của một xã hội “Hán”, nhưng cách mà từ “Hán” được dùng luôn thay đổi theo thời gian. Ý nghĩa đằng sau việc sử dụng từ ấy trong trường hợp này đấy là người Việt Nam đã áp dụng cấu trúc xã hội có nguồn gốc từ Trung Hoa, nên “Hán” chính là đại diện cho tư tưởng này. Nho giáo cũng không được kế thừa hàng loạt như nhiều người Việt Nam đã nói, cũng như trong những tác phẩm học thuật nêu lên. Đúng hơn, như hầu hết mối quan hệ giữa văn hoá và xã hội, Việt Nam chỉ chấp nhận một phần của Nho giáo từ Trung Quốc và bỏ đi những thứ còn lại.
Trên thực tế, Việt Nam có mối quan hệ khá là phức tạp với Trung Quốc. Đất nước này bị đô hộ bởi nhiều triều đại từ Trung Quốc đến khoảng 1000 năm, với vô số cuộc đấu tranh giữa hai bên trong thời điểm đó. Kể cả sau khi độc lập ở thời nhà Ngô, từ đó trở đi vẫn còn nhiều cuộc xung đột khác nhau với Trung Quốc. Xuyên suốt thời gian ấy, những cuộc chiến với Chăm Pa thậm chí còn nhiều hơn. Trong thời nhà Lê nói riêng, Chăm Pa về cơ bản đã bị đánh bại bởi nhà Nguyễn (sau này đã thành lập nên triều Nguyễn). Nói chung là tôi không nghĩ bạn có thể nói về “thời kì hoàng kim” của Việt Nam như những triều đại “thân Trung” mà chỉ đơn giản dựa trên vài sự học hỏi về văn hoá được, tôi cũng không cho rằng bạn có thể mô tả người Việt Nam nhất thiết phải ghét Trung Quốc, hay ít nhất là ghét cấu trúc xã hội của họ đâu.
Tiếp theo, triều Nguyễn không dựa vào miền Nam. Kinh đô của họ nằm ở Huế, trung tâm đất nước. Vua Gia Long dựng lên kinh đô này bởi đấy là nơi các lãnh chúa nhà Nguyễn đã sống khá lâu, và họ, những người mở rộng Việt Nam đến mức hiện đại, đã thành lập căn cứ ở Huế. Ở đây ít nhiều có thể cảm nhận được sự hiếu thảo khi Gia Long chọn Huế là nơi đóng đô của mình. Bạn cũng đã đúng bởi Gia Long đã yêu cầu sự giúp đỡ từ Pháp để đánh bại quân Tây Sơn, Tuy nhiên mối quan hệ này sau đó đã trở nên căng thẳng khi Pháp dùng chuyện này như một lời biện minh cho việc xâm lược của mình, còn vua Minh Mạng thì lại đẩy lùi sự xuất hiện của đạo Thiên Chúa trong nước. Trên thực tế, vua Minh Mạng khá là hết lòng trong việc “Tái tạo Khổng giáo” ở Việt Nam, nên việc này cũng đã phá vỡ quan điểm rằng nhà Nguyễn ít còn quan tâm đến văn hoá Trung Hoa nữa.
Dù sao đi nữa, chắc chắn có vài sự khác biệt văn hoá giữa 3 vùng miền của Việt Nam hiện đại: Bắc, Trung, Nam. Nó khá là rõ ràng dễ thấy nếu bạn từng đến Việt Nam. Những nhà cầm quyền trước đây của miền Trung và Nam đã để lại dấu ấn văn hoá, với cả những thứ đã bị bỏ lại phía sau (như khu đền tháp Mỹ Sơn) và chỉ tương tác với người Việt Nam thôi; kể cả mùi vị trong thức ăn của mỗi vùng miền cũng khác nhau nữa. Tuy vậy ở một mức độ nào đó, đã có sự hòa nhập của các nền văn hoá với nhau. Nhưng tôi cũng muốn nói đến việc sự xâm lược của thực dân Pháp đã ảnh hưởng đến miền Nam Việt Nam như thế nào nữa. Cần phải nhớ một điều là Pháp đã rất tích cực xâm lược một phần của miền Nam được gọi là Nam Kỳ. Người Pháp hăng hái định cư ở vùng đất này, và mang văn hoá của họ đến nơi đây. An Nam [Trung Kỳ] và Bắc Kỳ cũng là một phần trong kế hoạch xâm lược của thực dân Pháp (theo tư cách “bảo hộ” dưới triều Nguyễn), nhưng đây không phải là đầu mối chính của Pháp. Nam Kỳ mới thực sự bị kiểm soát trực tiếp bởi Pháp không thông qua nhà Nguyễn.
Tôi cho rằng sự khác biệt về chính trị thì ít hơn bạn nghĩ đấy. Miền Bắc và Nam Việt Nam không thực sự bị chia cắt với nhau cho đến năm 1954 tại Geneva. Và ý định ban đầu là sẽ có một cuộc bầu cử giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Quốc gia Việt Nam. Việt Nam Dân chủ Cộng Hoà trụ sở tại Hà Nội và Quốc gia Việt Nam thì ở Sài Gòn. Nhưng cuộc bầu cử không bao giờ được diễn ra bởi một vài thủ đoạn chính trị từ phía Quốc gia Việt Nam. Cũng cần nói rõ rằng Quốc gia Việt Nam được thành lập giữa Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (năm 1949) dưới một sự ảnh hưởng đáng kể từ thực dân Pháp. VNDCCH và QGVN (sau này là Việt Nam Cộng Hoà) đã chia làm các chính quyền riêng biệt nhưng lại tuyên bố chủ quyền với cùng một lãnh thổ. Họ không chia cắt chủ quyền địa lí của quốc gia một cách chính xác như Mĩ và Canada ở một khía cạnh nào đó. QGVN như một thành trì Cơ Đốc Giáo (bao gồm Ngô Đình Diệm và gia đình ông ta). Tất nhiên, Cơ Đốc Nhân vẫn chỉ luôn chiếm một phần thiểu sổ ở Việt Nam, nhưng tôi nghĩ điều đáng chú ý là những Cơ Đốc nhân khác đã bị chú ý bởi chính quyền này và ủng hộ họ, và phần nhiều những nhân vật quan trọng trong công việc chính trị của QGVN là Cơ Đốc nhân. Xuyên suốt thời gian Việt Nam cố gắng tổ chức bầu cử, rất nhiều Cơ Đốc nhân và những người khác di chuyển từ Bắc vào Nam để bầu cho QGVN. Cũng như vậy, người dân ủng hộ Hồ Chí Minh và chủ nghĩa xã hội vân vân… di chuyển ra miền Bắc.
Nếu bạn hứng thú với lịch sử Việt Nam, có một quyển sách tổng quát về lịch sử rất hay đó là “Vietnam: A New History” của Christopher Goscha. Đó là một trong những quyển sách lịch sử 1 tập yêu thích của tôi. Quyển “Xứ đàng trong: Lịch sử Kinh tế – Xã hội Việt Nam thế kỉ 17 – 18” của Li Tana cũng đề cập rất nhiều về những gì bạn mong đợi được tìm hiểu về văn hoá và xã hội Việt Nam.
Tôi nghĩ bạn cũng sẽ thích xem qua những quyển “In ấn và quyền lực: Khổng giáo, Chủ nghĩa Cộng Sản và Phật giáo trong sự hình thành Việt Nam hiện đại” của Shawn Frederick McHale.
