CÓ CÂU CHUYỆN DÂN GIAN NÀO KHIẾN BẠN DỰNG TÓC GÁY KHÔNG?

Mấy năm trước, tôi có nghe một người kể về một câu chuyện kì bí tại con hẻm Hộ Bộ ở Vũ Hán. Một đạo sĩ đã thực hiện “Đài Long Quan” cho một đứa trẻ bị mất linh hồn. Có vẻ như là một câu chuyện tà ma quỷ quái. 

Câu chuyện này được kể bởi chính cha của đứa bé đó. 

Người này tự xưng là “Lão Hàn”, người Hồ Bắc. Câu chuyện ông ta kể xảy ra với chính ông ta, chính xác hơn là con trai ông. 

Hơn 20 năm trước, lúc đó đứa nhỏ chỉ mới 7, 8 tuổi. Trong một lần cùng con trai đi xa nhà, ngồi tàu hỏa đi. 

Hồ Bắc có nhiều núi, đường hầm lại càng nhiều. Tàu hỏa thường hay ầm ầm chạy qua, ánh sáng le lói qua khe cửa, đứa trẻ dường như cảm thấy rất hứng thú. 

Vào thời điểm này, tàu hỏa thường rất hay có vấn đề, hở một chút lại nằm yên trên đường ray, mấy tiếng sau mới đi được. Không biết là do tàu hỏa trục trặc hay là giao thông không thông. Nhưng lần đó, bọn họ thật không may. Lúc chiếc xe dừng lại, bọn họ ở toa hành khách, không nghêng không lệch, vừa vặn kẹt trong một đường hầm. 

Vốn dĩ cứ nghĩ là tàu hỏa dừng lại một đoạn sẽ đi tiếp thôi. Ngày hôm đó không hiểu đã phát sinh ra chuyện gì, mà bọn họ cứ như vậy dừng ở đó cả đêm. 

Đứa trẻ ban đầu vẫn còn rất hiếu kì, nằm ở cửa sổ xe rồi nhìn ra bên ngoài. Trời lạnh, một lớp không khí nhanh chóng đọng lại trên cửa sổ xe, nó nằm đó rồi bắt đầu vẽ tranh. Sau đó, nó nói rằng bên ngoài có ai đó gọi nó, gõ cửa sổ rồi rủ nó đi chơi. 

Người lớn bận rộn cả một ngày, cũng đã mệt rồi. Ai cũng không để ý chuyện này, một lúc sau đứa trẻ cũng không ồn ào nữa. Im lặng cuộn tròn trên người người lớn ngủ. 

Trời vừa hửng sáng, tàu hỏa cũng khởi động trở lại và từ từ đi về phía trước. Không ai biết chính xác, tối đó đứa trẻ ấy đã trải qua những gì. 

Mọi người chỉ biết rằng, đến ngày hôm sau, đứa trẻ này có chút ngốc nghếch, không giống với bộ dạng thông minh lanh lợi trước đó, nói chuyện hay làm gì cũng chậm gấp đôi người thường. 

Sau này, sự việc càng ngày càng nghiêm trọng hơn, nó trở nên ngu ngu ngốc ngốc, nhìn thấy ai cũng cười ngây ngô, thậm chí còn nhặt đá sỏi và bùn đất cho vào miệng. Đến nước này rồi, mọi người để biết rằng nhất định đêm đó đã xảy ra vấn đề. 

Sau đó dù đã đi bệnh viện mấy lần và kiểm tra toàn bộ cơ thể nhưng vẫn không thể tìm ra nguyên nhân. Bác sĩ liền thì thầm với người cha rằng, bác sĩ chúng tôi chỉ trị bệnh, không phải cứu người, anh vẫn nên tìm người nào đó có thể xem được cho đứa nhỏ đi. Bác sĩ nói rằng đối với chuyện này, nên đi tìm thầy. Mỗi nơi có một cách khác nhau. Tây Bắc thì ở Mã Tiên, Phúc Kiến thì Mân Nam, Khánh Đản thì Tứ Xuyên, bên Hà Bắc thì là Tương Hương. Mỗi người có một thủ thuật khác nhau. Vũ Hán thì lại truyền thống hơn, họ tìm đạo sĩ. 

Có điều cái gọi là đạo sĩ này, cũng không phải đạo sĩ chính thống tu luyện trong đạo quán mà ra mà là nho sĩ dân gian. Bình thường đạo bào (áo choàng đạo sĩ thường mặc) cũng không mặc, cầm một cái la bàn và kiếm hồ đào, nói gì đó trong miệng, giả thần giả quỷ, uống rượu ăn thịt. Ai mà biết có thực sự trừ tà được không. 

Lão Hàn thăm dò một chút, rồi mời về một người thuộc loại đạo sĩ bên trên. 

Vị đạo sĩ xem qua và nói rằng nó đã bị ma ám. Khi đường hầm được sửa chữa, một vài công nhân bỏ mạng ở đó. Xe ngày đêm đi qua đường hầm, tàu hỏa lại là thứ có dương khí cực kì mạnh, khiến cho linh hồn những công nhân không thể thoát ra ngoài được.

Trẻ nhỏ dương khí yếu. Lúc nó dùng tay vẽ lên cửa sổ thì đã bị những hồn ma kia ở bên ngoài nhìn thấy. Kết quả, bọn chúng muốn nhập vào cơ thể đứa trẻ để có thể thoát ra khỏi đường hầm. 

Ông ta nói, đây chỉ là chuyện nhỏ. Chỉ cần làm phép, dẫn mấy con ma này ra ngoài, để cho chúng đầu thai chuyển kiếp là được rồi. 

Lão Hàn nghe thấy thế, vui mừng giết gà, giết cừu tiếp đãi nồng nhiệt. Đợi cơm no rượu say xong, đạo sĩ làm vài pháp thuật, lúc đó thực sự đã khiến đứa trẻ hồi phục trở lại. 

Lão đạo sĩ nói, đứa trẻ nhìn chung là đang hồi phục rồi, nhưng người bị ma đeo bám, mọi chuyện sẽ xui xẻo trong vòng ba năm, có thể sẽ bị bệnh nặng. Phúc đức tổ tiên nhà các người quá ít, sợ rằng phải để cho đứa trẻ này nhận cha nuôi hoặc mẹ nuôi để cuộc sống thuận lợi.

Lão Hàn gấp gáp hỏi: Việc nhận cha nuôi này có mục đích là gì?

Lão đạo sĩ nói: Người Trung Quốc coi trọng việc nhận tổ quy tông, lại coi trọng việc y cẩm hoàn hương ( = áo gấm về làng). Sau phải tu bổ lại mộ phần tổ tiên gióng trống khua chiêng, đại tu gia phả. Vì sao ư? 

Chính là bởi vì, một người có thể thành công hay không, phần nhiều là nhờ vận (vận mệnh), cũng có thể nói yếu tố vận là quan trọng nhất.

Người xưa có câu “Nhất mệnh, nhì vận, tam phong thủy”. Mệnh thì không thể thay đổi được, nhưng vận lại có thể thay đổi.

Cái gọi là vận may kia, thực ra là do tổ tiên tích đức lại, dựa vào việc tích đức từ thế hệ này qua thế hệ khác, cuối cùng sẽ để phúc đức cũng như may mắn lại cho con cháu. 

Vì vậy có nhiều người nói rằng, ngoài gia thế, các mối quan hệ,… thì phúc đức gia đình tích lũy được cũng là một yếu tố rất quan trọng.

Tôi có một người bạn, anh ta là một người am hiểu về vĩnh vực này, hễ là người tài hoa xuất chúng như vậy thì một trăm năm sau cũng không thể sinh ra người thứ hai.

Anh ta cảm thấy điều này không thể giải thích được, nên đổ cho chuyện tâm linh. Có thể hiểu là vị đạo sĩ xuất chúng ấy đã lấy hết may mắn hàng trăm năm nay mà nơi này đã tích lũy được.

Ý của vị đạo sĩ này chính là gia đình nhà bọn họ, do trận lũ lụt của sông Dương Tử mới chuyển về nơi này sinh sống, cho nên tổ tiên ba đời về trước không biết là những ai, thậm chí còn chẳng biết phần mộ tổ tiên ở đâu, như vậy cũng coi như mất gốc, con cháu đời sau không được phù hộ, đứa trẻ này sẽ khó nuôi. 

Sau đó, chủ ý của ông ta chính là tìm cho đứa trẻ này một người già có phúc phần tốt để làm cha nuôi hoặc mẹ nuôi để hưởng một chút phúc khí của họ mới có thể tai qua nạn khỏi.

Cha nuôi hoặc mẹ nuôi đều phải có con trai và con gái, song thân đều còn sống. Tử vi cũng phải là một lá tử vi lớn. Ngoài ra, con gái con trai họ phải là người hiếu thảo, hằng năm đều lễ bái ở phần mộ tổ tiên mới được.

Hỏi trái hỏi phải, cuối cùng cũng tìm được một người ở làng bên cạnh. Lại năn nỉ đi năn nỉ lại, sau đó đối phương cũng đồng ý giúp đỡ.

Bởi vì đó liên quan đến những việc khác, sẽ ảnh hưởng đến con cái nhà người đó, phải chia sẻ sự may mắn của nhà mình cho người khác. Thực sự nếu không phải là người có quan hệ tốt với nhà đó, thì người ta có lẽ sẽ không đồng ý đâu.

Lão đạo sĩ làm cho họ một buổi lễ để nhận cha nuôi.

Nghi lễ này rất đặc biệt, đầu tiên để đứa trẻ dập đầu bái lễ với cha nuôi, sau đó cha nuôi sẽ ngồi trước lò than,  dùng một sợi dây màu đỏ luồn đồng xu vào, đứa trẻ bao nhiêu tuổi thì luồn bấy nhiêu đồng xu rồi dùng hai đầu dây thắt vào nhau.

Sau đó, mẹ của đứa trẻ sẽ lấy một chiếc khóa đồng kiểu cũ, đó là loại khóa cực kì dài, dùng nó để “khóa” lại sợi dây đồng xu đỏ kia. Buổi lễ kết thúc như vậy.

Phần quan trọng nhất ở đây chính là đặt sợi dây đồng xu đỏ có khóa đồng này lên bếp một đêm, đồng nghĩa với việc thông cáo với thiên địa quỷ thần biết rằng đứa trẻ này đã nhận cha nuôi. Có táo quân làm chứng. 

Mỗi năm vào ngày sinh nhật của đứa trẻ, nó sẽ đến nhà cha nuôi để dập đầu bái lễ, sau đó cha nuôi sẽ cho vào sợi dây của nó một đồng xu cho đến năm 18 tuổi. 

Sau 18 tuổi, sợi dây đồng xu này sẽ được mở ra, cha nuôi sẽ ném chúng vào bếp, đốt trong lò, ba ngày sau phải dọn sạch tro bếp. Như vậy mới giải quyết được hết tất cả mọi chuyện và coi như buổi lễ đã được hoàn thành. 

Nhưng, tối hôm đó đã xảy ra chuyện. 

Sáng ngày hôm sau, khi cha nuôi đi tới bếp để lấy sợi dây đó, đột nhiên phát hiện không biết từ lúc nào chiếc khóa đã bị mở ra rồi.

Lão Hàn nghe thấy chuyện này liền lập tức vội vã đi tìm lão đạo sĩ. Ông ta uống rất nhiều rượu, uống tới thầm trí không ổn định. Nhưng lúc này nghe xong, ông ta rất kinh ngạc, tỉnh cả rượu rồi nói: Đây là điềm xấu, kể cả táo quân cũng không giữ nổi nó rồi.

Ông ta nói rằng lí do phải đặt sợi dây đồng xu đỏ lên bếp là vì bếp là nơi nhiều khói và có lửa, cũng là nơi dồi dào dương khí nhất trong gia đình, con ma này vậy mà dám làm càn trên bếp, xem ra lai lịch, bản lĩnh cũng không hề nhỏ!

Lão đạo sĩ cân nhắc một hồi rồi nói: Xem ra, cha nuôi cũng không thể trị được bọn chúng, phải đổi sang thứ gì đó mạnh hơn!

Lão đạo sĩ nói với Lão Hàn, cách đây hơn trăm dặm, có một cây hòe già.

Cái cây này được ghi trong sổ sách của thôn, nó có nguồn gốc từ đầu triều Thanh, do một phó bảng trong thôn trồng. May mắn phúc đức của cả ngôi làng đều được tụ lại hết trên cây đó. 

Thế này đi, lão đạo sĩ già này liều mạng chấp nhận mất mấy năm tuổi thọ, làm một buổi lễ để đứa trẻ kia nhận cây hòe già đó làm cha nuôi, nhất định quỷ thần cũng phải sợ hãi, yêu ma cũng kiêng dè. 

Nhận cây làm cha nuôi đương nhiên khác với nhận người làm cha nuôi.

Lão đạo sĩ bảo Lão Hàn lấy một tấm lụa đỏ và viết vài dòng trên đó. Chủ ý chính là để cho đứa trẻ này tôn thờ cây hòe già như cha mẹ của mình và hy vọng rằng thần cây bảo vệ nó. 

Sau đó buộc tấm lụa đỏ vào cây rồi quấn quanh thân cây ba vòng, tưới nước, đốt pháo và ăn mừng, coi như là một gia đình thân thiết thực sự.

Lão Hàn cẩn thận, thành thật mà làm theo cách này, kết quả đến ngày thứ hai, ông ta vẫn không an tâm, sáng sớm đã chạy đến cây đại thụ đó xem xét. Thấy tấm lụa đỏ như bị thứ gì cào rách, chữ viết trên đó cũng bị mờ đi và ướt đẫm.

Hơn nữa, cây Hòe già dường như bị cắt bằng dao, miệng vết thương chảy ra thứ nước đỏ đặc như thể đang chảy máu.

Lão Hàn lại một lần nữa vội vã chạy đến tìm lão đạo sĩ. 

Lão đạo sĩ lần này không uống rượu nữa, cũng không nói mấy lời kiểu như “dù trời có sập cũng có ông đây đỡ giúp”. Ông ta do dự rất lâu, nói với lão Hàn, đối với chuyện này, ông ta cũng đã hết cách rồi.

Lão Hàn nghe ông ta nói như vậy, gương mặt như chết lặng. Lúc đó ông đã quỳ xuống và cầu xin lão đạo sĩ kia giúp đỡ.

Lão đạo sĩ thở dài và nói, không phải ông ta không muốn giúp đỡ mà là ông ta không còn cách nào để giúp cả. Bây giờ chuẩn bị sẽ có điềm xấu giáng lên đầu đứa trẻ kia, cây hòe già 300 năm tuổi không thể trị nổi chúng, thì ông ta còn có cách gì đây?

Cuối cùng, ông ta nói rằng chuyện đã đến nước này thì chỉ có một phương pháp nhưng không phải là giải pháp, có điều phương pháp này rất kì lạ, không biết chừng sẽ gây hại đến đứa trẻ, cũng rất khó nói.

Lão Hàn lúc này chỉ nghĩ có bệnh thì vái tứ phương, không quản được nhiều như vậy, chỉ có thể cầu cứu ông ta.

Lão đạo sĩ nói phương pháp này ông ta nghe người khác nói, cũng chưa thử bao giờ, chính là để đối phó với ác quỷ, cho dù con quỷ đó ác tới cỡ nào cũng không dám đụng đến thứ này.

Nhưng phương pháp này vô cùng tà tính, giống như dồn người ta vào chỗ chết để tìm đường sống, nếu như xảy ra sai xót gì có thể sẽ biến giả thành thật, thực sự sẽ mất mạng. 

Phương pháp này chính là để cho đứa trẻ ấy trần truồng, bọc nó bằng một tấm lụa đỏ để nó nằm trong quan tài, đặt quan tài ở rìa sông Dương Tử. Phần sau của quan tài để dưới nước, đầu trước thì hướng lên bờ. Bên trong có lỗ để thở, cứ để như vậy qua một đêm. 

Thực ra đây là phương pháp thờ Long Vương của thời cổ đại, thường thường ở trong quan tài sẽ có một bé trai và một bé gái, sau đó đẩy đến rìa sông. Sau đó các đạo nhân làm như vậy như một cách để lừa Long Vương.

Phía sau của quan tài để dưới nước như thể các vật hiến tế đã được dâng lên, nhưng phần lớn thân thể của chúng vẫn đang ở trên bờ, vì vậy Long Vương cũng không thể ăn chúng. Như vậy chỉ cần chống đỡ qua một đêm, đứa trẻ sẽ được bảo vệ bởi Long Vương, sẽ không chết được.

Nghi thức đặc biệt này được gọi là “Đài Long Quan”.

Lão Hàn nghe ông ta nói xong, liền hỏi: Vậy đứa trẻ này có chết không?

Lão đạo sĩ lắc đầu, nói: “Không biết”.

Ông ta nói rằng ông ta cũng là nghe người khác kể thôi, đó là phương pháp của một nhà phải cống nạp bé gái nghĩ ra, lúc đó từng nhà lần lượt phải cống nạp, tới lượt nhà của anh ta. Nghĩ rằng kiểu gì nhà mình cũng phải cống nạp, liền đặt cược một phen, cuối cùng anh ta đã đúng. 

Lão Hàn do dự một hồi, nói rằng việc này cực kì hệ trọng, ông ta phải về nhà bàn bạc với mẹ của đứa bé.

Lão đạo sĩ gật đầu rồi nói: Cũng được, để ta đi cùng ông, xem xem đứa trẻ kia thế nào rồi. 

Về đến nhà, mẹ của nó hốt hoảng gấp gáp nói: Ông đây rồi, có chuyện rồi. Không biết xảy ra chuyện gì, miệng và mũi của đứa nhỏ liên lục chảy máu, không thể ngừng lại. 

Lão đạo sĩ vội vàng chạy tới kiểm tra đứa trẻ trước, máu chảy ra không cách nào cầm lại. 

Ông ta lấy hai nén hương từ trong hộp nhang, nhét vào mũi của đứa trẻ, bóp ở nhân trung vài cái, đứa trẻ mới tỉnh dậy và máu ở mũi mới ngừng lại. 

Lão đạo sĩ lắc đầu, nói một câu: Đứa trẻ này đang kiệt sức rồi, chỉ chừng ba đến năm ngày nữa…

Câu này đã làm lão Hàn khích động, ông ta nghiến răng rồi hét lên: Cmn!

Nghi lễ bên rìa sông Dương Tử do lão đạo sĩ chủ trì. Ông ta rất nhiệt tình, thậm chí còn tự bỏ tiền để mua cho đứa trẻ một chiếc quan tài tốt và ngồi ở bờ sông bảo vệ quan tài một đêm. 

Đến ngày hôm sau, lão Hàn đến và phát hiện không thấy lão đạo sĩ kia đâu, chỉ có chiếc quan tài vẫn đang nằm yên vị ở rìa sông. 

Ông ta hốt hoảng chạy đến mở nắp quan tài ra, lại phát hiện bên trong trải một lớp nước, trơn tuột và cực kì hôi thối. Ban đầu quan tài đã được đóng chặt như vậy, mà lại bị ai đó cạy mở. 

Ông ta tuyệt vọng đậy nắp quan tài vào, nhưng dường như chân tay đã mềm nhũn vô lực, không thể đẩy được. Trái tim ông ta như tan nát, lại đau khổ, nước mắt cứ như vậy rơi xuống, giờ đây ông ta cũng biết rằng, con trai ông ta không còn nữa.

Lúc này, có một thanh âm rầu rĩ từ trong quan tài phát ra: Cha…

Đứa trẻ đó không chết. 

Nó không những không chết mà còn hồi phục trong một thời gian, không những khỏe mạnh mà còn cực kì thông minh. Có thể nói thông minh gấp nhiều lần trước đây. 

Lão Hàn nói với một nụ cười: Các cậu không biết đó thôi, nó còn biết viết thư pháp bằng bút lông, còn chơi được cả đàn tranh. Người khác nói rằng tất cả đều đạt đến trình độ chuyên nghiệp!

Ông ta lại cười lớn nói rằng: Lão Hàn tôi ơi, nuôi được đứa con như vậy coi như là phúc đức ba đời nhà ông rồi!

Tôi lúc đó cũng vui mừng cho ông ta, còn mời ông ta uống vài chén. Cuối cùng, ông ta mở cửa, say khướt đi về, nói rằng hôm nay là sinh nhật ông ta, con trai đã đặc biệt mua một chiếc bánh kem để chúc mừng. 

Sau này, tôi đến núi Chung Nam, nói chuyện này với một người bạn học cùng tôi ở đại học đang tu hành ở đây – Mã đạo nhân. 

Anh ta hỏi tôi một câu: Lão đạo sĩ kia đi đâu rồi?

Tôi nghĩ ngợi một lúc, nói rằng lão Hàn đã từng nói lão đạo sĩ đã biến mất, kể từ đêm hôm đó không ai nhìn thấy ông ta nữa. 

Mã đạo nhân thở dài rồi không nói gì cả.

Tôi vội vã hỏi anh ta đã xảy ra chuyện gì?

Mã đạo nhân nói, tính cách và cuộc sống của một người có thể thay đổi, nhưng có nhiều thứ dù cho có chăm chỉ luyện tập cũng chưa chắc đạt được, như thư pháp và đàn tranh, luôn phải mất rất nhiều năm mới có thể thành thục nhưng có người lại đột nhiên trở thành bậc thầy, trừ khi…

Tôi hỏi: Trừ khi cái gì?

Mã đạo nhân nói: Trừ khi người này thực ra là một người khác, một người có thể viết thư pháp và chơi đàn tranh rất giỏi.

Tôi im lặng một lúc rồi hỏi anh ta: Lẽ nào, là vị lão đạo sĩ kia…?

Mã đạo sĩ lắc đầu: Ở trong con sông dài lúc làm “Đài Long Quan” có một thứ quái quỷ gì đó đã chui ra.

Tôi có chút hoảng hốt, tôi nhớ về vẻ thật thà phúc hậu của lão Hàn lúc đó liền hỏi anh ta: Vậy chúng ta có nên giúp ông ta không?

Mã đạo nhân lắc đầu: Đạo pháp tự nhiên, nhân quả tuần hoàn, đó cũng là mệnh của ông ta. Với lại, ông ta cũng không tìm tới tôi, không có nhân quả, tôi cũng không có cách giúp ông ta.

Anh ta lại nói thêm một câu: Có điều, theo như ông ta nói thì con trai đối xử với ông ta rất tốt, đó có lẽ cũng là một chút an ủi. 

Tôi có chút không chấp nhận được, liền nói: Nhưng, cuối cùng thì đây cũng đâu phải là đứa trẻ ban đầu!

Mã đạo nhân lại cười nói rằng một đứa trẻ muốn trưởng thành phải trải qua tam tai bát nạn (chỉ chướng ngại, tai nạn trên con đường tu hành), tránh được thì là tai, không qua được thì là nạn. Làm sao có thể dễ dàng được?

“Hơn nữa”, anh ta nói có chút mơ hồ, “Cậu có nghĩ tất cả những đứa trẻ trên thế gian này vẫn là những đứa trẻ đơn thuần không?”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *