Tre phát triển rất nhanh và mạnh mẽ, vậy tại sao chúng ta không sử dụng chúng nhiều hơn trong các ngành công nghiệp, thay thế gỗ xẻ và cứu nhiều loài cây khác?

Trả lời bởi: Raphaël du Sablon.

TL;DR: Tre là tre còn gỗ là gỗ. Tre không thể thay thế được gỗ thật trong nhiều trường hợp.

Tre là tên gọi chung của một nhóm cỏ thuộc phân họ tre, chi BOP. Trong khi hầu hết các cây thuộc họ tre thường sống thành bụi và khá thấp, cũng có một số loài đặc biệt lớn như: lục trúc (Timber bamboo), tre khổng lồ (Giant bamboo). Đây là những loại tre được nhắc đến trong bài viết.

Do ở trong họ cỏ nên tre không phải là cây. Vậy nên gỗ được xẻ từ thân cây tre không hẳn là “gỗ”. Tuy nhiên, vì tính chất gần giống nhau và một số lý do khác, chúng vẫn được coi là gỗ.

Giờ hãy cùng so sánh các ứng dụng giữa tre và gỗ trong việc sử dụng làm nhiên liệu, gỗ xẻ và giấy.

1. Nhiên liệu

Có 3 cách sử dụng tre làm nhiên liệu khác nhau 

• Củi

Khi còn là hướng đạo sinh, có một bụi tre rất rậm mọc bên ngoài trại của tôi. Chúng tôi thường cắt vài cành tre để chơi đùa với nhau. Và tất nhiên, luôn có những lính mới nảy ra ý tưởng ném tre vào lửa.

Như mọi loại cây khác, tre có thể cháy nếu chúng khô. Tuy nhiên, không giống như gỗ, phần bên trong của tre rỗng và có các khoang khí dọc chiều dài thân cây, chiếm phần lớn thể tích của cây tre.

Khi đốt, nhiệt độ trong những khoang khí tăng cao. Và bạn biết đấy, khi một cái túi kín khí trở nên cực nóng, nó sẽ nổ. Dù vụ nổ đó trông không thật sự ngầu như trong phim, chúng vẫn sẽ khiến những mảnh tre đang cháy bắn ra xung quanh. Đó là một phần lí do khiến cho tre trở thành một vật liệu đốt tồi – chúng nổ và bắn những mảnh tre đang cháy ra như những mảnh đạn vậy.

Mặc dù không có khả năng tạo ra những đống lửa rực cháy, nhưng tre là một chất đốt ồn ào với nguy cơ khiến lửa bắn vào người rất cao. Tre là loại gỗ không nên dùng để đốt, chúng tạo ra nhiều tro hơn các loại gỗ khác, điều này nhiều khi cũng tạo ra vấn đề.

Quan trọng hơn cả, tre cháy rất hao. Điều khiến người ta sử dụng gỗ làm chất đốt vì chúng tốn nhiều thời gian mới cháy hết. Lửa từ gỗ cứng chuẩn vài giờ mới cần thêm gỗ một lần. Trong khi đó, do có tỉ lệ (diện tích mặt)/(thể tích) cao hơn nhiều, nên tre cháy nhanh hơn rất nhiều so với củi nguyên khối.

Tổng kết: Tre không thích hợp để làm củi.

• Than

Chặt nhỏ tre hoặc nghiền tre thành từng khối sẽ giải quyết hầu hết các vấn đề ở trên, nhưng hiệu suất lại trở thành vấn đề. Tôi không biết được rằng liệu chúng có cháy tốt không, có bao nhiêu phần sẽ trở thành hắc ín, bao nhiêu phần trở thành than. Như đã đề cập, tre tạo ra nhiều tro hơn gỗ, vậy nên than tre có thể cũng sẽ tạo nhiều tro hơn than gỗ. Sẽ rất tệ nếu phải dọn khay đựng than quá nhiều phải không?

Tổng kết: Không có nhiều khác biệt so với gỗ thông thường.

• Sinh khối và nhiên liệu sinh học

Hiện chưa phương pháp chuyển đổi tre thành nhiên liệu sinh học. Ngô và mía là những ông vua của nguyên liệu sinh học do chúng chứa rất nhiều đường saccarit.

Trong việc sử dụng làm sinh khối, tre rất có khả năng sẽ tốt hơn gỗ. Nhưng việc sử dụng năng lượng sinh khối không hề tốt một chút nào, nó y hệt việc loài người đốt nương làm rẫy vậy? Hơn cả, năng lượng sinh khối và năng lượng hóa thạch có tiềm năng gây ô nhiễm ngang nhau.

Tổng kết: Năng lượng sinh khối từ gỗ hay tre thì đều ngốc nghếch như nhau cả.

2. Gỗ xẻ

Sự khác biệt giữa gỗ cây và tre khá đáng kể. Khi chưa được gia công, tre có màu vàng hoặc trắng nhạt. Tre không có dác gỗ và ruột gỗ, với độ cứng linh hoạt – mềm bên trong, cứng bên ngoài. Khác với tre, độ cứng của cây được phân biệt bởi giống loài. Mọi người thường cho rằng tre là một loại vật liệu cứng cáp. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng ở một chút lớp vỏ ngoài cùng của tre vì độ cứng của chúng không nhất quán. Khi chưa được xử lý, tre rất dễ bị mục do có hàm lượng tinh bột cao và không có chất ức chế (Vd: tannin – Chất có trong thực vật, bảo vệ chúng khỏi bị các loài ăn). Do vậy, tre thu hút rất nhiều mối, kiến và các loài sâu bọ khác.

Tre có xu hướng bị vỡ vụn khi bị chặt và xử lý bằng máy, chúng làm mòn lưỡi cắt rất nhanh. Với hàm lượng silica lên tới 4%, tre có thể làm hỏng lưỡi cưa và máy cắt nhanh hơn cả các loại gỗ cứng nhiệt đới khét tiếng. Vậy nên khi xử lý tre, chúng ta nên sử dụng các công cụ cacbua thay vì thép thuần.

Tre có một tính chất đặc biệt làm chúng trở nên độc nhất: Tròn và rỗng.

Về mặt lý thuyết, những thứ tròn và rỗng đều rất vững chắc. Tuy nhiên, tròn và rỗng chính là lý do khiến tre rất khó để có thể dùng làm gỗ xẻ. Gỗ xẻ cần phải có bề mặt phẳng, và được cắt thành từng ván dài rồi mới có thể sử dụng. Về cơ bản, hình dạng của tre đã khiến chúng không thể sử dụng quá trình trên.

Vì một lý do tương tự, quá trình chuyển tre thành gỗ dán cũng rất khó khăn. Gỗ dán được sản xuất bằng cách bóc gỗ dọc quanh vòng tăng trưởng của chúng. Tre không có vòng tăng trưởng cũng như không có độ cứng ổn định nên không thể sử dụng quá trình trên. Thay vào đó, tre phải được cắt thành các lớp rất mỏng, sau đó được dán lại với nhau – một quy trình kém hiệu quả và tốn nhiều nguyên vật liệu hơn.

Có rất nhiều ý kiến kiến về sự biến dạng khi khô của tre. Một số tài liệu nói rằng, tre chưa được xử lý, khi khô có thể biến dạng nhiều gấp 3 lần so với gỗ thông thường. Một số lại bảo rằng, khi đã qua xử lý, chúng lại có độ ổn định đáng kinh ngạc. Tuy không chắc chắn, nhưng tôi cho rằng độ ổn định của tre nhất định có liên quan nhiều đến mức độ xử lý của loại vật liệu này.

Vì những lý do trên, tre gần như không bao giờ được bán khi chưa qua chế biến. Thật vậy, ngay cả những chiếc đũa tre đi kèm với những món ăn Trung Quốc đều đã trải qua các bước xử lý cơ bản: Ngâm, sấy, cacbon hóa, cán (Thực ra, đũa tre thường được làm từ gỗ cây dương). Các thợ mộc thường chỉ sử dụng tre khi đã qua nhiều công đoạn xử lý thành các miếng gỗ to dễ thao tác hơn.

Sàn gỗ xứng đáng được nhắc đến vì sự phổ biến của chúng.

Sàn gỗ tre cần nhiều công đoạn hơn là chỉ việc cắt tre thành các miếng rồi lắp vào. Thông thường, sau khi được thu hoạch, tre sẽ được ngâm trong nước để loại bỏ tinh bột (để chống mối mọt) hoặc nấu sôi trong oxi già (hoặc cả hai), sau đó sấy khô và cho vào lò, để ở nhiệt độ cao để làm chúng sẫm màu hơn. Cắt thành các lát mỏng, xếp lại thành lớp để cân bằng độ cứng, trộn với nhựa, sau đó chịu nhiệt độ và áp suất cao để đạt đến epoxy (Epoxy về cơ bản là 2 thành phần phản ứng với nhau để tạo thành một vật liệu trơ cứng). Vật liệu thu được sau quá trình này sau khi sơn và đóng gói sẽ giống như sàn gỗ thông thường.

Sản phẩm này, nếu được làm tốt, có thể là một vật liệu làm sàn khả thi. Mặc dù chúng không được “tự nhiên” như gỗ, nhưng chúng cũng tốt không kém, và chúng có một mức giá chấp nhận được. Tuy rằng vẫn còn nhiều tranh cãi về tính “tự nhiên”, tính chất vật lý, và ảnh hưởng đến môi trường giữa loại vật liệu này và gỗ, nhưng với tư cách là một người theo chủ nghĩa thuần túy, tôi vẫn thích gỗ thật hơn.

3. Giấy

Tre không thích hợp để làm giấy. Dù cho chúng vẫn được sử dụng để làm bột giấy (Fluff pulp) – thành phần của giấy ăn, giấy vệ sinh và các loại giấy thấm hút khác.

Tre có hàm lượng cellulose tương tự như hầu hết các loại gỗ khác, nhưng hàm lượng silica cao khiến chúng rất khó để sản xuất giấy, vấn đề này gọi là “ảnh hưởng silicon” (Silicon ifluence). Mặc dù đã có nghiên cứu về việc loại bỏ silica một cách hiệu quả, nhưng tre vẫn chỉ được sử dụng một cách rất hạn chế trong ngành công nghiệp giấy. Tuy vậy, vẫn đang có nghiên cứu và nỗ lực không ngừng nghỉ để thay đổi điều đó.

Chắc chắn rằng trong tương lai, tre sẽ là một sự thay thế khả thi cho gỗ nếu như các quá trình chế biến tre được cải thiện. Tuy nhiên, cho đến lúc đó, tre dường như vẫn chưa có nhiều khả năng giành được vị trí lớn hơn trong các ngành công nghiệp.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *