Có người nông phu nọ dùng hai cái thùng gỗ để gánh nước mỗi sáng chiều. Dùng lâu thì một thùng bị nứt, khi gánh nước về thì chỉ còn một nửa. Một ngày, cái thùng nứt nói với người nông phu:
– Tôi thật xấu hổ! Tôi bị nứt, chỉ có thể mang 1 nửa nước về cho ông. Ông hãy vứt tôi đi, mua cái thùng mới.
– Vết nứt ấy ta không sao làm cho nó lành lại được, nên đã tận dụng nó. Ta gieo những hạt giống hoa ven đường và chính ngươi đã tưới cho chúng. Ngươi không để ý, cứ buổi sáng ta để ngươi phía bên trái thì buổi chiều ta để người phía bên phải, 2 hàng hoa tươi đẹp kia sao?
Đây là câu chuyện của cô giáo dạy Văn đã kể cho tụi mình nghe vào năm lớp 10. Và mình không thể quên được. Tư duy tích cực và cách xử lý của mình cũng từ đó mà ra. Mở tủ lạnh, chỉ còn vài con tôm khô, vài trái dưa chuột và 1 quả cà chua, mình vẫn đun nước nấu canh cà chua và dưa chuột xào để có 1 bữa cơm ngon lành. Ông chủ mình ngày xưa nói, người có tài là biến không thành có. Tự tìm đồ tự nấu cơm thì mới cần suy nghĩ. Chứ có sẵn ngồi ăn, thì không cần não, chỉ cần miệng và bao tử là đủ. Và mình không chê ai, họ nứt chỗ nào đấy thì mình dùng theo kiểu thùng nứt. Không có giá trị về mặt này thì họ có giá trị về mặt khác, ai cũng thú vị, cũng hay.
Nhắc lại cô giáo văn thì mình lại nhớ đến thầy Toán dạy thêm lúc luyện thi ĐH. Thầy luôn bảo, các em giải đề thật nhiều vào, không hiểu thì học thuộc bài giải, cần điểm cao, không cần hiểu làm gì. Học để đỗ vào 1 trường tốt, xong tìm cách ở lại Hà Nội đi, về quê làm gì. Tìm đường ở lại, mua nhà kết hôn có hộ khẩu thủ đô để có giá. Còn bạn nào có cơ hội du học thì tìm mọi giá ở lại, xin được thẻ xanh, về đây không phát triển được đâu. Mình nghe thấy kỳ kỳ nhưng không dám nói, dù sao thì vẫn là 1 con ngoan trò giỏi. Nhưng bạn Diệu Lan đứng dậy nói “em không đồng ý với quan điểm của thầy, em nghĩ thầy chỉ nên tập trung dạy Toán cho tốt, em đến là học kiến thức Toán của thầy chứ không theo học về quan điểm sống, lý tưởng sống. Đời thầy không phải là tấm gương tốt để em học theo. Nói như thầy thì đất nước không thể phát triển được, ai cũng lo lợi ích cá nhân của mình thì còn gì là tổ quốc”. Thầy giáo giận dữ đuổi cái Diệu Lan ra khỏi lớp, mình cũng đứng dậy bỏ về vì thấy không tôn trọng nữa. Thầy cô gì mà bày học trò cái nhỏ bé, cái cá nhân và lợi ích bé mọn. Mẹ mình, mình cũng đã không nói chuyện 2 năm vì bà từ mình, khi mình không theo ý bà sắp đặt là chạy việc vào làm cho 1 công ty ở Bình Dương để yên ấm. Mình chọn con đường đi Tây Bắc làm công trình, kiếm tiền, vất vả khắp nơi nhưng đó là tiền của mình tạo ra từ con số zero. Sau đó mình mở một công ty xây dựng và văn phòng kiến trúc khá lớn.
Diệu Lan học bên ĐH Bách Khoa xong, đi làm 3 năm thì tự tìm học bổng du học Mỹ. Bạn tốt nghiệp xuất sắc, nhưng ngày tốt nghiệp cũng là ngày bạn kéo vali ra sân bay về nước, không luyến lưu nước Mỹ dù chỉ 1 ngày. Sau này bạn đi Mỹ nhiều lần nhưng chỉ là các chuyến công tác. Diệu Lan về quê, mở một “hệ sinh thái kinh doanh khá nữ tính và dễ thương” là 1 trung tâm dạy ngoại ngữ Nhật Hàn cho thanh niên quê có cơ hội xuất khẩu lao động, 1 trường mầm non có dạy tiếng Anh, 1 spa, 1 phòng gym và trung tâm thể dục thể thao, hồ bơi, và 1 trang trại hữu cơ trên xã miền núi cách đó 40km, bạn trực tiếp đứng lớp mỗi buổi chiều chủ nhật cho trẻ em trong vùng đến học tiếng Anh miễn phí. Một anh chàng người Mỹ đồng môn, thấy Diệu Lan trở về quê hương và có lý tưởng sống nên theo về, rồi ngỏ lời cầu hôn, hiện định cư luôn theo Diệu Lan ở huyện nhà. Bạn trở về, thị trấn quê mình đã nhộn nhịp hơn. Và mình cũng bỏ hít bụi siêu mịn ở Hà Nội, công ty trên Hà Nội chỉ còn là chi nhánh nhỏ với vài nhân viên, trụ sở công ty mình dời về quê nhà. Mình làm bên điện mặt trời và xây dựng dân dụng (mình học ĐH xây dựng ra). Chiều chiều, ở quán cà phê ven sông thị trấn, là 2 chiếc ô tô của mình và của vợ chồng Diệu Lan, bàn bạc cách xây dựng hội doanh nghiệp trẻ huyện. Các bạn đừng sợ nhũng nhiễu mà không làm, nước nào đang phát triển chả vậy. Trước mọi sự khó khăn, mình luôn tâm niệm mình là dòng sông, cứ đá tảng chắn ngang hay núi chắn ngang là mình uốn lượn, tìm đường khác để đổ về biển cả.
Diệu Lan kể học bổng bạn nhận là chương trình cho các nước nghèo, họ đào tạo để trở về xây dựng quê hương. Trong lớp có 1 chàng Ấn Độ, siêu sao vì học giỏi, từng đoạt giải quốc tế IMO về toán, lúc bảo vệ luận văn xong thì thập thò nói với giáo sư về cách nào để chỉ cho chàng kiếm cái thẻ xanh ở lại, làm thân trâu ngựa cũng làm, muốn bỏ quốc tịch Ấn, thành người Mỹ luôn, chứ về Ấn Độ không có cơ hội. Ông giáo sư ném ánh mắt khinh bỉ và nói “mày có đầu óc, là tinh hoa sao không có chút xót thương dân tộc mình. Dân số Ấn gần bằng Trung Quốc, năm 1987 tổng tài sản GDP hai nước như nhau, sao giờ tài sản GDP Trung Quốc gấp mấy lần Ấn Độ? Đơn giản là người có đầu óc như mày, nếu ở Trung Quốc, thì người ta sẽ mở doanh nghiệp, mở nhà máy, nếm mật nằm gai, chịu đau khổ đủ cả, để nền kinh tế phát triển. Còn tụi mày chỉ học, thi thố xong thì chỉ muốn vinh thân, sướng cá nhân, gia đình. Tao nằm trong hội động xét duyệt lúc đó, rất hối hận là đã nhận mày, vì trong bài luận, mày nói là cho mày 1 cơ hội đi, mày thề sau này mày về hướng dẫn các bạn trẻ Ấn, sao giờ mày lại “vì thân quên nước”. Giờ sao lại vì danh vì lợi mà đánh mất giá trị bản thân mình? Nói rồi ông giáo sư đuổi anh Ấn ra, không tiếp nữa. Anh chàng Ấn Độ cũng quê, nhưng sau đó vẫn tìm cách ở lại bằng con đường kết hôn giả. Thôi thì cũng được, họ không muốn giúp người khác, chọn con đường vinh thân thì cũng tốt cho riêng cá nhân họ.
Mình đi nhiều và thấy, người có giá trị lớn nhất là người biết đóng góp cho người vùng sâu vùng xa vùng bị thiệt thòi. Chân dài và siêu xe, mua bán bất động sản hay buôn bán làm ăn có giàu sụ đi nữa ở Sài Gòn Hà Nội, đăng FB hình du lịch khắp nơi thế giới, ngồi ăn sơn hào hải vị thì cũng chỉ cho bản thân, cho gia đình họ mà thôi. Không ai tôn trọng họ hết vì đâu có tạo ra giá trị gì cho đời? Có thay đổi được cuộc sống của ai? Mở thêm 1 doanh nghiệp hay 1 đại học mới ở Sài Gòn là góp phần phá hoại thành phố này, giới trẻ cứ đổ xô về đó để tìm việc, di dân cơ học sẽ kéo theo vô vàn hệ luỵ cho hạ tầng thành phố lẫn các vùng nông thôn cả nước, thành phố phình to mãi và lún dần, góp thêm 1 chiếc xe là tăng thêm 1 lượng khí thải vào bầu trời vốn đã đặc quánh không khí ở đây. Không có bạn, Sài Gòn Hà Nội vẫn rất giàu có, từ thời xa xưa hai thành phố này đã giàu. Nhưng có tài năng của bạn, quê nghèo sẽ bớt nghèo hơn. Mình thấm thía nhất trần gian là câu nói của Michelle Obama, người có giá trị, người thành công, người thành đạt, người được thừa nhận và kính nể chính là NGƯỜI THAY ĐỔI CUỘC SỐNG CỦA NGƯỜI KHÁC THEO HƯỚNG TỐT ĐẸP HƠN chứ không phải số tiền mình kiếm được.
Diệu Lan nói ông đàn ông, mở nhà máy xí nghiệp ầm ầm vô. Tớ sẽ mở 1 trường phổ thông giống IEC ở Quảng Ngãi để con em trong tỉnh mình không cần du học ở đâu xa, tiếng Anh song ngữ, đá bóng bơi lội chuẩn Olympic, giai đoạn đầu chưa mở được hệ song ngữ thì tăng cường tiếng Anh, giống trường Hoàng Việt ở Đăk Lăk với giáo dục khai phóng. Phải có việc làm thì dân cư mới đông đúc lên, giới trẻ mới không bỏ quê hương đi tha phương cầu thực, những ngôi làng không còn chỉ có người già chống gậy nhìn nhau, cô đơn lặng lẽ đến cuối đời. Con cháu ở thành phố rước họ lên thì coi như cho họ 1 bản án, quanh quẩn mấy bức tường và cái tivi. Làm sao cho dân nông thôn “ly nông, bất ly hương” là bài toán khó mà dân chuyên toán chúng mình phải giải.
Tình cờ 1 lần, hai đứa mình gặp lại thầy Toán cũ trong quán nước. Mình và Diệu Lan chào và mời thầy ly nước, cám ơn kiến thức Toán của thầy đã giúp 2 đứa mình đỗ được vào trường mong muốn. Thầy vẫn áy náy chuyện xưa, nói nhận thức xưa của thầy là tiêu cực và thụ động, thấy quê hương vậy thì chỉ muốn bỏ đi, bất đắc chí nên truyền bá lại cho học trò tư tưởng tào lao vậy. Thầy nói thầy theo dõi bước đi 2 bạn, đã nghĩ lại, nghĩ khác. Mình nói không sao thầy ơi, câu chuyện cái thùng nứt của cô Sứ dạy văn, em không thể quên. Thùng nứt thì bọn em dùng theo thùng nứt, vứt bỏ nó thì chẳng cần tư duy toán học làm gì. Nhân vô thập toàn, trời đất thiên địa cũng đâu có trọn vẹn. Những hạt nước bị sánh ra từ những thùng nứt ấy, bọn em sẽ tận dụng để tạo thành những hàng cây xanh mát. Ở quê hương.
Sắt son như vậy, thưa thầy.