Bạn không biết nên chọn Công ty lớn hay nhỏ khi mới ra trường?

5 năm qua, với kinh nghiệm làm việc chủ yếu ở trong Corp (OPPO, Microsoft, Nielsen, BCG) và chỉ làm 2 tháng thực tập tại một công ty nhỏ là một quỹ đầu tư PE, nên bài viết đơn thuần là ý kiến cá nhân. Mình chào đón những phản biện trên những điểm của bài viết này để hoàn thiện hơn. Các bạn trẻ thì đọc với tinh thần rộng mở, nếu được nên Google thêm chủ đề “Tại sao nên làm Công ty nhỏ/ Start-up sau khi ra trường” để có thêm góc nhìn khác nhé. *

Định nghĩa: **Công ty lớn** (Corp) có quy mô nhiều nhân viên từ hàng trăm đổ lên, ít nhiều nổi tiếng, thường được thành lập nhiều năm. Bao gồm các loại Client, Agency và các công ty lớn khác. 

**Công ty nhỏ** có quy mô ít nhân viên dưới vài chục đổ lại, ít tiếng tăm hơn, thường mới thành lập dưới 5 năm, bao gồm các công ty Start-up, công ty gia đình, kinh doanh nhỏ .

##NẾU KHẢ NĂNG CHO PHÉP, CHỌN CÔNG TY LỚN NHA. HẾT!!!  

Thực ra Corp hay Start-up, chưa bao giờ là câu hỏi dành cho sinh viên vừa tốt nghiệp. Nó chỉ thực sự là câu hỏi của một người có ít nhất 4-5 năm kinh nghiệm. Hoặc họ lựa chọn việc sẽ làm quản lí cấp trung tại một công ty lớn, lương thưởng tốt và ổn định, sự nghiệp thăng tiến rõ ràng. Hoặc họ sẽ  chọn làm nhân viên chủ chốt của một start-up tiềm năng, lương thấp hơn nhưng thu nhập tiềm năng từ cổ phần sẽ tăng rất đột biến lên đến chục ngàn/ triệu đô, lại còn có nhiều quyền quyết định và lãnh đạo. 

Chẳng ai bảo ai, phần lớn sinh viên mới ra trường ai cũng chọn Công ty lớn rồi! Corp có tên tuổi, dễ khoe, dễ hiểu, dễ tìm việc sau này, lại còn offer lương cao hơn. Nhưng để tui phân tích những lí do sâu xa để bạn vững vàng hơn với quyết định của mình nhé. Với lại, nếu may mắn có nhiều offer, thì cũng có thể sử dụng những tiêu chí sau để lựa chọn giữa các công ty nữa đó. 

> Về cơ bản, trong những năm đầu đi làm, hãy chọn công ty bạn có thể HỌC ĐƯỢC NHIỀU NHẤT, LƯƠNG KHÔNG PHẢI LÀ ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT. 

## (1) HỌC TÁC PHONG CHUYÊN NGHIỆP DỄ HƠN TRONG CORP

Viết email ngắn gọn, đúng chính tả, đi họp đúng giờ, mang theo sổ bút, báo cáo với sếp hiệu quả, giao tiếp với khách hàng tự tin, tôn trọng deadline, có tinh thần học hỏi cầu tiến, nói được làm được. Tất cả những điều này là những thứ cơ bản, nền tảng đến độ không còn được viết trong bất kì mô tả công việc nào về sau trên cuộc đời, vì ai thái độ không tốt, tác phong không chuyện nghiệp đều đã bị đá đít sau tháng đầu tiên rồi. 

Công ty lớn là cái nôi đào tạo sự chuyên nghiệp. Họ có những chương trình đào tạo bài bản, rất nhiều những đồng nghiệp lớn tuổi nhiều kinh nghiệm để học hỏi, và những tiêu chuẩn (đôi khi) khắt khe về việc giao tiếp với cấp trên, liên phòng ban, và khách hàng. Công ty nhỏ thiếu những điều đó do có quá ít người. Họ thường có lợi thế là môi trường trẻ, vui vẻ, hoà đồng, nhưng đôi khi “vui quá”, mà thiếu những áp lực cần thiết để một bạn trẻ phải cư xử chuyên nghiệp: như ăn mặc chỉnh tề, viết email lịch sự, giao tiếp nền nã. 

## (2) HỌC CHUYÊN MÔN DỄ HƠN TRONG CORP

Hãy thử tưởng tượng 2-3 năm tới khi bạn kết thúc đầu tiên, việc tuyển dụng sẽ rất khác. Công ty tuyển sinh viên mới ra trường chủ yếu dựa vào “thái độ” và “tiềm năng”, nhưng tuyển ứng viên đi làm 2-3 năm thì phải nhìn kinh nghiệm và kỹ năng cụ thể, quan trọng nhất là LÀM ĐƯỢC VIỆC. Marketer thì phải biết lên kế hoạch và ngân sách, chạy quảng cáo, quản lí Fanpage, nắm bắt xu hướng. Supply chain thì phải rành sáu câu Excel, làm dự phóng, thương thảo nhà cung cấp. Nhân viên bán hàng thì phải biết cold-call, làm chào hàng, biết follow-up, chốt deal. 

Về đào tạo những người giỏi nghề, giỏi chuyên môn, Corp nhìn chung có phần lợi thế. Trong Corp, bạn sẽ học cụ thể chuyên môn trong một phòng ban nhất định. Còn vào công ty nhỏ, bạn thường phải làm đủ thứ trên đời: từ lên kế hoạch, bán hàng, đến chăm sóc khách hàng, marketing, làm event, in giấy tờ, nói chung mọi thứ để làm công việc CHẠY. Bạn sẽ có được chức danh “Thợ đụng chuyên nghiệp”, tức thứ gì cũng làm được. Nhưng bù lại, ít có khả năng làm chuyên một thứ. 

Dù ở đâu, bạn cũng đều học qua công việc (learning by doing) và hướng dẫn của sếp, nhưng ở Corp, rủi ro phụ thuộc vào sếp ít hơn. Sếp giỏi hay dở, có tâm hay không, ít nhất vẫn có đào tạo, quy trình điều chỉnh, tài liệu công ty và tên tuổi công ty lớn bảo chứng cho khả năng của bạn khi bước ra ngoài, điều nhìn chung thiếu ở công ty nhỏ.

## (3) NGOÀI CHUYỆN HỌC, CORP CHO BẠN SỰ RÕ RÀNG, ĐIỀU BẠN CẦN NHẤT LÚC BẠN CHƯA RÕ RÀNG

Nếu làm ở Corp, nhìn chung bạn có thể dự đoán tương lai của chính mình: cứ lên LinkedIn xem mấy người đã từng làm cùng công ty, cùng phòng ban, cùng vị trí là bạn biết 2-3 năm nữa mình sẽ ra sao. Bạn biết mình giỏi gì, chưa giỏi gì qua đánh giá hàng năm bài bản của công ty. Nếu bạn vừa ra trường, bạn chưa biết bạn thích gì, giỏi gì, tương lai bạn làm gì, thì sự CHẮC CHẮN này đúng là điều bạn cần. 

Công ty nhỏ nhìn chung không có sự rõ ràng này. LinkedIn làm gì đã có ai từng làm công ty này, đúng phòng ban này để dự đoán tương lai. Họ cũng thường thiếu những đánh giá nhân viên theo hệ thống và thường kì. Công ty nhỏ khả năng cao cũng thường gặp những vấn đề về kinh doanh do nội bộ/thị trường, khi đó cả sếp lẫn nhân viên dành nhiều thời gian để chạy giải quyết vấn đề, hơn là tập trung vào sự phát triển của mỗi cá nhân. Sinh viên mới ra trường khi bị quăng cho những bài toán “quá lớn, quá sức” của những công ty mới thành lập như bài toán mô hình kinh doanh, thị trường, thiết kế sản phẩm, thì cũng thường rất rối bời và nản chí. 

## LỜI KẾT

Cũng biết mỗi người có một khả năng, tuỳ vào đó để lựa chọn công ty phù hợp, dù lớn hay nhỏ. Nếu có nhiều việc để lựa chọn, tôi nghĩ là lương không quan trọng đến thế, trong những năm đầu. Nơi nào dạy bạn tác phong chuyên nghiệp hơn, dạy nghề tốt hơn và cho mình sự rõ ràng hơn mới là lựa chọn tốt nhất. Giờ nghĩ lại 3 năm đầu tiên ở Nielsen, lương chắc chắn không tốt bằng những chương trình MT, hoá ra là quyết định sáng suốt nhất làm bệ phóng giúp tôi vào được tập đoàn BCG rất “khó nhai” đối với nhiều người. 

Trong những năm đầu sự nghiệp, hãy chọn và tin vào HỆ THỐNG của những công ty lớn. Sẽ đến một lúc, thay vì CHỈ tin vào hệ thống, bạn sẽ ƯU TIÊN lắng nghe tiếng nói, ước mơ, tiêu chuẩn của riêng bản thân mình để lựa chọn một con đường phù hợp. Khi đó mình tin bạn đã bước qua một giai đoạn khác của cuộc đời, thách thức hơn, nhưng đầy những cơ hội và niềm hứng khởi mới.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *