TỪ NGHỆ AN – TỐT ĐỘNG ĐẾN XƯƠNG GIANG

Khởi nghĩa Lam Sơn là một cột mốc vô cùng quan trọng trong lịch sử phong kiến Việt Nam, nó đánh dấu thời kỳ chúng ta giành lại quyền tự chủ từ tay nhà Minh sau tận 20 năm trời ròng rã, với những đứt gãy và phá hoại về văn hóa và lịch sử. Nó đánh dấu sự thành lập của nhà Lê, việc phục hồi, mở rộng lãnh thổ và đến thời Tư Thành ca aka Lê Thánh Tông aka Hạo đại ca đã xác lập vị thế vững chắc trong khu vực cũng như tạo dựng những nền tảng và bàn đạp hết sức quan trọng cho công cuộc xuôi Nam hình thành nên lãnh thổ của Việt Nam đương đại.

Tuy nhiên, điều đáng buồn là không nhiều người hiểu rõ bản chất, quá trình và công lao gầy dựng Lam Sơn, thậm chí tên tuổi những nhân vật có đóng góp then chốt đến thắng lợi của nghĩa quân cũng không được mấy người chú ý đến, mà hầu hết đều diễn dịch nó theo một cách rất tiểu thuyết và sách vở, của những cuộc “chiến tranh nhân dân” “công tâm kế” “dụ hàng kế” “bình Ngô sách” … Vai trò của các tướng lĩnh (không có drama) hầu như bị lãng quên và bị hạ thấp tới một mức không thể thấp hơn nếu so với những đóng góp của họ.

Nếu xét cả quá trình 10 năm của khởi nghĩa Lam Sơn, có 3 cột mốc quan trọng, 3 bước ngoặt thành bại của nghĩa quân.

Bước ngoặt thứ nhất: Theo kế của Nguyễn Chích dời vào Nghệ An. Giai đoạn trước đó của Lam Sơn, bất kể là bám trụ vùng núi rừng Thanh Hóa hay hoạt động dọc biên giới Việt Lào, nghĩa quân đều ở vào thế yếu, bị săn đuổi và đánh tan bất cứ lúc nào, phải trốn lên Chí Linh ăn rễ cỏ, măng dại tới tận 3 lần. Nhưng từ khi chuyển vào Nghệ An, có một khu đồng bằng Thanh Nghệ rộng rãi để nuôi lính và tuyển quân, một chặng đường dài từ Đông Đô kéo xuống Nam với nhiều chỗ hiểm yếu để đánh chặn và mai phục, nghĩa quân có được một cơ sở vững chắc và thời gian yên ổn quý giá để phát triển và gây dựng lực lượng, bắt đầu quá trình quật khởi của mình.

Bước ngoặt thứ hai: Trận Tốt Động – Chúc Động. Có một cơ sở vững chắc và một lực lượng tinh nhuệ, Lam Sơn bắt đầu mưu tính tiến quân ra Bắc, nhưng lúc này nghĩa quân chưa có mấy tiếng tăm ở Bắc Hà, công tác “dân vận” địa phương thất bại, nói gãy lưỡi dân chúng chả ai dám theo, quân Minh lúc đó lại có tin viện binh sắp sang, phao tin binh lên 10 vạn trước diệt tiền quân, sau vào Nam làm cỏ Lam Sơn. Lúc này chính là các tướng mà nổi bật là: Lý Triện, Đinh Lễ … liều mạng 1 địch 10 đại thắng Tốt Động – Chúc Động thu giữ binh lương, khí giới của địch trang bị cho quân, từ đó tiếng tăm của Lam Sơn mới vang xa khắp cõi Bắc Hà, dân chúng khắp nơi nô nức theo về đưa sổ binh lên tới 35 vạn, từ việc quân đang ở thế yếu chuyển sang tiến công mạnh mẽ khắp các mặt trận dồn ép quân Minh phải chạy vào các thành đóng cửa cố thủ chờ đạo viện quân tiếp theo.

Đó, đó chính là “dân vận” đấy các bạn ạ, vào thời loạn, dân chúng sẽ đi theo kẻ cho mình cái ăn, kẻ dẫn dắt mình đánh thắng, người đủ sức đưa ra cho họ một viễn cảnh thắng lợi và no ấm chứ không phải là một vài bài hịch vu vơ mà có thể làm được điều đó, anh không đủ lực thì miệng nở hoa sen cũng vậy mà thôi.

Nếu nói dời về Nghệ An giúp Lam Sơn gầy dựng cơ sở ở Nam, thì Tốt Động – Chúc Động chính là bước ngoặt giúp nghĩa quân gây dựng danh vọng và phát triển ở Bắc Hà, chuyển thủ sang công, giành lấy quyền chủ động trên chiến trường.

Bước ngoặt thứ ba: Trận Xương Giang – Chi Lăng. Trước khi đi vào phân tích cụ thể trận chiến này, chúng ta nói một chút về chủ trương của nghĩa quân.

Từ khi giành được quyền chủ động trên chiến trường, chủ trương được quán triệt của Lam Sơn là: Dụ địch hàng và để cho quân Minh đồng ý nghị hòa, rút quân về nước. Rất nhiều người đã được giao đi làm nhiệm vụ này, thậm chí Lê Thái Tổ còn phải để Lưu Nhân Chú và con trai mình Lê Từ Tề vào tay địch làm con tin, và mặc dù có trong tay một văn thần “Bình Ngô sách đáng giá 10 vạn đại quân”, Lê Thái Tổ vẫn phải đi năn nỉ cầu hiền:

“ Lại dụ những người có tài văn chương mà chưa được nhận chức, nếu ai viết thư dụ được người thành Đông Quan, khiến họ mở cửa thành ra hàng và giảng hòa về nước, thì sẽ được thăng chức vượt cấp.” – Lê Thái Tổ – Toàn Thư – 11/1426

Từng đó người, chung tay góp sức, nên đánh đã đánh nên dụ đã dụ, những gì có thể nhượng bộ được đã nhượng bộ, tuy nhiên kết quả là: địch thà chết không hàng, hoặc chỉ hàng khi bị đánh đến chỉ còn đường “một chết, hai hàng” thì mới ra hàng. Chi tiết tham khảo bài viết của Yevon: https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=2938362809509893&id=100000086082393

Lý do là vì sao? Quân Minh trung quân ái quốc, tận trung với thiên triều không màng mạng sống?

Một phần nhỏ có thể, nhưng nguyên một đám, hơi khó. Lý do chính là vì sự trừng phạt của triều đình rất nghiêm khắc, đầu hàng tuy có thể sống thêm được trong phút chốc nhưng đến khi về nước tùy tình hình, nhẹ thì lột lon bãi chức, nặng có thể chém cả nhà. Do đó, cái kết cục tử trận chiến trường, nhà hưởng tập ấm xét ra vẫn còn đỡ hơn nhiều so với việc cả nhà bị chém vì tội đầu hàng khi chưa có chủ trương từ triểu đình. Đấy chính là lý do vì sao mà công tác dụ hàng lại hết sức khó khăn dù rằng đến cả Vương Thông cũng đã muốn hàng lắm rồi.

Trong tình cảnh đó, một tin cứu cánh cho quân Minh là: Đạo viện binh tiếp theo sắp đến. Đạo viện binh này do Liễu Thăng và Mộc Thạnh chỉ huy, theo Toàn thư tổng 2 đạo quân là 15 vạn trong đó Liễu Thăng 10 vạn, Mộc Thanh 5 vạn, còn theo Minh sử, Liễu Thăng 7 vạn, Môc Thanh 5 vạn.

Đây là tin không khác gì than ấm giữa trời đông đối với các toán quân Minh đang bị vây khốn trong các thành tại Đại Việt.

Trong khi đó điều này đẩy nghĩa quân Lam Sơn vào một tình thế cực kỳ hung hiểm. Nên nhớ rằng sổ binh của Lam Sơn lúc ấy tuy là 35 vạn, nhưng quân tinh nhuệ thì chỉ vào khoảng 5 vạn mà thôi. Quân tinh nhuệ chính là tinh binh, là lão binh đã trải qua chiến trận, là binh sĩ có thể trông cậy vào trong những trận chiến then chốt, giao phong trực diện với quân địch trên chiến trường, còn 30 vạn còn lại đa số chỉ là tân binh mới tuyển mộ, là dân chuyển thành binh, nói trắng ra chỉ khá hơn so với đám phu vận lương một chút mà thôi.

Đó là còn chưa kể, đám tàn binh quân Minh đang ở trong các tòa thành. Bọn chúng không phải chỉ là những con rùa rúc đầu, chết dí trong đó không ra, mà lúc cần thiết có thể tiến công một cách chí mạng bất cứ lúc nào. Ngay cả Lý Triện trong lần vây Đông Quan cũng là vì bị địch tập kích bất ngờ không chống nổi mà tử trận, thì cứ thử tưởng tượng cảnh địch nội công ngoại kích, trong thành đánh ra, viện quân đánh vào, quân Lam Sơn trơ trọi trên chiến địa, ai có thể đứng ra đánh thắng?

Ngoài ra còn một điều hết sức quan trọng: Quân lương. 35 vạn quân, có nghĩa là 35 vạn cái miệng ăn, quân ta đông hơn quân địch lại nằm trong thế công thành tức tiêu hao lương thực của quân ta cũng gấp địch nhiều lần, trong khi việc canh tác trong nước chưa khôi phục do chiến hỏa liên miên thì trận này càng không thể nào đánh quá lâu mà phải bằng mọi giá dứt điểm trong thời gian ngắn, quên cái “Thanh dã” đi, không xài được trong trường hợp này đâu.

Đấy, đấy chính là khó khăn của Lam Sơn mà người đứng đầu khi ấy là Lê Thái Tổ phải đối mặt khi nhìn vào 15 vạn quân Minh đang chuẩn bị tiến sang nước ta.

(Còn tiếp …)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *