A: James Wu
Tôi sẽ trả lời câu hỏi này với tư cách là một người Xin-ga-po (Singapore), một người Đông Nam Á.
Cụm từ “siêu cường khu vực Đông Nam Á” thực ra không mang nhiều ý nghĩa lắm về mặt địa lý. Đông Nam Á không phải là một khối thống nhất về mặt địa lý mà bị chia cắt rõ ràng thành hai vùng riêng biệt: ĐNÁ lục địa và ĐNÁ hải đảo.
Tên gọi cũ của vùng ĐNÁ lục địa là Đông Dương (Indochina) (người Pháp dùng tên này để gọi vùng thuộc địa của họ nhưng từ này vốn được dùng trước đó để ám chỉ toàn bộ vùng ĐNÁ lục địa). Tên gọi này cũng dễ hiểu thôi bởi vùng đất này nằm trên tuyến kết nối về mặt chính trị, kinh tế, văn hóa giữa Trung Quốc (China) và Ấn Độ (Indo). Xu hướng hoạt động địa – chính trị chính ở vùng này là hoạt động trên cạn (cả về mặt quân sự cũng như kinh tế): bộ binh, xe tăng, tàu cao tốc, ống dẫn dầu, v..v.
Tên gọi cũ của vùng ĐNÁ hải đảo là Quần đảo Mã Lai, hay còn gọi là Nu-xan-ta-ra (Nusantara). Khu vực này có nhiều tuyến đường hàng hải cũng như những điểm thắt quan trọng kể từ khi thời đại Khám phá bắt đầu (Age of Sail). Xu hướng hoạt động địa – chính trị ở vùng này là các hoạt động trên biển (cả về mặt quân sự cũng như kinh tế): tàu chiến, tàu ngầm, tàu thương mại và cảng biển.
Vùng đất liền và hải đảo của Đông Nam Á bị chia cắt bởi hai vùng biển: biển An-đa-man (Andaman) (bị thu hẹp dần bởi eo biển Ma-la-ca (Malacca)) và biển Đông.
Những điều tôi nói ở trên có nghĩa là bất kì siêu cường khu vực nào của Đông Nam Á cũng sẽ phải mở rộng tầm ảnh hưởng của nó vượt qua những vùng biển lớn kia để có thể trở nên độc tôn bá quyền (hegemony) tại Đông Nam Á. Tôi không thể tưởng tượng là Việt Nam hay In-đô-nê-xi-a có thể làm được điều đó trong tương lai trước mắt (Trung Quốc là một vấn đề khác mà tôi sẽ không nói đến ở đây, bởi nói một cách chính xác thì Trung Quốc không thuộc vùng Đông Nam Á). Vì vậy, chỉ có thể đạt được bá quyền một phần tại khu vực này mà thôi.
Thêm nữa, vị thế địa chính trị của Việt Nam và In-đô-nê-xi-a luôn bị thách thức bởi các quốc gia khác trong khu vực khiến cho việc vượt lên hẳn trong khu vực trở nên khó khăn hơn.
Về mặt nhân khẩu, In-đô-nê-xi-a có dân số lớn nhất khu vực ĐNÁ hải đảo. Tương tự, Việt Nam cũng là quốc gia đông dân nhất ở ĐNÁ đất liền. Nguồn nhân lực là rất quan trọng. Nó không chỉ quan trọng trong việc sản xuất sản phẩm nông – công nghiệp mà còn quan trọng trong việc tạo ra vốn trí tuệ và các ý tưởng trong môi trường kinh tế tri thức. Bạn cần nhân lực để tạo ra, phát minh, phát triển và điều khiển mọi thứ. Dân số In-đô-nê-xi-a vượt lên hẳn so với các quốc gia ĐNÁ khác và nhiều gấp 2,5 lần so với Việt Nam. Vậy nên, công bằng mà nói thì In-đô-nê-xi-a là quốc gia có tiềm năng lớn nhất trong các quốc gia ĐNÁ.
Về mặt văn hóa, Việt Nam có được lợi thế bởi sự đồng nhất về mặt sắc tộc và tôn giáo. Dân tộc Kinh, hay người Việt, chiếm đến những 85,7% dân số và đa số là vô thần. Một xã hội với sự đồng nhất về tín ngưỡng/giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử và một ngôn ngữ tiêu chuẩn chung sẽ giúp tạo nên sự gắn kết quốc gia và ổn định xã hội.
