Light novel có lẽ không còn là thứ quá xa lạ với thế giới nói chung. Rất nhiều những bộ anime dị giới, fantasy như Grimgar ảo ảnh và tro tàn, Đến thế giới mới với Smartphone… đã làm đông đảo thế giới yêu thích nét văn hoá này. Thế nhưng Light novel cũng có rất nhiều các bộ sách hay câu chuyện về tình cảm con người, đặc biệt là về gia đình. Ngày hôm nay chúng ta sẽ cùng đi tìm câu trả lời qua một tác phẩm khá đặc biệt của Tomohiro Matsu cũng như cái tên nghe khá lạ mang tên PapaKiki. Tác phẩm này còn được gọi là Nghe đây các cô gái, ta là cha của các con!
Nội dung cuốn sách kể về cuộc sống đầy bi hài của sinh viên cao đẳng khoa văn tên Yuuta. Tuổi thơ anh lớn lên bằng tình yêu thương và chăm sóc của người chị gái kể từ khi cha mẹ anh không may mất sớm. Sau này khi trưởng thành do bất đồng quan điểm về việc chị mình kết hôn với người đã từng có gia đình và hai con thì anh gần như không còn gặp hay giữ liên lạc mấy với chị gái mình nữa.
Mãi cho tới một ngày, chị gái anh Yuri gọi điện tới nhờ anh trông nhà và ba cô bé gái khi cô và chồng đi nghỉ mát. Anh bất đắc dĩ thành bảo mẫu nhưng đó là một trải nghiệm khó quên trong cuộc đời Yuuta. Nhưng định mệnh thật nghiệt ngã khi chị gái và anh rể không may qua đời do một vụ tai nạn thảm khốc. Sau cơn chấn động kinh hoàng đó, ba cô bé Sora, Miu và Hina được các người họ hàng phân công chia cách để chăm sóc như những người bảo hộ. Ba cô bé đáng thương không thể chịu được cảnh li tán bởi họ rất yêu thương và sống cùng nhau như một gia đình. Và đó cũng là lúc Yuuta bước tới và cho họ một mái nhà tuy chật chội, giản dị nhưng đó là nơi cả ba có thể ở bên nhau.
Cốt truyện rất nhẹ nhàng xoay quanh cuộc sống đời thường dở khóc dở cười của một nam sinh với ba cô bé dưới một mái nhà. Light novel thường không quan trọng văn phong nhưng cái tình người ở đây mới là điều thành công nhất của PapaKiki. Một phần chúng ta cũng sẽ nhớ tới cuộc sống chung bất đắc dĩ của Daikichi và Rin trong tác phẩm Bunny Drop. Trong bộ manga đó, anh đã quyết định bằng cả con tim khi mang cô bé về chăm sóc như con gái. Đó là sự quan tâm, sự giúp đỡ khi có thể, là hơi ấm tình người xoá tan hết mọi cái lạnh giá nhất. Yuuta đã hành động có thể bốc đồng theo cảm xúc nhưng đó là cách mà một con người cần phải làm. Anh không được hưởng trọn vẹn tình yêu của cha mẹ mà phải sống bằng tình thương và sự nuôi dạy của người chị hai Yuri. Chị gái anh đã lựa chọn xa cách tất cả họ hàng chỉ để không phải xa anh. Yuri đã nói sẽ đi làm thêm để nuôi Yuuta trưởng thành và sẽ không làm phiền ai chỉ cần đừng bắt cô phải xa em trai do họ là gia đình duy nhất của nhau. Cảnh tượng cảm động đó đã mãi ghi dấu ấn trong lòng anh và không kiềm nổi lòng anh đã nhận ba cô bé về nhà. Đó là món nợ ân tình mà Yuuta biết mình cần và phải làm trong lúc đó. Một trong các câu nói hay và đầy ý nghĩa nhất trong tác phẩm chính là “ Đã là gia đình thì phải ở bên nhau dù có chung huyết thống hay không. “ Một khi đã chung sống cùng nhau thì từ “ gia đình “ bằng cách nào đó đã được thành lập. Đó là mối liên kết thiêng liêng đưa kết tình người lại với nhau. Yuuta dù thế nào cũng rất yêu thương chị gái dù họ có bất đồng quan điểm về hôn sự của Yuri. Điều này cũng giống như Võ Tòng và Võ Đại khi anh hùng đánh hổ trên đồi Cảnh Dương được chính người anh trai bán bánh nuôi dưỡng như một người cha. Nếu
Võ Tòng yêu và thờ anh trai như người cha thứ hai thì với Yuuta, chị gái mình như một người mẹ thứ hai, người sẵn sàng vứt bỏ và làm mọi thứ chỉ để được ở bên anh cũng như gia đình duy nhất của mình. Cuốn sách ngoài những yếu tố hài hước thì vẫn luôn ẩn sâu những hơi ấm tình người và các bài học đạo đức mà phải đọc kỹ mới hiểu thấu được.
Khép lại cuốn sách là những dư âm để lại trong lòng các độc giả. Cuộc sống sẽ thật hạnh phúc và tươi đẹp khi chúng ta được ai đó quân tâm chấp nhận, yêu thương và luôn bên cạnh chúng ta. Một điểm nhấn cũng là thông điệp mà có lẽ tác giả Tomohiro muốn nhắn gửi tới các độc giả chính là gia đình là nơi yêu thương chúng ta nhất và luôn bên cạnh bất kể có chung huyết thống hay không, miễn chúng ta bên nhau.