~ MÙA HẠN KINH HOÀNG ~

Tác giả: Jane Harper. Dịch giả: Quách Cẩm Phương
Thể loại: Trinh thám hiện đại Úc
.
.
Hầu hết những cuốn sách văn học trinh thám tôi từng đọc đều truyền đạt thông điệp bảo vệ phụ nữ và trẻ em, nhưng không phải cuốn nào cũng ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả. Có khi nội dung còn nhạt nhẽo, hoặc diễn biến không ly kỳ. Nhưng đối với tôi, “Mùa hạn kinh hoàng” đã thể hiện vừa rõ vừa cảm động thông điệp bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Tôi mua cuốn này vào mùa đông Sài Gòn > 30 độ C nên quyết định đợi đến mùa hạ Sài Gòn > 35 độ C mới đọc, để cảm nhận sát thực tế và hòa mình vào không khí oi bức của câu chuyện. Trong và sau khi đọc, tôi biết mình đã quyết định đúng.
Sau hai mươi năm rời khỏi vùng đồng quê Kiewarra hẻo lánh để đến Melbourne sinh sống, Aaron Falk lái xe sáu tiếng để trở về dự đám tang người bạn thân thuở nhỏ – Luke Hadler. Trong vụ thảm sát xảy ra cách đó hai tuần, Luke đã bắn chết vợ và con trai sáu tuổi, sau đó đưa nòng súng vào miệng tự sát tại bãi đất trống trong cánh rừng thưa chết khô. Hạn hán đã diễn ra hai năm trên vùng đất hoang vu này, biến mọi thứ thành những chi tiết thê lương của một bức tranh khô vàng không có sức sống. Thời niên thiếu, Aaron Falk cùng Luke Hadler và Eleanor Deacon đã từng là ba người bạn khá thân, cho đến khi Eleanor trầm mình dưới sông tự sát (hay bị giết?) và Luke cùng Falk nói dối về chứng cứ ngoại phạm của nhau. Kể từ đó, mọi chuyện vĩnh viễn thay đổi theo chiều hướng ngày càng tàn bạo và tăm tối.
Ngoài lý do đợi đến lúc trời nóng để đọc “Mùa hạn kinh hoàng”, còn một lý do khác khiến tôi chần chừ khi đọc cuốn này: đó là vì sợ bắt gặp những đoạn mô tả tử thi thối rữa trong cái nóng hơn 40 độ C, thế mà ngay đoạn mở đầu, dù thật sự bắt gặp những đoạn mô tả đó, tôi lại chẳng thấy sợ, thậm chí còn bị hấp dẫn, và chậm rãi nhưng liên tục đọc một mạch đến hết cuốn này. Tôi vốn có thành kiến rằng tác giả nữ viết trinh thám không hay bằng tác giả nam, mà “Mùa hạn kinh hoàng” còn bị nhận vài lời chê, nhưng cá nhân tôi thấy thích cuốn này, hưởng thụ được quãng thời gian đọc, và đọc xong không hề hối hận.
__ ƯU ĐIỂM __
Tác giả đã xây dựng được bối cảnh truyện là một thị trấn nhỏ heo hút, nơi người dân dù biết nhau rất rõ nhưng vẫn đối xử với nhau một cách vô tâm, không hề nhọc công xác nhận phải trái đúng sai. Tôi vốn không thích truyện / phim có bối cảnh như thế này, vì tôi không thích chứng kiến sự thiển cận của con người, nhưng gần đây tôi tình cờ xem ba cuốn sách đều có bối cảnh là thị trấn nhỏ với phần lớn những cư dân vô tâm, đó là “Xa ngoài kia nơi loài tôm hát”, “Nhà đen” (Peter May) và giờ là “Mùa hạn kinh hoàng”. Đọc truyện mà tôi nhiều lần nóng ruột bởi thái độ bất công ngu dốt mà nhân vật chính phải chuốc lấy một cách oan ức, nhưng với tư cách là một cảnh sát tài chính và là một người đàn ông trưởng thành qua nhiều đau khổ, Aaron Falk vẫn giữ được bình tĩnh để đối phó với mọi điều đảo điên đổ lên đầu mình. Đọc cuốn này, tôi manh nha ao ước Aaron Falk cũng mạnh mẽ tỉnh lạnh như Jack Reacher, để minh oan cho bản thân và trả đũa đích đáng bọn xấu. Nhưng không, tác giả Jane Harper muốn Falk vẫn là người đàn ông bình thường, để người đọc phải lo lắng và đồng cảm với anh.
Với cách viết xen kẽ giữa hiện tại và quá khứ, câu chuyện không hề bị loạn, diễn tiến không bị loãng, thay vào đó độc giả như được giải thích cặn kẽ từng chi tiết. Theo tôi thấy thì từ đầu đến cuối truyện có mối liên kết chặt chẽ, những tình tiết dường như bị bỏ lỡ thì chỉ tạm thời bị che giấu để tạo kịch tính và sẽ được hé lộ ở đúng thời điểm. Tuy có vài sự kiện không được giải thích và giải quyết nhưng độc giả vẫn có thể đoán ra, hoặc tự suy diễn theo chiều hướng tích cực.
Tuy chưa có dịp đọc nguyên tác nhưng qua bản dịch Việt thì tôi thấy văn phong của tác giả Jane Harper rõ ràng gãy gọn, tuy nhiên vẫn có sự đánh đố cần thiết trong một cuốn tiểu thuyết trinh thám. Motip không quá mới lạ nhưng lối viết của cô vẫn khiến độc giả nhạy cảm phải rung động. “Mùa hạn kinh hoàng” khiến tôi liên tưởng đến “Trảng đất trống” của Robert Dugoni. Nạn nhân trong hai cuốn này chỉ là nhân vật trong sách, không có thật, nhưng tình cảnh và cái chết của họ khiến tôi đau lòng không dứt, dù đọc xong gấp sách lại vẫn nhớ mãi không quên.
__ KHUYẾT ĐIỂM __
Gọi là “khuyết điểm” vì chi tiết này khiến tôi hơi bất mãn: đến cuối truyện, tác giả vẫn không cho độc giả thấy cảnh nam chính Aaron Falk giải gỡ những oan ức hiểu lầm đã trút xuống anh suốt hai mươi năm. Thật ra truyện vẫn có kết vui (happy ending), nhưng tác giả không viết rõ ra mà chỉ để kết mở (open ending) với toàn bộ các dấu hiệu chỉ ra rằng nó sẽ tiến tới happy ending! Thế nhưng tôi vẫn không mãn nguyện.
Như đã viết ở đầu review, cuốn này đã thành công truyền đạt thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm. Đọc xong, tâm trạng tôi chùng xuống mất nửa ngày, cảm thấy phụ nữ / trẻ em / thiếu nữ quả thật là những sinh linh cần rất nhiều sự quan tâm + bảo vệ từ người khác, từ cộng đồng, vì họ quá dễ dàng trở thành nạn nhân của bạo hành hoặc lạm dụng tình dục. Đặc biệt đáng tội nghiệp là những thiếu nữ (độ tuổi cấp 2, cấp 3) có tư duy sâu sắc nhưng hoàn cảnh sống lại khiến họ bị vây quanh bởi toàn những tên con trai có thân thể phát triển tràn đầy hormone nam tính nhưng đầu óc lại chậm lụt. “Mùa hạn kinh hoàng” cùng vài cuốn trinh thám Âu Mỹ khác cũng khiến tôi có cái nhìn tiêu cực về người mẹ, người vợ trong gia đình, khi lối sống quá thoáng nên dẫn đến phóng túng, chỉ nuông chiều dục vọng bản thân hoặc ích kỷ thờ ơ không quan tâm đến cả những người thân của mình. Khi phải sống giữa những kẻ lạnh lùng tàn nhẫn, nếu ta cũng bàng quan lạnh nhạt thì chẳng khác nào đánh mất nhân tính. Giữ trái tim ấm nóng thì khó nhưng nếu giữ được thì đến cuối đời tuyệt đối sẽ không phải hối tiếc về bất cứ điều gì.
Tôi đã bỏ ra nhiều phút nhìn kỹ bìa trước và kết luận nó được vẽ bằng máy tính chứ không phải vẽ tay trên giấy. Bìa thật đẹp, ăn khớp từng chi tiết với nội dung truyện. Vì tôi không nhớ rõ “Mùa hạn kinh hoàng” có lỗi chính tả hay lỗi biên tập nào không, nên thôi bỏ qua không bắt bẻ. Đọc được những cuốn sách như thế này góp phần tăng động lực đọc cho mọt trinh thám như tôi. Tôi từng nhìn thấy cuốn “The Dry” nguyên tác tiếng Anh, bìa cứng to dày tại nhà sách Phương Nam ở AEON Bình Dương nhưng khi đó chưa đọc nên chưa có ý định mua, sau này nếu có duyên gặp lại thì tôi sẽ cân nhắc đến việc rước em nó về.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *