ĐOAN-HÙNG QUẬN-CÔNG NGUYỄN-VĂN-TRƯƠNG.
Tên tuổi ông lừng danh đất Gia-Định, được liệt vô ” Gia-Định ngũ-hổ tướng”, mặc dầu quê ông ở Quảng-Nam. Sách ” Gia-Định xưa và nay chép ông mất năm 1810, thọ 70 tuổi. Như vậy là ông sanh năm 1740.
Ông xuất thân trong hàng ngũ quân Tây-Sơn, biết chúa Nguyễn trọng hiền sĩ, ông bỏ Tây-Sơn, bái kiến chúa tại Long-Xuyên được chúa phong làm Khâm-sai Chưởng-đạo Tiền-phong, Trung-quân Thủy-dinh.
Việc ông về đầu quân cho chúa Nguyễn, “Đại Nam liệt truyện” có chép, đó là hồi Tây-Sơn tấn công xuống Long-Xuyên, quân chúa bại trận phải bỏ chạy, ông Trương dẫn quân đuổi theo ông Nguyễn-Phúc-Ánh:
“Trương đem quân đuổi theo, gần kịp, bỗng thấy cây to trong rừng không có gió mà tự nhổ lên, đường bị lấp, Trương lấy làm lạ, biết là có mệnh trời, mới dẫn quân đi, từ đấy quyết chí theo về”.
Năm 1787, Nguyễn-vương Nguyễn-Phúc-Ánh tập hợp lực lượng, cho quân về Hà-Tiên rồi đóng ở vùng đất Long-Xuyên. Nhận thấy thực tế 3 anh em nhà Tây-Sơn bất hòa lại không được lòng dân, Nguyễn-Văn-Trương đưa 300 quân cùng 15 chiến thuyền theo về với Nguyễn-vương.
Về Thuỷ-chiến ông được xếp đứng đầu hết thẩy, được chúa giao đảm trách đoàn quân Tiền-phong Thuỷ-quân lục-chiến, và ông đã không làm chúa thất vọng.
Những chiến công của vị danh tướng…
Năm Nhâm-Tí( 1792) ông cùng với ông Nguyễn-văn-Thành dẫn quân đi chiến thuyền ra Quy-Nhơn đốt phá Thuỷ-trại của giặc ở Thị-Nại, thành công trở về.
Năm sau ông phò Nguyễn-vương đi đánh Quy-Nhơn, lực lựơng Thuỷ-quân do ông chỉ huy đổ bộ lên Phan-Rang, đánh chiếm 2 phủ Diên-Khánh, Bình-Khương.
Sau đó ông hội với Bộ-binh do tướng Tôn-Thất-Hội chỉ huy, tấn công thành Quy-Nhơn. Suốt ba tháng không hạ được thành do Tây-Sơn cố thủ, chúa Nguyễn ra lịnh rút về Gia-Định.
Và, đến năm 1801 ông đi vào sử sách như vị thần tướng oai dũng, danh tiếng lẫy lừng không kém ngài Tả-quân. Ông dẫn 18 thuyền chất đầy hỏa khí giả làm thuyền Tây-Sơn, rồi dùng mật lịnh vô lọt Thị-Nại, bất ngờ dùng hỏa công tấn công các tàu Tây-Sơn.
Các tàu chiến của Tây Sơn neo gần nhau liền bốc cháy, gặp gió mạnh nên lửa cứ lan hết chiếc này đến chiếc khác. ( Trận Thuỷ chiến hỏa công bậc nhất sử Việt thế kỷ 19).
Sách ” Gia-Định xưa và nay” nói rõ ông cùng ông Tống-Phước-Lương đem quân Tiền-đạo, phối hợp cùng các đạo chiến thuyền của Tả-quân Lê-văn-Duyệt và Bình-Giang Quận-Công Võ-Di-Nguy đốt phá đội Thuỷ-quân Tây-Sơn, thâu được nhiều chiến lợi phẩm.
Trận nầy coi như toàn bộ Thuỷ-quân Tây-Sơn bị tiêu diệt, quân của Nguyễn-vương khống chế gần như hoàn toàn mặt biển, tự do đi lợi ít gặp trở ngại. Cũng trong trận nầy ngài Võ-Di-Nguy đền nợ nước…
Sau đó ông thống lãnh Thuỷ-binh tiến đánh Quảng-Nam, đánh đâu thắng đó. Phải nói ông là một đại công thần sánh ngang các vị khác.
Lúc nầy đại binh của Nguyễn-vương đánh Nam dẹp Bắc, công cuộc hồi đồ nghiệp cả gần như đại công cáo thành, ngài Nguyễn-văn-Trương chỉ huy đội Thuỷ-binh tấn công Thuỷ-quân Tây-Sơn ở cửa Nhật-Lệ, tướng Tây-Sơn là Nguyễn-văn-Kiên đầu hàng.
Tin thắng trận của Nguyễn-văn-Trương ở Nhật-Lệ làm cho quân Tây-Sơn ở Trấn-Ninh rối loạn, hoang man và đào ngũ hàng loạt, chỉ huy quân Tây-Sơn ở đây là nữ tướng Bùi-thị-Xuân, phần nầy tui xử dụng từ bài ” Nguyễn văn Trương, vị ” phúc tướng” nhà Nguyễn”.
Tài đánh trận cộng với tánh điềm đạm, không hiếu sát, giết người cùng đường của ông( khi còn bên Tây-Sơn hoặc về với chúa Nguyễn, ông đều có lần tha cho quân lính đối phương, không truy cùng giết tận) khiến từ quân đến tướng đều vị nể, Nguyễn-vương cũng ưu ái.
Năm 1805 ông được vua Gia-Long cử vô Nam tạm thời đảm nhận chức Lưu-trấn Gia-Định, thay cho ngài Nguyễn-văn-Nhơn, tên tuổi của ông thêm đậm nét ở đất Gia-Định/ Đồng-Nai nầy.
Sau đó hai năm ông được triệu về kinh đảm nhận chức vụ khác.
Năm 1810 chánh khí về trời, thọ đặng 70 tuổi, vua truy tặng cho ông là Thái-bảo Quận-công, sang thời vua Minh-Mạng truy phong cho ông là Đoan-hùng Quận-công, đưa vô thờ trong Thế-miếu.
Ngày an táng ông, đích thân vua ngự thuyền ra sông Hương cùng bá quan tiễn ông.
Về phần con cháu, con thứ là Nguyễn-văn-Vân được phong Phó-tướng Trung-quân, làm quan đến Đô-thống-chế. Con út là Nguyễn-Văn-Ngoạn được vua Gia-Long gả Công-chúa Bình-Thái, làm quan đến Khâm-sai, Thống-chế, Đốc-trấn Thanh-Hóa.
Tài liệu tham khảo ở trong bài.
Hình1 là tạo hình ngài Nguyễn-văn-Trương, hình 2 là bia ghi công trạng, chiến tích của ông ở làng Hà-Lam( Quảng-Nam), lăng mộ ông ở Huế.