Ngày nay, dù cho vẫn còn tồn tại một số vấn đề về nhân quyền, và đồng tính là án tử, nhưng ít người biết rằng, Iran là nước thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính nhiều thứ nhì thế giới, chỉ sau Thái Lan. Thậm chí số ca phẫu thuật SRS (Sex Reassignment Surgery) mỗi năm ở đây nhiều hơn cả châu Âu cộng lại. Iran cũng là nước duy nhất ở vùng Vịnh Ba Tư công nhận người đồng tính, và chính phủ cũng sẽ hỗ trợ họ thay đổi giới tính trên giấy tờ hành chính, cho phép họ kết hôn dị giới theo giới tính mới, kèm theo tài trợ lên tới 50% chi phí phẫu thuật cho những người không đủ điều kiện tài chính. Bất ngờ hơn, quyết định này lại được đưa ra bởi Grand Ayatollah Khomeini, lãnh tụ tối cao cả tôn giáo lẫn chính trị ở Iran, người lãnh đạo Cách mạng Iran lật đổ Nhà Pahlavi – triều đại cuối cùng của Đế chế Ba Tư, và là người khai sinh Cộng hòa Iran.
Tuy vẫn giữ nhiều quan điểm gay gắt về nhân quyền, nữ quyền và người đồng tính, nhưng Ayatollah Khomeini lại có quan điểm 180 độ về người chuyển giới. Từ năm 1963, Ayatollah Khomeini đã đề cập trong một cuốn sách rằng không có bất kì quy định hay câu từ nào trong kinh Q’ran nói rằng SRS là bất hợp pháp, Tuy nhiên, thay đổi thực sự chỉ đến khi người phụ nữ này, Maryam Khatoon Molkara, liều mạng tìm tới đích thân Ngài, và thay đổi nhà độc tài tối cao, Louis XIV của Iran.
Maryam Khatoon Molkara là một nhà vận động cho quyền lợi người chuyển giới ở Iran. Sinh ra là con trai duy nhất của bà hai trong số 8 bà gợ của cha, từ nhỏ, Molkara đã thích mang đồ nữ. Dù bị mẹ ngăn cấm, Molkara vẫn lén trang điểm và diện đầm khi đi tiệc tùng. Sau đó bà come out với mẹ rằng mình cảm thấy không phải là đàn ông, nhưng bị mẹ bà từ mặt.
Năm 1963, bà đã viết thư cho Khomeini về vấn đề của mình, và cũng đã được ông khuyên tương tự như trong cuốn sách, và rằng bà nên ăn mặc như nữ giới. Năm 1974, bà gặp Farah Pahlavi, hoàng hậu của Mohammad Reza Shah, vị Shah cuối cùng của Ba Tư, và cũng nhận được sự ủng hộ. Năm 1975, bà tới London, học thêm về nhận dạng giới của mình. Xác định rằng mình là trans chứ không phải gay, bà quyết định trải qua điều trị hormone trước khi phẫu thuật chuyển giới. Năm 1978, bà tới Paris, nơi Khomeini đang ở và tìm cách khiến ông chú ý hơn tới cộng đồng chuyển giới.
Năm 1979, Cách mạng Iran nổ ra, bà cũng như nhiều nhà hoạt động chuyển giới khác bị bắ, bà bị buộc phải tiêm hormone nam để “chỉnh” lại giới tính “đúng”, nhưng nhờ quan hệ với một số chính trị gia có tiếng, bà nhanh chóng được thả.
Bước ngoạt chính thức diễn ra vào năm 1985, khi bà tới tận nhà của Ayatollah Khomeini để thuyết phục ông rằng mình xứng đáng là phụ nữ. Bà đi chân trần, cột giày vắt qua cổ, mang trang phục đàn ông và tới trước cổng, yêu cầu bảo vệ cho gặp Khomeini. Lũ bảo vệ xông vào đánh bà tới tấp, gậy, bốt, thậm chí cả mảnh chai khiến bà chỉ biết nằm xuống, co rú người lại, nhưng vẫn không ngừng gào thét rằng mình là phụ nữ. Mọi việc chỉ dừng lại khi anh trai của Khomeini, Hassan Passandide, tới ngăn cản. Được đưa về phòng của Passandide, lũ bảo vệ cho rằng chúng đánh bà vì cho rằng bà giấu bom trong ngực. Tức giận, Molkara xé toang áo, để lộ bộ ngực của mình, dõng dạc nói rằng “Tôi là phụ nữ!” Bị thuyết phục bởi hành động này, Molkara được đưa tới gặp Ahmad Khomeini, con thứ của Ayatollah Khomeini, người đưa bà tới gặp cha mình. Tại đây, Khomeini đã được nghe Molkara kể lại câu chuyện cuộc đời của mình, và ông quyết định cho gọi những bác sĩ giỏi nhất của mình để xét nghiệm cho Molkara, và họ tuyên bố rằng Molkara là một người đàn ông về mặt sinh học, nhưng về tâm lý và hành vi bà có đủ mọi đặc điểm của nữ giới, cũng như có nguyện vọng muốn thay đổi giới tính của mình. Ayatollah Khomeini từ đó đã đưa ra fatwa (một tuyên bố của một lãnh đạo Hồi giáo cấp cao, có thể hiểu nó như case law, hay luật từ án lệ ở phương Tây, hay gọi đơn giản là “luật tham khảo”) tuyên bố rằng Molkara, cũng như toàn bộ người chuyển giới ở Iran từ giờ và về sau sẽ được nhà nước hỗ trợ tư vấn tâm lý cũng như sức khỏe, và cuối cùng phẫu thuật chuyển giới với danh nghĩa để họ có thể thực hiện nghĩa vụ tôn giáo và kết hôn hợp lệ.
Maryam Khatoon Molkara mất vào năm 2012, hưởng thọ 62 tuổi. Ngày nay bà được coi là một trong những vị “thánh bảo hộ” của cộng đồng LGBT ở Iran, cũng như nhiều nước trên thế giới. Câu chuyện về cuộc đời bà cũng là nguồn cảm hứng cho rất nhiều người và các phong trào đòi quyền lợi cho cộng đồng LGBT sau này.