Một số người không thể kiểm soát cuộc sống, dễ vướng vào suy nghĩ tiêu cực. Nhưng lại có những người, bất kể cuộc sống biến động ra sao, họ cũng bình tĩnh, cân bằng cảm xúc nhanh chóng. Và đây là những lý do tạo nên sự khác biệt.
Họ dựng nên “vùng đất hạnh phúc” trong tâm trí.
Có hàng tá những thứ khiến chúng ta khó chịu mỗi ngày như đi đường kẹt xe, công việc áp lực, con cái không nghe lời… Rất nhiều người chọn phản ứng bằng cách bực bội, nổi cáu, ca thán, thậm chí là chửi rủa.
Laura Markham, nhà tâm lý học lâm sàng tại Đại học Columbia, đã đưa ra lời khuyên, khi gặp phải tình huống gây căng thẳng, hãy chủ động điều hướng suy nghĩ nhớ đến chuyện vui, những kỷ niệm vui vẻ, hạnh phúc. Đó có thể chỉ là hành động nhỏ như vài câu chuyện đùa với đồng nghiệp hay lúc được người thân quan tâm, chăm sóc.
Nếu bạn rèn luyện thói quen này hàng ngày, bộ não sẽ tự động kết nối những khoảnh khắc mang cảm xúc tích cực, tạo thành “vùng đất hạnh phúc” trong tâm trí. Đây được xem là một “kỹ thuật” giúp giảm căng thẳng, thư giãn tinh thần để lấy lại bình tĩnh nhanh chóng.
Họ tập trung hoàn thành công việc hơn là ôm đồm nhiều việc.
Theo The Economist, thời gian và năng suất làm việc không hoàn toàn tỷ lệ thuận. Những người giữ được cân bằng trong cuộc sống thường không làm việc nhiều, nhưng kết quả công việc lại tốt hơn.
Dữ liệu từ OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) cho thấy, các nhân viên làm việc hiệu quả hơn là những người không bỏ nhiều thời gian ở văn phòng. Người lao động Hy Lạp dành trung bình hơn 2.000 giờ mỗi năm, trong khi đó, người Đức chỉ làm việc khoảng 1.400 giờ với năng suất cao hơn 70%.
Đôi khi, việc làm ít giờ khuyến khích chất lượng công việc tốt hơn. Nếu bạn đang bỏ quá nhiều thời gian để làm việc mà vẫn thấy hiệu quả không như ý, hãy thử căn chỉnh lại khối lượng công việc và cho phép bản thân được nghỉ ngơi đủ để sạc lại năng lượng.
Họ tìm cách phấn khích, thay vì thư giãn để cố bình tĩnh.
Đã bao giờ bạn được khuyên “Hãy thư giãn” để giảm căng thẳng trước buổi thuyết tình hay trước kỳ thi quan trọng chưa? Nghiên cứu của Đại học Harvard đã chứng minh, cố làm bản thân trở nên phấn khích mới là biện pháp giúp giảm lo lắng. Trong nhóm sinh viên phải thực hiện một bài tập khó, những người được yêu cầu “cố gắng phấn khởi” đạt kết quả cao hơn những người “cố giữ bình tĩnh”.
Họ luyện tập thể thao.
Thể thao không chỉ rèn luyện sức khoẻ mà còn giảm stress, giúp con người giữ cân bằng trong cuộc sống tốt hơn. Nghiên cứu công bố trên tạp chí Military Psychology cho thấy, 10 phút tập thể thao nhẹ giúp các phi công bị thiếu ngủ cảm thấy tỉnh táo tối thiểu 50 phút sau đó.
Tập luyện thể thao sẽ tăng cường sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh, được gọi là endorphins, giúp sảng khoái tinh thần. Thể thao có thể làm dịu những căng thẳng hằng ngày và giúp chúng ta ứng phó tốt hơn với những nguyên nhân gây stress.
Họ thiền để cân bằng cuộc sống.
Giữa cuộc sống bộn bề âu lo, thiền được xem là giải pháp giúp con người cân bằng cuộc sống. Không chỉ các nhà thiền học mà khoa học đã chứng thiền có lợi cho sức khỏe.
Trạng thái thiền giúp cơ thể thả lỏng, khí huyết lưu thông. Ở trạng thái này con người dường như gạt bỏ hết ưu phiền. Bởi vậy nên thiền giúp cân bằng cuộc sống. Thiền là để tĩnh tâm, gạt bỏ mọi tạp niệm để nhận thức bản ngã và thế giới xung quanh một cách đúng đắn, sáng suốt nhất. Chính vì vậy, xây dựng thói quen định thiền đều đặn sẽ giúp giải quyết tốt hơn những căng thẳng trong cuộc sống.
Họ biết trân trọng từng khoảnh khắc trong cuộc sống.
Căng thẳng, lo lắng đang trở thành kẻ thù nguy hiểm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe thể chất và tinh thần của con người. Thay vì các loại thuốc an thần, con người đang dần tìm đến các phương pháp tu tâm dưỡng trí để tìm lại sự vui vẻ, yêu đời, giải tỏa những căng thẳng, lo âu trong cuộc sống. Xuất phát từ tiêu chí đó, phương pháp “chánh niệm” của Phật giáo đang càng ngày càng được phổ biến sâu rộng bởi những lợi ích mà nó mang lại với sức khỏe tinh thần.
Thay vì dành thời gian để dằn vặt về quá khứ hay lo lắng những điều chưa xảy ra, hãy học cách “sống với thực tại” tìm lại bình yên cho tâm hồn. Thực tập “chánh niệm”, có thể giúp các bạn không để tâm vào những ồn ào xung quanh và tập trung cho mục tiêu của mình.
Nhắn gửi từ “Cân bằng cảm xúc cả lúc bão giông” (Richard Nicholls) – cuốn sách cùng bạn đương đầu với những bão tố tuổi trẻ.