NGUỒN GỐC TRẬT TỰ CHÍNH TRỊ – Kỳ 2 – Ấn Độ và vấn đề phân tầng đẳng cấp

(Nguyễn Đỗ Thuyên)

Chúng ta đều hiểu chính trị theo nghĩa chung nhất là toàn bộ các hoạt động liên quan đến tìm kiếm, duy trì và phân bổ quyền lực. Chính vô số các tương tác chính trị của vô số cá nhân, tổ chức đã hình thành nên trật tự chính trị của mỗi quốc gia, mỗi khu vực, qua mỗi giai đoạn lịch sử.

Tuy vậy, có khi nào chúng ta đặt câu hỏi:

Tại sao lại xuất hiện hình thái nhà nước phong kiến?

Tại sao phong kiến châu Âu khác phong kiến Trung Hoa?

Tại sao trật tự thế giới hiện tại là như thế? Có tác nhân gì, quy luật gì trong quá khứ đã tác động đến nó?

Những tác nhân, quy luật đó vẫn còn tồn tại hay đã biến mất?…

Có thể gộp chung lại các câu hỏi trên thành một câu hỏi lớn: Đâu là Nguồn gốc của Trật tự chính trị?

Ở Kỳ 1, người viết đã chỉ ra, Trật tự chính trị – theo Fukuyama – thực chất chính là cuộc chiến của nhà nước khách quan chống lại quá trình Thân tộc hóa và Tái thân tộc hóa.

Trật tự chính trị ấy đã diễn ra như thế nào ở các nhà nước nổi bật?

Trong Kỳ 1, nhà nước Trung Hoa thời kỳ Thương Ưởng và vương triều Tây Hán đã có những chính sách nhằm hạn chế quyền lực thân tộc. Chủ nghĩa thân tộc thắng thế ở thời Đông Hán, Ngụy Tấn Nam Bắc triều trước khi nhà Tùy và Đường lập lại trật tự của một nhà nước mạnh. Liệu những điều đó có diễn ra ở Ấn Độ – đất nước thường được giới nghiên cứu Tây phương gộp chung với Trung Hoa? [1]

4 – ẤN ĐỘ VÀ TRUNG QUỐC: HAI CON ĐƯỜNG KHÁC NHAU

Cho đến cuối thế kỷ IV TCN, con đường phát triển mô hình chính trị giữa Ấn và Trung vẫn còn khá giống nhau. Trong khi vùng đồng bằng Ấn – Hằng bắt đầu chuyển từ chế độ bộ lạc sang nhà nước sơ khai thì ở Trung Hoa, diễn biến tương tự cũng xuất hiện với nhà Tây Chu. “Cả hai xã hội ban đầu đều được tổ chức thành các liên đoàn thị tộc nam hệ, đều thờ cúng tổ tiên và đều chuyển sang hệ thống có tính phân cấp mạnh hơn – lãnh đạo thế tập”. Dẫu vậy, những ngả rẽ đã xuất hiện, tạo ra sự khác biệt mà nguyên nhân gây nên sẽ được đề cập đến trong phần sau:

(i) Ấn Độ đã không trải qua giai đoạn 500 năm chiến tranh liên miên với quy mô ngày càng tăng như thời Tây Chu. Vẫn có chiến tranh giữa các nhà nước Ấn, nhưng nó chưa bao giờ tàn khốc tới mức tận diệt lẫn nhau như ở Trung Hoa (Tổng số chính thể chính trị đã giảm từ hơn 1000 vào đầu thời Đông Chu xuống còn 1 – nhà Tần). Ở Ấn, các cuộc chiến ít khốc liệt hơn, quy mô nhỏ hơn. Những mô hình tổ chức cổ xưa kiểu bộ tộc gana-sangha vẫn có thể tồn tại đến giữa thiên niên kỷ I chứ không hề bị tận diệt. Ngay cả đế chế hùng mạnh bậc nhất là người Maurya vào thế kỷ III TCN cũng không thể chinh phạt toàn bộ lãnh thổ Ấn, và cũng chỉ củng cố được quyền cai trị trong vùng lõi mà thôi. Chưa kể là đế chế Maurya cũng chỉ tồn tại được 136 năm.

(ii) Bước chuyển của tôn giáo Ấn. Cũng như ở Trung Hoa, có thầy tế chuyên nghiệp chủ trì lễ nghi để chính danh hóa nhà vua hay hoàng đế. Nhưng quốc giáo ở Trung không vượt quá mức thờ cúng tổ tiên, thầy tế không có phạm vi quyền hạn lớn. Khi có sự thay đổi triều đại, việc tuyên bố ai nắm giữ Thiên Mệnh không thuộc về thầy tế (mà thật ra là thuộc về sử gia của triều đại thắng cuộc).

Trái lại, dưới ảnh hưởng của tôn giáo Bà La Môn, hệ thống phân chia varna xuất hiện với 4 đẳng cấp Bà La Môn (tu sĩ), Sát Đế Lợi (binh tướng), Vệ Xá (thương nhân) và Thủ Đà La (nông dân); trong đó các tu sĩ nằm trên đỉnh của hệ thống đẳng cấp. Varna Bà La Môn được coi là người bảo vệ cho những luật lệ thiêng liêng, tồn tại trước và độc lập với quyền lực chính trị. Giới tinh hoa Ấn, mặc dù không nắm quyền lực quân sự và kinh tế, lại nắm quyền lực về nghi lễ.

=> Việc không có chiến tranh kéo dài, cũng như việc xuất hiện một quyền lực độc lập (tôn giáo) nằm ngoài uy quyền chính trị đã khiến cho Ấn Độ khó phát triển thành một nhà nước tập quyền mạnh như ở Trung Hoa. Câu hỏi đặt ra là, (1) Tại sao Ấn Độ không có chiến tranh kéo dài? (2) Tại sao quyền lực chính trị không thể thôn tính quyền lực tôn giáo?

5 – MAURYA VÀ TẦN: HAI ĐẾ CHẾ KHÁC BIỆT

Trong loạt bài gần đây “Ấn Độ ”thống nhất” tới nhường nào trước khi người Anh đến?” của tác giả Long Vũ, chúng ta đã thấy sự phân mảnh với nhiều nhà nước khác nhau cùng tồn tại ở Ấn vào thế kỷ 18-19. Sẽ không quá bất ngờ nếu biết rằng, tình trạng phân mảnh như thế đã tồn tại từ khi những nhà nước sơ khai xuất hiện.

Chính thể vĩ đại đầu tiên ở Ấn – Maurya – đã kiểm soát phần lớn lãnh thổ vào năm 260 TCN. Sẽ không có nhà nước bản địa nào hợp nhất được nhiều đất như vậy vào một nhà cai trị duy nhất ở Ấn, và hoàng đế Ashoka hoàn toàn có thể được ví với Tần Thủy Hoàng. Mặc dù vậy, Nhà nước Maurya và Tần chứa đựng nhiều yếu tố khác biệt, mà việc làm rõ nó sẽ giúp ta hiểu hơn về kết luận “Ấn Độ khó phát triển thành một nhà nước tập quyền mạnh như Trung Hoa”.

(i) Những nỗ lực tập quyền bằng con đường thể chế: Chúng ta đều đã biết, Tần Thủy Hoàng đã bãi bỏ chế độ phân phong của nhà Chu để thiết lập chế độ quận huyện, với các Quận thú và Huyện lệnh do ông tự mình bổ nhiệm nhằm tước bỏ quyền lực của thân tộc địa phương. Đây có thể được coi là những nỗ lực kế tiếp con đường tước bỏ quyền lực thân tộc của Thương Ưởng, và phần nào được kế tiếp bởi Vương Mãng vài trăm năm sau đó. Nhiều tinh hoa thân tộc cũng đã bị tiêu diệt trong vô số cuộc chiến tranh từ thời Đông Chu; đó là cơ sở để tuyển chọn những quan lại mới một cách khách quan hơn. Ngôn ngữ, đơn vị đo cũng đã được Tần Thủy Hoàng thống nhất trong cả nước.

Đã không có những đặc điểm tương tự trong đế chế Maurya. Chính phủ cấp địa phương trên toàn đế chế vẫn hoàn toàn là thân tộc. Việc tuyển chọn vào bộ máy nhà nước cũng bị hạn chế bởi thân tộc và chế độ đẳng cấp (Các quan chức cao cấp gần như toàn là các Bà La Môn). Các cuộc chiến đưa đế chế này lên đỉnh cao không kéo dài và tàn bạo như nhà Tần (cuộc chiến lớn nhất với người Kalinga chỉ giết đi 15 vạn người). Vì vậy, giới tinh hoa lâu đời không bị tàn sát. Cũng không có những nỗ lực thống nhất ngôn ngữ, đơn vị đo khắp cả nước.

(ii) Thiếu một hệ tư tưởng “Đại nhất thống” được công nhận rộng rãi: Như đã phân tích ở Kỳ 1, một lí do quan trọng dẫn đến nhà nước Trung Hoa thống nhất là do hệ tư tưởng “Đại nhất thống” đã trở thành luồng tư tưởng chủ đạo trong xã hội, được cả Nho gia và Pháp gia công nhận, các vua chúa Trung Hoa đều xem nó như nghĩa vụ phải làm.

