4 PHƯƠNG PHÁP GIÚP BẠN RÈN LUYỆN TƯ DUY LOGIC

(01) Phương pháp 1: Rèn luyện trí não

1. Thử thách trí nhớ. 

Tương tự như mọi bộ phận khác của cơ thể, bộ não có thể được cải thiện nhờ tập luyện. Một cách tuyệt vời để bạn làm điều này là sử dụng các bài tập kiểm tra trí nhớ. Bạn hãy thử xem có bao nhiêu chi tiết trong thời điểm nào đó, một danh sách hoặc các nhiệm vụ trong một ngày mà bạn có thể nhớ được.

Cố gắng nhớ lại những việc lặt vặt mỗi ngày. Viết ra danh sách thực phẩm và cố ghi nhớ. Học thuộc lòng một đoạn nhỏ trong một bài thơ hoặc cuốn sách. Chờ một tiếng sau và thử ôn lại xem bạn đã lưu lại được gì trong đầu

Vẽ bản đồ trong trí nhớ. Bạn hãy phác thảo bản đồ từ nhà tới nơi làm việc, cửa hàng, nhà của một người bạn hoặc một nơi nào đó mà bạn thường lui tới

Chú ý những chi tiết nhỏ. Để ý đến những sự việc dường như không liên quan sẽ là một công cụ hữu hiệu để giúp bạn có tư duy logic hơn. Bạn có nhận thấy ai đó bị đứt tay vì cạnh giấy sắc không? Bạn có đếm các bậc thang trong trường bạn đang học không? Bạn có phát hiện ra các lỗi chính tả trong sách giáo khoa không? Nếu câu trả lời là “không”, vậy thì bây giờ là thời điểm tuyệt vời để bạn bắt đầu. Càng thực hành nhiều, trí não của bạn sẽ càng sắc sảo. Qua thời gian, bạn sẽ trở thành người có tư duy phản biện hơn.

2. Chơi ô chữ. 

Lợi ích của trò chơi này đối với trí não đã được ghi nhận rõ ràng. Để giải các ô chữ, bộ não của chúng ta buộc phải vượt ra khỏi khả năng của nó một chút, và điều này giúp tái tạo các nơ ron thần kinh của não. Điều này giúp nâng cao năng lực tổng thể của trí não và hỗ trợ cho tư duy logic. Bạn có thể mua sách in trò chơi ô chữ ở hiệu sách hoặc giải ô chữ trên báo mỗi buổi sáng

3. Học một năng khiếu mới. 

Quá trình học các năng khiếu mới đòi hỏi bạn phải thực sự vận dụng tư duy logic. Khi có kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ đầy thách thức, bạn sẽ phải sử dụng sự logic và chiến lược để đạt được các kỹ năng mới. Hãy thử tham gia một số hoạt động sau để nâng cao các kỹ năng tư duy logic

– Học chơi các nhạc cụ

– Học vẽ tranh

– Học ngoại ngữ

4. Giao tiếp xã hội. 

Học hỏi người khác cũng là một dạng bài tập cho trí não. Tình bạn và sự kết nối xã hội giúp nuôi dưỡng não bộ và thúc đẩy mọi người phấn đấu để thấu hiếu bản thân và thế giới xung quanh hơn. Bạn hãy dành thời gian thường xuyên ở bên cạnh gia đình và bạn bè thân thiết. Tham dự các sự kiện xã hội và tận dụng các cơ hội này để làm quen với những người mới. Điều này có thể khó khăn nếu bạn có bản tính nhút nhát hoặc sống hướng nội, nhưng việc buộc mình mạo hiểm trong giao tiếp xã hội thực sự có thể giúp bạn tăng khả năng suy nghĩ logic

5. Thay đổi thông lệ hàng ngày. 

Sự mới lạ giúp trí não giữ sự nhạy bén và nâng cao khả năng ghi nhớ. Bạn hãy thử tìm con đường khác đến chỗ làm hoặc nấu những món ăn mới trong bữa tối thay cho những món quen thuộc. Những trải nghiệm mới mẻ giúp não duy trì hoạt động, và từ đó có thể giúp bạn trở thành người có suy nghĩ logic hơn

———————————-

(02) Phương pháp 2: Nhận biết sự bất hợp lý

1. Nhận biết lối suy nghĩ bi kịch hóa của bạn. 

Có nhiều người hay trầm trọng hóa vấn đề, đặc biệt là trong tình huống căng thẳng. Họ hay đặt ra khả năng xấu nhất cho một sự việc nào đó. Bạn hãy cố gắng nhận biết khi nào mình đang quá bi quan về tình huống.

Có nhiều dạng bi kịch hóa. Giả sử như một hôm bạn nhận được email của sếp nói rằng bạn cần đóng góp nhiều hơn trong các cuộc họp công ty. Nếu là người hay bi kịch hóa, bạn sẽ cho rằng công việc của bạn đang gặp nguy, bạn là một nhân viên tồi trong con mắt của sếp, cuối cùng bạn sẽ bị đuổi việc và thất nghiệp, rồi tất cả bạn bè và người thân sẽ coi thường bạn. Nếu bạn phát hiện mình đang suy diễn như vậy, hãy hít một hơi sâu và cố gắng suy nghĩ một cách logic. Trong ví dụ này, bạn có thể tự nhủ “Việc của sếp là đưa ra phản hồi mang tính xây dựng. Chị ấy chỉ muốn mình thể hiện hết khả năng, và mọi người ai chẳng có lúc bị phê bình. Điều này là bình thường mà”

Thu nhỏ cũng là một dạng bi kịch hóa khi bạn xem nhẹ những thành quả và phẩm chất tốt đẹp của mình mà không nhìn thấy những mặt tiêu cực trong cuộc sống của người khác. Bạn có thể ngưỡng mộ những người mà bạn cho rằng họ có tất cả, rằng họ hoàn hảo và thành đạt, để rồi khi phát hiện ra khuyết điểm của họ ở một khía cạnh nào đó, ngay lập tức bạn xóa bỏ tất cả. Bạn cũng có thể làm điều tương tự với chính bản thân mình – bạn nghĩ rằng mình là người thành đạt nhất thế giới, và chỉ sau một trở ngại nhỏ, bạn nhìn bản thân mình như một kẻ thất bại thảm hại. Hãy cố gắng thừa nhận rằng các kiểu suy nghĩ đó là khiếm khuyết và hiểu một sự thật rằng tất cả mọi người đều có mặt tốt và mặt xấu

2. Tránh tự đề cao mình. 

Ý nghĩ huyền hoặc về tầm quan trọng của mình cũng tai hại như ý nghĩ bi kịch hóa. Nếu bạn cho rằng mình là người quan trọng nhất trong văn phòng, hoặc là học sinh xuất sắc nhất trong lớp, có lẽ là bạn không sáng suốt trong suy nghĩ

Tất cả mọi người đều đóng một vai trò quan trọng trong công ty, trường học, tổ chức hoặc lĩnh vực nào đó. Thái độ tự cao tự đại không chỉ làm người khác khó chịu, mà nó còn thực sự gây trở ngại cho bạn trong công việc và cuộc sống. Tự nhận thức về bản thân là điều cần thiết để bạn điều chỉnh tương tác của mình với mọi người. Hãy cố gắng vượt qua cảm giác tự mãn bằng cách tự nhủ rằng, mặc dù cảm giác hài lòng về bản thân là điều quan trọng, nhưng bạn cũng phải thừa nhận công sức và sự đóng góp của những người khác

Cá nhân hóa cũng là một dạng tự đề cao mình khi bạn nghĩ rằng một sự kiện nào đó vốn không mấy liên quan đến bạn dường như xảy ra là do sự hiện diện của bạn. Điều này có thể tốt hoặc xấu. Chẳng hạn như khi thấy một đồng nghiệp trò chuyện với một người có vẻ hấp dẫn trong văn phòng, bạn sẽ cho rằng họ đang cố ý khiến bạn ghen tức. Nếu cũng người đồng nghiệp đó không đến dự buổi tiệc sinh nhật của bạn, bạn sẽ nghĩ rằng họ có ác cảm với mình, nhưng thực ra có thể là họ chỉ bận việc gì đó. Nếu bạn nhận thấy mình đang cá nhân hóa vấn đề, hãy cố gắng nhớ rằng cuộc sống của mọi người đều bận rộn như bạn vậy. Có thể họ không có nhiều thời gian để ra những quyết định có liên quan đến bạn

3. Nhận biết tư duy ma thuật. 

Tư duy ma thuật không chỉ dành cho trẻ em. Người lớn đôi khi cũng có những lối suy nghĩ mê tín, đặc biệt là để đối phó với một sự kiện gây sang chấn. Người ta tin rằng việc tham gia nghi thức nào đó, chẳng hạn như cầu nguyện hoặc suy nghĩ tích cực, có thể gây tác động lên kết quả của tình huống. Tuy rằng rất khó khăn để thừa nhận, nhưng bạn nên nhớ rằng có nhiều tình huống mà chúng ta không thể kiểm soát hoặc chỉ kiểm soát được rất ít

Lối suy nghĩ này thường khiến người ta chối bỏ trách nhiệm cho các hành động của mình. Nếu bạn gặp phải một vấn đề, hãy nhận biết và chấp nhận nó, sau đó tìm cách để sửa chữa hoặc rút kinh nghiệm từ việc đó.

4. Cảnh giác với tư duy kết luận vội vàng. 

Kết luận vội vàng nghĩa là bạn xét đoán về con người hoặc tình huống mà không dựa trên thực tế. Người ta rất thường vội vàng đi đến kết luận mà không nhận ra điều đó.

Ví dụ, khi cô nhân viên ở quầy tính tiền nói chuyện cộc lốc với bạn, bạn có thể nghĩ, “Chắc chắn là cô ta không thích mình vì ngoại hình, cân nặng, cách ăn mặc, v.v.. cùa mình”, trong khi thực tế thì bạn không biết người ta đang nghĩ gì.

Người ta cũng thường mặc nhiên cho rằng người khác tự nhiên phải biết mình đang nghĩ gì, và điều này có thể dẫn đến sự nhầm lẫn. Ví dụ, bạn có thể mặc nhiên cho rằng người bạn cùng phòng biết là bạn muốn cậu ấy cho chó của bạn ra ngoài khi bạn về muộn, nhưng thực ra nếu bạn không nói thì cậu ấy có thể không biết. Bạn hãy cố gắng chú ý đến những kết luận vội vàng trong cuộc sống thường ngày của mình.

5. Nhận biết tư duy “tất cả hoặc không gì cả”. 

Tư duy “tất cả hoặc không gì cả” là một dạng phổ biến của lối suy nghĩ bất hợp lý. Người ta không thể nhìn thấy “màu xám” trong các tình huống, họ chỉ nhìn tình huống, con người và kết quả với một màu đen hoặc trắng.

Ví dụ, bạn có thể cảm thấy mình thất bại hoàn toàn vì email của bạn có một từ viết sai chính tả mà không nhận thấy rằng bạn đã chuyển tải thành công ý kiến của bạn và không ai bình luận gì về lỗi đó. Bạn hãy cố gắng chấp nhận rằng hầu như mọi khía cạnh trong cuộc sống không chỉ toàn tiêu cực hoặc tích cực.

———————————-

(03) Phương pháp 3: Thay đổi lối sống

1. Ăn thực phẩm tốt cho não. 

Thực phẩm bạn ăn vào có thể có tác động lớn đến năng lực của não bộ. Bạn nên áp dụng chế độ ăn lành mạnh với các thực phẩm tốt cho trí não. Chế độ ăn Địa Trung Hải có thể tăng năng lượng não bộ. Đó là chế độ ăn bao gồm chủ yếu là rau quả tươi, các loại đậu, chất béo lành mạnh và cá. Chất béo lành mạnh bao gồm các chất béo không bão hòa đơn có trong các thực phẩm như cá, quả bơ, dầu ô liu và dầu hạt cải. Việc chuyển sang chế độ ăn Địa Trung Hải nhiều hơn có thể giúp bạn nâng cao năng lực tổng thể của não bộ.

Rau bina (cải bó xôi) là thực phẩm rất tốt cho não. Ba khẩu phần rau bina hoặc các loại rau lá xanh khác như cải xoăn (hoặc nhiều hơn) được tiêu thụ mỗi ngày có tác dụng làm chậm quá trình suy giảm trí tuệ và tăng hoạt động tổng thể của não bộ

Các loại đường đơn giản như đường kính trắng, đường nâu và các chất tạo ngọt dạng xi-rô như xi-rô ngô có hàm lượng cao fructose có thể ảnh hưởng xấu đến não. Các chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa thường có trong thịt đỏ và sữa có tác động tiêu cực đến trí não và sức khỏe tổng thể. Các loại bột tinh chế, tẩy trắng và bột bổ sung chất dinh dưỡng thường có trong bánh mì trắng, gạo trắng và mì trắng cũng có tác động xấu lên não bộ.

2. Cải thiện nếp ngủ. 

7-8 tiếng ngủ ngon giấc mỗi đêm có thể giúp nâng cao năng lực của não và hỗ trợ tư duy logic. Để cải thiện nếp ngủ, bạn cần đặt ra giờ đi ngủ cũng như giờ thức dậy và tuân thủ đúng theo đó, ngay cả vào những ngày cuối tuần. Tránh xa các màn hình điện tử khi gần đến giờ ngủ. Không ăn bữa tối thịnh soạn vào đêm muộn và chọn các hoạt động thư giãn như đọc sách trong một tiếng trước khi ngủ.

3. Hít thở. 

Hít thở giúp tăng năng lực não bộ nhờ tác dụng tăng dòng ô-xy lên não. Bạn có thể thực hành các bài tập hít thở sâu vào buổi sáng và trước khi ngủ. Tập yoga, thiền, Pilates và các hoạt động tập trung vào các kiểu hít thở có lợi cho sức khỏe.

4. Tập thể dục thường xuyên. 

Các bài tập thể chất có tác động sâu xa đến khả năng nhận thức. Bên cạnh tác dụng tuyệt vời đối với sức khỏe, thói quen tập thể dục thể thao thường xuyên còn giúp nâng cao năng lực tư duy logic cho trí não.

Ưu tiên cho hoạt động thể dục thể thao. Nhiều người không quan tâm đến hoạt động thể chất trong cuộc sống, không dành thời gian đến phòng tập gym hoặc đường chạy. Nếu bạn lên lịch trình và tuân thủ theo đó, hoạt động thể dục thể thao sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong các thông lệ của bạn tương tự như tắm hoặc đánh răng vào buổi sáng.

Các bài tập aerobic cũng được xem là có tác dụng mạnh mẽ đến khả năng nhận thức. Các hoạt động như chạy bộ, đạp xe và các bài tập thể dục hàng ngày tốt cho tim được thực hiện 4-5 lần môi tuần có thể giúp tăng năng lực não bộ.

5. Dành thời gian sống với thiên nhiên. 

Thường xuyên ra ngoài trời tận hưởng thiên nhiên cũng là một yếu tố quan trọng. Thời gian ở ngoài trời sẽ giúp bạn thanh lọc tâm trí và tự chủ. Bạn nên cố gắng mỗi tuần dành ra vài tiếng ở ngoài thiên nhiên để đi dạo, đi bộ đường dài, câu cá, khám phá núi rừng, bơi lội trong hồ nước ngọt hoặc ngoài biển, hay chỉ cần ngồi thư giãn dưới gốc cây.

6. Nghỉ ngơi. 

Người ta thường xem thời gian nghỉ như sự nuông chiều, nhưng thực ra không phải vậy. Những khoảng thời gian nghỉ ngơi là vô cùng cần thiết cho khả năng xử lý thông tin của não. Bạn hãy để não thỉnh thoảng được nghỉ ngơi. Đặt ra một thông lệ thư giãn và thực hiện hàng ngày. Dành ra một ngày “nghỉ” và sử dụng thời gian đó để tận hưởng các hoạt động mà bạn yêu thích.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *