Ở TUỔI 30 – TÔI MỚI BẮT ĐẦU TRƯỞNG THÀNH

Hình như ai khi bắt đầu kể về quá trình làm nghề, đều hay hoài tưởng về quá khứ, về những khó khăn đã từng trải qua. Tôi cũng không là ngoại lệ, mỗi lần nghĩ đến con đường đã đi, cảm xúc trong tôi lại dâng đầy, cay mắt.

BA BÀI HỌC LỚN

Năm 2012, tôi nghỉ công việc làm truyền thông, và nhận thất bại khi hợp tác kinh doanh vào 1 năm sau đó. Ba mươi tuổi, tôi mới ngấu bài học đầu tiên về sự SỰ CHỦ ĐỘNG. Khi bị phụ thuộc thì một cú hích nhẹ cũng đủ lao đao. Là người cố chấp, tôi kiên quyết tự chủ trong những bước đi tiếp theo mà không đi làm trở lại.

“Mở phòng Gym đi, đang xu hướng đó!”; “Mở nhà trẻ đi, nhu cầu không bao giờ hết lại có thời gian chăm sóc con cái!”… là vài trong nhiều lời khuyên tôi nhận được khi chia sẻ về việc xây dựng một điều gì đó cho mình. Tuy nhiên, sau khi tham khảo giá thuê nhà thì tôi từ bỏ hoàn toàn dự định về các công việc đòi hỏi đầu tư mặt bằng lớn.

Dẫu chưa biết bản thân sẽ làm gì, hướng đi ra sao nhưng ngày nào tôi cũng ra khỏi nhà vào giờ đi làm bởi tôi không chịu được cảm giác mình đang thất nghiệp.

Sau bao ngày mệt nhoài bởi áp lực và mất phương hướng, tôi mới nhận ra điều tôi cần làm là phải nhìn vào chính bản thân mình, nhìn ra bên ngoài và so sánh chỉ thêm nhiễu loạn. Nhờ đó, tôi bình tĩnh nhớ ra được rằng tôi ngày trước say mê quên ăn quên ngủ khi làm đồ thủ công thế nào, tôi mê mệt những vật liệu tự nhiên như gỗ, da thuộc, bạc, đá, gốm sứ… ra sao. Tôi quyết định chọn ngành da để chế tác các sản phẩm thời trang bởi đòi hỏi về đầu tư, mặt bằng, máy móc phù hợp nhất với khả năng của tôi tại thời điểm đó. Tôi cũng quyết định chọn con đường trực tiếp sản xuất dù biết sẽ cần rất rất nhiều kiên trì; chỉ có tự mình giám sát từng bước, tôi mới có thể yên tâm.

Xác định được hướng đi, thật vô cùng phấn chấn. Chuỗi ngày tôi hừng hực đi tìm nguyên liệu, công cụ, máy móc là chuỗi ngày đi đi lại không dưới 100km mỗi ngày. Một mình một xe tôi, lưng khoác balo, trước bụng đeo túi tôi đi khắp Hà Nội, Phú Xuyên, Hà Thao, Hưng Yên… xa hơn như Hải Phòng, Thái Bình thì để xe máy ở bến xe rồi đi xe khách… Đi thị trường mà buồn ngủ thì tôi dựng xe lề đường chợp mắt rồi đi tiếp. Nếu đau đầu do bêu nắng cả ngày thì tôi vào nhà nghỉ ngủ, chồng tôi chắc đâu đó cũng hai, ba lần qua nhà nghỉ đón tôi về.

Mất khoảng ba tháng kể từ ngày lùng sục thị trường, tôi đã quyết định thuê cái xưởng đầu tiên. Gọi là xưởng cho oai, nhưng thực ra đó là một tầng áp mái, rộng 12m2, có ban công xinh xinh với giá thuê đẹp – 2,5 triệu đồng/tháng. Ngày ngày tôi loay hoay tìm hiểu, mua nguyên liệu, dụng cụ, tự học cách làm túi, ví, dây lưng… trên Youtube; rồi lại cắt, đục lại khâu. Làm hỏng chỗ này, bỏ đi làm lại, lại hỏng thêm chỗ khác… Năm mươi triệu tiền vốn của tôi ban đầu cũng đã tiêu hết vào nguyên liệu và công cụ – mà chủ yếu là mua sai, mua hỏng do thiếu kinh nghiệm và chủ quan. Thời gian này, để duy trì nguồn tiền, tôi mua đi, bán lại nguyên phụ liệu, công cụ làm da, cứ có lãi là tôi làm, dù chỉ chút ít.

Bước sang tháng thứ năm, một khách hàng tìm đến tôi thông qua các bài rao vặt tôi đăng miễn phí trên mạng. Một hợp đồng trị giá gần sáu trăm triệu – quá lớn so với tôi có thể tưởng tượng tại thời điểm đó. Theo đó, tôi sẽ cung cấp nguyên liệu và thi công sàn nhà và vách tường hoàn toàn bằng da cho phòng cô dâu của một khách sạn quốc tế 5 sao tại Hà Nội. Kiến thức hạn hẹp tôi biết lúc đó về da chỉ để may túi, ví, ghế so-fa… mà chưa biết đến da có thể ứng dụng làm sàn nhà trong nội thất. Có lẽ tổ nghiệp thương, tôi có dũng khí để nhận dự án, có sức khỏe để sục sạo khắp nơi. Quá trình thực hiện hợp đồng đã mở ra cho tôi vô vàn kiến thức và thấy ứng dụng của da thuộc trong đời sống không hề có giới hạn. Lần đầu tiên tôi được vào nhà máy thuộc da, nhìn thấy quy trình thuộc da, quá trình hoàn thiện… Lần đầu tiên được chạm tay vào những tấm da mới ra lò theo tiêu chuẩn xuất Châu Âu, Mỹ đầy màu sắc, săn chắc, dẻo quánh… Sau dự án này, tôi mới hiểu thêm rằng, ký được hợp đồng khó một, thực hiện được hợp đồng khó năm, thì đòi nợ sẽ khó mười. Nhưng trên hết, bài học lớn thứ hai tôi học được là “CỨ LÀM thì KHẮC BIẾT”.

Có thêm kiến thức, nguồn tiền để trang trải, tay nghề của tôi thêm nhiều tiến bộ, mảng bán lẻ của tôi cũng dần dần khởi sắc. Từ việc bán được cho người nhà, rồi đến bạn bè thân, tôi bán được tới những người quen F3, F4… Từ những người mua vì nể, vì thương, vì ủng hộ dần dà cũng có khách hàng đúng nghĩa – mua vì nhu cầu, vì phù hợp, vì sở thích… Từ việc chỉ có một mình, tôi cũng tập hợp được một, rồi hai bạn thợ làm cùng. Nguồn nguyên liệu từ mua nhỏ lẻ trong nước nay đã có cả nguyên liệu nhập khẩu ở nhiều nơi…

Đến nay, tuổi nghề của tôi đã đến con số 8, thương hiệu tôi cùng đội ngũ tôi cùng xây dựng vừa tròn 6 tuổi vào đúng ngày tôi viết lên những dòng chữ này. Những điều tôi cùng anh chị em trong công ty trải qua cũng không thể nhớ hết để sắp xếp kể sao cho đúng trình tự. Dù đã có thêm thật nhiều kinh nghiệm và nguồn lực, nhưng không vì thế mà những khó khăn sẽ vơi bớt đi, nó chỉ chuyển từ trạng thái lo-lắng sang trạng thái đón-nhận-và-xử-lý mà thôi. Mỗi lần xuống tinh thần, tôi vẫn giữ thói quen ghi nhật ký trên timeline Facebook của đời mình, đặt ở chế độ riêng tư và chỉ có thể kể ra chỉ khi tôi vượt qua được trong ba, năm, bảy năm tới.

TỰ DOANH, TÔI ĐƯỢC RẤT NHIỀU!

Những điều tôi “được” nhất ở hiện tại thực ra lại không phải là mục tiêu tài chính hay sự rảnh rỗi như tôi tưởng tượng khi mới bắt đầu.

Tự kinh doanh, cho tôi thấy ý nghĩa của gia đình. Nhà đông anh em, mẹ tôi gửi bà, gửi dì nuôi tôi ăn học xa nhà từ khi năm tuổi, nên tôi quen tự quyết định, tự hành động. Nhưng khi sức kiệt, tôi mới thấy mình may mắn khi có đông anh chị em, tôi cảm nhận sâu sắc hơn tình ruột thịt dù khi còn nhỏ tôi sống xa cách gia đình. Lúc này đây, tôi nhớ lại những lúc thiếu người, anh chị chẳng ngại làm thợ thi công; khi tôi chuyển nhà xưởng, cũng cùng tôi bốc vác, vá víu. Ông bà nội ngoại hai bên cũng gồng sức giúp chăm con trong lúc tôi mê mải, bận rộn. Có thời điểm, chị cho chậm tiền sinh hoạt phí cả năm vì tiền làm ra chả đủ bù cho những sai lầm, va vấp.

Tự kinh doanh, vợ chồng tôi có thêm vốn sống, biết cùng nhau suy nghĩ “vì sao ta lại bắt đầu” khi gặp phải sai lầm. Chồng tôi, đến nay vẫn làm rất tốt việc tôi phân công cho anh ấy từ ngày tôi mới chập chững vào nghề, một là nuôi cả nhà, hai là không được khuyên tôi từ bỏ dù tôi kêu than đến mức độ nào đi chăng nữa.

Làm kinh doanh giúp tôi từ người thích gì nói đó, cảm tính, dễ rơi nước mắt trở nên tích cực, trầm ổn, biết nhìn sự việc ở nhiều góc độ hơn. Từ một người hay thay đổi công việc, tôi đã có hơn 8 năm – liên tục hơn 2800 ngày hào hứng đi làm mỗi buổi sáng thức dậy. Từ một người luôn nhìn thấy nhược điểm của mọi người xung quanh, tôi cảm nhận được ưu điểm của tất cả mọi người trước tiên, kể cả những người không ưa mình để quan sát, học hỏi. Từ một người hay nghiêm trọng hóa vấn đề, tôi biết hóa giải để chuyện lớn thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ thì bỏ qua. Từ một người lấy niềm vui bằng việc tưởng tượng nếu có 100 tỷ thì sẽ làm gì, tôi sẽ cho ai bao nhiêu tiền, xây nhà bao nhiêu, đất rộng bao nhiêu là vừa, tiết kiệm bao nhiêu… tôi đã biết chỉ có mứt chim mới rơi từ trên trời xuống, tôi biết đặt mục tiêu vừa sức và lên kế hoạch thực thi…

Tôi của tuổi 38 trưởng thành và hoàn thiện hơn tôi của tuổi 30 rất nhiều. Và ở độ tuổi này, tôi càng thấm thía bài học lớn thứ ba tôi hiểu được, đó là “sự chân thành chưa chắc đã mang lại kết quả tốt nhất, nhưng sẽ khiến con đường tôi đi qua không có điều gì phải hối tiếc.”

Có những điều thật dễ dàng với người này, nhưng lại không đơn giản với người khác. Những điều tôi mất gần 40 năm để nhận ra có thể là điều bạn đã ngộ ra từ ngày còn đôi mươi, mười tám. Nhưng, tôi háo hức sống hơn kể từ ngày biết tự dần hoàn thiện bản thân mình mỗi ngày như vậy!

Ngày mới bắt đầu, tôi làm thủ công hoàn toàn. Đục và khâu tay từng bước chỉ. Đây là một trong những sản phẩm đầu tiên được thương mại hóa.

Có hôm, đơn đặt hàng ví tăng đột biến, được hẳn ba chiếc ví 1 ngày. Hóa ra có anh khách lấy seri tiền lộc tôi để trong ví oánh lô. Vậy là bạn anh đặt theo, chẳng yêu cầu màu sắc, kích thước, chỉ dặn đi dặn lại đừng quên tiền lộc!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *