Trước đây mình có một thói quen là luôn luôn bật một trang word trắng trên laptop hay PC, mỗi khi rảnh việc hoặc nghỉ giải lao thì mình sẽ gõ vào trang word đó tất cả những suy nghĩ hay cảm xúc đang tích tụ trong đầu (nếu có). Mỗi lần như vậy mình đều cảm thấy tâm trạng dễ chịu hơn rất nhiều.
Mình đã vô thức làm như vậy trong một khoảng thời gian khá dài, trước khi biết được là thực ra có một liệu pháp mang tên là Writing Therapy – sử dụng hình thức viết lách để giải tỏa căng thẳng. Thực ra việc mình chăm chỉ gõ ra word suy nghĩ của mình đã là rất tốt rồi, nhưng sẽ còn tốt hơn nữa khi mình có thể “viết ra”, nghĩ là thực hành điều này với một chiếc bút và một tờ giấy. Dĩ nhiên hình thức “viết thực sự” này sẽ tốn của mình nhiều thời gian hơn và nói chung mình cũng chỉ có thể thực hiện buổi sáng sớm hoặc buổi tối trước khi đi ngủ (vì đang ở trong công ty mà lôi giấy bút ra ngồi cắm cúi viết nhật ký thì cũng hơi kỳ
) Nói chung mình thực hiện xen kẽ cả hai hình thức trên, chỉ duy trì một tôn chỉ duy nhất là: viết ra những điều mình đang suy nghĩ, mà thôi!
Dưới đây là 3 lợi ích mà mình cảm nhận được rõ rệt sau một khoảng thời gian thực hiện writing therapy đều đặn và chăm chỉ, xin chia sẻ cùng mọi người ạ!
1. Việc viết lách giúp tâm trí được giải tỏa khỏi những cảm xúc bức bối
Mình nghĩ rằng một trong những bài học lớn nhất đánh dấu mức độ trưởng thành của một người, đó là cách mà người đó kiểm soát được cảm xúc của bản thân mình. Nhưng có một ranh giới rất mỏng manh giữa việc “kiểm soát cảm xúc” và “kìm hãm cảm xúc”. Kìm hãm cảm xúc là bạn đè nén, nuốt trôi hay thậm chí phủ nhận những điều mà mình đang cảm thấy. Còn kiểm soát cảm xúc nghĩ là bạn biết cách bộc lộ cảm giác của mình tại đúng nơi, đúng chỗ và với đúng người. Dẫu vậy, không phải lúc nào chúng ta cũng tìm được cho mình một môi trường thuận lợi để giải tỏa những điều bức bối này. Vậy thì, VIẾT LÁCH chính là một trong những cách đơn giản nhất (đồng thời cũng cá nhân nhất) để cho phép cảm xúc của mình được “tuôn chảy” và nhờ thế mà có thể bình tâm trở lại.
Mình đã từng viết kín 2 trang sổ chỉ để miêu tả nỗi buồn của mình theo đủ mọi hình thái
Dù sến rện nhưng sau này đọc lại mình vẫn tự thấy cảm động. Không cần lo lắng là mọi thứ cần phải “có nghĩa”, mục tiêu của tất cả những câu chữ này là để mang tới cho bạn cảm giác phóng túng và tự do, chứ không phải để “đọc”.
2. Việc viết lách giúp tâm trí mình sắp xếp lại những suy nghĩ đang rối bời
Tâm trí chúng ta luôn cố gắng lý giải những điều đang xảy đến với chúng ta. Khi một trải nghiệm không vui vẻ hay một sự kiện chấn động nào đó xảy tới, tâm trí sẽ càng tăng cường hoạt động với mục tiêu là xử ký sự việc vừa xảy ra.
Nghĩ ngợi về những điều này có thể khiến chúng ta mất ngủ, mất tập trung, tự cô lập và từ chối kết nối với mọi người xung quanh. Dù là như vậy, thật vô ích khi có một ai đó khuyên nhủ chúng ta bằng câu “đừng nghĩ nữa!” – chúng ta càng cố gắng không nghĩ thì tâm trí sẽ càng điều hướng về điều đó mà thôi.
Vậy thì cách tốt nhất là hãy chấp nhận cơ chế này của bộ não – nó chỉ đang cố gắng rút ra kinh nghiệm nhằm bảo vệ bạn tốt hơn ở những lần sau. Bên cạnh đó, bạn thậm chí còn có thể hỗ trợ tâm trí mình bằng cách giúp nó sắp xếp lại những suy nghĩ đang rối rắm trong đầu – cách hiệu quả nhất lúc này chính là “viết ra”.
Về cơ bản, khi chúng ta chuyển đổi những suy nghĩ sang ngôn ngữ, chúng ta đang làm nó trở nên dễ hiểu hơn. Thông qua việc “viết ra”, chúng ta đang chủ động định hình lại toàn bộ câu chuyện, có cảm giác nắm quyền kiểm soát trở lại chứ không còn là người bị động trước những đau khổ hay thách thức mà cuộc sống mang lại nữa.
3. Việc viết lách cũng là một hình thức ngồi lại với chính mình
Đây là điều mà cô em đồng nghiệp mới chia sẻ với mình và quả thật là mình thấy không thể nào chính xác hơn nên đã quyết định đưa ngay vào bài viết này. Có một điều không thể phủ nhận là con người của xã hội ngày nay rất thiếu vắng/ hoặc chưa thực sự đánh giá cao thời gian và không gian dành riêng cho bản thân mình. Trong khi tất cả chúng ta đều biết rằng việc được ngồi lại với chính mình để lắng nghe và thấu hiểu bản thân là một điều quan trọng biết nhường nào.
Việc viết lách tạo điều kiện hoàn hảo cho chúng ta làm điều này. Bạn ngồi xuống bàn, trước mặt là một cây bút và trang giấy, trong một không gian yên tĩnh không bị ai làm phiền – và thế là bạn sẽ hoàn toàn được đối diện với những suy nghĩ cùng cảm xúc đang ấp ủ trong lòng. Còn gì tuyệt vời hơn nữa chứ?
VÀ CUỐI CÙNG, nên viết như thế nào cho đúng?
Không có quá nhiều quy tắc cho việc viết lách. Quan trọng là bạn viết ra thôi (bạn thấy đấy, trong điều kiện không cho phép mình còn phải gõ ra word).
Nhưng nói chung, nếu muốn thì bạn vẫn có thể đầu tư nghiêm túc một cuốn sổ để dành riêng cho việc này. Đơn giản là sổ trắng (có dòng hay không tùy bạn), hoặc ví dụ như gần đây mình có thực hành viết lách với một cuốn sách tên là “Nhật ký biết ơn”. Gọi là sách nhưng thực ra nó như sổ ấy. Concept của cuốn sách này là mỗi ngày bạn giở ra đọc một câu trích dẫn lấy động lực và trả lời 3 câu hỏi – có 2 câu về lòng biết ơn (chủ đề của cuốn sách là đề cao lòng biết ơn) và 1 câu đặc biệt không ngày nào giống ngày nào. Mình rất mê cuốn này, tối nào trước khi đi ngủ cũng ngồi mê mải trở lời câu hỏi, hứng thú như hồi bé chúng mình thích viết viết lách lách tâm sự với nhật ký vậy.
Hy vọng bài viết của mình có thể mang tới cho mọi người một chút cảm hứng viết lách. Hôm nay bạn có điều gì trăn trở không? Thử ngồi viết ra nhé