10 điều tôi ước gì bản thân đã biết trước khi theo đuổi tấm bằng cử nhân thiết kế

Đợt trước tôi đã từng viết một bài viết là “5 lý do tại sao tôi có thể sẽ bỏ ngành UX”. Bài viết đó đã được đón nhận vô cùng tích cực và nhiều người đã nhắn tin cho tôi trên mạng xã hội, thảo luận về chủ đề cũng như chia sẻ trải nghiệm tương tự.

Cụ thể thì, mọi người đều xác nhận rằng nền giáo dục đại học tồn tại những vấn đề nhất định và chúng có liên hệ với thế giới đi làm như thế nào. Cho nên hôm nay tôi sẽ nói về danh sách 10 điều bạn CẦN PHẢI biết trước khi quyết định theo đuổi một tấm bằng cử nhân ngành thiết kế.

Bài viết này sẽ cho bạn biết cả ưu điểm lẫn nhược điểm của việc đi học đại học, với hy vọng bạn sẽ hiểu nếu tấm bằng cử nhân thiết kế là một lựa chọn đúng đắn.

10) BẠN SẼ PHẢI DÀNH RA RẤT NHIỀU THỜI GIAN

Điều này thoạt nghe có vẻ ngu ngốc, và đúng là như thế thật. Nhưng có thể bạn đang đánh giá thấp lượng thời gian mà một tấm bằng cử nhân sẽ đòi hỏi: khi bạn còn đang vùi mặt dùi kinh mài sử, những người khác đã đạt được những trải nghiệm mà bạn chưa từng có trong đời.

Đại học, chí ít là ở Ý, ngốn của bạn khoảng 8 giờ một ngày và 5 ngày một tuần. Hầu hết những chương trình cử nhân thiết kế không yêu cầu bạn phải tham gia mọi tiết học, nhưng lại kỳ vọng vào sự chuyên cần tự giác, và bạn sẽ phải bỏ ra 1/3 quỹ thời gian trong một ngày để đến trường.

Nếu bạn còn đang làm một công việc toàn thời gian để trả tiền thuê nhà, thì công việc đó sẽ lấy của bạn 1/3 quỹ thời gian tiếp theo.

Phần thời gian còn lại là để ngủ. Vậy bạn sẽ tự học khi nào? Thứ Bảy và Chủ Nhật.

Tin tôi đi, nhiêu đó vẫn chưa đủ đâu, và tôi sẽ giải thích tại sao.

9) LỚP HỌC KHÔNG DẠY CHO BẠN CÁCH KIẾM MỘT CÔNG VIỆC

Đây là một trong những sự thật đáng buồn nhất. Trong hầu hết các trường hợp, những lớp học đại học đều đậm mùi lý thuyết, còn khi đã bị quăng vào thế giới đi làm của một designer, rất nhiều kỹ năng phần mềm cần bạn phải tinh thông.

Ngành công nghiệp sáng tạo đòi hỏi một rừng các kỹ năng nhiều tới chóng mặt: Illustrator, Photoshop, After Effects, 3D workbenches, prototyping apps như Figma hay XD… vân vân và vân mây.

May mắn thì các giáo sư sẽ hướng dẫn cho bạn, nhưng thường sẽ vô cùng hạn chế và bạn sẽ phải tự lực trau dồi tất cả những kỹ năng kia.

Tổng kết lại thì quỹ thời gian trong ngày của bạn sẽ bao gồm:

– Thời gian học để qua môn.

– Thời gian luyện tập kỹ năng dùng phần mềm (5-8 tiếng).

– Thời gian lên lớp.

– Làm việc, ngủ, và các hoạt động hằng ngày.

Tin tôi đi, việc mài giũa kỹ năng dùng phần mềm còn tốn thời gian hơn cả việc học thuộc lòng các nguyên lý của Gestalt’s hay nội quy của Đại học Thiết kế Ulm.

Lý giải cho tất cả những điều này là vì mục tiêu hiện tại mà các trường đại học đề ra là tạo ra một nhân vật xuất chúng có khả năng thích nghi cao, nhưng họ lại quên nói cho bạn biết rằng bạn vẫn còn 8 tiếng tự học ngoài trường.

Cho nên, nếu bạn quyết định học đại học, hãy ghi nhớ rằng mỗi ngày là một hành trình tự lực tìm kiếm và rèn luyện những thứ cần thiết cho bản thân bạn, nếu như trường đại học không có ý định nói cho bạn biết những thứ đó.

8) ĐẠI HỌC TƯ TỐT.HƠN.

Mấy ngôi trường đó đôi khi bị cấm là có lý do của nó. Đôi lúc giáo viên bên đó chất lượng hơn, nhưng lý do thật sự khiến đại học tư tốt hơn đó là vì họ liên kết chặt chẽ với ngành công nghiệp sáng tạo.

Tại nhiều trường đại học tư, hàng tuần họ sẽ ép bạn tham gia vô số những workshop với các agency, công ty, và các thương hiệu nổi tiếng: điều này giúp gia tăng hiểu biết của bạn về thế giới đi làm sau này, đồng thời bản thân các công ty cũng sẽ dạy cho bạn các kỹ năng phần mềm cần thiết.

