THUẬN THIÊN CAO HOÀNG HẬU – MỘT ĐỜI CÙNG TỰ QUÂN VUN ĐẮP TRIỀU NGUYỄN

Trần Thị Đang (陳氏璫, 1769 – 1846), là con gái thứ của Thọ Quốc công Trần Hưng Đạt và phu nhân Lê thị. Bà nổi danh một vùng là tiểu thư danh gia vọng tộc, công dung ngôn hạnh đều hội đủ.

Đầu năm 1775, khi quân Trịnh vào đánh Phú Xuân, thân mẫu của Nguyễn Ánh – Ý Tĩnh Khang Hoàng hậu lánh nạn ở làng An Dụ. Trong khoảng thời gian đó, bà Đang chỉ mới 6 tuổi, được tuyển vào hầu cận vì là con nhà danh giá. Năm 1781, khi 12 tuổi, bà được tấn phong là Tả cung tần, xưng là Nhị phi. 

Lúc quân Tây Sơn còn mạnh, bà theo Nguyễn Ánh phiêu bạt nhiều nơi, đêm thường thắp hương cầu khẩn: “Lúc này vận nước còn khó khăn, chưa được an định, nếu sinh con mà bỏ đi thì bất nhân mà mang theo chỉ bận lòng chúa thượng. Nếu số mệnh có con thì xin thái bình rồi mới sinh, mong trời ban được như thế”. 

Năm 1788, một đêm bà nằm mộng thấy một vị thần dâng lên một cái tỉ và hai cái ấn; cái tỉ màu sắc đỏ bóng nhẫy tươi sáng như mặt trời; một cái ấn thì sắc tía, cái kia thì sắc rất nhạt, bà nhận lấy tất cả. Đây có lẽ là điềm báo cho tương lai đầy uy quyền của người phụ nữ này.

Năm 1791, điềm báo thành đã thành sự thật. Bà hạ sinh được 4 vị hoàng tử là Hoàng tử Đảm (tức vua Minh Mạng) ở thôn Hoạt Lộc, theo sau là Kiến An Vương Đài, Hoàng tử Diệu (mất từ nhỏ) và Thiệu Hóa Quận vương Chẩn. Năm 1801, Thái tử Nguyễn Phúc Cảnh yểu mệnh qua đời sớm, khiến Hoàng hậu đau lòng khôn xiết. Thương vợ, vua Gia Long ngỏ ý đưa Hoàng tử Đảm làm con của Hoàng hậu và được yêu chiều, nuôi dưỡng hết mực. Mãi đến khi Hoàng hậu mất, Hoàng tử Đảm mới trở về bên cạnh mẹ ruột.

Năm 1806, Gia Long sắc phong Vương hậu Tống Phúc Thị Lan làm Hoàng hậu, bà Trần Thị Đang tuy chỉ được phong phi nhưng quyền lực trong cung cấm lại ngang ngửa Hoàng hậu. Bà có được sự sủng hạnh lớn như vậy bởi bà và Hoàng hậu là hai người đã đi theo vua Gia Long khi chưa có cơ đồ. Tuy bà với vua Gia Long trên danh nghĩa là phu thê, nhưng sự thực hai người lại tựa như tri âm tri kỷ của nhau. Bà dùng cả cuộc đời mình để hoàn thành trách nhiệm của một người vợ, người mẹ mà không hề có sự oán trách, đố kị nào với các phi tần khác. Vua Gia Long băng hà, bà Đang tiếp tục công việc của tiên hoàng là dạy dỗ, chỉ bảo vua Minh Mạng và Thiệu Trị phép trị nước, an dân. 

Năm 1821, Minh Mạng cùng bá quan dâng biểu tôn bà làm Hoàng thái hậu, vào ở trong cung Từ Thọ. Năm 1840, Minh Mạng mất, viết di chiếu lệnh cho Hoàng tử trưởng là Trường Khánh Công Miên Tông lên nối ngôi, tức Thiệu Trị. Quan đại thần Trương Đăng Quế tâu lên, bà dụ rằng: “Cha truyền con nối là đạo thường xưa, bọn ngươi phải dốc toàn tâm mà giúp đỡ tân đế”.

Lúc sứ thần Trung Quốc phụng mệnh vua nhà Thanh đem sắc phong qua nước ta để phong cho Thiệu Trị, theo lệ thì đức vua phải ra Bắc tiếp họ, để hoàng tử trưởng ở lại kinh thành. Tuy nhiên Thiệu Trị lại e dè tính cách của Hồng Bảo, bởi vậy bàn với Trương Đăng Quế muốn dùng Hồng Nhậm lưu kinh. Khi ông vào chầu và đem việc này tâu lên, Thái hoàng Thái hậu dụ rằng: “Hoàng trưởng tử lưu kinh vốn là việc cũ. Hồng Bảo tuy ít học, nhưng tuổi đã trưởng thành, để lại một vài đại thần giúp việc, có gì là không nên? Hà tất phải thay đổi việc cũ?” Phải chăng Thái Hoàng Thái hậu là người luôn tuân theo lễ tiền nhân dù trong mọi hoàn cảnh? 

Năm 1846, Thái hoàng thái hậu lâm bệnh nặng. Ngày 18/9 âm lịch bà qua đời, hưởng thọ 77 tuổi, quan tài để ở Từ Thọ Cung. Ngày 6 tháng 1 năm 1847, Hiến Tổ Thiệu Trị dâng tôn hiệu là Thuận Thiên Hưng Thánh Quang Dụ Hóa Cơ Nhân Tuyên Từ Khánh Đức Trạch Nguyên Công Cao Hoàng hậu, gọi tắt là Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu. Bà đã sống trọn đời mình để cống hiến cho 3 đời vua triều Nguyễn. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *