Trả lời: Micheal L. Best, Cử nhân Tâm lý học và Lịch sử, Đại học Massachusetts, Boston (tốt nghiệp 2013).
Như những câu hỏi “Điều gì sẽ xảy ra …” tương tự, mặc dù câu trả lời mang quan điểm cá nhân, tuy nhiên tôi sẽ cố gắng dựa trên nhiều cơ sở thực tế nhất có thể.
Bối cảnh lên ngôi của Quang Hải Quân
Quang Hải Quân là con trai thứ hai của vua Tuyên Tổ với một vợ lẽ, đây là lý do chính dẫn tới việc phế truất ông sau này. Tuy không đủ yếu tố để kế thừa ngôi vị, việc vua Tuyên Tổ không có con đẻ dòng chính thất (do hoàng hậu sinh ra), cộng thêm chiến tích trong kháng chiến chống Nhật, ông đã có đủ sự hỗ trợ để nối ngôi sau khi vua cha qua đời.
Quang Hải Quân tỏ ra là vị vua thực dụng trong chính sách cai trị. Thay vì duy trì các nguyên tắc giáo điều của Nho giáo và trật tự xã hội cũ, Quang Hải Quân chú ý tới thiệt hại sau cuộc chiến với Nhật Bản và nỗ lực hết sức để kiến thiết lại. Để đạt mục đích trên, ông cố gắng giảm thiểu gánh nặng lên thường dân (đang chiếm 80 – 90% dân số) bằng cách phân chia lại ruộng đất và cải cách luật thuế (thu thuế dựa trên thu nhập thay vì chia đều). Ông cũng nỗ lưc trong việc xuất bản lại sách để thay thế những cuốn sách bị chiến tranh phá hủy, đồng thời cung cấp thêm kiến thức thực tế cho dân chúng nói chung.
Chính sách ngoại giao thể hiện rõ nhất sự thực dụng của Quang Hải Quân. Vào thời đểm đó, Triều Tiên đang là chư hầu của nhà Minh, thế lực đã hỗ trợ Triều Tiên trong cuộc kháng chiến chống Nhật Bản. Tuy nhiên nhà Minh đang suy thoái trong khi thế lực dân tộc Mãn Châu nổi lên trở thành kẻ thù đáng gờm. Mối bang giao với nhà Minh sẽ khiến Triều Tiên bị cuốn vào cuộc chiến. Nhà Minh đã gửi yêu cầu Triều Tiên đưa quân tới tham chiến chống lại Mãn Châu, theo đúng với đạo đức và pháp lý. Mặc dù vậy, Quang Hải Quân không quá nhiệt tình lôi kéo đất nước vào cuộc chiến khác và đã cố gắng thiết lập mối quan hệ giao hảo với Mãn Châu, trong khi vẫn phải duy trì nghĩa vụ với nhà Minh [5].
Nguyên nhân đằng sau cuộc đảo chính
Về mặt pháp lý, cuộc đảo chính lật đổ Quang Hải Quân được giải thích do lý lịch kế vị bất hợp pháp của ông và việc ông đã giết hại người anh trai (cũng bất hợp pháp) và em trai (người kế vị hợp pháp). Tuy nhiên, việc thanh trừng giữa các anh em trong hoàng tộc không phải hiếm đối với không chỉ Triều Tiên mà còn trên toàn thế giới. Hơn nữa, có bằng chứng cho thấy Quang Hải Quân không liên quan đến vụ sát hại các anh em của mình, chủ mưu thực sự là phái Bắc Nhân [4] đang duy trì quyền lực chính trị trong hoàng gia.
Hầu hết các nhà sử học đồng ý rằng nguyên nhân thực sự dẫn tới lật đổ Quang Hải Quân là các chính sách của ông cùng với mâu thuẫn phe phái chính trị. Chính sách của Quang Hải Quân tuy rất hợp lý, thậm chí đáng ngưỡng mộ theo quan điểm hiện đại, nhưng chúng đã gây rất nhiều tranh cãi vào thời điểm đó. Việc ông sẵn sàng đàm phán với Mãn Thanh khiến ông mất đi nhiều sự ủng hộ từ những trí thức Nho giáo bảo thủ, vốn đang chiếm ưu thế trong bộ máy quan liêu. Đối với hệ tư tưởng Nho gia thời bấy giờ, Trung Quốc do nhà Minh cai trị chính là trung tâm của nền văn minh và những kẻ thách thức họ (cụ thể là người Mãn Châu) đều là man di mọi rợ. Triều Tiên thành lập cũng dựa trên sự ủng hộ của nhà Minh để hợp thức hóa việc lật đổ Cao Ly [1]. Cộng thêm sự trợ giúp của quân Minh trong kháng chiến chống Nhật, việc Quang Hải Quân làm hòa với Mãn Thanh được coi là sự phản bội đối với Nho giáo, nền tảng của tính chính danh và đạo đức chung trong đất nước.
Một nguyên nhân khác từ chính sách của Quang Hải Quân cũng khiến ông mất đi sự ủng hộ của các thế lực chính trị. Vào thời điểm đó, triều đình thường do một đảng phái thống trị. Mặc dù Quang Hải Quân được phái Bắc Nhân ủng hộ, những cố gắng của ông trong việc lôi kéo các đảng chính trị khác để cân bằng cán cân quyền lực trong triều đình, ngăn một đảng phải lũng đoạn triều chính, đã khiến ông mất đi rất nhiều sự ủng hộ.
Hầu hết các chính sách đối nội của Quang Hải Quân cũng gây bất mãn cho tầng lợp quý tộc (những thế lực đã gây dựng nên quyền lực cho hoàng gia). Mặc dù cải cách về thuế của ông giúp ích rất nhiều cho dân thường, nhưng điều đó đã đánh mạnh vào tầng lớp thượng lưu. Nhiều người trong tầng lớp “Lưỡng ban” [2] buộc phải trả đất hoang cho dân thường trong quá trình phân chia lại ruộng đất. Ngoài ra, cải cách thuế của Quang Hải Quân đã khiến gánh nặng thuế vốn đặt lên vai dân thường chịu nhiều thiệt thòi trong chiến tranh, giờ đây được chuyển sang tầng lớp địa chủ giàu có. Những chính sách trên khiến tầng lớp quý tộc “Lưỡng ban” chuyển sang ủng hộ phái Tây Nhân [3], thế lực tỏ ra kiên quyết hơn trong việc ngăn chặn các nỗ lực cải cách của Quang Hải Quân.
Có thể thấy, động lực cho việc phế truất Quang Hải Quân tới từ lợi ích của giai cấp thống trị hơn bất cứ giá trị đạo đức hay cơ sở pháp lý nào. Sau khi Quang Hải Quân bị lật đổ và đi đày, phái Bắc Nhân cũng bị thanh trừng, và người cháu của Quang Hải Quân là Lăng Dương Quân lên ngôi (Triều Tiên Nhân Tổ). Trớ trêu thay, cha của Lăng Dương Quân là Định Viễn Quân vốn cũng là con vợ lẽ, tức về mặt pháp lý, Lăng Dương Quân còn kém vị thế hơn Quang Hải Quân rất nhiều.
Triều Tiên sẽ ra sao nếu Quang Hải Quân tiếp tục trị vì
Sau cuộc đảo chính, gần như các cải cách của Quang Hải Quân đều bị ngăn chẳn và các chính sách của ông bị đảo lộn hoàn toàn. Do đó chúng ta có thể giả thiết rằng nếu ông vẫn nắm quyền, những điều trên không thể xảy ra. Cầm quyền lâu hơn trên ngai vàng, ông có thể thực thi nhiều cải cách thuế trên toàn quốc, vốn mới chỉ dừng lại ở một vài tỉnh bởi vì phe đối lập ngăn cản. Nguồn thuế từ dân thường cũng tăng lên do họ khó có khả năng trốn thuế (cải cách của Quang Hải Quân bao gồm cả hệ thống thẻ nhận dạng giống như Chứng minh nhân dân bây giờ), và giới quý tộc cũng phải trả nhiều hơn do thuế đánh vào tài sản. Có ý kiến cho rằng nguồn thuế này sẽ được Quang Hải Quân dùng vào việc xây dựng lại các cung điện bị người Nhật phá hủy, nên chưa thể đánh giá được tác động dài hạn của Quang Hải Quân đối với nền kinh tế.
Tác động lớn nhất nếu Quang Hải Quân vẫn cầm quyền sẽ là chính sách ngoại giao với người Mãn Châu. Lịch sử cho thấy cuối cùng người Mãn Châu cũng chiến thắng nhà Minh và thiếp triều đại nhà Thanh vào năm 1636. Chính sách ngoại giao chống Mãn dưới thời vua Nhân Tổ đã dẫn tới hai cuộc xâm lược của Mãn Châu vào Triều Tiên, buộc vua Triều Tiên phải quỳ lạy và chấp nhận những điều kiện nhục nhã. Điều đó khó xảy ra nếu vua Triều Tiên vẫn là Quang Hải Quân. Ông sẽ cố gắng duy trì sự trung lập của Triều Tiên và sau đó công nhận nhà Thanh là thế lực kế thừa Thiên mệnh sau khi nhà Minh sụp đổ. Điều này dẫn đến mối quan hệ đôi bên cùng có lợi giữa Triều Tiên với nhà Thanh.
Ẩn sâu hơn nữa là tác động chính trị của hoàng gia nếu Quang Hải Quân tại vị. Mặc dù tôi không chắc những nỗ lực nhằm cân bằng quyền lực trong triều đình của Quang Hải Quân sẽ thành công, nhưng tôi cảm thấy việc duy trì cai trị liên tục sẽ ngăn chặn sự suy yếu của hoàng gia mà từ thời Nhân Tổ trở về sau đều thể hiện rõ. Có thể thấy, mặc dù là vua, Nhân Tổ hoàn toàn bất lực trước phái Tây Nhân, những kẻ đã đặt ông lên ngai vàng, ông chỉ đơn thuần là một người đóng dấu các thánh chỉ chứ không phải lãnh đạo thực tế. Tuy Quang Hải Quân hay một số vua tiền nhiệm cũng từng đối mặt với sự chống đối từ triều đình, nhưng họ không bị mất quyền lực nhiều như vua Nhân Tổ và các vị vua kế nhiệm. Tôi cho rằng quyền lực của hoàng tộc họ Lý sẽ lớn hơn nếu triều đại của Quang Hải Quân vẫn tiếp tục. Điều này có lợi cho đất nước, vì hoàng gia sẽ đủ sức kiểm soát “Lưỡng ban” không bóc lột quần chúng như những gì họ đã làm trong các thế kỷ 18 và 19.
Kết luận của tôi, Quang Hải Quân có thể không phải là vị vua hoàn hảo, nhưng ông là một vị vua cai trị hiệu quả. Chính sách của ông tuy mất lòng giới thượng lưu, nhưng những chính sách đó có thể đưa đất nước tới vị trí tốt đẹp hơn rất nhiều. Có lẽ điều đó vẫn chưa đủ để tạo nên sự khác biệt cho Triều Tiên, rõ ràng Triều Tiên chưa đủ điều kiện để tiếp nhận Chủ nghĩa đế quốc phương Tây (như các láng giềng của họ), nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi quyền lực hoàng gia suy yếu, và cũng không chắc con cháu Quang Hải Quân có mở cửa để tiếp thu văn hóa phương Tây hơn con cháu của Nhân Tổ không. Nhưng đối với riêng thế kỷ 17, việc Quang Hải Quân không bị lật đổ sẽ tạo nên rất nhiều sự khác biệt tích cực.
Chú thích:
[1] Cao Ly: Tên quốc gia cũng là tên vương triều tiền nhiệm của Triều Tiên. Sau các cuộc xâm lược của Mông Cổ, Cao Ly trở thành chư hầu của nhà Nguyên, và vẫn tiếp tục kể cả khi nhà Nguyên bị nhà Minh đuổi khỏi Trung Hoa. Vua khai quốc Triều Tiên Lý Thành Quế đã xoay chuyển chính sách sang ủng hộ nhà Minh để hợp thức cho việc lật đổ Cao Ly.
[2] Lưỡng ban: Tiếng lóng chỉ giai cấp quý tộc, quan lại, sĩ đại phu cao nhất của Triều Tiên. Gọi là Lưỡng ban vì khi thượng triều, các quan sẽ đứng hai bên trong khi vua ngồi ở vị trí trung tâm.
[3] Phái Tây Nhân: Thời vua Tuyên Tổ, giới quan lại, sĩ đại phu chia thành hai phái Tây Nhân và Đông Nhân. Phái Tây Nhân bị phái Đông Nhân lấn lướt, nhưng họ đã ẩn náu chờ thời và ra tay lật đổ Quang Hải Quân, tiêu diệt phái Bắc Nhân.
[4] Phái Bắc Nhân: Dưới thời vua Tuyên Tổ, phái Đông Nhân đã vượt mặt phái Tây Nhân, nhưng họ bị phân rã thành phái Bắc Nhân và Nam Nhân. Phái Bắc Nhân tiếp tục chia thành Đại Bắc Nhân ủng hộ Quang Hải Quân và Tiểu Bắc Nhân ủng hộ Vĩnh Xương Quân, con của hoàng hậu. Sau khi phò tá Quang Hải Quân lên ngôi, phái Đại Bắc Nhân đã thanh trừng Vĩnh Xương Quân và phái Tiểu Bắc Nhân. Cuối cùng, phái Bắc Nhân bị tiêu diệt sau khi phái Tây Nhân lật đổ Quang Hải Quân.
[5] Mặc dù phải đưa quân tới hỗ trợ nhà Minh, Quang Hải Quân đã viết một bức thư gửi tới vua Mãn Châu giải thích việc giúp nhà Minh do bị ép buộc và đề nghị Mãn Châu giữ mạng sống cho các tù binh Triều Tiên. Sau trận Sa Nhĩ Hử, liên quân Minh – Triều đại bại, các tù binh Triều Tiên vẫn được trở về quê nhà.