Nhân vật Atom (còn được biết là Astro Boy) là robot dùng năng lượng hạt nhân và ra mắt lần đầu năm 1951. Godzilla lần đầu xuất hiện vào năm 1954 và được nhìn nhận rộng rãi là phép ẩn dụ cho vũ khí hạt nhân. Quan điểm của Nhật hậu Thế chiến 2 về vũ khí hạt nhân và năng lượng hạt nhân là như nào vậy?

Tôi là fan Godzilla và kaiju eiga nên tôi sẽ trả lời rõ nhất có thể. Đầu tiên, phương Tây đã nhìn nhận Godzilla và dòng phim này qua góc nhìn của một quốc gia ủng hộ hạt nhân, một quốc gia đã nghĩ đến việc kiểm soát năng lượng hạt nhân thay vì cho nó khoảng cách phù hợp. Nhưng trải nghiệm của Nhật lại rất rất khác, và cách nhìn nhận của họ vì thế cũng sẽ khác theo. Ngoài Nhật ra chưa có một nước nào bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân cả, huống hồ là hai lần. Godzilla thường được coi là biểu tượng của sức mạnh hạt nhân, điều này không đúng. Những người Nhật đầu tiên làm phim Gojira (Tanaka và Honda) đúng là đã bị ảnh hưởng bởi sự kiện diễn ra quanh họ 9 năm sau Hiroshima và Nagasaki. Sự cố Daigo Fukuru Maru cũng đã góp phần tạo ra kỉ nguyên quái vật hạt nhân ở Nhật. Trong Gojjira có một cảnh người phụ nữ nói về việc phát hiện Godzilla đã ảnh hưởng tới việc đánh cá ra sao, đây là ám chỉ trực tiếp tới sự cố Daigo Fukuru Maru.

Gojira không chỉ đơn giản là lời nhận xét về năng lượng hạt nhân, mà còn là về việc thử vũ khí hạt nhân và những nỗi kinh hoàng mà nó tạo ra. Sau khi Godzilla bị Serizawa hạ, tiến sĩ Yamane đã nói rằng khả năng vẫn còn những thứ khác sinh ra từ những hành động kinh khủng của nhân loại.

Series Godzilla của Toho không phải là thể loại phim duy nhất khám phá những câu hỏi về hạt nhân. Gamera của Deiei, ban đầu là phim nhái rẻ tiền, cũng đã được nâng lên vị thế mới sau bộ ba phim Gamera vì đã đặt ra nhiều câu hỏi lớn không chỉ về năng lượng hạt nhân mà còn về vai trò của con người với thiên nhiên và thế giới nói chung.

Một phép ẩn dụ nhiều lớp hơn là Neon Genesis Evangelion, một series nổi tiếng với phép ẩn dụ và phân tích sâu sắc. Việc sử dụng mìn N2 để phá hủy các thiên thần có thể là hình tượng hóa cho sự thờ ơ của xã hội hiện đại trước vũ khí hạt nhân. Các cư dân không ngạc nhiên khi một quả được kích hoạt trong quá trình vật lộn nhằm bảo tồn nhân loại. Cũng theo cách này, các thiên thần, giống như Gojira, có thể được coi là người phán xét hành động, lòng tham và việc đi quá giới hạn của con người.

Việc Hideaki Anno (Evangelion) đạo diễn Shin Godzilla, phiên bản hình dung lại của phim gốc, cũng không phải là điều ngạc nhiên. Trong phim này, khi sự sống mới đang chậm rãi tiến hóa, xuất hiện và phá hủy Nhật Bản (Godzilla), chính phủ và các bộ ban của Nhật đã bất lực trong việc cản lại nó, vì họ tiếp tục bị mắc kẹt bởi các quy trình thủ tục. Đây là một sự phê phán thẳng thắn sự cố Fukushima xảy ra vài năm trước, ám chỉ phản ứng chậm chạp của chính phủ Nhật trong việc trả lời câu hỏi về vấn đề động đất và rò rì phóng xạ.

Quay lại câu hỏi ban đầu của bạn, phản ứng của người Nhật khá là đồng nhất. Nhiều người cảm thấy như được đại diện thông qua những tác phẩm này, khi những trải nghiệm của họ được chiếu ở ngoài nước nhà. Một rạp chiếu Gojira còn có nhiều khán giả khóc và chạy ra khỏi rạp, vì chính rạp đó trong phim đã bị tấn công.

Sự cắt giảm chủ đề và thông điệp về hạt nhân là do việc phát hành phim ở phương Tây. Như đã nhắc trước đó, phương Tây đã hạ thấp Gojira thành một bộ phim quái vật hạt nhân khác, rồi thêm những cảnh mới của Raymond Burr vào, lồng giọng đè lên nhạc phim và cắt bớt vài cảnh cũ. Thông điệp mạnh mẽ về hạt nhân vì thế đã biến mất.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *