MỘT HƯỚNG ĐI CHO HÀNH TRÌNH TÌM KIẾM BẢN THÂN

Khủng hoảng danh tính là gì?

Nếu bạn không biết mình là ai, không biết mình muốn gì, không có mục đích sống, không có ước mơ hoài bão và kế hoạch cho cuộc đời, luôn sợ người khác không hài lòng với mình, nghi ngờ năng lực bản thân, không có niềm tin trong cuộc sống thì có khả năng bạn đang đối mặt với sự khủng hoảng nhận dạng hay còn gọi là khủng hoảng danh tính (Identity Crisis).

Erik Erikson, nhà tâm lý học người Mỹ gốc Đức, là người đã sáng tạo ra thuật ngữ “khủng hoảng danh tính”. Học thuyết của ông về “8 giai đoạn phát triển tâm lý” cho rằng mỗi giai đoạn cuộc đời sẽ xuất hiện và chúng đều có những nhiệm vụ nhất định cần phải hoàn thành. Khủng hoảng danh tính ở giai đoạn thứ 5.

Giải quyết khủng hoảng thành công và vượt qua mỗi giai đoạn giúp ta hình thành nên 1 nhân cách lành mạnh để giúp ta giải quyết những cuộc khủng hoảng tiếp theo. Thất bại trong việc hoàn thành 1 giai đoạn có thể làm giảm khả năng hoàn thành các giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, cũng đừng quá lo lắng nếu bạn fail ở giai đoạn này, bạn vẫn luôn có cơ hội điều chỉnh ở các giai đoạn sau.

Khủng hoảng danh tính là một giai đoạn tâm lý khá nhạy cảm có thể xảy đến với bất kỳ ai ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng nó phổ biến ở độ tuổi dậy thì (tuổi teen) và khi bắt đầu bước vào giai đoạn trưởng thành (tuổi 20s). Sự khủng hoảng này góp phần tạo nên sự thay đổi và phát triển về tâm lý và nhân cách cho mỗi cá nhân.

Ở giai đoạn trưởng thành khi bắt đầu chuyển giao từ ”trẻ con” thành ”người lớn”, chúng ta cả nhận được sự thay đổi rõ rệt về cơ thể, hormone, tâm lý, khả năng tư duy và nhận thức. Và có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời, chúng ta bắt đầu suy nghĩ về vai trò của mình trong xã hội bao gồm công việc, sự nghiệp, các mối quan hệ và giá trị của bản thân

Nỗi cô đơn xuất phát từ ham muốn được ham muốn

”Nhưng mình tồn tại để làm gì? Mình là ai? Bất kỳ ai đã từng rơi vào khủng hoảng danh tính đều đã từng trăn trở những câu hỏi này. Ai cũng muốn sự tồn tại của mình không mờ nhạt. Nhưng phải làm thế nào bây giờ?

Khủng hoảng danh tính bắt buộc con người ta phải đối mặt với những khiếm khuyết lớn nhất của bản thân. Đó là lí do tại sao những người đã định hình được danh tính cá nhân luôn có dáng vẻ dám nghĩ dám làm. Họ ngừng việc chạy trốn và đối mặt bản thân. Cho dù khiếm khuyết ấy có là gì, thì họ cũng đã chịu ngắm nhìn chính mình.

Một đứa trẻ được nuôi dạy cùng bạo lực và sự kiểm soát. Một đứa con ngoan ngoãn chăm học nhưng chưa bao giờ là đủ ngoan đủ giỏi với ba mẹ. Một học sinh bị bạn học tẩy chay. Một thiếu niên cảm thấy bản thân mình thấp kém vô giá trị vì bị mối tình đầu tổn thương. Sâu thẳm trong tâm hồn mỗi chúng ta là 1 đứa trẻ đang khóc. Đứa trẻ đó muốn được nhìn và thấu. Chúng ta ham muốn được công nhận. Chúng ta ham muốn được yêu. Chúng ta ham muốn được ham muốn. Cái cảm giác “chẳng ai muốn mình cả” là cảm giác cô đơn nhất trần đời.

Nỗi cô đơn xé lòng là tiếng kêu cứu phát ra từ một tâm hồn không được ngắm nhìn và thấu cảm, hoặc phải chịu đựng sự ngắm nhìn hời hợt. Thế nên mới có câu: ”cô đơn trong tình yêu của chính mình”. Nỗi cô đơn thúc đẩy con người ta tìm cách lấp đầy khoảng trống tâm hồn. Nhưng đôi khi nỗi ham muốn được ham muốn nuốt chửng chúng ta vào sự trống rỗng vô cùng. Nhiều bạn lao vào các mối quan hệ chỉ để lấp đầy khoảng trống mà không màng đến cảm xúc bản thân.

Nhìn sâu vào bản thân. Chọn lọc các mối quan hệ. Trang bị cho mình tam quan vững chắc. Ôm đứa trẻ trong bạn vào lòng và 1 tâm hồn biết thổn thức trước cái tốt đẹp và rợn người bởi cái đáng tởm.

Và nếu bạn vẫn không biết mình muốn trở thành người như thế nào, thì hãy chọn lấy 1 hình mẫu và theo đuổi. Nếu bạn muốn trở thành người như thần tượng của bạn, hãy bắt chước họ nhưng đừng là một bản sao mù quáng. Một câu của cụ Yohji Yamamoto mà mình rất tâm đắc: “Start copying what you love. Copy copy copy copy. At the end of the copy you will find yourself ”. Hoặc nếu bạn không có thần tượng, bạn có thể tự tạo ra hình mẫu cho chính mình.

Mong mọi người trong cuộc đời này tìm thấy bản thân và tìm thấy nhau.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *