Ngày 7 tháng 12 năm 1941, Aki Kurose 16 tuổi trải qua nỗi kinh hoàng cùng hàng triệu người dân Mỹ khi máy bay Nhật tấn công Trân Châu Cảng. Cô không hề biết rằng sự kiện đó sẽ sớm khiến gia đình cô và hơn 120.000 người Mỹ gốc Nhật khác bị ghẻ lạnh trên đất nước mình, cả về mặt xã hội lẫn thể xác.
Tính đến năm 1941, cộng đồng người Mỹ gốc Nhật đã có lịch sử phát triển hơn 50 năm ở Mỹ. Khoảng một phần ba là người nhập cư, nhiều trong số đó định cư ở Bờ Tây và đã sinh sống ở đó hàng thập kỷ. Phần còn lại sinh ra là công dân Mỹ, như Aki. Khai sinh là Akiko Kato ở Seattle, Aki lớn lên trong một khu đa sắc tộc, nơi cô luôn rằng mình là người Mỹ cho đến một ngày sau cuộc tấn công, một giáo viên nói với cô: “Các ngươi là kẻ đánh bom Trân Châu Cảng.”
Phân biệt chủng tộc, nghi kị và sợ bị phá hoại, người ta đã chụp mũ người Mỹ gốc Nhật như là những kẻ phản bội tiềm năng. Đặc vụ FBI bắt đầu lục soát nhà, tịch thu tài sản và giam lỏng không qua xét xử những người lãnh đạo trong cộng đồng . Phạm vi cực đoan này không ảnh hưởng ngay đến gia đình Aki nhưng ngày 19 tháng 2 năm 1942, tổng thống Roosevelt ban hành sắc lệnh 9066. Sắc lệnh cho phép trục xuất bất kỳ những kẻ thù khả nghi nào, bao gồm bất cứ ai có gốc gác một phần từ Nhật Bản, khỏi những ‘vùng quân sự’.
Đầu tiên, người Mỹ gốc Nhật bị ép rời khỏi vùng cấm và di cư trong nội địa. Nhưng vì bị chính phủ đóng băng tài khoản ngân hàng và bị áp đặt những quy định tại địa phương như giờ giới nghiêm, nhiều trong số đó không thể rời đi – như gia đình Aki. Tháng Ba, một thông cáo cấm người Mỹ gốc Nhật không được thay đổi chỗ cư trú, giam họ trong những vùng quân sự.
Tháng Năm, quân đội chuyển Aki và gia đình cô cùng hơn 7.000 người Mỹ gốc Nhật đang sống ở Seattle đến “Trại Harmony” ở Puyallup, Washington. Đó là một trong vài trung tâm giam giữ dã chiến tại khu triển lãm và đường đua cũ, nơi toàn bộ các gia đình bị tập trung trong một căn cứ và trại lính tồi tàn. Những tháng sau đó, quân đội di dời người Mỹ gốc Nhật vào một trại dài hạn hơn vùng hoang vắng miền Tây và Nam, chuyển Aki và gia đình cô đến Minidoka ở phía Nam bang Idaho.
Được canh chừng bởi lính có vũ trang, nhiều trong số những trại này vẫn đang được xây dựng khi tù nhân chuyển đến. Những nhà tù xây vội vàng này bị quá tải và mất vệ sinh. Tù nhân thường xuyên mắc bệnh và không được chăm sóc y tế đúng cách. Cơ quan tái định cư thời chiến dùng sức lao động của tù nhân để duy trì trại giam. Nhiều người làm việc trong trại hoặc dạy học trong phòng họp tồi tàn, trong khi người khác trồng ngũ cốc và nuôi gia súc. Vài người Mỹ gốc Nhật chống đối, tổ chức đình công, thậm chí, nổi loạn. Nhưng nhiều người khác, như cha mẹ Aki, cam chịu. Họ không ngừng tìm kiếm cách để tạo lại vỏ bọc của cuộc sống bên ngoài trại, nhưng không thể trốn tránh thực tế.
Giống như nhiều người trẻ bị giam, Aki quyết tâm thoái khỏi trại. Cô hoàn thành năm cuối trường phổ thông Minidoka, và được tổ chức chống phân biệt chủng tộc Quaker hỗ trợ, cô đăng ký vào Đại Học Friends ở Kansas.
Tuy nhiên với gia đình Aki, không có gì thay đổi mãi đến cuối năm 1944. Một phiên toà của Toà Án Tối Cao tuyên bố rằng việc tiếp tục giam giữ công dân Mỹ mà không xét xử là vi phạm hiến pháp. Mùa thu năm 1945, chiến tranh kết thúc và các trại giam đóng cửa. Những người bị giam giữ còn lại được cho khoảng 25 đô la và một vé tàu để trở về nơi ở trước chiến tranh, nhưng nhiều người không còn nhà hay nghề nghiệp để trở về.
Gia đình Aki may mắn giữ lại được căn hộ của họ, và Aki, cuối cùng, cũng trở về Seattle sau khi học xong. Tuy nhiên, định kiến hậu chiến khiến việc tìm việc làm trở nên khó khăn. Người bị giam giữ đối mặt với kỳ thị và sự oán giận từ những đồng nghiệp và chủ thuê, tìm người thay thế họ. May mắn thay, người Mỹ gốc Nhật không cô đơn trong cuộc chiến chống lại kỳ thị chủng tộc. Aki tìm được công việc ở một trong những liên đoàn lao động đa chủng tộc ở Seattle và tham gia uỷ ban quốc hội về bình đẳng chủng tộc. Cô trở thành một giáo viên, và vài thập niên sau đó, đóng góp của cô cho nền giáo dục có ý thức xã hội về đa văn hoá, đã tác động đến hàng ngàn sinh viên.
Tuy nhiên, nhiều cựu tù nhân, đặc biệt là thế hệ già, không thể tái thiết lại cuộc sống sau chiến tranh. Con cái của họ phát động một cuộc vận động kêu gọi nước Mỹ chuộc lỗi cho sự bất công lịch sử này. Trong năm 1988, chính phủ Mỹ chính thức xin lỗi vì sự giam giữ trong thời chiến- thừa nhận đó là một kết quả của nạn phân biệt chủng tộc, hiếu chiến, và sự thất bại trong lãnh đạo về chính trị.
Ba năm sau lời xin lỗi này, Aki Kurose được trao Giải Thưởng Nhân Quyền từ chi hội Seattle của Liên Hợp Quốc, tán dương tầm nhìn của cô về hoà bình, tôn trọng con người bất kể xuất thân.