Chiến dịch giải cứu hơn 10 ngàn lao động Việt Nam làm việc tại Libya cách đây 10 năm trong thời gian ngắn đầy ấn tượng. Kết quả này một mặt cho chúng ta nhiều bài học và mặt khác, cũng là một minh chứng đầy thuyết phục về khả năng của chúng ta trong việc huy động trí tuệ, nhân vật lực và tranh thủ sự hợp tác hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để giải quyết các hậu quả của khủng hoảng ngoài tầm mức quốc gia.
Chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ
Ngày 24/2/2011, biểu tình và bạo loạn tại Libya có dấu hiệu không kiểm soát nổi, nhiều quốc gia bắt đầu sơ tán lao động ra khỏi nước này thì ngay ngày hôm đó, Chính phủ quyết định thành lập Ban chỉ đạo giải quyết tình hình công dân Việt Nam tại Trung Đông và Bắc Phi do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm làm trưởng ban, Bí thư Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Kim Ngân làm Phó trưởng ban thường trực.
Ngày hôm sau, 25/2, 2000 lao động Việt Nam được sơ tán sang các nước láng giềng của Libya và Cục QLLĐNN đề nghị Tổ chức di dân quốc tế (IOM) hỗ trợ, giúp đỡ lao động Việt Nam di tản khỏi Libya và trở về nước.
Cùng với việc đó, Việt Nam đã nhanh chóng huy động các nguồn lực và chuẩn bị phương án để chủ động tác chiến kịp thời khi tình hình diễn biến căng thẳng đang ngày một tăng lên.
Ngày 28/2, hơn 8000 lao động Việt Nam đang di chuyển gấp rút khỏi Libya, khoảng 4600 người đã sơ tán sang các nước thứ ba. Ngay đêm hôm đó, theo quyết định của Phó ban thường trực Ban chỉ đạo Nguyễn Thị Kim Ngân, một đoàn công tác đặt biệt, trong đó có hai cán bộ cao cấp là Thứ trưởng thường trực Bộ LĐTBXH Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng cùng một số các cán bộ, chuyên viên có kinh nghiệm hàng đầu về an ninh, thông tin liên lạc, an toàn, có kinh nghiệm tổ chức vận chuyển, giải cứu công dân đáp chuyến chuyên cơ đầu tiên của Việt Nam Airline rời Hà Nội mang theo 8 tấn lương thực, thực phẩm, thuốc men trực chỉ Cairo (Ai Cập) với nhiệm vụ là ứng cứu kịp thời, đưa ngay số lao động ở đây về nước và nghiên cứu các điều kiện để lập Sở chỉ huy tiền phương tại một địa điểm ở Trung Đông hoặc Bắc Phi nếu cần thiết thì đề xuất phương án lập cầu hàng không đưa lao động và công dân Việt Nam về nước. Bộ trưởng Ngân nói với các cán bộ: “Hãy hình dung đằng sau hơn 10 ngàn lao động đang cần giải cứu là nỗi đợi chờ thắc thỏm không yên của 10 ngàn bà vợ, gần 20 ngàn đứa con và bao nhiêu ông bố, bà mẹ Phải làm hết mọi khả năng có thể để đưa lao động Việt Nam về nước an toàn. Lúc này không phải là lúc tính toán tiền nong hay đền bù. Hãy vì mục tiêu cao nhất là sự an toàn và trở về của những người Việt Nam đang đi làm ăn xa.
Quyết định đúng đắn của Đoàn công tác
Ngay sau khi chuyến chuyên cơ đầu tiên chở lao động từ Ai Cập trở về nước, Đoàn công tác do Thứ trưởng ngoại giao Đoàn Xuân Hưng dẫn đầu đã xem xét và quyết định tìm mọi phương tiện để đi Tunisia.
Khi Đoàn công tác đến sân bay Djerba liền được chứng kiến cảnh lao động của nhiều quốc gia vẫn đang ùn ùn kéo đến trong hỗn loạn. Những lao động Việt Nam có mặt tại đây mừng vui hết cỡ khi thấy đoàn công tác xuất hiện. Djerba trở thành nơi đóng quân của Đoàn công tác và là điểm đón chủ yếu của cầu hàng không bắt đầu từ ngày 1/3. Đó là một quyết định hết sức đúng đắn cả về địa lý, phương tiện và tiết kiệm cả kinh phí di chuyển.
Khi tôi đáp chuyến bay sang đón lao động hạ cánh xuống sân bay Djerba, là lúc Thứ trưởng Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng tay đang cầm lương khô và chai nước vừa tranh thủ ăn uống vừa chia sẻ, động viên các lao động hãy yên tâm chờ giờ bay về nước, Phó Cục trưởng Cục QLLĐNN Lê Văn Thanh thì đang phát hàng cứu trợ cho anh em. Tại sân bay tập trung gần đủ mặt các thành viên đoàn công tác khác như Cục phó Cục lãnh sự Bùi Quốc Thành, Trưởng ban Vận tải HKVN Đỗ Dương Quy, Chánh Văn phòng HKVN, có cả chuyên gia tiếng ả rập Nguyễn Văn Du, người đã từng tham gia chiến dịch sơ tán 16000 lao động ở Iraq về nước năm 1990-1991 cùng các cán bộ của Cục QLLĐNN, các cán bộ an ninh, một số đại diện của các doanh nghiệp lớn. Họ đã có ba ngày đêm không ngủ trọn giấc và buổi trưa hầu như không ăn đúng bữa, chỉ gặm lương khô hoặc bánh mì cứu trợ như mọi lao động ở đây để xử lý cả một núi công việc phục vụ cho cầu hàng không hoạt động trơn tru.
Phó Cục trưởng Lê Văn Thanh thở phào nhẹ nhõm, nói: “Đến hôm nay, công việc đã trở nên có nề nếp rồi. Hy vọng buổi tối ta sẽ có bữa cơm ăn tử tế.
Làm thêm cả nhiệm vụ quốc tế.
Khi thông tin về cầu hàng không được lập, các lao động từ Libya chủ yếu dồn về ngả Tunisia qua Djerba. Các thành viên đoàn công tác một mặt lo cho người về nước ở sân bay trật tự, cố gắng giảm tải phần nào áp lực ở sân bay khi lưu lượng đã tăng lên mấy chục lần so với bình thường. Có lúc các nhân viên sân bay đã không chịu nổi, phải đình công, nhưng rồi mọi chuyện lại được giải quyết ổn thỏa. Mặt khác lại phải nắm thật chính xác số người đang về để đón họ tại cửa khẩu biên giới, lo chỗ tạm trú cùng lương thực và nước uống, thuốc men cho họ và báo cho bên nhà có kế hoạch thật sát để điều máy bay sang đón. Đoàn cũng chủ động vận động với IOM để tổ chức này tăng cường giúp cho thêm một, hai chuyến bay.
Trong số các lao động các nước từ Libya đang trên đường di tản qua Tunis, có 19 sinh viên Camphuchia có liên hệ với sinh viên Việt Nam, họ cho biết đang di chuyển và chưa có cách nào về nước. Trưởng đoàn Đoàn Xuân Hưng quyết định sẽ tổ chức đón số sinh viên Campuchia này ở biên giới đi thẳng về sân bay và đưa họ về Nội Bài vào ngày hôm sau. Tối hôm đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gọi điện sang nắm tình hình và chỉ đạo, nghe báo cáo, Thủ tướng đã khen ngợi đoàn về tinh thần hỗ trợ quốc tế
Trở về trong lòng người
Chiến dịch giải cứu lao động Việt Nam tại Libya đã tạo nên những ấn tượng sâu sắc, được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao. Hình ảnh Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân ra tận chân cầu thang máy bay đón những lao động trở về không chỉ là biểu tượng thể hiện trách nhiệm của Nhà nước và Chính phủ đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài, mà còn là hình ảnh một người cô, người chị ra đón những đứa cháu, đứa em đi làm ăn xa, nay gặp hoạn nạn bất ngờ đã được đón về trong tình cảm yêu thương và chia sẻ.
Nhiều lao động khi đặt chân xuống đất nước mình đã hô vang lên: “Sống rồi!”, “Được về nhà rồi!. Có người còn hô lớn hơn: “Thắng rồi, Chúng ta thắng rồi! Việt Nam muôn năm!.
Sự kiện này, Việt Nam là nước đầu tiên hoàn thành sơ tán lao động khỏi Libya. Đúng, đó là một chiến thắng. Chiến thắng của cuộc giải cứu từ tình cảm của lòng người, từ nghĩa đồng bào Việt Nam ta./.