Đại học công lập thì không liên kết với ngành công nghiệp sáng tạo nhiều tới mức đó, cho nên bạn sẽ bỏ lỡ rất nhiều thứ.

Nhược điểm của loại hình đại học này là bạn sẽ phải tuân thủ nghiêm ngặt các nghĩa vụ chuyên cần. Nếu bạn không có đủ tiền bạc cũng như thời gian thì tốt nhất là nên quay xe. Nói đi cũng phải nói lại, có cơ hội thì bạn vẫn nên lựa chọn đi học ở một trường tư.

7) HẦU HẾT GIẢNG VIÊN CỦA BẠN LÀ NHỮNG GIÁO SƯ, NHƯNG HỌ KHÔNG CÒN LÀ DESIGNER

Theo đuổi hai công việc cùng một lúc không phải việc dễ dàng. Và đây là lý do phần lớn các giảng viên tại trường đại học thiết kế đã ngưng sự nghiệp designer từ cách đây nhiều năm.

Việc này có cả ưu điểm lẫn nhược điểm CHỦ YẾU:

  • Ưu điểm là họ có rất nhiều kinh nghiệm giảng dạy (hy vọng là vậy) và hẳn là sẽ biết cách giải thích các vấn đề cũng như đồng cảm với trải nghiệm của bạn.
  • Nhược điểm chủ yếu đó là vì họ vốn đã không còn là designer: họ thường sẽ hơi tụt hậu và không biết nhiều kỹ năng phần mềm để dạy cho bạn.

Bên cạnh đó, có những giáo sư chưa bao giờ thực sự đi làm ở một công ty.

Nghe thật tệ và kỳ lạ phải không? Không hề đâu. Có ba kiểu giảng viên mà bạn nên biết:

– Giảng viên thông thường.

– Giảng viên cộng tác.

– Giảng viên hợp đồng.

Hai kiểu đầu tiên không còn xa lạ gì ở các trường đại học. Để trở thành một giảng viên thuộc hai kiểu đó bạn phải có được một tấm bằng Tiến sĩ. Và 90% quỹ thời gian họ không bao giờ làm việc ngoài trường bởi họ đơn thuần là các nghiên cứu sinh.

Tiếp tục, điều này mang lại cả mặt tốt lẫn mặt trái:

  • Những giảng viên đó rất am hiểu về ngành.
  • Nhưng họ lại bỏ lỡ kỹ năng làm việc tại một công ty.

Cho nên nếu bạn đang hứng thú với việc đi dạy hoặc nghiên cứu, có được tấm bằng đại học là một yêu cầu bắt buộc.

6} BẰNG ĐẠI HỌC RẤT CHUNG CHUNG

Nếu bạn hy vọng rằng trường đại học sẽ đào tạo bạn bài bản ở một chuyên môn, thì tôi rất lấy làm tiếc, ở đây chúng tôi không làm thế. Hiện tại tôi đang sắp hoàn thành chương trình Thạc sĩ chuyên ngành Interaction Design và đây là những gì họ dạy cho tôi đây:

  • UX Design.
  • Urban Design.
  • Creative Coding.
  • 3D Modeling.
  • Social Media Management.
  • Virtual Reality.
  • Robotics.
  • Mobile App Coding.

Bạn thấy rồi đó, tôi có kiến thức về rất nhiều lĩnh vực, nhưng cái nào cũng tầm tầm thôi chứ không quá giỏi.

Trở thành một người biết tuốt sẽ có lợi mỗi khi bạn tìm một công việc mới vì bạn dễ thích nghi với nó. Nhưng cùng lúc đó lại rất khó để có một công việc ổn định.

Nếu bạn vẫn chưa biết mình sẽ làm gì giữa cuộc đời này, việc theo đuổi tấm bằng đại học có thể cho bạn một cái nhìn toàn cảnh về mọi ngành nghề thuộc phạm trù thiết kế sáng tạo.

5) BẠN SẼ PHẢI THAY ĐỔI CHIẾN THUẬT TÌM VIỆC

Một sai lầm phổ biến với tất cả mọi người, bao gồm cả tôi, đó là tìm kiếm một công việc chất lượng thấp dù có trong tay tấm bằng thạc sĩ đàng hoàng (hoặc trong một số trường hợp là bằng cử nhân).

Cả bạn lẫn các công ty đều không muốn một người có bằng “thạc sĩ” (điều mà đồng nghĩa với một mức lương hậu hĩnh hơn) phải làm ở một vị trí lương thấp, phải không?

Nếu bạn có trình độ học vấn cao hơn, bạn nên tìm kiếm những công việc yêu cầu bằng cấp – thứ mà thường bạn sẽ tìm thấy ở các công ty lớn.

Ưu điểm và nhược điểm của việc này là:

– Ít cạnh tranh.

– Ít đãi ngộ.

Nên đừng dại mà ganh đua với những người không có bằng cấp nhưng lại có tới 5 năm kinh nghiệm: bạn sẽ cầm chắc phần thua mà thôi.

4) MỘT TẤM BẰNG SẼ GIÚP ĐỠ BẠN TRONG CẢ NHỮNG LĨNH VỰC KHÁC

Nếu tôi có thể viết bài cho Medium – việc mà vừa cho người khác lời khuyên đồng thời kiếm ra tiền – đó là vì tôi đã mài mặt ở trường đại học trong 5 năm trời và cày qua hơn 40 bài kiểm tra với đủ mọi chủ đề. Có bằng cấp trong tay sẽ thật sự nâng cao vốn hiểu biết của bạn theo mọi cách. Và nếu bạn đủ thông minh, bạn sẽ biết tận dụng tất cả những kiến thức này.

3) ĐẠI HỌC GIÚP BẠN HÌNH THÀNH KỸ NĂNG LÀM VIỆC NHÓM

Không thiếu những sinh viên đại học lặn lội đường xa và cảm thấy vô cùng cô độc khi theo học tại một thành phố xa lạ. Một số người sẽ cô lập bản thân, nhưng phần lớn mọi người rất cởi mở và sẵn sàng thiết lập những mối quan hệ mới.

Đã tới lúc bạn tạo kết nối với những đồng môn tài giỏi, bởi sớm thôi, trong tương lai họ sẽ trở thành đối thủ của bạn. Nếu một tập thể đủ vững chắc, các bạn sẽ có thể tham gia vào các dự án ngoài trường đại học hoặc thậm chí là mở một startup cùng nhau.

Khái niệm “Cơ hội nhờ làm việc nhóm” – thứ được gián tiếp tạo ra bởi việc tham gia các lớp học – chính là loại lợi ích mà những người không theo học đại học mơ ước. Về cơ bản, bạn sẽ có quyền tham gia những workshop vào mỗi ngày nếu như bạn thành công tạo dựng các mối quan hệ trong trường.

NOTE: Việc này có thể sẽ hơi khó khăn khi bạn đang còn học ở trình độ Cử nhân, nhưng sẽ dễ thở hơn khi bạn đã lên tới trình độ Thạc sĩ.

Nên đừng tự tách mình ra khỏi đám đông nhé.

2) MỘT SỐ TẤM BẰNG CHỈ ĐỂ LÀM MÀU MÀ THÔI

Ai đó sẽ nói với bạn về việc mọi tấm bằng đại học đều ấn chứa những giá trị và ý nghĩa như thế nào. Ấy vậy mà vẫn có vài tấm bằng vô cùng lỗi thời và thậm chí là bị bỏ bê bởi chính những trường đại học cấp ra chúng.

Bởi vậy nên bạn phải cẩn thận khi đưa ra lựa chọn nếu không muốn vướng vào tình thế oái oăm sau: tự bản thân tôi là một ví dụ khi bắt đầu chương trình thạc sĩ, mà hai năm sau đã phải hủy bỏ vì nó hoàn toàn vô dụng.

Điều này rất phổ biến ở các lĩnh vực Thiết kế hoặc IT, khi mà nền tảng công nghệ liên tục cải tiến và các giáo sư trên trường khó có khả năng bắt kịp các xu hướng.

1 ) BẠN KHÔNG CHỈ LÀ MỘT CON SỐ TRÊN TỜ GIẤY ĐIỂM DANH, XUI XẺO THAY

Điều này đôi khi đúng với những lớp học trăm người, nhưng với những lớp dưới 30-40 sinh viên thì không có cửa đâu.

Những giáo sư sẽ nhớ mặt điểm tên và đây là một con dao hai lưỡi: họ thật sự có danh sách những sinh viên yêu thích, và bạn sẽ muốn là một trong số những người đó.

Mặt khác nếu bạn thuộc tuýp người ngại ngùng, không khó hiểu khi kỹ năng của bạn sẽ bị lu mờ bởi một số sinh viên ít giỏi hơn nhưng lại đủ hoạt bát để trở thành con cưng của thầy cô. Tin tôi đi, điều này sẽ khiến bạn nản lòng lắm đó.

Nên hãy cố gắng tạo ấn tượng về bản thân và cho thầy cô thấy rằng lúc nào bạn cũng nghe giảng nhé.

TỔNG KẾT LẠI:

Học đại học cũng có nhiều mặt bất cập thật, nhưng nó cho bạn cơ hội để tham gia vào một môi trường rèn luyện quy củ và riêng biệt.

Dù hệ thống giáo dục hiện tại vẫn tồn tại kha khá vấn đề, một khi bạn đã hiểu được những kỳ vọng trước khi bước vào môi trường đại học, tôi chắc chắn bạn sẽ không chỉ kiếm được một tấm bằng tốt nghiệp mà còn mài giũa bản thân trở thành một người có chuyên môn cao, xứng đáng với hàng ngàn giờ học mà bạn đã cất công bỏ ra.

Nguồn ảnh: Michael Marsh (on Unsplash)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *