Đây là một bài trong loạt bài về Bình-Xuyên, Ngô-Đình-Diệm và các tổ chức đảng-phái, tôn-giáo trong Nam. Kiếm được bài nào đăng bài đó, nguồn thì do không nhớ của từng bài nên ghi gộp chung, đọc chơi.
Bắt đầu từ tháng Giêng năm 1955, người Mỹ đã chuyển tiền cho ông Diệm qua ngã
Paris, còn người Pháp cũng đã xuôi tay. Bên cạnh tiền bạc, khí tài thì phía Mỹ gởi qua 300 cố-vấn quân-sự, thế các sĩ-quan Pháp lo vấn đề tổ-chức cho Quân-đội Quốc-gia Việt-Nam.
Phía Bình-Xuyên lúc này có 3500 quân, trang bị võ khí đầy đủ.
Hết sức khốn nạn, tên Đại-tá Mỹ là Lansdale mở chiến dịch rãi truyền đơn tuyên truyền bêu xấu ông Bảo-Đại, Pháp, ông Bảy-Viễn. Mục đích là gây chia rẽ trong anh em Bình-Xuyên. Ban đêm chúng rãi truyền đơn xuống Saigon, Cholon.
Các phương-tiện quân-sự cũng được Lansdale và Ngô-Đình-Diệm tập trung để sẵn sàng cho một cuộc chiến quy mô sắp nổ ra.
Tui tự hỏi trong suốt 9 năm cầm quyền ông cụ có trận đánh nào được huy động rầm rộ như vậy để chống cộng-sản hay không? Phải chi ông cụ dồn lực đi truy diệt Việt-cộng trong Nam hoặc tiến ra Bắc đánh Hồ-Chí-Minh thì tốt biết bao nhiêu, lúc này phía cs bắc Việt còn đang loay hoay trong CCRĐ, xã hội rối ren.
Tui cũng hết sức buồn cho tinh thần người Quốc-gia khi mà ông Trình-Minh-Thế kéo 2000 quân Cao-Đài về đầu ông Diệm, bên cạnh còn có ông Nguyễn-Thành-Phương, sau đó là ông Năm-Lửa ( Hòa-Hảo) cũng nối gót đi theo.
Trường hợp những ông này sau đó đều cay đắng, phải bỏ trốn khỏi ông Diệm, thậm chí là phải vong thân không rõ nguyên do.
Những người Bình-Xuyên cũng như các tổ chức, giáo phái ở Nam-kỳ đến giờ phút đó vẩn “ngây thơ” tin rằng ông Diệm sẽ không xuống tay tàn độc với họ, và họ cũng tin Pháp sẽ can thiệp khi có chiến sự nổ ra, thành thử sắp đến ngày diệt vong mà Bình-Xuyên vẩn chưa có sự chuẩn bị để ứng phó. Dễ hiểu, họ đâu phải sanh ra để làm chánh trị như ông Diệm, thời cuộc đưa họ vô hoàn cảnh như vậy.
Ý đồ ngay từ đầu khi mới nhậm chức của ông Diệm là có một chánh-phủ tập trung, quyền hành nằm hết trong tay Diệm, việc tồn tại các giáo-phái, tổ-chức võ-trang là không được phép. Tui biết nhiều bạn sẽ đồng ý, ủng hộ việc này. Bản thân tui cũng cho là vậy.
Nhưng hết sức bất công và áp đặt, sau khi dẹp, khống chế được các tổ chức này thì ômg Diệm và chánh-phủ của ông lại ủng hộ Công-giáo tổ-chức võ-trang để chống cộng.
Trong bài “Cha Nguyễn Lạc Hóa và làng Bình Hưng”, tác giả có nói việc ông Diệm cho cha Hóa và 2100 giáo dân được chọn đất để định cư, bên cạnh cấp cho súng trường, lựu đạn, súng trung liên và sau đó là thêm gần 200 khẩu súng của Pháp và Bình-Xuyên để lợi.
Đây là 1 trường hợp tui kể ra thôi, chưa nói đến việc ông Ngô-Đình-Thục yêu cầu các Giáo-phận phải tổ-chức quân-đội Công-giáo trên toàn-quốc. Ta coi một phát biểu của Giám-mục Giáo-phận Sài-Gòn, đức cha Phê-rô Nguyễn-văn-Bình:
Trích “Nếu Đức cha (Ngô Đình Thục) lãnh đạo giáo phận Huế thì tôi lãnh đạo giáo phận Sài Gòn và tôi không thể để nhà thờ của tôi trở thành trung tâm hội họp chính trị .
Hilaire Du Berrier, Mass: Western Islands,1965. (Đức Cha Bình trả lời Đức Cha Thục khi ông này đòi hỏi các Giám mục, Linh mục toàn quốc phải tổ chức các đội quân Công giáo tại các giáo phận)”.
Trở lợi vấn đề truy quét Bình-Xuyên và Giáo-phái.
Như vậy ta thấy rõ, các tổ-chức, giáo-phái ở Nam-kỳ chỉ có thể buông súng quy hàng hoặc là chết. Người Nam-kỳ đánh Pháp đánh cs không cần ai giúp đỡ, không nhận của ngoại-bang 1 xu nào, lúc nguy hiểm không thấy ông Diệm xông vô, đến khi Pháp rút, cộng-sản bị diệt gần như tan tác thì ông Diệm nhơn danh chánh-phủ uy hiếp họ.
Với ông Diệm thì các tôn giáo trong Nam là ” dơ dáy”, Bình-Xuyên là ” lũ lưu manh dây vào chánh trị”, thành ra ông Diệm coi khinh và đánh ” không hối hận”.
Ngày 20 tháng 3 năm 1955, Mặt-Trận Thống-Nhứt Toàn-Lực Quốc-Gia, nhờ sự nổ lực của Đức Hộ-Pháp Phạm-Công-Tắc, cùng đại diện Phật-Giáo Hòa-Hảo, Bình-Xuyên và nhiều nhơn sĩ, đã gởi đến ông Diệm một kiến nghị yêu cầu ông Diệm thành lập một Chánh-phủ đoàn kết Quốc-gia như ông đã kêu gọi ngay từ ngày mới về nước.
Nói cho rõ, không ai trong Tổ-chức này ủng hộ việc đưa ông Bảy lên làm Thủ-tướng, bản thân ông Bảy cũng không có tham vọng chánh-trị như vậy, ông tự biết năng lực mình tới đâu, thời cuộc nó đưa ông lên làm vị Tư-lịnh Quân-đội đã là quá sự trông đợi rồi.
Ngày 30/8/1955, trái lựu đạn quăng vô trong sân của Cảnh-sát Đô-thành, việc này do tên Đại-tá Lansdale đạo diễn làm cái cớ cho Quân-đội của ông Diệm dốc toàn lực để tiêu diệt Bình-Xuyên. Trước đó Bộ ngoại-giao Huê-kỳ đã có kế hoạch dàn xếp những xung đột giữa Bình-Xuyên và ông Diệm, trái lựu đạn này là có chủ ý nhằm phá vỡ cuộc dàn xếp kia.
Ngay lập tức Đại-tá Dương-văn-Minh được giao làm Tư-lịnh chỉ huy Chiến-dịch Hoàng-Diệu, phong tỏa chặt chẽ mọi ngã ra vô rừng Sát, tiến hành tảo thanh truy diệt Bình-Xuyên.
Hỡi ôi, có biết bao nhiêu anh em vì cảm mến cái tình cái nghĩa với ông Bảy mà phải vùi xác dưới thân cây mắm, cây đước trong rừng bởi bom đạn của những người mang danh Quốc-gia, hoặc phải chịu tù đày, xử tử.
Thậm chí có cả những vị từ Bắc-kỳ vô Nam lánh nạn từ hồi đảng tranh, được ông Bảy cưu mang, họ vì cái ơn cái nghĩa mà theo ông đến giờ, như các ông Nguyễn-Đức-Quỳnh, hoặc cựu tỉnh-trưởng Sơn-Tây, ông Nguyễn-Ước-Lễ.
Sẵn nhắc vì cái tình mà theo ông Bảy, tui xin kể ra một vài chuyện như sau: trường hợp ông Kỹ-sư Lê-văn-Ngọ.
Hồi kháng chiến ông bị Việt-minh bắt, trói, chờ đến giờ mổ bụng dồn trấu. Ông Bảy đi
ngang thấy, cất tiếng hỏi lý do, được trả lời là ông này có vợ đầm. Ông Bảy nghe qua, nói
một cách mộc mạc:
– Nó có vợ đầm kệ. Có vợ đầm đâu thể nói nó là Việt-gian, thả nó ra đi.
Và cũng là ông ra lịnh xé bỏ danh-sách hai trăm người có bằng cấp Tây do Trần-văn-Giàu đưa ra để thủ tiêu về tội Việt-gian. Ông nói:
– Có bằng cấp, tội gì giết tụi nó. Chờ độc lập, bắt tụi nó ra làm việc chớ ! ( chuyện này do những người có liên hệ thuật lợi, nhiều trí thức đã theo “phiến loạn Bình Xuyên” vì cái nghĩa cử ấy ).
Khi bị bao vây ở rừng Sát, cụ Trần-văn-Ân nhận thấy không an toàn vì thiếu chuẩn bị, cụ đề nghị một số nên ra về tốt hơn, như các ông Trần-văn-Cang, ông Lê-văn-Ngọ (nhạc-phụ của Bác-sĩ Lữ-Y), ông Nguyễn-Ước-Lễ, ông Thành-Nam Nguyễn-Long, ông Sĩ-Thanh, người Phật-Giáo Hòa-Hảo…. và được ông Bảy chấp thuận vì sự an toàn của họ. Tui thiết nghĩ như vậy đã là trọn tình trọn nghĩa với nhau lắm rồi. Họ về được Saigon an toàn.
Sau đó cụ Trần-văn-Ân và cụ Nguyễn-Hữu-Thuần cũng ra với sứ mạng thương thuyết để đưa anh em Bình-Xuyên ra về theo lời kêu gọi của Chánh-quyền.
Cụ gặp ông Mai-Hữu-Xuân và được dẫn đến gặp Dương-văn-Minh trên chiến hạm chỉ huy chiến dịch Hoàng-Diệu. “Vấn đề ra về” được đem ra bàn thảo với Đại-tá Minh và Trung-tá Nguyễn-Khánh, và đã ký “giấy thỏa thuận” với Đại-tá Dương-văn-Minh.
Truyền đơn rải khắp nơi kêu gọi Bình-Xuyên ra về với Chánh-phủ Quốc-Gia, được bảo đảm an toàn và hoàn toàn không bị truy tố, dành mọi dễ dàng để ai muốn hợp tác với Chánh-phủ theo khả năng của mình hoặc trở về với đời sống bình thường.
Chúng ta nên hiểu rõ, Bình-Xuyên là một thành viên của Mặt-Trận Thông-Nhứt Toàn-Lực Quốc-Gia, vì ảnh hưởng tuyên truyền xuyên tạc của Chánh-quyền Ngô-Đình-Diệm, nhiều người cho đến ngày nay vẫn còn hiểu đó là vụ án “phiến loạn Bình Xuyên”.
Cụ Ân được Hộ-pháp Phạm-Công-Tắc mời làm Cố-vấn cho Mặt-trận nhưng bị gán ghép cho là “cố vấn giờ thứ 25″ của ” phiến loạn Bình-Xuyên”, thiệt ra ông cụ không có chức vụ nào trong tổ chức cả.
Hết sức bất nhơn, khi chiến-dịch kết thúc, các cụ Ân, Nguyễn-Hữu-Thuần, Hồ-Hữu-Tường và một số sĩ-quan có liên hệ trong vụ Bình-Xuyên bị nhốt vô Chí-Hòa chờ ngày ra tòa lãnh-án.
Như vậy là không có vấn đề “ra về với Chánh phủ Quốc Gia” chớ đừng nói đến vấn đề hợp tác. Phải nhờ đến các vị Lãnh-đạo thế-giới can thiệp mà họ không bị tử hình, ông Tường bị lưu đày Côn-Đảo, cụ Ân lưu vong tị nạn bên xứ người.
Những chiến sĩ Bình-Xuyên còn sót lợi thì bị truy diệt gắt gao, và họ hết đường lui buộc lòng phải vô bưng theo kẻ thù năm xưa là Việt-cộng. Đến đây tui cần nói rõ, trong cuốn ” Bộ đội Bình Xuyên” tác-giả đã cố tình mập mờ cho người đọc hiểu là Bình-Xuyên là một nhánh bộ-đội của cộng-sản, xin nhớ kỹ, chỉ có những tàn binh của Bình-Xuyên bị ông Diệm truy diệt phải vô bưng theo cộng-sản, đừng đánh tráo sự việc.
Ở phiên tòa Đại-hình Sài-Gòn xử những người trong vụ “phiến loạn Bình Xuyên”, các ông Trần-văn-Ân, Nguyễn-Hữu'Thuần, Hồ-Hữu-Tường… đều bị kết án tối đa về “tội phiến loạn”.
Hết sức tráo trở, các ông trưng giấy thỏa ước với Đại-tá Minh ra, nhưng tòa nhận chìm. Họ xin cho Đại-tá Dương-văn-Minh và Mai-Hữu-Xuân ra tòa làm chứng, nhưng cũng bị từ khước.
Những sĩ-quan khác trưng giấy “kêu gọi” ra cho Tòa, bị Tòa lấy đút túi. Và bản án dành cho mỗi bị can cũng đã được định sẵn.Tòa chỉ làm công việc hợp thức hóa.
Ta thấy các tù nhơn đấu tranh ngày nay ở chế độ cộng-sản cũng bị đối xử na ná như vậy, tính ta ông cụ nhà ta đi trước cộng-sản nửa thế kỷ.
Giờ qua phần đảng phái, Chánh-quyền nhà Ngô bắt tay trù dập và đàn áp mạnh các Đảng phái Quốc-gia như Việt-Quốc, Đại-Việt, Duy-Dân…
Các cá nhơn bất đồng chánh kiến cũng bị truy diệt, mà vụ nổi cộm nhứt là vụ 2 ông Nguyễn-Phan-Châu và Nguyễn-Bảo-Toàn đã từng hợp tác trước đó, năm 1962 bị bắt cóc và bị Mật-vụ bỏ vô bao bố, thả xuống sông Nhà-Bè thủ tiêu.
Hộ-pháp Phạm-Công-Tắc phải trốn qua Cao-miên lánh nạn, còn bị mật-vụ nhà Ngô theo dõi qua Cao-miên ám sát, thời may thoát chết, chỉ bị thương.
Ngay cả những người từng phục vụ cho nhà Ngô như: Nhị-Lang, Thành-Nam Nguyễn-Long, Phạm-Thái của đảng Đại-Việt cũng chạy qua Cao-Miên lánh nạn truy sát.
Về phần ông Bảy được Pháp đưa ra khỏi rừng Sát qua Miên, rồi sang Pháp tỵ nạn chánh-trị. Ông sống đến năm 1972, hưởng-thọ 68 tuổi.
Nhắc một chút về gia đình ông, con trai lớn của ông là Lê Paul bị một sĩ-quan cao cấp trong chiến dịch Hoàng-Diêu bắn từ sau lưng chết. Lời đồn là lúc chết ông đem theo cái cặp chứa rất nhiều tiền bạc, chúng tui không chắc việc này.
Người con kế của ông Bảy đỗ bác-sĩ. Các con gái đều có chồng có địa vị khá trong xã-hội Pháp.
Như vậy hậu vận nhà ông Bảy coi như viên mãn, con cháu được sống trong an nhàn, đỗ đạt. Đó coi như là niềm an ủi, niềm vui cho ông có thể thanh thản mĩm cười nên chín suối.
Nguồn trong loạt bài: PGHH trong dòng lịch sử dân tộc( Thành Nam Nguyễn Long), Việt Nam máu lửa( Nghiêm Kế Tổ), Nhắc lại một hiện tựong xã hội đặc sệt Nam Kỳ, Bình Xuyên và Bảy Viễn( Nguyễn Văn Trần)và các tài liệu đã nêu trong bài viết, và một số thông tin trên gg.