Về mặt này thì In-đô-nê-xi-a có đôi chút yếu thế. Dân tộc chiếm đa số là người Chà Và (Javanese) nhưng cũng chỉ chiếm khoảng 40% dân số, phần còn lại là các sắc nhóm dân tộc thiểu số khác. Điều này tạo nên những khó khăn nhất định trong việc tạo nên một quốc gia thống nhất. Các nhà lãnh đạo In-đô-nê-xi-a đã nhận ra điều đó vào những ngày đầu độc lập khi bạo loạn và các phong trào ly khai của các nhóm sắc tộc đã nổ ra trên toàn In-đô-nê-xi-a khiến cho lực lượng vũ trang In-đô-nê-xi-a (Tentara Nasional Indonesia -TNI) phải đứng ra dập tắt. Tuy nhiên, đến 87% dân số In-đô-nê-xi-a theo đạo Hồi, vậy nên, đạo Hồi có thể đóng vai trò là cầu nối cho sự đoàn kết và tạo nên bản sắc dân tộc. (Tuy nhiên, nếu tôi không nhầm thì đạo Hồi ở In-đô-nê-xi-a có xu hướng đa dạng và hổ lốn hơn là một đạo Hồi đồng nhất như ở các quốc gia Ả Rập ở Trung Đông).
Về mặt kinh tế, In-đô-nê-xi-a hiện đang dẫn đầu. Biểu đồ dưới đây bởi IMF, mặc dù có thể không phản ánh hoàn toàn chính xác, cho thấy GDP về mặt danh nghĩa của In-đô-nê-xi-a lớn gấp 3 lần Việt Nam.
Nền kinh tế In-đô-nê-xi-a ban đầu phụ thuộc phần lớn vào khu vực sơ chế: khai thác tài nguyên thiên nhiên như nông nghiệp, khai thác quặng hay sản xuất dầu. Việc được ban cho nguồn tài nguyên thiên nhiên trên một quần đảo rộng lớn quả thực đã đem đến cho đất nước này rất nhiều lợi thế. Tuy nhiên, kể từ những năm 60, dưới thời Su-ha-tô (Suharto), cha đẻ của sự phát triển, cả nước đã bắt đầu công nghiệp hóa, từ đó phát triển kinh tế cũng tăng lên nhiều. Ngày nay, nền kinh tế In-đô-nê-xi-a đang trong quá trình chuyển dịch từ nền kinh tế thứ cấp (sản xuất công nghiệp) sang nền kinh tế dịch vụ. Nó không còn phải dựa vào nguồn tài nguyên để tạo ra giá trị kinh tế nữa.
Việc nền kinh tế của Việt Nam bị bỏ lại phía sau là hoàn toàn dễ hiểu khi quốc gia này tham gia vào nền kinh tế khá muộn sau hàng thập kỉ của chiến tranh liên miên và nền kinh tế tập trung. Nó mới bắt đầu thị trường kinh tế tự do từ những năm 1990, ngay sau khi Đổi Mới được thực hiện. Việt Nam giống với In-đô-nê-xi-a, đang trong quá trình dịch chuyển từ nền kinh tế sản xuất sang nền kinh tế dịch vụ, mặc dù có ở phía sau một chút. Khu vực kinh tế sơ chế (nông nghiệp) vẫn chiếm phần lớn GDP, nhiều hơn so với In-đô-nê-xi-a, nghĩa là Việt Nam vẫn đang tiếp tục công nghiệp hóa.
Về mặt quân sự, xem xét chất lượng quân sự cũng quan trọng như việc xem xét số lượng vậy. Cả hai quốc gia đều khá mạnh, nhưng ở các mặt khác nhau. Như ở trên cũng đã nói, sự ưu tiên của sức mạnh trên đất liền và trên biển của hai quốc gia là khác nhau, vậy nên cũng dễ hiểu khi Việt Nam là quốc gia có lực lượng lục quân lớn hơn trong khi In-đô-nê-xi-a có lực lượng hải quân lớn hơn. Điều này là do sự khác nhau về mặt địa – chiến lược giữa hai quốc gia.
Quân đội Việt Nam được tôi luyện qua chiến đấu rất tốt. Trong suốt ba thập kỉ liên tiếp, từ năm 1945 đến năm 1975, Việt Nam hoàn toàn tập trung vào chiến tranh. Quân đội Nhân dân Việt Nam đã chiến đấu với 4 siêu cường của thế giới (Đế quốc Nhật, Pháp, Mỹ và Trung Quốc) và giành chiến thắng, giữ vững nền độc lập. Trong suốt 3 cuộc chiến tranh Đông Dương, Việt Nam đã đều thử qua vũ khí và khí tài của cả Nga, Mỹ và Trung Quốc. Tôi có thể tự tin nhận định rằng trong các quốc gia ĐNÁ, Việt Nam là quốc gia có quân đội mạnh mẽ và dày dạn kinh nghiệm nhất, xứng đáng với cái tên “nước Phổ của châu Á”. Từ giữa đến cuối những năm 1970, có một nỗi sợ trong cộng đồng ĐNÁ rằng sau khi đánh vào Cam-pu-chia, Việt Nam sẽ đánh qua cả Thái Lan và toàn bộ vùng Đông Nam Á lục địa. Chỉ mình Việt Nam ở Đông Nam Á là đã nếm trải chiến tranh, học được những bài học từ nó, và ở mức độ nào đó, đã trở thành bậc thầy của nghệ thuật chiến tranh. Như mọi người hay nói, kinh nghiệm là người thầy tốt nhất. Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng quân sự để sẵn sàng chiến đấu và đánh bật bất kì mối nguy nào đến từ các siêu cường như Trung Quốc, hoặc chủ động thị uy sức mạnh với các quốc gia láng giềng yếu hơn. Nói một cách ngắn gọn, quân đội Việt Nam được tôi luyện để chiến đấu với các thế lực bên ngoài.
Trong khi đó, quân đội In-đô-nê-xi-a lại hầu hết thực thi chức năng của nó ở trong nước. Kinh nghiệm và nhiệm vụ mà lực lượng vũ trang In-đô-nê-xi-a (TNI) thực thi luôn là dập tắt các cuộc nổi dậy và bạo loạn nằm trong tầm kiểm soát của quốc gia này. Quân đội hầu hết được sử dụng để áp đặt các lệnh từ chính quyền bằng vũ lực. Do đó, tôi tin rằng quân đội In-đô-nê-xi-a chuyên về các hoạt động chống nổi dậy và ổn định trong nước hơn.
Nói như vậy không có nghĩa In-đô-nê-xi-a hoàn toàn không có kinh nghiệm gì trong việc tác chiến với các thế lực bên ngoài. Lực lượng TNI non trẻ đã sử dụng chiến tranh du kích để chiến đấu với thực dân Hà Lan quay trở lại nhằm giành lại độc lập, câu thêm thời gian cho các giải pháp ngoại giao. Dưới thời Su-ca-nô (Sukarno), một cuộc chiến đã nổ ra với liên bang Ma-lai-xi-a, phần lớn xảy ra trên đảo Bô-nê-ô (Borneo) nhưng cũng diễn ra trên bán đảo Mã Lai. Trong cuộc chiến này, In-đô-nê-xi-a đã điều động bộ binh hạng nhẹ, lính đặc công và thị uy sức mạnh của không quân nước này. Cuộc tranh chấp chỉ là một cuộc chiến mang tính chất nhỏ và toàn bộ hoạt động của cuộc chiến chỉ giới hạn ở các cuộc đột kích và tấn công ở quy mô nhỏ. Thành công của cuộc chiến cho phía In-đô-nê-xi-a là rất ít do sức mạnh áp đảo của hải quân và không quân Anh (bên phía Ma-lai-xi-a).
Và cuối cùng là những phân tích về mặt địa lý của cả Việt Nam và In-đô-nê-xi-a cho thấy nhiều thách thức cho cả hai quốc gia.
Ở Việt Nam, quốc gia này không chỉ có 1 (Thái Lan chỉ có 1) mà đến 2 lõi dân số: khu vực Đồng bằng sông Hồng ở phía Bắc và khu vực Đồng bằng song Cửu Long ở phía Nam. Cả hai đều có năng suất cao trong nông nghiệp và quan trọng trong việc giao thương đường biển. Cả hai vùng châu thổ đều nằm ở vùng đồng bằng thấp, nghĩa là nó sẽ dễ dàng hơn cho việc củng cố quân đội và tập trung chính trị. Vùng châu thổ song Hồng còn được bao bọc bởi rừng và núi cao, làm tăng khả năng phòng thủ trước cuộc xâm lược từ phía Bắc.
Điểm yếu về mặt địa lý đó là hai vùng lõi này bị phân tách bởi vùng duyên hải hẹp. Không những thế, vùng duyên hải này lại có nhiều núi cao khiến cho vấn đề trở nên tệ hơn. Đồi núi là một rào cản tự nhiên tốt nhất mà bạn có thể có, nghĩa là nó sẽ ngăn cản sự kết nối giữa hai miền Bắc và Nam của Việt Nam, tạo nên sự phân tách về mặt kinh tế và chính trị. Hãy tưởng tượng bạn có hai quả tim nhưng chỉ được kết nối bởi các mạch máu rất nhỏ và yếu thì nó thực sự khó khăn.
Một vấn đề về mặt địa lý nữa (mà cũng là cơ hội) cho Việt Nam đó là vùng biên giới sát với Trung Quốc. Trong lịch sử thì điều đó phần nào đó có lợi cho Việt Nam trong việc du nhập và học hỏi ngôn ngữ, văn hóa và cơ cấu nhà nước, công nghệ, v..v từ Trung Quốc. Tuy nhiên, nó cũng đem đến những đe dọa đến an ninh của Việt Nam với ví dụ điểm hình là 1000 năm Bắc thuộc và cuộc chiến tranh năm 1979. Trung Quốc đang cho thấy sự tăng cường hiện diện của hải quân, nhất là trong vấn đề tranh chấp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Việt Nam đương nhiên là rất mạnh so với các quốc gia Đông Nam Á lân cận. Tuy nhiên, sự gần gũi về mặt địa lý với Trung Quốc (điều mà Lào và My-an-ma không có) nghĩa là “dù cái đèn có sáng đến đâu cũng không thể sánh với mặt trời” (câu của Gioóc-giơ Mác-tin (George Martin)).
Vậy còn địa lý của In-đô-nê-xi-a thì sao? Điều đầu tiện khiến nó nổi bật là diện tích. In-đô-nê-xi-a rõ ràng là quốc gia có diện tích lãnh thổ lớn nhất khu vực ĐNÁ, nghĩa là nó hoàn toàn có khả năng đáp ứng được một lượng dân số lớn. Thêm nữa, In-đô-nê-xi-a được trời ban cho rất nhiều tài nguyên thiên nhiên như thiếc, dầu, khí tự nhiên, đồng và gia vị. Trong những năm đầu lập quốc, nguồn tài nguyên này là động lực chính cho nền kinh tế sơ chế của nước này.
Một lợi thế địa – chiến lược khác của In-đô-nê-xi-a đó là nó nằm trên nhiều tuyến hàng hải quan trọng, ví dụ như là các tuyến tàu vận tải. Quốc gia này cũng đồng thời là cửa ngõ của các eo biển chiến lược như eo biển Sun-đa, eo biển Ma-la-ca, eo biển Ma-ca-sa. In-đô-nê-xi-a được hưởng lợi rất lớn từ các tuyến thương mại đường biển đi qua Đông Nam Á. Hơn nữa, nếu In-đô-nê-xi-a có thể phát triển lực lượng hải quân đủ mạnh, nó hoàn toàn có thể thực hiện kiểm soát biển và đối đầu với các kẻ thù tiềm tàng trong khu vực này.
Tuy nhiên, In-đô-nê-xi-a phải đối mặt với một điểm yếu lớn, đó chính là đặc điểm phân tán của quần đảo. Vùng đất trung tâm của nó là đảo Chà Và (Java), tuy nhiên quốc gia In-đô-nê-xi-a lại là một đất nước của biển. Để Gia-các-ta (Jakarta) có thể áp đặt sự kiểm soát lên toàn bộ vùng quần đảo rộng lớn, nhà nước cần phải sử dụng rất nhiều sức mạnh của hải quân lên các đảo xa xôi và rải rác. Việc thiếu liên kết lãnh thổ khiến cho việc tập trung chính trị trở nên khó khăn. Nó là nguyên nhân chính dẫn đến sự phân biệt sắc tộc các vùng miền cũng như các phòng trào nổi dậy, ly khai (Aceh, Đông Ti-mo, v..v). In-đô-nê-xi-a bị đẩy vào khó khan trong việc kiểm soát và quản lý nhiều đảo cũng như vùng biển trung tâm. Đây là một thử thách lớn và tốn kém, đòi hỏi nhiều sự chú ý và tiền của. Hơn nữa, chỉ có 6000 trên tổng số 17000 đảo ở In-đô-nê-xi-a là có người sinh sống. Có nghĩa là rất nhiều tiềm năng đã bị lãng phí.
Tất cả những điều trên có nghĩa là, về mặt địa chính trị, cả Việt Nam và In-đô-nê-xi-a, nếu có đứng đầu cũng chỉ có thể đứng đầu trong khu vực ảnh hưởng của riêng họ. Thêm nữa, tầm ảnh hưởng này cũng khó mà có thể bao trùm hoàn toàn vùng lục địa hay hải đảo mà chỉ một phần của nó mà thôi.
Về mặt lịch sử, vùng ảnh hưởng của Việt Nam, mặc dù chưa bao giờ thực sự đạt được trong suốt 3 cuộc chiến tranh Đông Dương, đã phần nào đó thể hiện qua khối cộng sản Đông Dương, bao gồm cả Lào và Cam-pu-chia.
Vùng ảnh hưởng của In-đô-nê-xi-a, mặc dù chưa bao giờ được công nhận trong cuộc chiến Konfronasi, đã được xây dựng nên qua ý tưởng Đại In-đô-nê-xi-a, bao trùm Ma-lai-xi-a, Bru-nây và Xin-ga-po.
Vậy nên, theo tôi thấy thì cả In-đô-nê-xi-a và Việt Nam ít có khả năng đạt được tầm ảnh hưởng lớn trên toàn Đông Nam Á trong tương lai trước mắt. Cả hai khó có khả năng là một quốc gia độc bá trong vùng của họ chứ đừng nói là trở thành độc bá của cả vùng Đông Nam Á rộng lớn.
Tuy nhiên, việc họ là một siêu cường tầm trung hạ khu vực (sub-regional middle powers) là điều không thể phủ nhận. Tất nhiên điều này không có nghĩa là họ hoàn toàn chi phối vùng ảnh hưởng của họ. Chúng ta có thể thấy rằng Cam-pu-chia và Xin-ga-po đang thực hiện việc cân bằng cán cân sức mạnh nhằm ngăn cản sự ảnh hưởng của hai nước này (Cam-pu-chia thì tìm đến sự bảo hộ của Trung Quốc trong khi Xin-ga-po duy trì hàng phòng vệ quân sự). Mặc dù không chi phối hoàn toàn nhưng dựa trên sức mạnh địa – chính trị, cả In-đô-nê-xi-a và Việt Nam đều là hoặc sẽ là “người đứng đầu trong những kẻ ngang hàng” (primus inter pares – first among equals) trong vùng ảnh hưởng của họ. Họ luôn là nhân tố quan trọng trong các phân tích chiến lược trong khu vực, và các quốc gia láng giềng sẽ luôn tính đến tầm quan trọng của họ trong chính sách của mình. Tựu chung lại, cuộc tranh đấu giữa hai quốc gia, như câu hỏi của OP, không phải là trò chơi có tổng bằng không. Sẽ không có chuyện “soán ngôi” nào ở đây cả, đơn giản bởi vì không có “ngôi vương” bá quyền nào ở Đông Nam Á để mà soán. Sự tương tác trong khu vực Đông Nam Á luôn phức tạp, đa dạng, đa phương và ở một mức độ nào đó, đa cực.
Tôi cho rằng đó là điều tốt cho Đông Nam Á và ASEAN. In-đô-nê-xi-a và Việt Nam sẽ đóng vai trò là quốc gia giữ ổn định cho khu vực còn yếu này trước những ảnh hưởng từ cuộc chiến giữa các siêu cường (Trung Quốc và Mỹ, xa hơn nữa là Nhật Bản và Ấn Độ, v..v) trong vài thập kỷ tới. Điều này không nhất thiết là các quốc gia ASEAN phải đồng thuận trên mọi khía cạnh vì sự đa dạng cũng có giá trị của nó. Điều tôi muốn nói ở đây là việc có hai cường quốc tầm trung quan trọng trong khu vực với tiếng nói và sức nặng đáng kể, sẽ kéo chúng ta (những quốc gia ASSEAN nhỏ hơn) lại gần với nhau hơn và tránh cho chúng ta bị cuốn vào vòng xoáy cuộc chiến giữa các siêu cường. Nếu không, chúng ta có thể đối mặt với với việc phân cực và phụ thuộc vào không siêu cường này thì siêu cường khác.
Đông Nam Á được miêu tả là một “vùng đệm” tiềm năng: một vùng mà nằm giữa sự tranh chấp của các siêu cường, nội tại thì rạn nứt bởi sắc tộc và văn hóa, và luôn phải hứng chịu sức ép về địa chính trị. Các vùng đệm khác có thể kể đến như vùng Đông Âu hay khu vực Trung Đông. Với những điều may mắn xảy đến, Việt Nam và In-đô-nê-xi-a sẽ hành động như là quốc gia giữ ổn định khu vực, đem đến địa – chính trị vững chắc nhằm đảm bảo rằng chúng ta sẽ không tan vỡ và sụp đổ trong vài thập kỷ tới.
Ngạn ngữ Trung Quốc có câu “Một rừng không thể có hai hổ cũng như một nước không thể có hai vua”. Tuy nhiên, tôi muốn phản biện lại ngạn ngữ đó bằng câu “Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng”.
Đa dạng là định mệnh của ASEAN.
Ảnh dưới đây là hình ảnh của quốc thú In-đô-nê-xi-a, Garuda, đang ôm lấy quốc thú của Việt Nam, trâu nước.