Đã không có một hệ tư tưởng như vậy ở Ấn Độ. Sự chinh phạt đơn giản là khi một nhà cai trị sau khi thua trận chấp nhận chủ quyền danh nghĩa thuộc về người Maurya (không giống như Trung Hoa hay châu Âu, kẻ bại trận phải bị tước quyền sở hữu lãnh địa). Các thực thể chính trị cấp độ bộ lạc như các gana-sangha vẫn tồn tại trong giai đoạn trị vì của người Maurya. Thậm chí, tôn giáo Bà la Môn tạo ra những tư tưởng có tính phi quân sự trong tính cách. Học thuyết ahimsa (bất bạo động) có nguồn gốc từ kinh Vệ Đà, cho rằng giết hại chúng sinh có thể tạo ra nghiệp. Chính hoàng đế Ashoka sau khi tiêu diệt 15 vạn người Kalinga đã hối hận sâu sắc và khuyên răn các con mình tránh lún sâu vào các cuộc chinh phạt.

Với căn tính dân tộc như thế, thật khó có thể tin là có thể xuất hiện một nhà nước tập quyền ở Ấn Độ!

6 – VARNA VÀ JATI

Ngày nay, chúng ta biết đến Ấn Độ như là ví dụ điển hình của một nhà nước dân chủ nhưng chứa đựng nhiều trục trặc, một đất nước với sự phân tầng đẳng cấp nghiêm ngặt. Thật ra, hệ thống đẳng cấp varna đã tồn tại từ thuở sơ khai, và là một nguyên nhân chính cản trở sự hình thành một nhà nước tập quyền ở Ấn.

Nếu như varna (đẳng cấp) chia xã hội thành 4 đẳng cấp tách biệt, thì jati (tiểu đẳng cấp) lại chia nhỏ varna thành hàng trăm nhóm nghề nghiệp hôn chế nội ngành (từ các loại hình giáo sĩ khác nhau đến thương nhân, thợ đóng giày, nông dân…). Jati xác định ranh giới của hôn chế dị tộc, nghĩa là một người bình thường không thể kết hôn với ai đó không thuộc varna hoặc jati của mình.

Hệ quả chính trị của varna và jati là gì?

(i) Hạn chế sự phát triển của quân sự

Chúng ta đã thấy trong Kỳ 1, chiến tranh cường độ cao ở Trung Hoa thời Tây Chu về sau đã giúp thúc đẩy sự phát triển của Tổ chức quân sự; Việc đánh thuế và đăng ký dân số; Bộ máy quan liêu… Ở Ấn Độ, jati khiến chiến tranh không thể tạo ra được những chuyển biến tương tự. Hệ thống jati vốn sinh ra từ khái niệm “nghiệp” – nghề nghiệp địa vị cao hay thấp phụ thuộc vào mức độ gần gũi những thứ tanh hôi, máu me, xác chết… Các Thủ Đà La như thợ thuộc da, đồ tể, nữ hộ sinh…được coi là dơ bẩn nhất; trong khi Bà La Môn là thuần khiết nhất vì họ có quyền thi hành nghi lễ thanh tẩy cho những người tiếp xúc với máu, bụi bẩn và chết chóc. Với sự ác cảm tâm linh với máu và xác chết, thật khó tưởng tượng được là các thương binh trên chiến trường sẽ được các đồng đội ở jati/varna cao hơn hỗ trợ như thế nào.

Hệ thống xã hội bảo thủ như vậy cũng sẽ chậm chạp trong việc áp dụng các công nghệ quân sự mới. Chiến xa ở Ấn Độ chỉ biến mất sau công nguyên, voi vẫn được dùng rất lâu ngay cả khi bị nghi ngờ về tính hữu dụng. Quân đội Ấn Độ cũng chưa bao giờ phát triển lực lượng kỵ binh hiệu quả với cung thủ cưỡi ngựa, dẫn đến việc họ đã để thua người Hy Lap (thế kỷ IV TCN) cũng như người Hồi giáo (thế kỷ XII).

(ii) Tạo ra một xã hội mạnh và một nhà nước yếu

Hệ thống jati/varna cũng tạo ra động lực để gắn kết các thực thể nhỏ lại với nhau, có tính tự quản và chống lại những nỗ lực của nhà nước muốn thâm nhập và kiểm soát chúng. Thực tế này vẫn tồn tại cho đến ngày nay, khi đẳng cấp và các tổ chức làng xã vẫn là xương sống của xã hội Ấn. Mỗi làng có xu hướng do một jati thống lĩnh, đó là tiểu đẳng cấp vượt trội về số lượng so với các tiểu đẳng cấp còn lại và chiếm nhiều đất hơn. Các làng riêng lẻ có cơ chế quản trị địa phương (hội đồng làng – panchayat) và không phụ thuộc vào nhà nước trong việc cung cấp dịch vụ từ bên ngoài. Mặc dù đất đai thuộc sở hữu của nhà vua trên danh nghĩa, quyền lực trong việc đánh thuế hoặc cải cách ruộng đất của các nhà cai trị Ấn thường rất hạn chế. Đây là tình trạng mà Joel Migdal gọi là “một nhà nước yếu và một xã hội mạnh”.

(iii) Kiểm soát nạn mù chữ

Giới Bà La Môn – những người đứng trên đỉnh của varna – kiểm soát việc tiếp cận giáo dục và kiến thức thông qua vai trò của người bảo vệ nghi lễ. Đến cuối thiên niên kỷ I TCN, họ rất không thoải mái khi phải viết ra các tập kinh Vệ Đà quan trọng nhất. Trên thực tế, việc học thuộc lòng (không quan trọng việc hiểu hết ý nghĩa) các bài tụng ca trong nghi lễ là hình thái đặc trưng nhất trong quá trình học tập của Bà La Môn. Sự cam kết của các Bà La Môn đối với việc truyền miệng kinh Vệ Đà củng cố uy quyền xã hội của họ bằng cách tạo thêm các rào cản để bước vào varna của họ.

Rất lâu khi người Trung Hoa và châu Âu chuyển sang viết trên giấy da, người Ấn vẫn còn viết chữ trên lá cọ và vỏ cây. Ngay cả khi công nghệ giấy xuất hiện vào thế kỷ XI, các Bà La Môn cũng chần chừ khi sử dụng chúng. Sự độc quyền của các Bà La Môn trong học tập và quá trình chống lại việc sử dụng chữ viết có tác động khôn lường đến sự phát triển một nhà nước hiện đại.

Thử so sánh với Trung Hoa: các nhà cai trị từ đời Thương về sau đã dùng chữ viết để truyền đạt mệnh lệnh, ghi lại luật pháp, viết chi tiết về các sự kiện chính trị. Quan lại phải có khả năng đọc viết và rút ra kinh nghiệm từ các sự kiện được chép lại trước đó. Việc tuyển tài thời Hán cũng dựa trên đánh giá về sự thông thạo đọc viết.

Không có gì tương tự như thế ở Ấn Độ. Chính các nhà cai trị cũng mù chữ và nhóm quan lại cấp cao thân tộc cũng không được học hành gì. Biết chữ là một đặc quyền của tầng lớp Bà La Môn, với lợi ích cá nhân rất lớn khi duy trì sự độc quyền tiếp cận và học tập nghi lễ.

(iv) Thiết lập nền tảng cho điều gì đó tương tự với Pháp quyền

Bản chất của Pháp quyền là “Sự đồng thuận trong xã hội rằng luật pháp là công bằng, chúng tồn tại trước và hạn chế các hành vi của bất kỳ ai tình cờ trở thành nhà cai trị vào một thời điểm nào đó”. Điều này đúng với Ấn Độ, khi luật pháp được tạo ra không phải bởi vua mà bởi giới Bà La Môn với kiến thức về tín ngưỡng. Luật pháp cho thấy, nhà vua chỉ có thể có được tính chính danh bằng cách trở thành người bảo vệ cho các varna. Vua trở thành đối tượng của luật do người khác soạn chứ không phải là người tạo ra luật như ở Trung Hoa. Vì vậy ở Ấn Độ (cũng như châu Âu), đã tồn tại mầm mống của thứ có thể coi là Pháp quyền với khả năng hạn chế quyền lực chính trị thế tục.

Soi chiếu Ấn Độ từ Trung Hoa cho chúng ta thấy được nhiều hiện tượng thú vị. Hóa ra, “mô hình Á châu” hay “phương thức sản xuất châu Á” mà Marx nhắc tới lại chứa đựng vô số sự khác biệt, mà kết quả rõ nhất chúng ta có thể quan sát được ở thời hiện đại này là nhà nước tập quyền (và mạnh) Trung Quốc khác xa nhà nước dân chủ (nhưng yếu) của Ấn Độ như thế nào.

Đó là câu chuyện của châu Á. Vậy còn thế giới Islam giáo và Kito giáo? Mời đón xem tiếp phần sau.

(còn tiếp)

Ảnh: 04 varna ở Ấn Độ: Bà La Môn, Sát Đế Lợi, Vệ Xá, Thủ Đà La.

GHI CHÚ:

[1] Chẳng hạn Marx đã gộp chung Trung Hoa và Ấn Độ khi nói về “Phương thức sản xuất châu Á”.

THAM KHẢO:

1. Nguồn gốc trật tự chính trị – Fukuyama.

2. Kể chuyện Tần Hán – Lê Đông Phương.

3. Bước thịnh suy của các triều đại phong kiến Trung Quốc – Cát Kiếm Hùng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *