A: Ẩn danh.
Ghi chú: Đây là câu trả lời của chính người đã đặt câu hỏi.
Đã hơn 1 năm rưỡi kể từ khi tôi đặt ra câu hỏi này và bản thân tôi thấy có nhiều chuyện đã xảy ra, đủ để có thể có một câu trả lời thấu đáo cho những tâm hồn bị tổn thương khi vấp phải tình cảnh này, như “một tia sáng cuối đường hầm”.
Điều đầu tiên cần phải nói đến, đó là chia tay là một chuyện khó, và nhất là khi mối quan hệ không thể sửa chữa được đấy lại là mối quan hệ ý nghĩa đầu tiên đối với bạn, thì quyết định đấy sẽ khó khăn gấp bội phần. Khi nhìn lại, tôi nhận có RẤT NHIỀU điều mà mình đã làm SAI (một số sẽ được chỉ ra như những lời khuyên trong câu trả lời này).
1.Tôi đã không chấm dứt liên lạc với người yêu cũ ngay sau khi chia tay:
Không thực hiện việc đó ngay lập tức đã đem lại những điều không thể tưởng tượng được cho tôi. Tôi không thể chấp nhận được cái suy nghĩ là sẽ không có anh ấy trong đời, và một phần nào đó trong tôi vẫn cố gắng níu kéo lấy cái hi vọng là một lúc nào đó anh ấy sẽ trở lại. Sau tất cả, thì việc chia tay cũng hành hạ anh ấy như vậy. Không phải anh ấy đã từng nói là tôi hoàn hảo đối với anh ấy? Và còn những quãng thời gian tuyệt vời chúng tôi đã từng có với nhau? Chắc chắn rằng, anh ấy sẽ sớm nhận ra chuyện chia tay này là một sai lầm. Và nếu tôi có thể ở gần, thì điều đó sẽ giúp anh ấy nhận ra sớm hơn. Chính cái suy nghĩ này đã dẫn đến rất nhiều khổ cực mà đáng ra tôi đã có thể né tránh được.
Vì vậy, LỜI KHUYÊN SỐ 1: Một trái tim tan vỡ là đã đủ đau đớn rồi. Đừng làm nó tồi tệ hơn bằng cách để cho anh ấy xuất hiện ở chỗ vết thương mới chỉ liền lại (nguyên văn: at the scab that are just beginning to form over your wounds)
2.Khi tôi đã chấm dứt liên lạc, tôi nói dối với bản thân rằng tôi sẽ không thể quên được anh ấy nhanh chóng:
Anh ấy rõ ràng là đã vượt qua được. Vậy tại sao tôi lại phải dành tất cả thời gian của mình chỉ để ôm lấy cái gối và khóc lóc? Tôi là một người phụ nữ độc lập, và mạnh mẽ. Tại sao phải mất một khoảng thời gian dài đến như vậy chỉ để chấp nhận rằng cuộc tình này đã chấm dứt, và việc cứ nuối tiếc mãi về một người sẽ không bao giờ yêu tôi trở lại, hoàn toàn là một sự phí phạm. Tôi tốt hơn thế mà, đúng không? Tại sao tôi lại yếu đuối như vậy? Tại sao tôi không thể nghe theo lý trí và đẩy nỗi khổ cực đó đi? Tại sao anh ấy vẫn luẩn quẩn trong đầu tôi vậy? Tôi đã từ chối để cho bản thân có thời gian thực sự đau buồn, và điều đó chỉ làm mọi việc trở nên tệ hơn. Đấy là một cái vòng luẩn quẩn của việc cảm thấy tệ, sau đó tự trách cứ bản thân vì đã cảm thấy như thế, dẫn tới việc tôi chỉ càng ngày càng thấy tệ hơn, cứ như thế lặp lại cho đến khi tôi đã chắc rằng là tôi sẽ không bao giờ cảm thấy ổn trở lại nữa.
Và đây là LỜI KHUYÊN SỐ 2: Mỗi người sẽ có những cách riêng để vượt qua buồn đau và cần những khoảng thời gian khác nhau để thực hiện việc đó. Vì vậy bất kể bạn quan niệm cần bao nhiêu thời gian là đủ để vượt qua những thứ làm tổn thương mình, quảng qua một bên đi. Hãy để cho bản thân đau khổ, và cũng chính bạn tìm con đường của riêng mình để vượt qua nỗi khổ đau đấy. Hãy để cho bản thân đắm chìm trong đó nếu bạn cảm thấy cần phải làm thế. Tôi đảm bảo rằng nó sẽ dần dần tốt lên theo thời gian.
Và sau đây là những thứ mà tôi đã làm ĐÚNG:
1.Tôi quyết định dừng tự cô lập bản thân:
Một cách tự nhiên, tôi bắt đầu đi chơi với bạn bè của mình nhiều hơn. Tôi chủ động lên kế hoạch gặp gỡ với những người mà tôi yêu quý. Tôi quyết định có một kỳ nghỉ và đi thăm gia đình tôi. Được bao quanh bởi những người yêu quý mình khiến cho tôi cảm thấy thất bại này chỉ là tạm thời. Tình yêu thương của họ đã giúp xoa dịu một phần nỗi đau. Tôi vẫn có những ngày rất tệ, khi cho dù cố gắng đến đâu vẫn không thể xóa hình bóng anh ấy ra khỏi tâm trí mình. Nhưng bên cạnh đó là những ngày tốt, khi mà anh ấy không hoàn toàn biến mất, nhưng sự xuất hiện đó là có thể chấp nhận được, và không khiến tôi cảm thấy muốn trực trào nước mắt. Một cách chậm rãi, tôi không khóc trong cả một ngày. Và khi “ngày” biến thành “tuần”, tôi thực sự trân trọng những chiến thắng nho nhỏ đấy.
2.Tôi đầu tư thời gian vào bản thân mình:
Tôi bắt đầu chạy bộ, thứ mà tôi đã muốn làm trước đó. Tôi mua một cái đàn piano điện tử rẻ từ Amazon và học chơi nó từ những video trên Youtube. Nghĩ lại thì cả 2 việc này tôi đều tệ, nhưng chúng lại là những sự đánh lạc hướng hữu ích, và tất cả những cải thiện nhỏ hàng ngày này giúp tôi dần thoát khỏi cơn trầm cảm.
3.Tôi quyết định đi trị liệu:
Tôi đã đến gặp một chuyên gia về trị liệu nhận thức (cognitive therapist); dù chỉ có 2 buổi, nhưng việc kể với một người lạ về những thông tin chi tiết của mối quan hệ, kể cả kết quả cuối cùng của nó, thực sự đã giúp tôi nhận ra rằng mối quan hệ khiến tôi đau buồn mỗi khi nhớ về, nó không đáng đâu. Ý tôi muốn nói là, tôi biết điều đấy, nhưng việc có một người lạ thấu hiểu chuyện đấy, và nói với tôi rằng tôi xứng đáng với những điều tốt hơn – như một ai đó sẽ yêu tôi và quyết định ở lại – giúp tôi vượt qua nỗi đau thêm một chút.
4.Tôi quyết định hẹn hò trở lại:
Tôi lập một cái tài khoản hẹn hò trực tuyến và bắt đầu gặp gỡ những người mới. Ban đầu, những buổi hẹn hò mới này chỉ làm tôi càng nhớ đến anh ấy hơn. Cứ sau mỗi buổi hẹn, tôi cảm thấy tệ hơn về việc không có anh ấy ở bên cạnh. Tôi bắt đầu tự nghi ngờ bản thân rằng liệu mình có thể “rung động” với một ai đó nữa không. Nhưng theo thời gian, mọi chuyện tốt dần lên. Ở buổi hẹn hò thứ hai, lòng tôi đã rộn ràng cả lên khi có một chàng trai dễ thương hôn mình lần đầu tiên. Tôi nhận ra rằng tôi CÓ THỂ “rung động” với ai đó một lần nữa. Tôi chỉ cần thời gian để cảm giác đó quay lại. Cuối cùng tôi cũng đã gặp một người mà tôi thực sự thích và chúng tôi bắt đầu hẹn hò với nhau.
5.Tôi đã tự xem xét lại bản thân RẤT NHIỀU:
Tôi muốn nhìn nhận rõ trách nhiệm của mình trong việc tại sao mối quan hệ cũ lại không suôn sẻ. Và tôi phải chắc chắn rằng sẽ không lặp lại những lỗi lầm đó ở mối quan hệ mới này. Tôi cởi mở hơn về nững cảm xúc của bản thân. Tôi thành thật hơn về cái gì đang ổn và cái gì không. Tôi chia tay với anh chàng này sau 6 tháng, nhưng chúng tôi làm điều đó một cách ôn hòa và thoải mái. (nguyên văn: but we said our goodbyes on completely amicable terms.) Cả 2 mối quan hệ đều dạy tôi rất nhiều về chính bản thân tôi và những gì tôi cần từ nửa kia của mình.
Kể từ đó tôi đã gặp được một người đàn ông khiến tôi cảm thấy an toàn và hoàn thiện. Chúng tôi vẫn có những vấn đề mà tôi chắc chắn rằng mọi cặp đôi (dù cho mối quan hệ của họ có thành công đến đâu) đều có, nhưng sự khác biẹt giữa mối quan hệ này với những lần trước mà tôi đã trải qua, đó là tình yêu giữa 2 chúng tôi luôn cân bằng. Khi chúng tôi tranh luận, chúng tôi biết làm thế nào để quay lại với nhau. Khi một trong hai người mắc lỗi sai, chúng tôi không ngần ngại chỉ ra lỗi đó và xin lỗi, bởi vì chúng tôi biết tình yêu của mình quan trọng hơn cái tôi nhất thời.
Chúng tôi vừa dọn đến sống chung vào 3 ngày trước, và tôi cảm thấy rất hạnh phúc.
Thi thoảng tôi vẫn nghĩ về người yêu cũ (người mà câu hỏi này nhắc đến ý). Sẽ là nói dối nếu tôi bảo tôi không còn cảm xúc gì về anh ấy nữa. Tình yêu vốn phức tạp, tôi phải học cách chấp nhận điều đó. Nhưng bây giờ, mỗi khi anh ấy nhắn tin chúc mừng sinh nhật hay có cập nhật gì đấy về cuộc sống của anh ấy xuất hiện trên News Feed của tôi, thì đó chỉ là một cú nhói nhẹ hơn là một sự đau đớn khủng khiếp. Và bây giờ tôi biết cách chấp nhận cảm xúc đó, dành 1 hay 2 giây để nó trôi qua đi, và tiếp tục với cuộc sống của mình.