Đây là câu trả lời của Brian Hoang bên dưới chủ đề “Một số kiến thức hack nào mà chỉ nhà thần kinh học hoặc tâm lý học mới có thể biết” trên Quora.
Đối với sức khỏe tâm thần thì biểu cảm khuôn mặt giả trân cũng thực sự mang lại kết quả tích cực hoặc tiêu cực. Thông tin dựa trên một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Tâm lý học Thực nghiệm (Experimental Psychology).
Có khoảng 8 biểu cảm gương mặt phổ biến nhất, bất kể quốc gia hay văn hóa nào:
Hạnh phúc
Sầu não
Phẫn nộ
Khinh thường
Ghê tởm
Ngạc nhiên
Lúng túng
Sợ hãi
Cười giả trân thì chắc ai cũng biết là sao rồi, một nụ cười dù không có gì vui. Đa số mọi người đều nghĩ rằng những nụ cười không thật lòng này lâu ngày sẽ khiến chúng ta kiệt sức và mất cảm xúc vui vẻ thật sự.
Nhưng về khía cạnh tâm lý khoa học thì nở một nụ cười giả trân thực sự có thể khiến bạn hạnh phúc hơn. Tương tự như việc giả vờ tức giận có thể sẽ khiến bạn cảm thấy tức giận thật sự. Những biểu cảm được lặp lại trên gương mặt thường xuyên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tâm trạng của bạn.
Điều này là do mỗi biểu hiện trên khuôn mặt đều được gắn chặt với bộ não của ta. Khi bạn thường xuyên trưng bộ mặt nào ra thì phản ứng sinh lý và cảm xúc cũng sẽ tương ứng theo sau. Do đó, không quan trọng tính cách bạn ra sao hay bạn đến từ đâu, cảm xúc của bản thân hoàn toàn là do bạn tự chủ động hài hòa.
Để ứng dụng thực tế này, bạn có thể dễ dàng quan sát trước một buổi hòa nhạc hay biểu diễn hài kịch, ban tổ chức sẽ thêm một vài tiết mục vui nhộn trước đó để hâm nóng hay còn gọi là tiết mục warm-up. Những màn biểu diễn nhỏ này sẽ khiến cho khán giả mỉm cười và từ đó mang lại ấn tượng vui vẻ trong suốt buổi diễn.
Hay bạn có thể ứng dụng từ chính bản thân mình đơn giản bằng cách mỗi khi cảm thấy căng thẳng hoặc buồn bã hãy cười giả trân.
Lưu ý đối với ai gặp vấn đề tâm lý thì cách này có thể sẽ không khả dụng và khiến tình hình tồi tệ hơn. Nếu nhận thấy mình có các triệu chứng tâm lý, tốt nhất hãy thăm khám để nhận lời khuyên chính xác từ bác sĩ nhé.
Nguồn: Independent