Thay vì trừng phạt tù nhân, những nhà tù mở ở Phần Lan tập trung vào việc giúp họ phục hồi và chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng một cách suôn sẻ nhất.
“Tôi cảm giác như đang sống ở một trại nghỉ dưỡng vậy”, Mikko, tù nhân ở nhà tù mở Ojoinen gần thành phố Hämeenlinna, kể với PV đài Yle News.
Quan điểm của Mikko là khá phổ biến và có cơ sở. Tù nhân ở đất nước Bắc Âu này có phòng riêng, được sử dụng nhiều phương tiện giải trí và được chuyển đến các nhà tù mở khi chuẩn bị được ra tù.
Đây là một phần của một chính sách lâu đời không nhằm để làm hư hỏng những kẻ bên trong, mà là để đảm bảo rằng họ sẽ không quay trở lại.
Sasu Tyni, một nhà nghiên cứu tại ĐH Helsinki và Cơ quan Quản chế Tội phạm (RISE), chia sẻ hệ thống này dựa trên niềm tin rằng việc bắt nhốt là giải pháp cuối cùng.
“Nhà tù đóng được tạo nên trên cơ sở đảm bảo an ninh, trong khi nhà tù mở hướng nhiều đến xã hội, gia đình, công việc, v.v.” cô Tyni giải thích. “Chiến lược của Cơ quan Quản chế Tội phạm từ bao năm nay là chỉ dùng nhà tù đóng như giải pháp cuối cùng. Chúng tôi cho rằng hệ thống nhà tù mở có thể giảm nguy cơ tái phạm.”
Triết lý này có vẻ có hiệu quả.
Một báo cáo gần đây về tỷ lệ tái phạm trên toàn cầu – tức khả năng một tội phạm lại thực hiện hành vi phạm pháp sau khi ra tù – cho thấy rằng dù Phần Lan áp dụng phương án “mềm” để trừng phạt tội ác, tỷ lệ tù nhân tái phạm chỉ khoảng 36% – một trong những nước có tỷ lệ thấp nhất. Trong khi đó, tỷ lệ tái phạm ở Anh là 48% và ở Thụy Điển là 61%.
Phần Lan cũng có tỷ lệ tù nhân trên tổng dân số thấp nhất các nước thuộc Liên minh Châu Âu, khoảng 51 người trên 100.000 dân bị ở tù, theo World Prison Brief, so với Thụy Điển 59 người, Anh 140 người và Lithuania 235 người – cao nhất châu Âu.
Thói quen sinh hoạt bình thường sẽ tạo nên khả năng tự lập tự túc
Nhà tù Ojoinen không có một chút gì giống với một nhà tù truyền thống, khách mới đến tham quan có lẽ sẽ nghĩ rằng họ đến nhầm chỗ.
Không có hàng rào, không có cổng sắt, không có thép gai trên cửa sổ. Thay vào đó là những khu nhà nông trại, một sân bóng chuyền và con người đi lại tự do.
Cai tù Kaisa Tammi-Moilanen giải thích, những người quản lý nhà tù đã “cố tình tránh những chi tiết làm người ta có thể liên tưởng đến nhà tù”, điều này đồng nghĩa rằng không có một hàng rào thực nào để tránh tù nhân bỏ trốn cả. Tammi-Moilanen giải thích rằng điều này là có chủ đích, nhằm khuyến khích tù nhân phát triển khả năng tự chủ của chính mình.
“Tù nhân trong các nhà tù kín không cần học cách tự chủ, bởi vì tất cả mọi thứ họ làm đều bị kiểm soát. Nhưng để làm một công dân bình thường, bạn cần có khả năng tự chủ cuộc đời mình, bạn cần phải biết cách cư xử, biết cái gì tốt cho mình và tốt cho xã hội.”
Mikko đang thi hành những tháng cuối cùng của án tù 3 năm của mình cho một tội danh về kinh tế tại Ojoinen, và anh tin rằng mọi tội phạm đều sẽ nhận được lợi ích từ việc học cách tự lập trong thời gian ở nhà tù mở.
“Đặc biệt là những thanh niên dính vào ma túy, thuốc phiện, hệ thống này sẽ giúp họ chỉnh đốn lại cuộc sống”, Mikko nói. “Họ sẽ dần quen với việc thức dậy sớm, đi làm, tự chăm sóc bản thân thay vì hút chích vào đêm và nằm trên giường cả ngày.”
*Đọc về một ngày bình thường của tù nhân tại đây trong ảnh.
Teemu*, nhân vật không muốn tiết lộ tên thật, tin rằng anh là một ví dụ tốt rằng việc tập trung vào phục hồi và tái hòa nhập có thể giúp một người tù quay đầu. thay đổi cuộc đời họ. Anh đang thi hành năm cuối cùng của án tù 15 năm vì tội giết người tại Ojoinen, và xem thời gian ở đây là một bước quan trọng giúp anh tái hòa nhập cộng đồng.
“Trong thời gian ở đây, tôi đã dần chuẩn bị từng bước cho ngày được ra tù, và tôi nghĩ rằng tôi đã sẵn sàng để trở lại cuộc sống bình thường,” Teemu giải thích. “Tôi đã có thể xây dựng một tương lại cho mình khi ở đây, và tôi biết có nhiều người xung quanh có thể giúp mình.”
Từ lúc đến Ojoinen, Teemu đã có thể cai nghiện và cũng đang theo học một khóa học nấu ăn, mà anh mong có thể tốt nghiệp cùng lúc được ra tù.
Mặc dù anh biết kiếm việc làm ở ngoài có thể rất khó khăn vì có án tích, nhưng anh vẫn lạc quan vì đã được đào tạo và có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong thời gian ở tù.
“Nếu tôi thành thật và nói với chủ về lý lịch tù tội của mình, tôi tin rằng tôi có thể xin được việc,” anh nói.
“Luôn có hy vọng”
Tập trung vào phục hồi và phát triển khả năng tự lập tự túc là nền móng của Ojoinen, theo giám đốc Tammi-Moilainen, người đã có 28 năm kinh nghiệm làm việc ở các nhà tù mở và kín khắp Phần Lan.
“Khi bạn đưa người ta vào các viện/trại như nhà tù, họ sẽ quen với việc tồn tại trong các thể chế này. Nhưng chúng tôi không muốn như vậy,” Tammi-Moilanen giải thích. “Giải pháp ở đây là chúng tôi cố gắng làm cho họ hiểu rằng thay đổi là có thể, rằng luôn có hy vọng phía trước.”
Tammi-Moilanen thừa nhận những chỉ trích đối với hệ thống nhà tù mở – rằng chúng quá khoan dung đối với tội phạm – nhưng cô nói rằng luận điểm phản biện của cô là hệ thống này là lựa chọn tốt nhất cho xã hội khi nhìn tổng thể.
“Người ta thường hỏi có phải chúng tôi đang đứng về phía tội phạm không, và tôi luôn luôn trả lời là không, chúng tôi đang đứng về phía xã hội,” Tammi-Moilainen nói. “Chúng ta muốn một xã hội an toàn hơn và chúng tôi làm điều đó bằng cách cho họ cơ hội để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.”
Còn nhiều điều cần cải thiện
Với dân số 5.5 triệu người, số lượng tù nhân vào khoảng 2.842 người, 40% trong số đó sẽ thi hành án tù tại các nhà tù mở – thường là 1 khoảng thời gian trước khi ra tù. Hiện nay ở Phần Lan có 11 nhà tù mở và 15 nhà tù kín.
Hệ thống nhà tù của Phần Lan đã thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế, đa số là các góc nhìn tích cực. Có thể kể đến các bài báo của hãng truyền thông Mỹ NBC, và hãng truyền thông quốc gia France 24.
Tuy nhiên, nó cũng nhận về những chỉ trích tại sân nhà. Cựu sĩ quan cảnh sát và thành viên Quốc hội đương nhiệm thuộc đảng Finns Party Mika Raatikainen nói với Yle News rằng mặc dù hệ thống đang hoạt động “khá tốt”, nhưng cũng còn nhiều điều cần cải thiện.
“Quá trình tuyển chọn để quyết định xem ai đủ điều kiện để được thuyên chuyển đến nhà tù mở cần phải được đánh giá lại để cải thiện và tránh sai lầm,” Raatikainen nói. “Tất nhiên, hệ thống này không hoàn hảo nhưng bằng việc xem xét kỹ lưỡng các số liệu thống kê và dữ liệu về tâm lý của tù nhân, tôi chắc rằng nó có thể được cải thiện thêm nữa.”
Raatikainen bắt đầu sự nghiệp tại sở cảnh sát Helsinki năm 1983 với vị trí sĩ quan tuần tra trước khi chuyển sang điều tra các tội phạm có tổ chức và băng nhóm buôn bán ma túy. Ông bắt đầu tham gia vào chính trường vào cuối những năm 2000 và tin rằng đảng Finns Party là một “lựa chọn đương nhiên” bởi các quan điểm của đảng này về nhiều vấn đề, bao gồm tội phạm.
“Quan điểm của đảng Finns Party là luật pháp Phần Lan và các hình phạt đưa ra bởi tòa án Phần Lan đối với một số tội là quá nhẹ, quá nhân nhượng,” Raatikainen nói. “Người dân bình thường không hiểu tại sao những tội phạm này không bị trừng phạt nặng hơn – hiện giờ nhiều án phạt đôi khi cứ như một trò đùa, nhất là từ góc nhìn của nạn nhân.”
Nhà nghiên cứu Tyni nói rằng rất khó để tìm thấy bằng chứng cho quan điểm đó.
“Khó mà phản biện rằng hệ thống nhà tù mở không có hiệu quả”, Tyni nói. “Bạn có thể xem hệ thống này như một hệ thống lũy tiến nơi mà tù nhân bắt đầu thi hành án trong các nhà tù kín, rồi chuyển đến nhà tù mở, rồi tiếp tục các phương pháp theo dõi điện tử ở ngoài xã hội và cuối cùng là các bản cam kết sau khi được phóng thích. Đó là một quá trình từng bước dựa trên kế hoạch thi hành án của cá nhân đó.”
Tù nhân Mikko cũng đồng ý. Anh được ra tù chỉ 3 ngày sau chuyến thăm của Yle News đến Ojoinen. Mặc dù anh nói cuộc sống ở nhà tù Ojoinen giống như trại nghỉ dưỡng, nhưng anh cũng nói rằng anh “không hề có ý định quay lại đây” sau khi được thả.
—–
Lời bình cá nhân: như các bạn cũng đã thấy, dù Phần Lan được xếp hạng cao ở nhiều mặt như đất nước hạnh phúc, giáo dục top 1, yên bình và an toàn, nhưng ở Phần Lan cũng có gần 3000 tù nhân và rất nhiều các loại hình tội phạm đang diễn ra. Người Việt Nam là con người thì người Phần Lan cũng là con người, luôn có người này người kia, người tốt người xấu. Xã hội Phần Lan cũng có nhiều điều chưa tốt đẹp nhưng nhìn chung là đất nước yên bình, an toàn, mình ở đây lâu chưa bị gì cả.
Vì vị trí địa lý cũng như rào cản ngôn ngữ nên chắc các bạn ít nghe tin về Phần Lan. Ở Phần Lan mặt bằng chung người ở đây cũng biết rất ít về Việt Nam. Nên là các bạn chưa hiểu gì, chưa biết nhiều thì mình nghĩ không nên tạo ra một cái “stereotype” về Phần Lan, cũng giống như bạn ở Việt Nam cũng không muốn người Phần Lan nghe một số tin tức tào lao, tội phạm ở Việt Nam rồi đánh đồng về con người, xã hội Việt Nam, đúng không nè?
Thêm nữa, Phần Lan mặc dù thuộc Bắc Âu nhưng xã hội, con người và chính sách rất khác với các nước Scandinavia Thụy Điển, Na Uy hay Đan Mạch (VD như chính sách trong thời COVID-19 nè). Người Phần Lan cũng rất ghét khi bị đánh đồng với Thụy Điển nha. Cũng giống như Việt Nam, Lào, Thái, Campuchia, Trung Quốc, Nhật, Hàn gần nhau nhưng có văn hóa, xã hội, con người và chính sách rất khác nhau vậy đó. Nên là nhà tù mở ở Phần Lan sẽ khác với nhà tù ở Na Uy hay Thụy Điển nha.
Một ngày bình thường của một tù nhân ở Ojoinen thường bắt đầu vào lúc 6 giờ sáng, họ thức dậy và ăn sáng, rồi báo cáo cho quản tù vào giờ điểm danh sáng.
Đến 7 giờ, tù nhân bắt đầu ngày làm việc của họ. Một số người làm việc cho các công ty địa phương, một số khác thực hiện các nhiệm vụ được giao bởi nhà tù.
Có thể thấy ý niệm về tự lập tự túc ở mọi khía cạnh trong cuộc sống hằng ngày ở Ojoinen. Ở đây không có căn tin, do đó tù nhân sẽ phải tự mua thực phẩm và nấu đồ ăn cho chính mình. Hôm Yle News đến thăm Ojoinen, một tổ chức phi chính phủ đang tổ chức một lớp học nấu ăn cho một nhóm tù nhân – những người thừa nhận chưa từng nấu bữa ăn nào trước khi đến trại,
Khi một ngày làm việc kết thúc và bữa ăn tối đã xong xuôi và được dọn dẹp xong, tù nhân được tự do làm những gì mình muốn. Có khu vực tập thể dục, phòng xem tivi và nhiều tù nhân có cả tay cầm chơi game trong phòng của họ. Mikko, người đã ở nhà tù kín trong giai đoạn đầu của án tù, rất chào đón và tận hưởng sự tự do trong lựa chọn và đi lại tại Ojoinen – không gian rộng mở hơn tại đây – so với trải nghiệm ngục tù trước kia.
“Không khí buổi tối rất thư giãn, không thể so sánh với không khí tại nhà tù kín. Chúng hoàn toàn khác nhau. Tôi không cần phải cảm thấy lo lắng liên tục nữa”.
Hình chụp bởi Ronan Browne/Yle.
Năm 2018 trên toàn Phần Lan có 85 vụ giết người có chủ đích (tức trung bình 4.3 ngày thì có 1 vụ giết người). Còn ở Việt Nam, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, số vụ giết người là 583 vụ giết người (nếu báo/tivi đăng hết thì có 3.3 vụ/ngày). Tất nhiên tại vì dân số của Việt Nam đông hơn, gấp 20 lần Phần Lan mà (96.46 triệu vs 5.5 triệu). Nhưng mà nói Phần Lan loạn thì cũng hơi quá